Chín tháng năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng do giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp duy trì ổn định và phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả tốt. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân đạt 126.088 ha; vụ Mùa đạt 90.537 ha; đối với ngành chăn nuôi, mặc dù không có dịch bệnh lớn xảy ra, việc tái đàn lợn đã có biến động tăng song trên thực tế vẫn còn chậm so với kỳ vọng; ngành thủy sản duy trì mức tăng ổn định cả trong nuôi trồng và khai thác. Kết quả cụ thể như sau:
Sản xuất vụ Đông Xuân
Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 đạt 126.088 ha, giảm 0,67% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 36.675 ha, giảm 29 ha (-0,08%); tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân năm 2023 đạt 89.186 ha, giảm 1.032 ha (-1,14%), riêng diện tích lúa xuân đạt 74.863 ha, giảm 758 ha (-1%) so với vụ xuân năm 2022.
Gieo trồng lúa xuân năm 2023, để tránh bất thuận của thời tiết giai đoạn lúa trỗ bông, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện công thức “xuân muộn - mùa sớm”, khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng gạo ngon, các giống có khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh, các giống chuyển gen kháng bệnh (bạc lá, đạo ôn, cổ bông). Ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX hoàn thành gieo cấy lúa Xuân đúng lịch thời vụ, chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, tổ chức diệt chuột, phòng, trừ sâu bệnh các loại bảo vệ sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo thuận lợi tốt nhất cho sản xuất vụ Xuân.
Tổng diện tích gieo cấy lúa xuân là 74.863 ha, giảm 758 ha (-1%) so với vụ xuân năm 2022, trong đó diện tích lúa dài ngày là 4.921 ha, chiếm 6,57%; các giống lúa ngắn ngày có diện tích 69.429 ha, chiếm 93,43% tổng diện tích lúa xuân. Các giống lúa có chất lượng gạo ngon (kể cả giống nếp dài ngày) có diện tích là 24.879 ha, chiếm 33.23% tổng diện tích lúa xuân. Giống lúa thuần có năng suất cao chiếm 67,77% gồm các giống lúa lai, Q5, BC15, TBR45, TBR-1, Thiên ưu 8, TBR225, VN10...Năng suất đạt 70,02 tạ/ha, sản lượng đạt 503,8 nghìn tấn, giảm 7 nghìn tấn (-1,31%) so với vụ Xuân năm 2022.
Cây màu Đông Xuân: Vụ Đông Xuân năm 2023 nhìn chung các cây trồng hàng năm đều phát triển thuận lợi, tổng diện tích gieo trồng các loại cây màu đạt 51.225 ha, năng suất sơ bộ ước đạt tương đương với cùng kỳ năm trước. Cụ thể là:
Cây ngô: Năng suất sơ bộ đạt 58,46 tạ/ha, tăng 0,04 tạ/ha, (+0,07%), sản lượng sơ bộ đạt 39.671 tấn, giảm 559 tấn (-1,39%) so với vụ đông xuân năm 2022 do diện tích gieo trồng giảm 100 ha (-1,46%).
Cây khoai lang: Năng suất sơ bộ đạt 121,69 tạ/ha, giảm 1,16 tạ/ha (-0,9%), sản lượng đạt 31.890 tấn, tăng 2.142 tấn (+7,2%) so với vụ đông năm trước (do diện tích tăng 199 ha).
Cây khoai tây: diện tích đạt 3.609 ha, giảm 46 ha (-1,25%), năng suất đạt 155,14 tạ/ha giảm 1,74 tạ/ha (-1,1%), sản lượng ước đạt 55.991 tấn, giảm 1.348 tấn (-2,35%) so với vụ đông năm trước.
Cây đậu tương: Năng suất đạt 18,02 tạ/ha, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, sản lượng đạt 1.416 tấn, tăng 101 tấn (+7,2%) so với vụ đông năm trước (do diện tích tăng 57 ha).
Rau các loại: Năng suất đạt 241,78 tạ/ha, tăng 0,36 tạ/ha (+0,15%), sản lượng đạt 735.053 tấn, giảm 33.692 tấn (-4,38%), do diện tích giảm 323 ha. Trong đó: rau cải các loại giảm 2.334 ha, sản lượng đạt 256.934 tấn, giảm 63.466 tấn (-19,81%); rau mùng tơi tăng 118 ha (+12,39%), sản lượng thu hoạch ước đạt 23.928 tấn, tăng 2.769 tấn (+13,09%); rau bắp cải diện tích đạt 1.616 ha, tăng 159 ha (+10,93%), sản lượng đạt 46.894 tấn, tăng 5.129 tấn (+12,28%) so với cùng kỳ năm trước.
Cây gia vị hàng năm diện tích đạt 1.207 ha, giảm 26 ha, trong đó ớt cay diện tích đạt 1.027 ha, giảm 54 ha, năng suất sơ bộ đạt 164,36 tạ/ha, tăng 0,02 tạ/ha, (+0,01%) so với vụ đông xuân năm 2022.
Sản xuất vụ Mùa
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2023 đạt 90.537 ha, giảm 925 ha (-1,01%) so với vụ mùa năm 2022. Diện tích cây lương thực có hạt 77.082 ha, giảm 1.085 ha (-1.39%), trong đó diện tích lúa đạt 75.000 ha, giảm 1.006 ha (-1,32%) so với vụ mùa năm 2022.
Lúa mùa năm 2023, đến ngày 15/8 toàn tỉnh hoàn thành 100% diện tích gieo cấy lúa mùa. Thời điểm lúa mùa trỗ bông là khoảng từ ngày 05/9 đến ngày 20/9, lúa mùa đại trà sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đã được Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt. Đến thời điểm 14/9/2023 diện tích lúa mùa đã trỗ bông khoảng trên 50.000 ha, chiếm 66,67% tổng diện tích lúa mùa đã gieo cấy, dự kiến năng suất ước đạt 60,75 tạ/ha, tăng 0,09 tạ/ha (+0,16%) so với vụ mùa năm 2022; sản lượng thóc ước đạt 455,6 nghìn tấn, giảm 5,39 nghìn tấn (-1,17%) so với vụ mùa năm 2022. Các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản điều tiết nước; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ công tác chống ngập úng như duy tu, bảo dưỡng trạm bơm điện…sẵn sàng tham gia phòng, chống úng, hạn cục bộ khi cần thiết để sản xuất vụ Mùa đạt kết quả tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các yếu tố bất lợi của thời tiết gây ra.
Để bảo vệ lúa mùa, các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương huy động nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cuối vụ: phòng, trừ sâu đục thân hai chấm trên trà lúa trỗ bông sau ngày 15/9 và sau ngày 20/9; phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ; phòng, trừ rầy khi rầy tuổi nhỏ; phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho trà lúa còn đang trong giai đoạn chắc xanh và trỗ khi có thời tiết mưa kéo dài, nhiệt độ xuống thấp.
Diện tích các cây trồng khác cụ thể là: Cây có hạt chứa dầu 972 ha, tăng 39 ha (+4,24%), trong đó đậu tương 446 ha tăng 43 ha (+10,5%); cây rau đậu, hoa cây cảnh các loại 11.269 ha, tăng 194 ha (+1,75%); trong đó rau các loại 9.481 ha, tăng 51,7 ha (+0,55%); đậu đỗ các loại 1.511 ha, tăng 153 ha (+11,26%); hoa các loại đạt 278 ha, giảm 10 ha (-3,72%); cây gia vị hàng năm đạt 271 ha, giảm 53 ha, (-16,3%); cây dược liệu, hương liệu hàng năm đạt 122 ha, giảm 17 ha (-12,04%); cây hàng năm khác đạt 366,6 ha, giảm 5,78 ha (- 1,65%) so với vụ mùa năm 2022.
Cây lâu năm
Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh 9 tháng năm 2023 ước đạt 8.293 ha tăng 136 ha (+1,67%) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó diện tích cây ăn quả đạt 5.937 ha, tăng 128 ha (+2,21%) so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 71,59% trong tổng diện tích.
Các loại quả nhiệt đới và cận nhiệt đới: Tổng diện tích ước đạt 3249 ha, tăng 158 ha (+5,1%) so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Cây chuối được xác định là cây trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với diện tích hiện có ước đạt 2.129 ha, giảm 38,7 ha (-1,79%), chiếm tỷ trọng 25,7% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Sản lượng thu hoạch chuối 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 56.736 tấn, giảm 1.032 tấn (-1,79%)… các loại cây nhiệt đới khác như mít, ổi diện tích ước đạt 383 ha, tăng 96 ha (+33,38%) so với cùng kỳ năm trước.
Các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt: Tổng diện tích ước đạt 847 ha, tăng 130 ha (+18,15%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích cam là 192 ha; quýt 85 ha; chanh 241 ha; bưởi 329 ha.
Nhãn, vải, chôm chôm: Tổng diện tích ước đạt 1.389 ha, giảm 100 ha (-6,74%) so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nhãn là 910 ha, giảm 30 ha; vải 479 ha, gảm 71 ha;
Cây chè hái lá: Diện tích ước đạt 135 ha, tăng 8 ha (+6,53%) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch của cây chè 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.548 tấn, tăng 131 tấn so với năm 2022.
Cây gia vị lâu năm: Diện tích ước đạt 121 ha, tăng 45 ha (+59,14%), sản lượng ước đạt 1.124 tấn, tăng 399 tấn (+54,92%) so với cùng kỳ năm trước.
Cây dược liệu lâu năm: Diện tích ước đạt 929 ha, tăng 37 ha (+4,11%), trong đó chủ yếu là cây hòe với diện tích hiện có ước đạt 824 ha, giảm 0,12%, tiếp đến là cây đinh lăng với diện tích 76 ha, tăng 9 ha (+13,61%) so với cùng kỳ năm trước.
Cây quất cảnh, đào cảnh: Nghề trồng quất cảnh, đào cảnh hiện đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh, một phần là do thu nhập từ nghề trồng quất đào cảnh mang lại cao hơn nhiều so với cấy lúa và trồng cây rau màu khác. Diện tích quất cảnh hiện có ước đạt 189 ha, tăng 38 ha (+25,24%), sản lượng thu hoạch ước đạt 663.475 cây, tăng 132.595 cây (+24,98%) so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích đào cảnh ước đạt 183 ha, giảm 9 ha (-4,71%), sản lượng thu hoạch ước đạt 845.119 cành, giảm 49.966 cành (-5,58%) so với cùng kỳ năm trước.
Cây cảnh khác: Diện tích hiện có của cây cảnh lâu năm khác ước đạt 196 ha, giảm 102,8 ha (-34,36%), sản lượng thu hoạch ước đạt 703.346 cây, giảm 174.737 cây (-19,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Cây lâu năm khác còn lại: Diện tích ước đạt 568 ha, giảm 15 ha (-2,53%), trong đó diện tích của cây Dâu tằm là 346 ha, giảm 3 ha (-0,83%) so với cùng kỳ năm 2022.
Chăn nuôi
Chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ được nhân rộng. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại; quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi VietGAHP được tuyên truyền, nhân rộng áp dụng rộng rãi; khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y được chuyển giao, ứng dụng đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn,…
Với mục tiêu toàn tỉnh đề ra là phục hồi chăn nuôi lợn; duy trì đàn gia cầm trọng tâm là đàn gà; đàn trâu, bò phấn đấu tăng từ 2% đến 5%. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó.
Chăn nuôi trâu, bò: Trong 9 tháng năm 2023 dịch bệnh được kiểm soát không xuất hiện trên đàn trâu, bò. Sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 7.751 tấn, tăng 1,77%; trong đó, sản lượng thịt trâu đạt 66 tấn, tăng 1,85%; sản lượng thịt bò đạt 7.091 tấn, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2022.
Chăn nuôi lợn: Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát, số lượng đầu con trong những tháng gần đây đã có sự biến động tăng do các cơ sở nuôi đã bắt đầu thực hiện việc tái đàn, song trên thực tế số lượng lợn tái đàn tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn chậm so với kỳ vọng, bởi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợi hơn giảm nên các hộ chăn nuôi nhỏ chưa thể tái đàn do phải đối mặt với nhiều khó khăn, mặt khác khiến người chăn nuôi cũng đang rất thận trọng, thậm chí không dám thực hiện việc tái đàn ồ ạt do e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, việc tái đàn tập trung vào những hộ chăn nuôi lớn có quy mô trang trại trở lên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn rất khó khăn do Thái Bình chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ là chủ yếu; nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dù có đủ điều kiện vẫn thận trọng không dám tái đàn vì chi phí đầu tư lớn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 123,97 nghìn tấn, tăng 2,49% so với cùng kỳ năm 2022.
Chăn nuôi gia cầm: Với mục tiêu duy trì đàn gia cầm, trọng tâm là đàn gà, tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp, trang trại tập trung và nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn, đưa vào nuôi nhiều giống gà là tổ hợp lai của các giống gà lông màu cao sản có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu như: Gà Rilai, Mía lai…. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 49,13 nghìn tấn, tăng 1,58%, trong đó: sản lượng gà thịt đạt 38,40 nghìn tấn, tăng 1,36%; sản lượng trứng gia cầm đạt 252,88 triệu quả, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp 9 tháng năm 2023 tập trung vào việc chăm sóc, bảo vệ rừng và tiếp tục chỉ đạo các xã ven biển tăng cường công tác quản lý và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện trồng bổ sung rừng ngập mặn ven biển. Diện tích rừng được trồng mới tập trung là 8,3 ha, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Phong trào trồng cây phân tán ở Thái Bình vẫn được các địa phương duy trì hiệu quả gồm các cây lấy gỗ, cây bóng mát và các loại cây khác.
Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.700 m3, tăng 1,61%; củi khai thác 6.132 Ste, tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước, do trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cây lấy gỗ trồng phân tán nên sản lượng gỗ, củi khai thác rất hạn chế và dần có xu hướng cạn kiệt.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng ước tính 9 tháng năm 2023 đạt 210,13 nghìn tấn, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng khai thác ước đạt 77,94 nghìn tấn, tăng 2,97%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 132,19 nghìn tấn, tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng giống thủy sản đã sản xuất đạt 1.481 triệu con, tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2022.
Về khai thác: Sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 77,94 nghìn tấn, tăng 2,97% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác biển: sản lượng ước đạt 74,86 nghìn tấn, tăng 3,18%; trong đó sản lượng cá ước đạt 48,68 nghìn tấn, tăng 3,25%; sản lượng tôm ước đạt 1,37 nghìn tấn, tăng 3,38%; thuỷ sản khác ước đạt 24,80 nghìn tấn, tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác nội địa: Khai thác nội địa có xu hướng giảm do sản lượng thủy sản trong môi trường tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Ước tính sản lượng 9 tháng năm 2023 đạt 3,07 nghìn tấn, giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2022.
Về nuôi trồng: Trong 9 tháng năm 2023 có xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm nuôi tại vùng nuôi thuộc 8 xã của 02 huyện (Tiền Hải: 04 xã và Thái Thụy: 04 xã). Ngay khi phát hiện các ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo, cấp phát hóa chất và xử lý mầm bệnh. Đến nay chưa có báo cáo tôm chết do bệnh đốm trắng.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 132,19 nghìn tấn, tăng 3,67% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 33,46 nghìn tấn, tăng 2,88%; tôm đạt 3,26 nghìn tấn, tăng 3,04%; nuôi trồng thủy sản khác ước đạt 95,10 nghìn tấn, tăng 3,97% so với cùng kỳ năm 2022.
Nuôi trồng thủy sản lồng bè đã và đang phát triển ổn định tại các địa phương, đối tượng chủ yếu nuôi là cá lăng và cá diêu hồng;… và hầu trên bè ở cửa sông. Sản lượng nuôi lồng bè 9 tháng năm 2023 ước đạt 1,97 nghìn tấn, tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2022.
Phòng Thống kê Kinh tế