TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH THÁNG 7 NĂM 2022
admin
2022-07-28T23:26:09-04:00
2022-07-28T23:26:09-04:00
https://thongkethaibinh.gov.vn/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-tinh-thai-binh-thang-7-nam-2022-768.html
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/news/2022_07/ktxh_1.jpg
Cục Thống kê tỉnh Thái Bình
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Thứ ba - 26/07/2022 23:31
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng các địa phương tập trung gieo cấy lúa mùa, trồng rau màu có khung thời vụ muộn và chăm sóc cây trồng vụ hè. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai thực hiện. Các loại cây trồng, đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Gieo cấy lúa vụ mùa: Tính đến ngày 14/7/2022 toàn tỉnh đã gieo cấy được 56.260 ha lúa mùa, đạt 73,6% kế hoạch đề ra, dự kiến sẽ kết thúc gieo cấy lúa mùa trước ngày 25/7/2022. Hiện trà lúa đã gieo cấy phát triển tương đối tốt, tuy nhiên trong tháng thời tiết nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp, vì vậy các địa phương cần chủ động thường xuyên theo dõi đồng ruộng, tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa mùa, phòng chống sâu bệnh và các nhân tố khác ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Gieo trồng rau màu: Tổng diện tích cây màu hè đã trồng đạt 10.980 ha, đạt trên 99,8% kế hoạch đề ra, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2021; diện tích cây màu hè đã thu hoạch 9.620 ha, chiếm 87% diện tích cây màu hè đã trồng. Diện tích cây màu hè thu đã trồng 3.610 ha đạt 60% kế hoạch.
Chăn nuôi
Trong tháng, chăn nuôi trâu bò và gia cầm nhìn chung ổn định. Chăn nuôi lợn phục hồi chậm, do giá thức ăn đầu vào tăng cao, tiềm ẩn nhiều gặp nhiều rủi do về dịch bệnh vì vậy tâm lý người chăn nuôi còn thận trọng. Hiện nay giá thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc tăng từng ngày, tại Thái Bình giá lợn hơi cao trên 70.000 đồng/kg; so với hai tuần trước, giá tăng khoảng 30%.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 7 tháng năm 2022: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 5.950 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 88,7 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 31,8 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 23 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng trứng gia cầm đạt 193,8 triệu quả, tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản
Tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản trong tháng ổn định, khai thác thủy sản khôi phục và duy trì tốt do giá xăng dầu giảm. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng năm 2022 ước đạt 151,8 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Khai thác: Sản lượng khai 7 tháng năm 2022 ước đạt 59,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 37,6 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 0,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ.
Nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng năm ước đạt 92,4 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 23,7 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác đạt 66,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 tăng 6,5% so tháng 6/2022. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính 7 tháng năm 2022 so cùng kỳ năm 2021 tăng 13,8%: trong đó ngành Khai khoáng tăng 40,3%, Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 18,5%, Sản xuất và phân phối điện đạt 93,2%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 96,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm túi khí an toàn (+50,2%); tai nghe khác đạt 11,3 triệu cái, tăng 42,2%; Gạch xây bằng đất nung tăng 38,3%; Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng tăng 39,4%; sản phẩm áo sơ mi người lớn tăng 35,7%. Ở chiều ngược lại, bia chia giảm 31,3%; sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc thô (-55,9%); sản phẩm loa (-41,2%); thép cán (-22,1%) …
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến tháng 7/2022 giảm 1,7% so tháng trước, cộng dồn 7 tháng giảm 2,8% so cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số tồn kho tính đến tháng 7/2022, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tăng 9,5% so tháng trước, so cùng kỳ đạt 92,7%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 7/2022 tăng 1,6% so tháng trước và cộng dồn 7 tháng tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2021.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 3.148 tỷ đồng, tăng 52,8% so cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 28,3%; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 15,4%; vốn ngân sách Nhà nước huyện ước đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 103,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 484 tỷ đồng, tăng 61,6% so cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 7/2022:
Dự án HTDC Đồng Rộc thị trấn Tiền Hải và Xã Tây Giang, vốn đầu tư 103 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt hơn 8 tỷ;
Dự án HTKT khu dân cư thôn Đông giai đoạn 3, tổng vốn gần 74 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 6 tỷ;
Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước Thị trấn Tiền Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 50 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt hơn 4 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 221B Xã Nam Hải- Nam Trung huyện tiền Hải, vốn đầu tư gần 56 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 5 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 221B Xã Nam Hải- Tây Phong huyện tiền Hải, vốn đầu tư gần 55 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt hơn 8 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 131 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 3 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý Giai đoạn II huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 120 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 3 tỷ đồng;
Dự án xây Cầu và đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 4 tỷ;
Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 4 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 464 (đường 221D), đoạn từ xã Đông Xuyên đến đường ven biển xã Đông Minh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 89 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 3 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn từ đê Sông Hồng đến xã Nam Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 70 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 2,5 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải (giai đoạn 2), vốn đầu tư gần 55 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 2,4 tỷ đồng;
Dự án hạ tầng khu dân cư khu đô thị OĐT-8B TT Diêm Điền huyện Thái Thuỵ, vốn đầu tư gần 86 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt hơn 11 tỷ;
Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 5 từ đê sông Diêm Hộ đến đường quy hoạch số 2 huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 231 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt gần 4 tỷ đồng;
Dự án xây dựng xây dựng đường 454 đoạn từ ngã 3 Tịnh Xuyên Hồng Minh đi Thị trấn Hưng Hà, vốn đầu tư 150 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 20 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích Trần Thủ Độ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 15 tỷ;
Dự án nâng cấp đường huyện 62 (xã Minh Hòa), vốn đầu tư 90 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 20 tỷ đồng;
Dự án san lấp hạ tầng KCN xã Thống Nhất, vốn đầu tư 195 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 30 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường huyện 61-67 đoạn xã Phúc Khánh đia xã Hòa Tiến huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ, dự kiến tháng 7 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hưng Nhân huyện Hưng Hà mở rộng, vốn đầu tư 210 tỷ đồng, dự kiến tháng 7 đạt 15 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến đầu tháng 7/2022 đã cấp 607 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 6.151 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 329 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 48 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 48 doanh nghiệp.
Tính chung 7 tháng đầu năm có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 65,82 triệu USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tình hình thị trường hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 7/2022 tiêu dùng có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm giảm, học sinh nghỉ hè ảnh hưởng đến ăn uống ngoài gia đình. Giá cả một số mặt hàng biến động tăng như thịt gia cầm, xi măng, xe máy, xe máy điện,…tác động đẩy tốc độ các nhóm trong tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2022 ước đạt 4.733 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 4.164 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021, do cùng kỳ năm trước nhiều hoạt động bị hạn chế bởi sự quay trở lại của đợt dịch lần thứ tư. Một số nhóm hàng có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ như: Nhóm nhiên liệu khác (+56,9%); nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy (+43,9%); nhóm xăng dầu các loại (+36,6%); nhóm hàng hóa khác (+28,8%); nhóm hàng may mặc (+26,6%); nhóm gỗ và vật liệu xây dựng (+18,7%); nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục (+17,6%); nhóm đồ dùng, dụng cụ, trng thiết bị gia đình (+14,4%);….
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 7/2022 ước đạt 311 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 12 tỷ đồng, giảm 5,3% so với tháng trước và tăng 30,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 293 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 32,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 6,7 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ tăng do dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm văc-xin cao đã tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình.
Bên cạnh sự phục hồi tích cực của hoạt động thương mại, dịch vụ, nhiều dịch vụ tiêu dùng khác như: dịch vụ vui chơi, giải trí, karaoke, internet, spa, làm đẹp,… cũng đang có xu hướng tăng trưởng khá tốt. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 7/2022 ước đạt 258 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ. Một số dịch vụ có mức tăng cao so với cùng kỳ như: dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2 lần; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 41,5%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 35%; hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 31%; dịch vụ y tế tăng 29,7%; dịch vụ dịch vụ sửa chữa tăng 11,8%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 33.411 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 29.422 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng mức), tăng 16,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 2.107 tỷ đồng (chiếm 6,3% tổng mức), tăng 32,1%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.882 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng mức), tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 năm 2022 tăng 0,72% so với tháng trước; tăng 2,43% so với cùng tháng năm trước; tăng 3,79% so với tháng 12 năm trước. Sau 3 đợt điều chỉnh giảm xăng dầu vào các ngày 02,11,21 tháng 7 (xăng 95 giảm 6.900 đồng/lít; xăng E5 giảm 6.320 đồng/lít; dầu điezen 0,05 giảm 5.160 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 3.540 đồng/lít), giá xăng lệch 1,5% so vùng 1, giá dầu điezen 0,05 lệch 190 đồng/ lít so vùng 1, đây là áp dụng riêng của công ty xăng dầu tỉnh Thái Bình, đã trực tiếp tác động giảm chung chỉ số giá 0,027% so với tháng trước. Giá lợn hơi tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến giá thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, tác động tăng chung chỉ số giá tiêu dùng so tháng trước 0,003%, giá thịt gia cầm vẫn tiếp tục tăng trong tháng 7/2022.
CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm hàng giảm giá: chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,85%; chỉ số giá nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,03%; chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Còn lại 7 nhóm có chỉ số tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 20,02% tác động từ giá xăng dầu bình quân tăng; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,54%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,52%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,42%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,36%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,28%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 409 triệu USD, tăng 24,3% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.715 triệu USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 20,7%; nhập khẩu tăng 39,5%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2022 ước đạt 206 triệu USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 129 triệu USD, giảm 2,2% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 77 triệu USD, giảm 11,7% so với tháng trước và giảm 35,1% so với cùng kỳ. Trên thị trường hiện tỷ giá đồng Euro đang giảm sâu đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp thanh khoản bằng đồng Euro khiến một số đơn hàng dừng xuất trong tháng 7, chủ yếu là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng xơ sợi, thủ công mỹ nghệ. Hầu hết các mặt hàng có trị giá xuất khẩu đều giảm so tháng trước như: Sản phẩm từ sắt thép giảm 44,5%; hàng hóa khác giảm 23,9%; sản phẩm gỗ giảm 22,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 17,4%; sản phẩm gốm, sứ giảm 8,2%; xơ, sợi dệt các loại giảm 4,3%;...
Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.318 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 777 triệu USD, tăng 41,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 541 triệu USD, giảm 0,1%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Hàng hóa khác tăng 39,7%; hàng dệt may tăng 37,7%; sản phẩm từ sắt thép tăng 34,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 30,1%; sản phẩm gỗ tăng 27%; sản phẩm gốm, sứ tăng 15,5%;... Một số mặt hàng giảm: sắt thép giảm 90,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 39,1%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 35,1%.
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2022 ước đạt 203 triệu USD, giảm 11,1% so với tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 149 triệu USD, giảm 11,7% so với tháng trước và tăng 60,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 54 triệu USD, giảm 9,5% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ. Phần lớn các mặt hàng có giá trị nhập khẩu đều giảm so với tháng trước như: Hàng thủy sản giảm 61,8%; hóa chất giảm 23,5%; hàng hóa khác giảm 14,6%; xơ, sợi dệt các loại giảm 11,8%; vải các loại giảm 11,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 11,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 11,1%; xăng dầu các loại giảm 10,4%;…
Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.397 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 1.037 triệu USD, tăng 88,2% chủ yếu do nhập khẩu xăng dầu có tốc độ tăng cao (+1,4 lần); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 360 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm sâu (-88,1%). Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn đều tăng cao so với cùng kỳ như: Xăng dầu các loại đạt 557 triệu USD (chiếm 39,9%), tăng 1,4 lần; vải các loại đạt 345 triệu USD (chiếm 24,7%), tăng 34,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 222 triệu USD (chiếm 15,9%), tăng 38,6%; hàng hóa khác đạt 102 triệu USD (chiếm 7,3%), tăng 18,8%.
Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải đang được phục hồi mạnh mẽ, nhất là vận tải hành khách do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành vận tải phải đối mặt với khó khăn do tác động của giá xăng dầu tăng cao liên tục buộc các đơn vị vận tải phải tăng giá cước vận chuyển. Tổng doanh thu hoạt động vận tải tháng 7/2022 ước đạt 603 tỷ đồng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 40,9% so với cùng kỳ. Dự tính 7 tháng năm 2022 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 4.078 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 7/2022 ước đạt 173 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 79,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 2,3 triệu người, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 66,3% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 263 triệu người.km, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 72% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 15 triệu người, tăng 22,8%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 1.692 triệu người.km, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 424 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 29,7% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 30,5% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 926 triệu tấn.km, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.913 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 1.681 tỷ đồng, tăng 23,7%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 15,1%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 184 tỷ đồng, tăng 6,3%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 17,5 triệu tấn, tăng 17,6%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 6.383 triệu tấn.km, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7/2022 ước đạt 6,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022 ước đạt 43 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 7/2022 ước đạt 0,6 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 30,9% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2022 ước đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2022 ước đạt 15.985 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 5.540 tỷ đồng, tăng 2,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 2.139 tỷ đồng, tăng 111,2%.
Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng năm 2022 ước đạt 7.518 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 3.363 tỷ đồng, tăng 9%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Đến cuối tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 26 Chi nhánh Ngân hàng, 85 QTDND và 01 Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô hoạt động. Các Tổ chức tín dụng thành lập 08 chi nhánh cấp huyện, 91 Phòng giao dịch, 44 QTDND mở rộng địa bàn sang 62 xã và 260 điểm giao dịch của NHCSXH đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đã lắp đặt 193 máy ATM, 923 thiết bị chấp nhận thẻ POS. Đã mở trên 1,5 triệu tài khoản, phát hành gần 1,7 triệu thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua TK cho 1.902 cơ quan HCSN và DN (trong đó 1.418 cơ quan HCSN) với trên 175 nghìn lao động nhận lương qua tài khoản.
Hoạt động ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, của ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự kiến đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 99.860 tỷ đồng, tăng 6,0% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 83.800 tỷ đồng, tăng 11,5% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,67% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Theo báo cáo Sở Lao động thương binh và Xã hội, trong tháng, Sở đã hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động có nguyện vọng đăng ký tham gia dự thi tiếng Hàn năm 2022 và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2022 theo Chương trình EPS trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.
Thực hiện Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 09/5/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ rà soát cấp tỉnh đã tiếp nhận, kiểm tra và trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ 144 người lao động của 11 đơn vị thuộc Thành phố Thái Bình và huyện Tiền Hải với số tiền trên 147 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, Sở đã hướng dẫn 25 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động; 16 doanh nghiệp thực hiện các quy định về pháp luật lao động. Phối hợp kiểm tra thông tin, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 27 doanh nghiệp; trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động đối với 129 lao động nước ngoài của 59 lượt doanh nghiệp, cơ sở; cấp giấy phép lao động cho 265 lao động nước ngoài (trong đó cấp mới 196 lao động, cấp lại 27 lao động, gia hạn 42 lao động). Hướng dẫn 146 doanh nghiệp thực hiện huấn luyện ATVSLĐ cho gần 23.020 lao động; hướng dẫn 18 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 463 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Tháng 7/2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 3.700 người, trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 2.600 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 700 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 400 người; nâng tổng số lao động được tạo việc làm 7 tháng năm 2022 lên 22.690 người (đạt 68,76% kế hoạch năm), trong đó, tạo việc làm tại địa phương cho 15.800 lao động, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 4.770 lao động, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 2.120 lao động. 7 tháng năm 2022, Sở đã tiếp nhận và thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 4.364 lao động.
Trợ cấp xã hội
Theo báo cáo Sở Lao động thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 14.614 hộ, tỷ lệ 2,22% (giảm 0,13 % so với năm 2020), tổng số hộ cận nghèo là 15.838 hộ, tỷ lệ 2,41% (giảm 0,15% so năm 2020). Kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ), tổng số hộ nghèo là 15.739 hộ, tỷ lệ 2,40%; tổng số hộ cận nghèo là 16.218 hộ, tỷ lệ 2,47%.
Trong tháng 7/2022, Sở đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2022-2025. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Lập danh sách 15 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn đề nghị Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương hỗ trợ kinh phí xây nhà ở.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt mô hình công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội. Triển khai tới các địa phương tiến hành rà soát, bổ sung và chuẩn hoá dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ kinh phí chăm sóc. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách người khuyết tật tại cộng đồng cho 24 xã trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của gần 2.400 đối tượng là người khuyết tật và người dân tại các địa phương.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội, 7 tháng năm 2022, đã cấp 17.092 thẻ BHYT cho người nghèo, 25.173 thẻ BHYT cho người cận nghèo; hỗ trợ miễn học phí cho 5.465 lượt học sinh nghèo, 5.340 lượt học sinh cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 8.304 lượt học sinh nghèo, cận nghèo; số trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa 1.263 lượt trẻ em. Đến hết tháng 6/2022, đã có 518 hộ nghèo, 648 hộ cận nghèo, 5.502 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng; 15.625 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; 19 người nghèo, cận nghèo được trợ giúp pháp lý. Triển khai kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện chính sách giảm nghèo và chính sách trợ giúp xã hội tại các địa phương, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã kiểm tra tại 09 xã, thị trấn và kiểm tra thực tế đối với 821 đối tượng.
Theo tổng hợp từ các địa phương, dự kiến 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh chi trả trợ cấp xã hội cho hơn 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trên 360 tỷ đồng; Hỗ trợ chi phí mai táng cho trên 3.000 đối tượng với kinh phí hỗ trợ mai táng trên 21 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ thẻ BHYT.
Công tác đối với người có công
Sở Lao động thương binh và Xã hội trriển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng. Bảy tháng năm 2022, Sở đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết 5.107 lượt thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 3.000 lượt thủ tục tiếp nhận tại bộ phận Một cửa của Sở, 100% thủ tục giải quyết đúng thời hạn, không có thủ tục trễ hạn. Thực hiện duyệt hơn 1.000 lượt thủ tục đề nghị trợ cấp ưu đãi học sinh sinh viên đợt 1; rà soát trên 40.000 hồ sơ thờ cúng liệt sỹ. Hiện tại, Sở đang thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi thường xuyên hàng tháng đối với 60.742 lượt người có công và thân nhân. Tiếp tục triển khai thực hiện các ý kiến Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết chế độ đối với người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ làm cơ sở để biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền; phối hợp với Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các tin, bài, phóng sự, tọa đàm tuyên truyền về việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; các phong trào đền ơn đáp nghĩa; nêu gương những điển hình người có công tiêu biểu trong lao động; học tập; sản xuất, kinh doanh và các phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư được tăng cường.
Tỉnh tổ chức Đoàn đại biểu Lãnh đạo tỉnh dâng hương, viếng các Anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang quốc gia một số tỉnh Quảng Trị, Điện Biên và Hà Giang; thăm, tặng quà cho các đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh và tặng quà cho 16 người có công tiêu biểu ở các huyện, thành phố. Tổ chức Đoàn đại biểu gồm 08 người có công tiêu biểu của Tỉnh tham gia chương trình gặp mặt các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và dự Lễ mít tinh kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc.
Tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) và gặp mặt biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu cấp tỉnh. Tổ chức Lễ dâng hương, Lễ cầu siêu và Lễ thắp nến tri ân tại Đền thờ liệt sỹ tỉnh. Thực hiện phát động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2022. Hướng dẫn các địa phương thực hiện việc chuyển quà của Chủ tịch nước (mức 600.000 đồng/người và mức 300.000 đồng/người bằng tiền mặt) và quà của Tỉnh (mức 600.000 đồng/người, bao gồm 200.000 đồng tiền mặt và 400.000 đồng hiện vật). Dự kiến có trên 80.000 suất quà của Chủ tịch nước, kinh phí trên 25 tỷ đồng; trên 87.000 suất quà của Tỉnh, kinh phí trên 52,3 tỷ đồng. Ngoài quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh, các huyện, thành phố đều trích ngân sách địa phương để tổ chức thăm, tặng quà đối tượng chính sách người có công trên địa bàn (mức quà từ 100.000 đồng đến 350.000 đồng/suất quà). Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã thăm, trao quà cho các đối tượng chính sách người có công tiêu biểu như Quỹ Thiện tâm-Tập đoàn Vingroup tặng quà 1.118 cho thương, bệnh binh nặng của tỉnh (15 triệu đồng/người), kinh phí 16,77 tỷ đồng và 91 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, kinh phí 455 triệu đồng.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
Tình hình dịch bệnh Covid: Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, Từ ngày 01/01/2022 đến 21/7/2022, số trường hợp mắc mới là 265.335 ca (cộng đồng 138.529 ca, cách ly-phong tỏa 126.806 ca), 96.671 theo dõi khác tại cộng đồng. Hoàn thành điều trị/cách ly 263.369 chuyển viện Trung Ương 30, tử vong 70. Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19: Tính đến 17h00 ngày 21/7/2022, Thái Bình đã thực hiện 4.008.343 mũi tiêm.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm khác: Sáu tháng đầu năm đã ghi nhận một số kết quả như sau: 278 trường hợp mắc chân tay miệng tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021), các ca mắc tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, không ghi nhận ca tử vong; 226 trường hợp mắc thủy đậu giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021 (456 trường hợp); Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021; Không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9….
Tình hình HIV/AIDS
Ngành Y tế đã chủ trì tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện dự trù tiếp nhận báo cáo sử dụng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV theo sự chỉ đạo của Cục phòng chống HIV/AIDS; thực hiện mua và đóng nối thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.
Tính đến hết ngày 30/6/2022, toàn tỉnh hiện có 2.249 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 241/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 760 phụ nữ nhiễm (33,8%), 31 trẻ em nhiễm (1,37%), phát hiện mới 25 người nhiễm HIV, 08 người chết do HIV/AIDS và 05 trường hợp phơi nhiễm với HIV.
Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.421 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh. Toàn tỉnh hiện có 10/10 cơ sở điều trị HIV/AIDS (OPC) cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT, hiện đang điều trị ARV cho 1.361 bệnh nhân, trong đó có 31 trẻ em.
Công tác An toàn Vệ sinh thực phẩm
Ngành Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện mục tiêu kép bảo đảm ATVSTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19, cụ thể là: Triển khai công tác hậu kiểm ATTP năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn tỉnh.
Sáu tháng đầu năm triển khai lấy mẫu giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 05 huyện với tổng số 580 mẫu trong đó 520 mẫu giò, chả, 40 mẫu rượu, 20 mẫu bánh phở, bánh tẻ. Qua kiểm tra test nhanh cho 17 mẫu (Giò nạc, chả mỡ, bánh tẻ) kết quả dương tính với hàn the thuộc 12 cơ sở tại 03 huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Thành Phố. Tiếp nhận 58 hồ sơ và thẩm định điều kiện ATTP cho 38 cơ sở; Trong đó Chi cục thẩm định 22 cơ sở, TTYT huyện, thành phố thẩm định 16 cơ sở. Cấp 52 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở thực phẩm; Tiếp nhận 19 hồ sơ tự công bố sản phẩm cho các loại sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền và các cơ sở men rượu. Những cơ sở đủ điều kiện được công khai trên Website của Chi cục ATVSTP theo quy định.
Sáu tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Hoạt động giáo dục
Theo Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, trong tháng 7 đã thực hiện tốt tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bảo đảm an toàn, khách quan, đúng quy chế. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Thái Bình đạt điểm trung bình cao đứng thứ 10 cả nước, trong đó điểm trung bình môn Toán đạt cao thứ 5 cả nước.
Đã ban hành Nghị quyết Quy định mức chi kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông (tại Kỳ họp thứ Tư, nhiệm kỳ 2021-2026).
Đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 13/7/2022). Phối hợp với các đơn vị xuất bản tổ chức tập huấn SGK (đã được lựa chọn) cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Tham gia ý kiến về lộ trình tăng học phí và chính sách miễn học phí đối với học sinh THCS.
Văn hoá - Thể thao
Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, kết quả trong tháng 7 đã ban hành 468 văn bản các loại trong công tác chỉ đạo các hoạt động ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo chức năng nhiệm vụ của Sở; 18 văn bản tham gia ý kiến vào các đề án, dự án và các văn bản dự thảo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh; 12 văn bản tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Du lịch Việt Nam 09/7.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 01/7/2022 triển khai Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' đến năm 2026 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết đặt tên đường, tên phố tại thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Tổ chức các Hội nghị sơ kết: hoạt động Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình tỉnh, công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình; tổng kết, trao giải cuộc thi thiết kế Logo và Slogan Du lịch Thái Bình.
Thanh tra Sở thực hiện kiểm tra 03 cơ sở lưu trú tại huyện Quỳnh Phụ, Tiền Hải, Kiến Xương; 15 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ bơi lặn tại huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Tiền Hải; 16 lượt điểm treo băng rôn tại huyện Tiền Hải, Quỳnh Phụ. Qua kiểm tra, Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa; các cơ sở kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
Tổ chức thành công các giải trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX năm 2022: Vô địch các câu lạc bộ Võ thuật 3 môn phái với sự tham gia của 23 Câu lạc bộ đến từ 3 môn phái (Võ cổ truyền, Karate, Teawondo) trên địa bàn tỉnh; vô địch Bơi (Nhất toàn đoàn: Thành phố Thái Bình, Nhì toàn đoàn: Huyện Quỳnh Phụ; Ba toàn đoàn: Huyện Hưng Hà); vô địch Quần vợt các câu lạc bộ. Phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức thành công giải Cầu lông cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2022. Tại giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2022, Đội bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình đã xuất sắc giành cúp vô địch.
Nhà hát Chèo biên tập, dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật ghi hình phát sóng chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ. Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); đón tiếp, hướng dẫn 01 đoàn Lãnh đạo Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tham quan gian trưng bày của Hội Cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Thái Bình và khoảng gần 100 lượt khách tham quan tự do. Thư viện tỉnh lựa chọn giới thiệu cuốn sách "Những bông hoa nơi ngục tù Côn Đảo" tham gia Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2022 với chủ đề "Những người con bất tử" đạt giải A.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình, từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 6 người chết và 11 người bị thương. Tính chung 7 tháng toàn tỉnh xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm 31 người chết và 59 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/6/2022 đến ngày 15/7/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.