RỪNG PHÒNG HỘ VEN BIỂN - VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ SINH KẾ CHO NGƯ DÂN

Thứ tư - 07/06/2023 16:31
      Ngày 06/6/2023, đoàn công tác Cục Thống kê Tỉnh Thái Bình do đ/c Tăng Bá Phúc làm trưởng đoàn kết hợp với UBND huyện Thái Thụy tổ chức thăm hiện trạng rừng phòng hộ ven biển tại 2 xã Thụy Xuân, Thụy Trường; Đồng thời tìm hiều hoạt động sinh kế dưới tán rừng, nuôi ngao thương phẩm của người dân nơi đây.
     Theo báo cáo chính thức năm 2022, Huyện Thái Thụy có 2.583,8 ha rừng phòng hộ ven biển, trải dài trên địa phận các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường, Thái Thượng và Thái Đô. Từ nhiều năm qua, Hệ thống rừng của huyện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, chống xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường biển. Không những thế, rừng còn là nơi đem lại sinh kế cho người dân các xã ven biển với nguồn lợi thủy sản biển vô cùng phong phú.

     Dưới tán rừng, bãi triều. Hoạt động khai thác thủy sản diễn ra hàng ngày và chủ yếu là khai thác thô sơ. Thời gian khai thác của các hộ dân nơi đây thường bắt đầu từ 3h đến 8h ngày hôm sau và phụ thuộc nhiều vào con nước thủy triều. Nghề khai thác rất đa dạng như đăng, nú, soi còng cáy, đánh nhệch, lưới, sâm móng tay…v..v…. Sản phẩm thu về chủ yếu là còng, cáy, tôm, cua, nhệch……và các loại cá nhỏ khác. Những năm gần đây, các sản phẩm thủy sản biển đánh bắt tự nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, do đó giá cả cũng cao hơn so với nhiều năm trước. Cùng với nguồn lợi thủy sản dồi dào đã đem lại cho người dân ven biển mức thu nhập khá cao. Mỗi buổi khai thác, một hộ dân có thể thu về từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng, đảm bảo được cuộc sống của ngư dân.
       Bên ngoài diện tích rừng phòng hộ là các bãi triều nuôi ngao của người dân. Đoàn công tác đã tiến hành thăm mô hình nuôi ngao thương phẩm tại xã Thụy Trường. Theo báo cáo của UBND xã, diện tích nuôi ngao tại Thụy Trường đạt khoảng trên 370 ha và nuôi hoàn toàn tự nhiên, thức ăn và sự phát triển của ngao phụ thuộc hoàn toàn vào nước thủy triều lên xuống. Tuổi đời từ khi thả giống đến khi cho thu hoạch ngao là từ 2,5 năm đến 3 năm nuôi. Năng suất thu hoạch bình quân từ 35 tấn/ha/vụ đến 40 tấn/ha/vụ, với giá bán khoảng 20.000VNĐ/kg sẽ cho doanh thu khoảng 800 triệu/vụ thu hoạch. Trên cùng diện tích nuôi, ngoài ngao, người nuôi được thu hoạch thêm loại thủy sản thứ 2 là don với năng suất khoảng 10 tấn/ha/vụ, với giá bán 5.000VNĐ đến 8.000VNĐ/kg, các hộ sẽ thu về thêm được 70 triệu đến 80 triệu/ha/vụ thu hoạch.
    Trong những năm qua, việc bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ, giữ ổn định và phát triển các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản luôn được UBND huyện, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. Là huyện nơi đầu sóng ngọn gió của cả tỉnh, Lãnh đạo và người dân huyện Thái Thụy hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng chính là bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và nguồn lợi thủy sản đa dạng. Từ đó các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản được gìn giữ và phát triển, làm giàu cho người dân, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển cho toàn Huyện, toàn Tỉnh./.
                                                CHI CỤC THỐNG KÊ HUYỆN THÁI THỤY

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây