Thành công bước đầu từ mô hình nuôi lươn thương phẩm
admin
2023-09-04T03:27:33-04:00
2023-09-04T03:27:33-04:00
https://thongkethaibinh.gov.vn/Tin-tuc/thanh-cong-buoc-dau-tu-mo-hinh-nuoi-lon-thuong-pham-877.html
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/news/2023_09/2.jpg
Cục Thống kê tỉnh Thái Bình
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Thứ hai - 04/09/2023 03:24
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Trình ở thôn Nội Thôn, xã Minh Quang đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng.
Theo lời giới thiệu của công chức Văn phòng – Thống kê xã Minh Quang, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Trình ở thôn Nội Thôn vào một ngày đầu tháng 9. Trên diện tích vùng chuyển đổi rộng khoảng 7.500m2, anh Trình đã đầu tư xây dựng một dãy nhà kiên cố rộng khoảng 250m2 với 20 bể nuôi bằng xi măng, mỗi bể có diện tích khoảng 10m2, có hệ thống cấp thoát nước và hệ thống nước xả tràn, mặt trong bể được lát gạch hoa trơn bóng để tránh lươn bị xây xát trong quá trình nuôi… Ngoài diện tích nuôi lươn, anh còn đào 1 ao nuôi cá nước ngọt với mục đích để chứa nước từ các bể nuôi lươn thải ra và tận dụng nguồn thức ăn còn dư thừa để nuôi cá.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trình cho biết: Ở lứa đầu tiên, tôi thả nuôi thử nghiệm khoảng 5.000 con lươn giống/ bể. Sau 3 tháng chăm sóc đến nay lứa lươn đầu tiên phát triển tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Dự kiến, đến đầu năm 2024 sẽ được thu hoạch, mỗi bể sẽ cho thu hoạch từ 0,6 – 0,7 tấn lươn thương phẩm, doanh thu khoảng 80 triệu đồng/bể, sau trừ chi phí cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng/bể.
Theo anh Trình, nuôi lươn không bùn rất đơn giản, ngoài con giống chất lượng thì người nuôi chỉ cần giữ vệ sinh nguồn nước, bảo đảm nguồn nước luôn sạch thì lươn sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy, hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn. Mỗi tháng sát khuẩn bể nuôi 2 lần để diệt vi khuẩn. Lươn không thích ánh sáng nên trên mặt nước người nuôi cần phải làm các giá thể để lươn trú ngụ. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn trong bể hiệu quả hơn nhờ nuôi với mật độ dày hơn, lươn phát triển nhanh hơn, dễ chăm sóc, dễ quan sát để phòng và trị bệnh cho lươn.
Mặc dù mới là bước đầu, xong anh Trình cho biết đến nay mô hình nuôi lươn thương phẩm của gia đình anh đã thành công, hứa hẹn cho sẽ thu nhập ổn định. Thành công của anh Trình không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời khích lệ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương cho nhiều người dân khác trong xã./.
Chi cục Thống kê huyện Kiến Xương