Sau 3 năm chính thức thành lập cơ sở sản xuất, Bà Trần Thị Tính, thôn Trung 2, xã Kim Trung đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo cho hiệu quả kinh tế cao.
Với niềm đam mê loại thảo dược đông trùng hạ thảo, bà Trần Thị Tính đã tìm đến HTX Phú Long, Thị trấn Thịnh Long - huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ những năm 2000 để tiếp cận, nghiên cứu và học hỏi quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, do bận rộn khi còn công tác tại Trường Mầm non Kim Trung nên bà Tính phải chờ đến khi nghỉ hưu mới có đủ điều kiện để hiện thực hoá kế hoạch của mình. Và giờ đây, bà Tính đã thành công với mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo ngay trên mảnh đất quê hương, một trong những thảo dược quý có giá trị kinh tế cao.
Tháng 10/2020, bà Tính nhận bàn giao quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo từ HTX Phú Long, tỉnh Nam Định, bà đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị trị giá trên 600 triệu đồng và bắt đầu triển khai sản xuất loại nấm quý hiếm đông trùng hạ thảo, trên diện tích khoảng 300 m2. Nguyên liệu để sản xuất gồm: con giống đông trùng hạ thảo nhập khẩu từ Nhật; nhộng sống, nhộng say, lòng đỏ trứng gà, gạo huyết rồng đỏ, nước cốt chiết từ khoai tây, nước cốt dừa, cốt thịt bò, cốt mầm đậu xanh và một số loại vitamin khác. Sau khi sơ chế, nguyên liệu được đưa vào lò hấp tuyệt trùng 4h, ủ 1 tuần cho nẩy đều sau đó đưa ra phòng kích sáng nuôi sương bằng nước Ion kiềm, ở nhiệt độ 18 - 20 độ C, độ ẩm 80- 90%, để đông trùng hạ thảo phát triển trên giá thể, 100% sản phẩm nuôi bằng hữu cơ, trong khoảng thời gian 3 tháng là cho thu hoạch.
Theo bà Tính: quy trình nuôi trồng cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tuy không khó nhưng đòi hỏi phải tỷ mỉ, chi tiết từ những khâu đơn giản nhất, phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định, đúng kỹ thuật, công thức về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và thời gian,... hệ thống cơ sở vật chất phải đảm bảo vô trùng, thao tác trong quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt khó nhất là khâu cấy phôi giống vào con tằm vì đây là yếu tố quyết định thành bại của sản phẩm.
Nhờ thực hiện nghiêm quy trình được chuyển giao, nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn chất lượng nên từ tháng 8 năm 2021 cơ sở sản xuất của bà Tính đã chính thức được HTX Phú Long đặt làm cơ sở sản xuất số 2 với sự tham gia của 10 thành viên. Hiện nay, mỗi tháng trung bình cơ sở vào phôi 2 lần, mỗi lần 300 hũ, mỗi hũ 200g. Như vậy mỗi tháng cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của bà Tính sản xuất được khoảng 100 kg tươi, sản lượng cấp ra thị trường bình quân từ 50- 60 kg, giá thành giao động từ 3- 5 triệu đồng/kg, doanh thu ước đạt trên 80 triệu đồng/tháng. Để xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, bà Tính đã chủ động liên kết cung cấp sản phẩm cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, mạng xã hội zalo, facebook,... xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở để mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài sản xuất và bán đông trùng hạ thảo tươi, HTX Phú Long cơ sở 2 còn thực hiện các quy trình sấy và bảo quản ra đông trùng hạ thảo khô, chế biến ra động trùng hạ thảo ngâm rượu, ngâm mật ong để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX Phú Long cơ sở 2 tại xã Kim Trung đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và sử dụng để chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là một trong những sản phẩm được xã Kim Trung nói riêng và huyện Hưng Hà nói chung chọn để trình cấp có thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP theo quy định.
Thành công của mô hình mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Hưng Hà, bước đầu đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương./.
Chi cục Thống kê huyện Hưng Hà