Năm 2019 là mốc quan trọng trong hành trình 10 năm (2010 - 2019) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh với những kết quả ấn tượng khi 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sau 10 năm xây dựng NTM, quê lúa Thái Bình đã vươn mình phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 25/237 xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.
Tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022. Cụ thể, các xã của tỉnh Thái Bình phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 từ 64 triệu đồng/người trở lên, năm 2023 từ 68 triệu đồng/người trở lên mới đạt tiêu chuẩn xã NTM nâng cao. Đối với xã NTM kiểu mẫu, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 phải đạt từ 71 triệu đồng/người trở lên, năm 2023 từ 75 triệu đồng/người trở lên.
Năm 2023, toàn tỉnh có 28 xã đăng ký về đích NTM nâng cao. Cục Thống kê tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát Chi cục Thống kê cấp huyện và UBND các xã thực hiện Tiêu chí Thu nhập để đảm bảo mức độ đạt chuẩn của tiêu chí và đầy đủ về hồ sơ thẩm định. Ban chỉ đạo NTM các cấp đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, thôn/xóm rà soát, đánh giá khả năng hoàn thành tiêu chí thu nhập theo diễn biến thực tế tại địa phương, nhất là trong bối cảnh còn chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó, có biện pháp, chương trình gỡ vướng thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đạt kết quả bền vững suốt lộ trình thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phấn đấu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đạt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/02/2022 và Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 02/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra.
Để nâng cao chất lượng Tiêu chí Thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì chính quyền các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn theo hướng thực chất, bền vững. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 gắn với công nghiệp chế biến và thương mại, dịch vụ theo hướng liên kết, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng hệ thống các trang trại, hộ chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo quy hoạch. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mạidịch vụ, làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Nâng cao công tác dạy nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho lao động nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững. Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2025 có 120 xã (đạt tỷ lệ 50,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, năm 2022 có 25 xã (đạt tỷ lệ 10,5%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 4,6%); có 01 huyện (đạt tỷ lệ 14,3%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
PHÒNG THỐNG KÊ XÃ HỘI