Đến ngày 20/02/2023, nông dân huyện Quỳnh Phụ đã cơ bản gieo cấy xong hơn 11.000 ha diện tích lúa xuân. Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ xuân 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các xã, thị trấn, các HTXDVNN tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, cây màu vụ xuân.
( Nông dân HTXDVNN Quỳnh Ngọc tỉa, dặm đảm bảo mật độ lúa xuân)
Đối với diện tích với lúa xuân: Sau cấy 7 -10 ngày tiến hành bón thúc bằng các loại phân chuyên thúc có hàm lượng cao của các Công ty có uy tín trên thị trường; lần 1 bón 2/3 lượng phân thúc, lần 2 bón sau lần 1 khoảng 10 - 15 ngày, bón hết lượng phân thúc còn lại. Bón thúc sớm, bón tập trung, bón nặng đầu nhẹ cuối, bón tăng lượng Kali cho các giống có tiềm năng năng suất cao; cần duy trì mực nước nông trên đồng ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh hữu hiệu và chủ động điều tiết nước hợp lý. Đối với diện tích lúa gieo sạ: Khi lúa được 2,5 - 3 lá thật, đưa nước láng chân, bón nhử bằng NPK chuyên thúc và tỉa, dặm đảm bảo mật độ thích hợp. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, tiến hành chăm bón như lúa cấy. Những diện tích lúa cấy sâu, lúa bị nghẹt rễ khuyến cáo nông dân làm cỏ, sục bùn, thay nước, bón vôi bột và dùng các chế phẩm Pennac P, siêu lân, KH... để giúp cho bộ rễ phát triển mạnh. Tuyên truyền để nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm và xử lý kịp thời các đối tượng gây hại như chuột, ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen và bệnh đạo ôn trên lá.
Đối với cây màu xuân: Nông dân trong huyện cần tập trung chăm sóc, tỉa dặm và dùng các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu xanh, sâu khoang, bệnh lở cổ, héo rũ, mốc sương, sương mai... tạo điều kiện để cây màu sinh trưởng, phát triển tốt.
Chi cục Thống kê Quỳnh Phụ