TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Thứ tư - 24/05/2023 18:14

TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 5/2023 các địa phương trong toàn tỉnh tập trung chăm sóc cho cây lúa và các loại cây trồng vụ Xuân. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đang trong thời kỳ vào hạt, chắc xanh. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong tháng đều tăng so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai thực hiện.
Nông nghiệp
Trồng trọt
    Lúa Xuân
Tổng diện tích lúa Xuân là 74.863 ha, giảm 1% so với vụ Xuân năm 2022, hiện nay các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại, bệnh đạo ôn cổ bông cho diện tích trỗ bông.
Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 18/5/2023, diện tích lúa Xuân đã trỗ 69.257 ha đạt 92,3% diện tích lúa Xuân đã cấy.
          Cây màu vụ Đông Xuân
Vụ Đông Xuân năm 2022 nhìn chung các cây trồng hàng năm đều phát triển thuận lợi nên năng suất ước đạt tương đương với năm trước.
Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 18/5/2023 tổng diện tích cây màu xuân đã thu hoạch 12.988 ha chiếm 89,4% diện tích cây màu xuân đã trồng.
Chăn nuôi
Chăn nuôi gia súc: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.394 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, số lượng đầu con trong những tháng gần đây đã có sự biến động tăng do các cơ sở nuôi bắt đầu thực hiện việc tái đàn, song trên thực tế số lượng lợn tái đàn tại các địa phương vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá lợn hơi giảm xuống dưới 50 nghìn đồng/kg ảnh hưởng đến việc tái đàn.
Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 01.04.2023 ước đạt 701,1 nghìn con, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 67,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm: Ước tính tổng đàn gia cầm thời điểm 01.04.2023 đạt 13,3 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ; trong đó số lượng đàn gà đạt 9,9 triệu con, tăng 0,8%; số lượng đàn vịt đạt 2,5 triệu con, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23,6 nghìn tấn, tăng 2,1%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 16,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Sản lượng trứng gia cầm các loại 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 147,6 triệu quả, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng trứng gà ước đạt 80,4 triệu quả, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Trong tháng chưa có diện tích rừng trồng mới được bổ sung. Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo các xã ven biển tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, đồng thời chuẩn bị điều kiện để tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới, trồng bổ sung rừng. Sản lượng gỗ khai thác 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 681 m³, giảm 3,7%; sản lượng củi khai thác ước đạt 3.218 ste, giảm 2,2%, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 944 nghìn cây, giảm 3% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản
Tình hình sản xuất thủy sản trong tháng phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2023 ước đạt 22 nghìn tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 110,2 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 43,9 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 64,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Khai thác
 Tình hình thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, ổn định cho các phương tiện khai thác biển. Sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 44,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 27,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 16 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ.
Nuôi trồng
Trong tháng tình hình thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh trên thủy sản không đáng kể thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 65,6 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 16 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác đạt 48,8 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Tháng 5/2023 là thời điểm bước vào những tháng nắng nóng cùa mùa hè, các hoạt động giải trí, du lịch đang diễn ra mạnh ở cả trong nước và nước ngoài. Thời điểm này các doanh nghiệp và các hộ sản xuất công nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra nhanh hơn so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, lạm phát và lãi suất tăng cao gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là các đơn hàng trong ngành may mặc sụt giảm mạnh hoặc nếu có cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn để có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 27/4, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh. Ngành điện đóng góp vào tốc độ tăng chung của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số IIP tháng 5/2023 tăng 1,5% so tháng trước, trong đó: ngành Khai khoáng tăng 8,6%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,1%, Sản xuất và phân phối điện tăng 5,9%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính 5 tháng đầu năm 2023 tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2022, trong đó ngành Khai khoáng đạt 84,8%, Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,4%, Sản xuất và phân phối điện tăng 63,3%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 5/2023 có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: điện sản xuất tăng 1,3 lần; sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc tăng 1,0 lần; túi khí an toàn (+52,8%); sản phẩm sứ vệ sinh (+38%); Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng (+17%)... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2022: Bộ đèn sử dụng cho cây Noel giảm 71,1%; Bia dạng lon giảm 69,7%; Áo sơmi cho người lớn (-44,3%);...
Ước chung 5 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có ảnh hưởng đến tốc độ chỉ số  phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,4% như:
Khối lượng sản phẩm thủy hải sản ướp đông, bột mịn thô, thức ăn cho gia súc tăng từ 27-35%, đóng góp vào tốc độ tăng IIP ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,3% so cùng kỳ; Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng tăng 22,7% đóng góp tăng IIP ngành dệt tăng 11,9% so cùng kỳ; Nitơrat Amoni tăng 28,2% đóng góp tăng IIP ngành Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,7% so cùng kỳ; Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 142,4% đóng góp tăng IIP 75,8% so cùng kỳ;
Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm như bia đóng lon đạt 47,5%, tác động IIP ngành sản xuất đồ uống chỉ đạt 47,5% so cùng kỳ; các sản phẩm dệt may áo sơ mi, bộ comple đều giảm, chỉ đạt 68-97% tác động IIP ngành sản xuất trang phục đạt 92,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân do sụt giảm các đơn hàng, chưa có đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp thực hiện cắt giảm nhân công để giảm các chi phí.
Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2023 giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 .
Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/5/2023 tăng 3,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 26,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 622 tỷ đồng, tăng 6,8% so tháng trước và tăng 21,1 % so cùng kỳ năm 2022. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 259 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 133 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng trước và đạt 82,8 % so cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 27,1% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 118 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và  tăng 60,7% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 2.635 tỷ đồng, tăng 11,8 so cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.080 tỷ đồng, đạt 92,9%; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 515 tỷ đồng, đạt 64%; vốn ngân sách Nhà nước huyện ước đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 32,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 507 tỷ đồng, tăng 25,9% so cùng kỳ năm trước.
Một số dự án đầu tư khởi công mới trong tháng 5/2023
Dự án cải tạo trường mầm non Tiến Đức xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 12 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 3 tỷ đồng;
Dự án xây dựng nhà hiệu bộ trường cấp 2 Nguyễn Tông Quai xã Hòa Tiến huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 8 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 3,5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng nhà hiệu bộ, nhà chức năng trường tiểu học Nguyễn Tông Quai xã Hòa Tiến huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 4 tỷ đồng;
Dự án đường 224 đoạn từ xã Dân Chủ đến nút giao thông Thái Hà huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 9 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thị trấn Hưng Nhân mở rộng giai đoạn 2, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 8 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư ven QL37, thị trấn Diêm Điền (lô ODT 14A) huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 33,8 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 850 triệu đồng;
Dự án xây dựng trường bắn, thao trường huấn luyện của lực lượng vũ trang huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 4,8 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 750 triệu đồng;
Dự án lắp đặt hệ thống Camera an ninh trên địa bàn huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 2,9 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 800 triệu đồng;
 Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên xã Bình Thanh – Bình Định – Hồng Tiến huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 44,9 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 1,8 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 219 đoạn xã Thanh Tân – Vũ Quý huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 1,2 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐH.28 đoạn qua xã Vũ Ninh Vũ An và tuyến nhánh qua đền Vua Rộc, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 đạt 1,8 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến đầu tháng 5/2023 đã cấp 403 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 2.472 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 282 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 58 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 58 doanh nghiệp.
Trong tháng 5/2023 trên địa bàn tỉnh có 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.150 nghìn USD. Tính chung 5 tháng có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 38.650 nghìn USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn tỉnh tháng 5/2023 tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2023 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 14,5%; vận chuyển hành khách tăng 16,7%; luân chuyển hành khách tăng 16,4% và vận chuyển hàng hóa tăng 24,2%; luân chuyển hàng hóa tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2023 ước đạt 5.619 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 4.917 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ. So với tháng trước, có 6/12 nhóm hàng tăng: Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,3%, nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 5,2%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 4,3%; nhóm hàng may mặc tăng 3%; nhóm hàng hóa khác tăng 1,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 1,3%. Ngược lại 6/12 nhóm hàng còn lại giảm: nhóm xăng dầu các loại giảm 5,4%; nhóm ô tô con giảm 4,1%; nhóm phương tiện đi lại giảm 2,5%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng giảm 2,1%; nhóm sửa chữa xe có động cơ giảm 1%; nhóm nhiên liệu khác giảm 0,8%. So với cùng kỳ năm trước tất cả các nhóm hàng đều tăng: nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 53,7%; nhóm phương tiện đi lại tăng 46,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 23,7%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 20,5%; nhóm hàng hóa khác tăng 13,2%; nhóm hàng may mặc tăng 11%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 5 năm 2023 ước đạt 408 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 14 tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 18,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 387 tỷ đồng, giảm 2,1% và tăng 32%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 7 tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 2,2 lần.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 5/2023 ước đạt 294 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong đó: Bất động sản tăng 0,5% và giảm 3,3%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 1,7% và tăng 16,6%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 0,2% và giảm 24%; dịch vụ y tế tăng 0,8% và tăng 18,4%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 6,5% và tăng 15,6%;  dịch vụ sửa chữa tăng 0,6% và tăng 9,9%; dịch vụ khác tăng 2,4% và tăng 3,9%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 28.136 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 24.663 tỷ đồng (chiếm 87,7% tổng mức), tăng 17%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 2.024 tỷ đồng (chiếm 7,2% tổng mức), tăng 36,2%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.448 tỷ đồng (chiếm 5,1% tổng mức), tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 0,59% so với cùng tháng năm trước và giảm 1,99% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước (nhóm giao thông; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác); có 3 nhóm hàng tăng giá và 6 nhóm hàng có giá ổn định. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 5/2023 so với tháng trước: Nhóm thực phẩm tăng 0,36% tác động CPI chung tăng 0,4% điểm phần trăm, ảnh hưởng tăng giá từ các mặt hàng thực phẩm; Nhóm giao thông giảm 3,51%, do tác động của giá xăng dầu giảm vào ngày 05/5/2023 và ngày 12/5/2023 (xăng 95 giảm 2.680 đồng/lít; xăng E5 giảm 2.600 đồng/lít; dầu điezen giảm 1.740 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.510 đồng/lít), ngày 23/5/2023 giá xăng dầu tăng (xăng 95 tăng 490 đồng/lít; xăng E5 tăng 350 đồng/lít; dầu điezen tăng 300 đồng/lít; riêng giá dầu hỏa giảm 10 đồng/lít), ảnh hưởng từ thay đổi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh từ giá xăng dầu thế giới, kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu dự báo vẫn thấp, nên giá có xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 2,40% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng đẩy giá thành một số hàng hóa tăng. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông ổn định; nhóm giao thông (-5,36%) do tác động từ giá xăng dầu giảm;  9/11 nhóm hàng còn lại có chỉ số giá tăng: Nhóm giáo dục tăng cao nhất (+10,85%); nhóm đồ uống và thuốc lá (+5,99%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,29%); nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (+2,45%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+1,75%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,70%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+1,12%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+1,05%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,74%).
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 năm 2023 ước đạt 358 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng trước giảm 14,5% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.654 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 5,4%, nhập khẩu giảm 26,3%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2023 ước đạt 207 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 122 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 85 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm nhẹ so với tháng trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 5,6%; sản phẩm từ sắt thép giảm 3,9%; xơ, sợi dệt các loại giảm 2,9%. Ngược lại một số mặt hàng tăng: hàng hóa khác tăng 27,8%; hàng dệt may tăng 18,8%; hàng thủy sản tăng 10,1%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 3,0%; sản phẩm gốm sứ tăng 2,6%;...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 943 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 556 triệu USD, tăng 8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 387 triệu USD, tăng 2%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,8 lần; hàng thủy sản tăng 66,8%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 49,3%; hàng hóa khác tăng 10,9%; sản phẩm gốm, sứ tăng 9,9%; sắt thép tăng 7,5%;... Ngược lại một số sản phẩm giảm như: sản phẩm gỗ giảm 24,6%; xơ, sợi dệt các loại giảm 21,3%; sản phẩm từ sắt thép giảm 16%.
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh đạt 492 triệu USD (chiếm 52,2%), tăng 9,6% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Mỹ đạt 255 triệu USD (chiếm 27%); Châu Âu đạt 82 triệu USD (chiếm 8,7%).
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2023 ước đạt 151 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng trước và giảm 30% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ chủ yếu do không nhập khẩu xăng dầu, do giá xăng dầu biến động, doanh nghiệp dừng nhập khẩu từ tháng 4 đến nay. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 69 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 57,8% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 82 triệu USD, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 56,5% so với cùng kỳ (do lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ). Một số mặt hàng tăng cao so với tháng trước như: Bông các loại tăng 10,5 lần; xơ, sợi dệt các loại tăng 1,2 lần;  hàng thủy sản tăng 88,6%. Ngược lại, một số sản phẩm giảm: hóa chất giảm 18,4%; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 11,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 5,4%; vải các loại giảm 2,2%; hàng hóa khác giảm 1,9%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 711 triệu USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Theo thành phần kinh tế: kinh tế tư nhân đạt 375 triệu USD, giảm 47,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 337 triệu USD, tăng 36,7%. Một số mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép (+20,3 lần); hóa chất (+7,3 lần); máy vi tính, sản phẩm điện tử (+1,9 lần); máy móc, thiết bị, phụ tùng khác (+42,9%). Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản (-87,4%); xăng dầu các loại (-78,2%); xơ, sợi dệt các loại (-28,2%); chất dẻo nguyên liệu (-25,3%); bông các loại (-22,6%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (-21,2%);…
Hoạt động vận tải
 Doanh thu hoạt động vận tải tháng 5/2023 ước đạt 689 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động vận tải hành khách tăng 22,1%; hoạt động vận tải hàng hóa tăng 13,3%.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 5/2023 ước đạt 194 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,6 triệu người, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 295 triệu người.km, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 947 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 12,8 triệu người, tăng 23,2%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 1.441 triệu người.km, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 488 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 286 tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 21,2%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 173 tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 19%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 29 tỷ đồng, tăng 3,7% và tăng 7,2%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 3,0 triệu tấn, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.079 triệu tấn.km, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.347 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 14,5 triệu tấn, tăng 16,2%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 5.178 triệu tấn.km, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5/2023 ước đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 30,7 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 5/2023 ước đạt 0,6 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,6 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước và hoạt động ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.817tỷ đồng, đạt 56,3% so với dự toán, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 3.088 tỷ đồng, giảm 23,9%; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 850 tỷ đồng, giảm 48%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 2.519 tỷ đồng, giảm 28,3%.
Tổng chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.755 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 3.642 tỷ đồng, tăng 45,3%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 3.006 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến 31/5/2023, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 113.290 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 88.790 tỷ đồng, tăng 3,0% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức chiếm 0,78% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Trong tháng 5/2023, toàn tỉnh có 3.890 lao động có việc làm tăng thêm, trong đó tạo việc làm tại địa phương 2.605 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 8.100 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 475 lao động; tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 17 đơn vị với 43 vị trí công việc; cấp giấy phép lao động cho 40 lao động nước ngoài (trong đó cấp mới 35 lao động, cấp lại, gia hạn 05 lao động); thu hồi giấy phép lao động của 04 lao động; thẩm định và giới thiệu  01 doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hướng dẫn 03 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động và 50 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 4.355 lao động; 01 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 06 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 596 trường hợp. Phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng phóng sự tuyên truyền thông điệp về Tháng hành động ATVSLĐ, tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023.
Năm tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 15.290 người được tạo việc làm mới (đạt 44,31% kế hoạch năm, bằng 100,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tạo việc làm tại địa phương 10.835 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 3.140 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 1.325 lao động. Tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 76 đơn vị với 195 vị trí công việc; cấp giấy phép lao động cho 172 lao động nước ngoài, thu hồi giấy phép lao động của 07 lao động; xác nhận hợp đồng cá nhân cho 03 lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan. Thẩm định và giới thiệu cho 10 doanh nghiệp về tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trợ cấp xã hội
Sở LĐTBXH chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội lập danh sách trẻ em đủ điều kiện nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội cập nhật, rà soát dữ liệu đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở vào phần mềm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tổ chức các hoat động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3, kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4; tổ chức trao 50 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) từ nguồn xã hội hóa cho 50 người khuyết tật tiêu biểu với kinh phí 25 triệu đồng. Tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách người khuyết tật tại cộng đồng tại 16 xã với sự tham gia của gần 1.700 đại biểu. Kiểm tra thực hiện chính sách giảm nghèo và chính sách trợ giúp xã hội tại 03 xã thuộc huyện Kiến Xương và kiểm tra thực tế 672 đối tượng.
Công tác đối với người có công
Tháng 5/2023, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đầu tư cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tỉnh Quảng Trị, Sở đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, đơn vị tài trợ triển khai thực hiện sửa chữa, tu bổ khu mộ và Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Thái Bình tại NTLS Trường Sơn và NTLS Đường 9 thuộc tỉnh Quảng Trị. Xây dựng kế hoạch điều dưỡng người có công tại một số đơn vị ngoài tỉnh và kế hoạch và thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công và thân nhân.
Duy trì việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đúng quy định. 05 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận và giải quyết 4.471 lượt thủ tục hành chính về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 3.882 lượt thủ tục, tại bộ phận Một cửa của Sở tiếp nhận 589 lượt thủ tục), 100% thủ tục giải quyết đúng hạn, không có thủ tục quá hạn. Kết quả, đã giải quyết chế độ đối với thân nhân sau khi người có công với cách mạng từ trần 1279 trường hợp; sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công 724 trường hợp; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ 622 trường hợp; giải quyết chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh 385 trường hợp; giải quyết thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với 281 trường hợp; cấp thẻ, giấy chứng nhận chất độc hóa học, thương, bệnh binh cho 80 trường hợp.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS
Trong tháng đã phát hiện 04 người nhiễm HIV mới, 01 người chết do HIV/AIDS. Tính đến ngày 30/4, toàn tỉnh hiện có 2.285 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 772 phụ nữ nhiễm 33,78%, 27 trẻ em nhiễm (11,8%). Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị cho 1.407 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh heroin. Cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT và điều trị ARV tại 10 cơ sở điều trị cho 1.397 bệnh nhân.
Ngành Y tế đã chủ trì tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện dự trù tiếp nhận báo cáo sử dụng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV theo sự chỉ đạo của Cục phòng chống HIV/AIDS; thực hiện mua và đóng nối thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, thường xuyên.
Tình hình dịch bệnh
Tháng 4/2023, toàn tỉnh ghi nhận 2.322 ca nghi hội chứng Cúm, 02 trường hợp ho gà, 33 ca Tay chân miệng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ổ dịch cúm trên đàn gia cầm và ca bệnh Cúm nguy hiểm trên người, …
Chương trình phòng chống sốt xuất huyết và sốt rét: Trong tháng, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 01 ca mắc Sốt xuất huyết, trong đó có 01 ca nội sinh tại huyện Thái Thuỵ, không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng và tử vong. Tháng 04 toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân sốt rét.
Tình hình COVID-19 tại tỉnh: Trong tháng ghi nhận 111 ca mắc. Luỹ tích số ca mắc từ năm 2020 đến ngày 30/4/2023, tỉnh Thái Bình có ghi nhận 272.065 ca nhiễm COVID-19. Triển khai giám sát trọng điểm Covid-19 mùa thu đông tại Thành Phố, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Vũ Thư. Luỹ tích đến nay toàn tỉnh đã triển khai được 4.365.438 mũi tiêm vắc xin.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Trong tháng 5/2023, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Ngành Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện lấy mẫu giám sát mối nguy về an toàn thực phẩm, giải quyết các TTHC và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Y tế các huyện, thành phố trong việc kiểm tra, giám sát ATVSTP sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ.
Hoạt động giáo dục
Sở Giáo dục đã hoàn thành việc công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2 (được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-BGDĐT ngày 16/5/2023 công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ). Hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 và môn Lịch sử lớp 10 cấp tỉnh sử dụng trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành tổ chức Kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ 2 lớp 9, lớp 10, lớp 11, lớp 11 năm học 2022-2023 (theo đề thi chung của Sở Giáo dục và Đào tạo).
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024: tổ chức tập huấn phần mềm tuyển sinh đầu cấp Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024; hướng dẫn một số nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024. Chuẩn bị nội dung tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Xây dựng dự thảo và tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố về Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm học 2023-2024.
Về văn hóa thể dục thể thao
Sở VHTTDL chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động, triểm lãm sách, báo chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; ngày Quốc tế lao động 01/5; 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5; 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; tuyên truyền các nội dung về thực hiện chuyển đổi số, việc thực hiện Đề án 06 và công tác cải cách hành chính.
Tham mưu tổ chức đăng cai giải vô địch Cầu lông đồng đội và vòng bảng giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc năm 2023 tại Thái Bình. Trong tháng 5, Sở tổ chức cho vận động viên tham gia thi đấu 04 giải đạt 08 HCV; 05 HCB; 06 HCĐ (Cầu lông các câu lạc bộ, Dua thuyền Canoeing, Đua thuyền Rowing, Vô địch Boxing).
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames 32), Thái Bình có 06 vận động viên tham dự ở 05 môn (Cầu lông, Lặn, Wushu, Jujitsu, Karate) đạt 01 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ.
Tổ chức Tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình năm 2023; chuẩn bị tốt lực lượng hướng dẫn viên, người lao động và người dân tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ tại điểm du lịch các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường huyện Thái Thụy; tham mưu văn bản và cử cán bộ phối hợp với Kênh văn hóa Việt VTC10 làm phóng sự Thái Bình tỏa sáng vùng Bắc Bộ. Tiếp nhận các tác phẩm dự thi cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) tỉnh Thái Bình. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành kiểm tra thực tế hiện trạng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, huyện Thái Thụy và xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư.
Tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc chủ đề “Biển và hải đảo Việt Nam”; tham dự cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc và cuộc thi độc tấu - hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. 
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao trong tháng 5 năm 2023 (tính từ ngày 15/4/2023 đến ngày 14/5/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ, số người chết là 01 người và 09 người bị thương. Tính chung 5 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, làm 23 người chết và 32 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), 15/01/2023 đến ngày 15/5/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây