Tình hinh Kinh tế - xã hội tháng 12 và ước năm 2020 tỉnh Thái Bình

Thứ tư - 29/09/2021 03:45
Tình hinh Kinh tế - xã hội tháng 12 và ước năm 2020 tỉnh Thái Bình
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid – 19, tình hình kinh tế thế giới đứt gẫy các mối cung ứng làm cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ gián đoạn, đình trệ, đặc biệt tại thời điểm 6 tháng đầu năm có những thời điểm, địa phương thực hiện việc giãn cách xã hội. Các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 12, các nền kinh tế tái khởi động khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được nới lỏng và các doanh nghiệp mở cửa trở lại, kinh tế thế giới đã có xu hướng phục hồi chậm.
Tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên địa bàn tỉnh có sự ảnh hưởng, tác động rõ dệt làm suy giảm đà tăng trưởng, trong bối cảnh đại dịch nhờ có các biện pháp đối phó chủ động, sáng tạo và quyết liệt trước đại dịch Covid – 19 do vậy nền kinh tế giảm thiểu được nhiều tác động tiêu cực, trong những tháng cuối năm kinh tế phục hồi chậm, lạm phát vẫn duy trì ở mức ổn định… kinh tế  trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm tăng trưởng trên trung bình cả nước và cả nước là điểm sáng trên thế giới.
  1. TÌNH HÌNH KINH TẾ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Năm 2020, GRDP trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) ước đạt 53.523 tỷ đồng, tăng trên 3,2% so với năm 2019. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 12.809 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ, đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 20.910 tỷ đồng, tăng gần 3,9% so với cùng kỳ, đóng góp 1,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 1,4% đóng góp 0,35 điểm phần trăm, ngành xây dựng tăng 8,7%. Khu vực dịch vụ ước đạt 16.344 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ, đóng góp hơn 1,04% và thuế sản phẩm làm giảm 0,12 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Bình ước năm 2020 (theo giá hiện hành) như sau: Khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26,7%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 40,9%; khu vực Dịch vụ chiếm 32,4%.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
Năm 2020, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tuy có những thuận lợi nhất định, song cũng gặp không ít khó khăn thách thức như: tác động của dịch Covid19, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả thị trường không ổn định, tổ chức sản xuất vẫn nhỏ, lẻ, phân tán đã phần nào tác động đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh đã có nhiều tháo gỡ những khó khăn, khống chế cơ bản thành công dịch bệnh. Đến thời điểm này nhìn chung tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh. Kết quả, cụ thể như sau:
Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 2020 đạt 220,8 ngìn ha, giảm 1,03 nghìn ha (-0,46%) so với cùng kỳ; trong đó diện tích lúa cả năm đạt 153,7 nghìn ha, giảm 1,52 nghìn ha (-0,98%) so với năm 2019 (vụ Đông xuân gieo cấy đạt 76.252 ha, giảm 1337 ha, vụ mùa gieo cấy đạt 77.441, giảm 191 ha). Nguyên nhân giảm do các địa phương tiếp tục quy hoạch mở rộng khu, cụm công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sử dụng cho mục đích trồng hàng năm khác và một số diện tích bỏ hoang không canh tác. Mặc dù tích gieo cấy lúa giảm song cơ cấu giống lúa vụ xuân và vụ mùa đều có sự chuyển dịch theo hướng tích cực mở rộng diện tích cấy giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng; trong đó diện tích giống lúa ngắn chất lượng cao tiếp tục được mở rộng (vụ xuân chiếm 37,4% diện tích, vụ mùa chiếm 29% diện tích).
Sản xuất lúa cả năm 2020 đã giành được kết quả thắng lợi, năng suất lúa cả năm đạt 131,9 tạ/ha (năng suất lúa vụ xuân đạt 70,7 tạ/ha, vụ mùa đạt 61,2 tạ/ha). Sản lượng thóc cả năm đạt 1.013,0 nghìn tấn.
Kết quả sản xuất cây hàng năm khác: Tổng diện tích gieo trồng cây màu cả năm đạt 67.166 ha, tăng 503 ha (+0,75%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: diện tích gieo trồng cây vụ Đông xuân đạt 51.047 ha, tăng 1,0% so cùng kỳ do một số diện tích đất lúa của các huyện chuyển sang gieo trồng các loại rau (riêng diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 36.278 ha, tăng 157 ha so cùng kỳ 2019); diện tích gieo trồng cây vụ mùa đạt 16.119 ha, giảm 0,01% so với cùng kỳ.
Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho cây màu sinh trưởng và phát triển; năng suất, sản lượng các loại cây màu năm nay đạt tương đương và cao hơn cùng kỳ năm trước, cụ thể: Ngô năng suất bình quân cả năm đạt 57 tạ/ha, sản lượng đạt 61,1 nghìn tấn, tăng 0,69% về sản lượng so cùng kỳ 2019; Khoai lang năng suất đạt 122,2 tạ/ha, sản lượng đạt   41,8 nghìn tấn, giảm 3,6%; khoai tây năng suất đạt 158,6 tạ/ha, sản lượng đạt 51,6 nghìn tấn, giảm 1,3%; nhóm cây có hạt chứa dầu năng suất trung bình cũng đạt từ 26-30 tạ/ha, tương đương cùng kỳ 2019. Đặc biệt nhóm diện tích rau, đậu, hoa các loại chung năm 2020 phát triển tương đối tốt được bà con nông dân thực hiện việc quay vòng đất hiệu quả, nhiều mô hình trồng rau đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng diện tích gieo trồng rau đậu, hoa các loại cả năm đạt 41.265 ha, tăng 4,8%; riêng diện tích rau các loại tăng 5%, sản lượng tăng 8,5% so cùng kỳ góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành trồng trọt.
+ Về tiến độ sản xuất vụ Đông 2020-2021: Tiếp tục xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp cho năm tiếp theo, vụ Đông năm 2020, tỉnh Thái Bình với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật, cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân sản xuất. Toàn tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng 36.000 ha trở lên; trong đó tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm và nhòm cây trồng chủ lực như: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, ngoài mục tiêu lấy hạt, ưu tiên phát triển nhóm ngô thực phẩm, thời gian sinh trưởng ngắn, thu bắp tươi phục vụ thị trường ăn tươi, chế biến và ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc.
Cây lâu năm
Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 8.166 ha tăng 0,03%  (+3 ha) so với năm 2019; trong đó, diện tích cây ăn quả đạt 5.806 ha chiếm 72% trong tổng diện tích của toàn tỉnh, tăng 0,2% (+8,5 ha) so với cùng kỳ năm 2019, diện tích tăng tập trung ở một số loại cây trồng như: chuối, thanh long, mít, ổi, cam, bòng/bưởi…. Chủ trương giảm diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các cây trồng khác đặc biệt là cây ăn quả có giá trị kinh tế đã khẳng định được hiệu quả kinh tế.
Hầu hết các loại cây ăn quả đều được mùa cho năng suất khá, sản lương của nhiều loại cây trồng như nhãn, vải, xoài...tăng so cùng  kỳ như: Xoài đạt 2,8 nghìn tấn, tăng 2,7%; chuối đạt 76,5 nghìn tấn, tăng 1%; thanh long đạt 3,3 nghìn tấn, tăng 2,9%; cam đạt 2,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; nhãn đạt 6 nghìn tấn, tăng 16,9%, vải đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 16,2%...
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Ước tính đến thời điểm hết năm 2020 (01/01/2021): Tổng đàn trâu, bò đạt trên 57,2 nghìn con, tăng 2,3% so cùng kỳ; trong đó tổng đàn bò đạt 50,9 nghìn con, tăng 2,8%.
Sản lương thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước tính đạt 10 nghìn tấn, tăng 6,04%, trong đó sản lượng thịt trâu đạt 0,9 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng thịt bò đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 6,1% (riêng sản lượng thịt bò sản xuất của Công ty TNHH Việt Hùng đóng góp khoảng 2,4 nghìn tấn (31,0 nghìn con), tăng 5,1% so cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Năm 2020, tình hình chăn nuôi tuy đã có nhiều dấu hiệu phát triển tái đàn, tăng đàn trở lại sau dịch tả lợn Châu phi, tuy nhiên từ tháng 7/2020 đến nay dịch tái phát trở lại tại một số địa phương, hoạt động chăn nuôi tại tỉnh còn chiếm tỷ trọng lớn theo phương thức nhỏ lẻ, chưa có mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ do vậy đã phần nào làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh.
Tổng đàn lợn tại thời điểm 01/01/2021 ước đạt khoảng 800 nghìn con (cả lợn con theo mẹ), tăng 5,5% tổng đàn so cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 12/2020 ước đạt 15,3 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý IV/2020 ước đạt 47 nghìn tấn, tăng 10,1% so với quý trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 163,7 nghìn tấn, giảm 1,9% so cùng kỳ năm 2019.
Chăn nuôi gia cầm:
Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại phát triển tương đối tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá bán thịt gia cầm ổn định. Ước tính số lượng đàn gia cầm tháng 12/2020 đạt 14,0 triệu con, giảm 1,5% so với cùng kỳ; trong đó số lượng đàn gà đạt 10,0 triệu con, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 12/2020 ước đạt 6,7 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý IV/2020 ước đạt 19,1 nghìn tấn, giảm 4,6% so với quý trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm quý IV/2020 ước đạt 83,8 triệu quả, giảm 2,9% so với quý trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 66,2 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm đạt 327,3 triệu quả tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ nông nghiệp:
Dich vụ Nông nghiệp năm 2020 phát triển đạt kết quả khá, diện tích được cơ giới hóa 100% khâu làm đất và 80% khâu thu hoạch,
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới sơ bộ đạt 120 ha giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó cây trồng chủ yếu là bần và phi lao, được trồng ở hai huyện ven biển nhằm hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu gây ra phát huy vai trò chắn sóng, chắn gió, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ bờ biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, lập lại cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Phong trào trồng cây ở Thái Bình vẫn được các địa phương duy trì, toàn tỉnh trồng được 1.586 nghìn cây lâm nghiệp phân tán giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả trồng cây đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình và cải tạo môi trường, môi sinh ở nông thôn. Số cây lâm nghiệp ươm giống đạt 1.788 nghìn cây, giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng gỗ khai thác cả năm sơ bộ đạt 2.150 m3 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi thu hoạch đạt 6.947 Ste tăng 0.4%, sản lượng song mây có xu hướng giảm đạt 295 tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu thuộc khu vực cây trồng phân tán trong nhân dân.
Tình hình chăm sóc, bảo vệ rừng được tỉnh chỉ đạo thực hiện tương đối tốt, tổng diện tích rừng hiện có là 425,5 ha, tăng 8,6 ha so với năm 2019; diện tích rừng được bảo vệ đạt 4.307 ha, tăng 1,7% so cùng kỳ góp phần quan trọng bảo vệ sản xuất, môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thuỷ sản
Trong năm giá thủy sản trên thị trường ổn định, bà con nông dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất. Tổng sản lượng thủy sản tháng 12/2020 ước đạt 23,1 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ.Tổng sản lượng thủy sản quý IV/2020 ước đạt 69,6 nghìn tấn, giảm 2,5% so với quý trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 260,3 nghìn tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 104,9 nghìn tấn, tăng 5,9%; tôm đạt 7,3 nghìn tấn, tăng 8,9%; thủy sản khác đạt 148 nghìn tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ.
Khai thác
Nhìn chung tình hình thời tiết năm nay tương đối phức tạp, những tháng cuối năm chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão gây ra mưa lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ số hoạt động tàu của ngư dân. Hiện số lượng tàu/thuyền từ 90 CV trở lên chiếm 27,4% tổng số lượng tàu/thuyền khai thác của toàn tỉnh và chủ yếu là khai thác lưới đôi, lưới đơn…. góp phần nâng cao giá trị và sản lượng khai thác.
 Sản lượng khai thác tháng 12/2020 ước đạt trên 6,7 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 5 nghìn tấn, tăng 3,4%; tôm đạt trên 0,2 nghìn tấn, tăng 4,0%; thủy sản khác đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác quý IV/2020 ước đạt 20 nghìn tấn, giảm 6,7% so với quý trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 15 nghìn tấn, giảm 4,3% so với quý trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ; tôm đạt hơn 0,7 nghìn tấn, tăng 13,5% so với quý trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ; thủy sản khác đạt 4,3 nghìn tấn, giảm 16,5% so với quý trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 sản lượng khai thác ước đạt 90,7 nghìn tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 61,3 nghìn tấn, tăng 6,5%; tôm đạt 2,0 nghìn tấn, tăng 3,2%; thủy sản khác đạt 27,2 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2019.
Nuôi trồng         
Những tháng đầu năm 2020 thời tiết tương đối phức tạp, xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh, mưa nhiều đồng thời do dịch covid 19 kéo dài nên ảnh hưởng đến giá cả cũng như mật độ nuôi thả con giống. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đang được nhân rộng và phát triển. Sản lượng thủy sản nuôi nước ngọt tăng đáng kể do mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông. Bên cạnh đó mô hình nuôi hàu nước lợ tại cửa sông đang được tỉnh đưa vào thử nghiệm bước đầu đã đạt được sản lượng khá.
Nuôi ngao bãi triều luôn là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, giá bán ngao tăng, diện tích nuôi ngao có phần tăng nhẹ nên sản lượng cũng tăng đáng kể. Năm 2020 sản lượng ngao sơ bộ đạt 114,9 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 2000 ha nuôi ngao trong đó có 3 doanh nghiệp với tổng diện tích gần 70 ha, còn lại là các hộ nuôi. Ngoài ra trên địa bàn huyện Tiền Hải có 2 công ty TNHH Nghêu Thái Bình và công ty TNHH Xuất nhập khẩu nghêu Việt Nam hàng năm tiêu thụ hàng ngàn tấn ngao, đã góp phần không nhỏ tăng sản lượng nuôi ngao hàng năm.
Ngoài thế mạnh nuôi ngao vùng bãi triều nuôi cá nước lợ cũng đang là xu hướng phát triển của người dân vùng ven biển. Với tổng diện tích là trên 500 ha hàng năm đóng góp không nhỏ vào sản lượng thủy sản chung toàn tỉnh.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12/2020 ước đạt 16,4 nghìn tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt trên 4,3 nghìn tấn, tăng 6,2%; tôm đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 11,4 nghìn tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng quý IV/2020 ước đạt 49,6 nghìn tấn, giảm 0,7% so với quý trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 13,1 nghìn tấn, tăng 5,2% so với quý trước và  tăng 6,5% so với cùng kỳ; tôm đạt 1,9 nghìn tấn, giảm 14,3% so với quý trước nhưng tăng 3,9% so với cùng kỳ; thủy sản khác đạt 34,5 nghìn tấn, giảm 1,9% so với quý trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 sản lượng nuôi trồng ước đạt 169,7 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 43,7 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 11,2%; thủy sản khác ước đạt 120,8 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Sản xuất giống thủy sản: Số lượng giống thủy sản năm 2020 ước đạt 1.742 triệu con tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó số lượng tôm thẻ đạt 2,3 triệu con, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất ngao giống đạt 915 triệu con, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngao giống tăng cao do hiện nay một số hộ chuyển sang nuôi ngao giống thời gian ngắn và cho giá trị kinh tế cao.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2020 ước tăng hơn 1,2% so với tháng trước và giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm trên 4,5% so cùng kỳ năm 2019 trong đó một số ngành giảm sâu như: Sản xuất đồ uống giảm 43%; Sản xuất trang phục giảm 10,2%; dệt giảm 9,3%...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý IV ước giảm gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo và phân phối khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có chỉ số giảm; ngành khai khoáng và cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải có chỉ số tăng.
Năm 2020, IIP giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó: Ngành khai khoáng có chỉ số giảm gần 5,7%; Ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 6,5% trong đó một số ngành sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại giảm trên 11,7%, Ngành sản xuất đồ uống giảm 18,7%, Ngành dệt giảm 21,4%, sản xuất trang phục giảm 11,1%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng gần 6,7% so với năm 2019.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 12/2020, có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: loa đã hoặc chưa lắp đặt vào hộp loa ước đạt 3.500 nghìn cái tăng 5,8 lần; tùi khí an toàn ước đạt 141 nghìn cái tăng trên 2,5 lần; Polyaxetal ước đạt 3.860 tấn, tăng 32,4%; cần gạt nước ước đạt 3.101 nghìn cái tăng 4,5 lần... Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm giảm trong tháng như: bai dạng lon ước đạt 1.616 nghìn lít, giảm 67,4%; sứ vệ sinh ước đạt 274 nghìn cái, giảm 16,6%; khăn mặt, khăn tám ước đạt 4.079 tấn, giảm 41,6%; điện sản xuất ước đạt 287 TrKwh, giảm 33,2%... Các mặt hàng giảm trên nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc, châu Âu chưa mở cửa nhập hàng hóa trở lại.
Trong Quý IV năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ như: thức ăn cho gia cầm ước đạt 20.166 tấn, tăng 33,6%; sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc ước đạt  192,6 nghìn tấn, tăng 23,2%; loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa ước đạt 9.251 nghìn cái, tăng trên 2,5 lần; cần gạt nước ước đạt 8.169 nghìn cái, tăng trên 4,4 lần; túi khí an toàn ước đạt 388 nghìn cái, tăng 2,2 lần... Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm có tốc độ giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm sứ vệ sinh ước đạt 807 nghìn cái giảm 18,8%; bia dạng lon ước đạt 7.664 nghìn lít, giảm 47,7%; Nitorat Amoni ước đạt 30.196 tấn, giảm 39,6%; tai nghe khác ước đạt 4.978 nghìn cái, giảm 87% điện sản xuất ước đạt 841 triệu kwh, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa ước đạt 25.449 nghìn cái, tăng 37,6%; cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn ước đạt 14.298 nghìn cái tăng gần 2,2 lần; thức ăn cho gia cầm ước đạt 70.094 tấn, tăng 22,9%; túi khí an toàn ước đạt 1.066 nghìn cái, tăng 2,7 lần; điện sản xuất ước đạt 3.832 triệu Kwh, tăng 7%... Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: sản phẩm sứ vệ sinh ước đạt 3.247 nghìn cái, giảm 25,9%; bia dạng lon ước đạt 34,6 triệu lít, giảm 41,6%; khăn mặt, khăn tắm ước đạt gần 40 nghìn tấn, giảm 36,7%; bộ comple, quần áo đồng bộ ước đạt 60.283 nghìn cái, giảm 7,4% so với cùng kỳ… Các mặt hàng giảm trên nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc, châu Âu chưa mở cửa nhập hàng hóa trở lại.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 năm 2020 giảm hơn 6,3% so với tháng trước và giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tính đến tháng 12 năm 2020 tăng  2,9% so với tháng trước và tăng 2,3 lần so với  cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 12 năm 2020 tăng hơn 2% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư – xây dựng.
Đầu tư
Năm 2020 tình hinh kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, hoạt động sản xuất bị đình trệ, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong tháng 4 do việc giãn cách xã hội được triển khai trên cả nước. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các khu vực, đặc biệt là khu vực FDI; nhiều dự án dự kiến triển khai bị lùi thời gian, nguồn lớn ngân sách nhà nước được bố trí hỗ trợ chống đại dịch…
Tháng 12/2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 779 tỷ đồng, tăng 14,6% so với tháng trước, tăng hơn 43,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 522 tỷ đồng, tăng 17,7 so với tháng trước và tăng 2,1 lần so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 166 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 90 tỷ đồng, tăng 9,8% so với tháng trước và giảm 23,7% so với cùng kỳ.
Trong quý IV năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt trên 2.055 tỷ đồng, tăng 44,2% so với quý trước, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.350 tỷ đồng, có mức tăng lần lượt là 61% và 87,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 461 tỷ đồng, với mức tăng tương ứng 33,4% và 12,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt gần 245 tỷ đồng, tăng 1,1% so với quý trước và giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019 .
Năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 5.356 tỷ đồng, tăng 17,7% so với  cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt trên 3.181 tỷ đồng, tăng 33,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 9,7%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 967 tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
Trong năm 2020, nhiều dự án công trình trọng điểm của tỉnh được tiếp tục triển khai: tuyến đường bộ ven biển, dự án cầu sông Hóa nối Hải Phòng – Thái Bình, dự án khu công nghiệp sản xuất nông nghiệp của tập đoàn Thaco, dự án mở rộng sản xuất của công ty Cotec… Tuy nhiên vẫn còn có các dự án bị chậm (do nhiều nguyên nhân: vướng mắc giải phóng mặt bằng, nguồn vốn chưa được phê duyệt) như: dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vì thiếu nguồn vốn bổ sung, thời gian thuê đất đã hết nhưng chưa được gia hạn; dự án cơ sở hạ tầng công ty Khai Phát Đài Tín tại cụm công nghiệp Thái Thọ chưa được phê duyệt thủ tục… Đến cuối năm 2020, đã nhiều công trinh dự án được hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, như: Công trình Thư viện tỉnh; Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại quảng trường Thái Bình…
Quý IV năm 2020 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 17.687 tỷ đồng, tăng 31,9% so quý trước và tăng 11% so với cùng kỳ; trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 3.965 tỷ đồng, tăng 55,8% so với quý trước và giảm 24,6% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.107 tỷ đồng, tăng lần lượt 42,9% và 54,3%.
Năm 2020 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 52.511 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 11.660 tỷ đồng, giảm 3,4%; vốn đầu ngoài nhà nước ước đạt 37.708 tỷ đồng, tăng 10,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3.142 tỷ đồng, tăng 38,3% so với năm 2019.
Tính đến đầu tháng 12 năm 2020 đã cấp 673 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 58 chi nhánh, 24 văn phòng đại diện với số vốn đăng ký đạt trên 5.893 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động: 272 doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 69 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 69 doanh nghiệp.
Trong tháng 12 năm 2020 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới là 01 dự án đến từ Đài Loan, mục đích đầu tư thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 881 nghìn USD. Trong năm 2020, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 8 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 56,2 triệu USD với mục đích đầu tư chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại dịch vụ. Hình thức đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ các nước Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và Thái Lan
Xây dựng
Một số dự án trọng điểm thi công trong năm 2020:
Dự án nhà xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Cotec, vốn đầu tư 425 tỷ, dự kiến cả năm đạt 387 tỷ đồng.
Dự án nhà làm việc Công ty TNHH Victory, vốn đầu tư 536 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 301 tỷ đồng.
Dự án xây dựng kho cảng của công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà, vốn đầu tư 580 tỷ, dự kiến cả năm đạt gần 280 tỷ.
Dự án phát triển Cơ sở hạ tầng hỗ trợ ứng phó biến đổi ven biển huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 261 tỷ, dự kiến cả năm đạt hơn 39 tỷ.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Thụy Sơn xã Thụy Sơn của Công ty TNHH ĐTPT & XD Việt Hàn, vốn đầu tư 120 tỷ, dự kiến 9 tháng đạt hơn 24 tỷ đồng.
Dự án Công ty TNHH khoa học kỹ thuật hoạt hình Firtunion: Nhà máy sản xuất sản phẩm hoạt hình thông minh cho trẻ em, vốn đầu tư 348 tỷ, dự kiến cả năm đạt gần 153 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm CN Thái Dương Công ty Cổ phần Thịnh Vượng TVT, vốn đầu tư 170 tỷ, dự kiến cả năm đạt 125 tỷ đồng.
Dự án nhà xưởng sản xuất của công ty ty CP sợi EIFEL tại CCN An Ninh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư gần 440 tỷ, dự kiến cả năm đạt 32 tỷ đồng.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2020 tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lượng hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho thị trường phong phú, đa dạng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh đó yếu tố giá tác động không nhỏ đến doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ như: giá thịt lợn có sự biến động tăng trong suốt cả năm do nguồn cung từ chăn nuôi giảm; giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục giảm do giá dầu thô trên thế giới giảm; giá vàng tăng cao trong năm đóng góp vào mức tăng chung của bán lẻ hàng hoá. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm kéo theo mức luân chuyển hàng hoá giảm. Thu nhập của người dân giảm đáng kể thể hiện ở sự tiêu dùng hàng hoá giảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2020 ước đạt 4.231 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 3.696 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt gần 10 tỷ đồng giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 25,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 247 tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,3 tỷ đồng giảm 33,3% so với tháng trước và bằng 15,6% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 278 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Trong tháng, tất cả các nhóm hàng bán lẻ đều tăng so với tháng trước như: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,6%; nhóm phương tiện đi lại trừ ô tô kể cả phụ tùng tăng 5,8%; nhóm hàng hoá khác tăng 5,2%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 4,8%; nhóm xăng dầu các loại tăng 4,2%;…
 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước quý IV năm 2020 đạt 12.248 tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 10.650 tỷ đồng, tăng 6,9% so với quý trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 29 tỷ đồng, tăng 4,7% so với quý trước nhưng giảm 26% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 758 tỷ đồng; tăng 8,1% so với quý trước nhưng giảm 10,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,4 tỷ đồng, giảm 16,9% so với quý trước và bằng 24,6% so với  cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 809 tỷ đồng, tăng 8,2% so với  quý trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong quý IV/2020, tất cả các nhóm hàng bán lé đều tăng so với quý trước, trong đó một số nhóm ngành hàng bán lẻ tăng cao như: Nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục ước đạt 97 tỷ đồng (+45,1%); nhóm phương tiện đi lại trừ ô tô kể cả phụ tùng ước đạt 569 tỷ đồng (+15,8%); nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.725 tỷ đồng (+14,8%);…
Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 46.315 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 40.483 tỷ đồng, tăng 4,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 2.891 tỷ đồng, giảm 17,2%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.941 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước đạt 40.483 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Chia theo nhóm ngành hàng bán lẻ, một số ngành hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 30,9%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 7,1%;… Bên cạnh đó một số ngành hàng giảm so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con dưới 9 chỗ ngồi giảm 26%; nhóm phương tiện đi lại trừ ô tô con kể cả phụ tùng giảm 12,3%; nhóm nhiên liệu khác trừ xăng dầu giảm 10,8%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành năm 2020 ước đạt 2.891 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu lưu trú ước đạt 116 tỷ đồng, giảm 26,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 2.767 tỷ đồng, giảm 16,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt gần 8 tỷ đồng bằng 28% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngành kinh tế bị tác động trong đó ngành dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng khá nặng nề, sản xuất công nghiệp ảnh hưởng làm thu nhập người lao động giảm, chi tiêu ăn uống ngoài gia đình hạn chế, nhiều hoạt động du lịch phải hoãn và ngừng.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác năm 2020 ước đạt 2.941 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong năm, nhóm dịch vụ giảm do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh là dịch vụ vui chơi giải trí ước đạt 405 tỷ đồng, giảm 5,4% và dịch vụ giáo dục đào tạo ước đạt 61 tỷ đồng, giảm 19,6%. Các dịch vụ còn lại đều tăng như: dịch vụ y tế ước đạt 396 tỷ đồng, tăng 9,5%; dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 657 tỷ đồng, tăng 4,3%; dịch vụ hỗ trợ hành chính ước đạt 619 tỷ đồng, tăng 2,9%; dịch vụ sửa chữa ước đạt 294 tỷ đồng, tăng 2,4%;…

Hoạt động vận tải 

Hoạt động vận tải năm 2020 tăng trưởng chậm đạt 2,4% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong đó vận tải hành khách giảm 3,2%, vận tải hàng hoá tăng 4,5%; hoạt động bưu chính chuyển phát đạt mức tăng cao 48,1% một phần do dịch bệnh nên tâm lý khách hàng hạn chế đến cửa hàng tập trung đông người, chuyển sang mua hàng online.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 12/2020 ước đạt 171 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt gần 2,2 triệu người tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 251,7 triệu người.km, tăng 5% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 7,1%.
Ước quý IV năm 2020 doanh thu vận tải hành khách ước đạt 474 tỷ đồng, tăng 17,3% so với quý trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 6,2 triệu người, tăng 12,8% so với quý trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 722 triệu người.km tăng 14,5% so với quý trước và so với cùng quý năm trước tăng 5,8%.
Doanh thu vận tải hành khách năm 2020 ước đạt 1.586 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 21,4 triệu người, giảm 3,8% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 2.424 triệu người.km, giảm 4,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 12/2020 ước đạt 461 tỷ đồng, tăng 9% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt hơn 2,7 triệu tấn, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt hơn 1.100 triệu tấn.km, tăng 9,1% so với tháng trước, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa quý IV năm 2020 ước đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 20,6% so với quý trước và tăng 12,5% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 7,5 triệu tấn, tăng 19,6% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt hơn 3.041 triệu tấn.km, tăng 21,5% so với quý trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hàng hóa năm 2020 ước đạt 4.258 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 25,4 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 9.933 triệu tấn.km, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 12/2020 ước đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải quý IV năm 2020 ước đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 10,5% so quý trước và tăng 16,9% so với cùng quý năm trước. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2020 ước đạt 57 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 12/2020 ước đạt trên 0,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát quý IV năm 2020 ước đạt gần 1,3 tỷ đồng, tăng 12,4% so với quý trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ước năm 2020 doanh thu bưu chính chuyển phát đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 12 năm 2020 ước đạt 269 triệu USD, tăng 6,9% so với tháng trước nhưng giảm 17,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2020 ước đạt 2.702 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu
Trị giá xuất khẩu tháng 12/2020 ước đạt 159 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước nhưng giảm 5,4 % so với cùng kỳ. Phân theo loại hình kinh tế:  Kinh tế tư nhân ước đạt 88 triệu USD, tăng 5,9% so với tháng trước nhưng giảm 8,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 71 triệu USD, tăng 2,8% so với tháng trước nhưng giảm 1,2% so với cùng kỳ. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu tháng 12/2020 đều tăng so với tháng trước, một số mặt hàng tăng cao như: xăng dầu các loại tăng gấp 6 lần; xơ, sợi dệt các loại tăng 12,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,9%; hàng thuỷ sản tăng 5,7%;...
Trị giá xuất khẩu năm 2020 ước đạt 1.456 triệu USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước ước đạt 0,04 triệu USD, bằng 29,5% so với cùng kỳ; kinh tế tư nhân ước đạt 797 triệu USD, giảm 18,3% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 659 triệu USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm gỗ tăng 81,9%; sản phẩm gốm, sứ tăng 52,8%; sắt thép tăng 48,9%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 48,7%;... Bên cạnh đó mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Sản phẩm từ sắt thép giảm 74,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 40,8%; xơ, sợi dệt các loại giảm 37,1%;...
Nhập khẩu
Trị giá nhập khẩu tháng 12/2020 ước đạt 110 triệu USD, tăng 10,6% so với tháng trước nhưng giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 58 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước nhưng giảm 35% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 52 triệu USD, giảm 3,2% so với tháng trước và giảm 23,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tháng 12/2020 tăng so với tháng trước như: Hóa chất tăng hơn 2 lần; xăng dầu các loại tăng 83,4%; chất dẻo nguyên liệu tăng 47,3%;... Bên cạnh đó còn có mặt hàng giảm như: phế liệu sắt thép giảm 16%; xơ, sợi dệt các loại giảm 5,1%.
  Trị giá nhập khẩu năm 2020 ước đạt 1.246 triệu USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 662 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 584 triệu USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ. Mặt hàng có giá trị nhập khẩu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước như xăng dầu các loại tăng 2,9%; các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ như: Hoá chất giảm 65,3%; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 65,2%; bông các loại giảm 50,2%; chất dẻo nguyên liệu giảm 43%;...
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020 giảm 0,02% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước giảm 0,5% và giảm 0,5% so với tháng 12 năm trước; bình quân cùng kỳ tăng 3,85%.
Trong tháng 12 năm 2020 có 02 nhóm có chỉ số giá tăng là giao thông tăng 2,57%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; 03 nhóm có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,02%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,08%; các nhóm còn lại có chỉ số ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV năm 2020 giảm 0,34% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số giảm như: giao thông giảm 13,28%, văn hoá, giải trí và du lịch giảm 4,52%, may mặc, mũ nón và giày dép giảm 1,13%;… bên cạnh đó một số nhóm hàng tăng như: giáo dục tăng 7,02%; hàng ăn và dịch vụ ăng uống tăng 1,29%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,43%;…
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 12,69%; nhóm giáo dục tăng 7,41%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,79%;… Còn lại 4 nhóm có chỉ số giảm: nhóm giao thông giảm 11,08% do tác động từ điều chỉnh giá xăng dầu giảm trong năm; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 1,99%; nhóm văn hoá, giải trí và duc lịch giảm 2,41%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,2%.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2020 đạt 18.322 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 6.815 tỷ đồng, giảm 19,9%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.150 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 ước đạt 16.509,8 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 7.338 tỷ đồng, tăng 23%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 8.318 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Năm 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh dạy nghề cho 35.100 người (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra, bằng 100,57% so với năm 2019), trong đó trình độ cao đẳng 3.600 người, trung cấp 6.500 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 25.000 người. Tỷ lệ qua đào tạo nghề cuối năm 2020 dự kiến đạt 56,5%.
Năm 2020, toàn tỉnh tạo việc làm cho 32.600 người (đạt 98,7% kế hoạch năm, bằng 95,3% so với cùng kỳ), trong đó việc làm tại địa phương 24.500 người, lao động đi làm việc tại tỉnh ngoài 6.300 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.800 người. Tiếp nhận trên 10.407 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 9.818 người được hưởng, tăng 47% so với cùng kỳ).
Trợ cấp xã hội:
Năm 2019, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 17.022 hộ, tỷ lệ 2,66% (giảm 0,69% so với năm 2018), trong đó có 16.964 hộ (chiếm 99,66%) hộ nghèo về thu nhập (N1); 58 hộ (chiếm 0,34%) hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (N2); tổng số hộ cận nghèo là 18.520 hộ, tỷ lệ 2,89% (giảm 0,27% so với năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh năm 2020 có giảm, cụ thể năm 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 15.279 hộ (tỷ lệ 2,35%, giảm 0,31% so với năm 2019); số hộ cận nghèo là 16.611 hộ (tỷ lệ 2,56%, giảm 0,33% so với năm 2019).
Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các đơn vị chức năng cấp 19.928 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí trên 17 tỷ đồng, 31.011 thẻ BHYT cho người cận nghèo, kinh phí trên 26 tỷ đồng; miễn, giảm học phí cho 14.488 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, kinh phí 1.879 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 10.466 lượt học sinh nghèo, kinh phí hơn 3.991 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 3.460 lượt trẻ em từ 3-5 tuổi học mẫu giáo, kinh phí trên 1.542,7 triệu đồng; 455 hộ nghèo được xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 11.469 triệu đồng; 50.934 người nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ quà Tết, kinh phí trên 17,7 tỷ đồng (100% hộ nghèo được nhận quà Tết).
Nhân dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý toàn tỉnh đã trao tặng 50.934 suất quà cho người nghèo, cận nghèo trị giá trên 17,7 tỷ đồng (100% hộ nghèo được nhận quà tết); 48.660 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh có 111.903 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trong đó 50.967 người cao tuổi (chiếm 45,5%), 50.161 người khuyết tật (chiếm 44,8%), còn lại là các nhóm đối tượng khác.
Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 diễn biến phức tạp. Các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai xây dựng và thực hiện phương án tăng trưởng kinh tế; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội trước ảnh hưởng của dịch Covid-19… Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tích cực tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách và cấp kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng: hộ kinh doanh, lao động bị chấm dứt hoặc hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội… Việc giải ngân chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra sai sót, tiêu cực.
Lĩnh vực người có công
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở đối với 17.774/25.830 hộ gia đình người có công với cách mạng. Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 3.243 hộ người có công với cách mạng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở chưa được phê duyệt trong danh sách, kinh phí: 103.120 triệu đồng, Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, đề nghị UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách để giải ngân hỗ trợ đợt I/2020 đối với 286 hộ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Những hộ còn lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng bước bố trí kinh phí hỗ trợ.
Các chế độ điều dưỡng, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công và trợ cấp ưu đãi giáo dục cho thân nhân được thực hiện tích cực, hiệu quả. Năm 2020 đã thực hiện điều dưỡng cho 20.364 lượt người đối tượng với tổng số tiền  trên 27 tỷ đồng; trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với 1.568 lượt người với kinh phí gần 3 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi giáo dục đối với hơn 1.700 lượt người, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Giáo dục
Năm học 2019-2020 tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục Thái Bình đã vượt qua mọi khó khăn, tìm ra được những giải pháp hiệu quả để các em học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học, các cơ sở giáo dục vẫn bảo đảm đúng tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên và chuẩn hóa. Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm với 99,7% (tăng 0,2%) số trẻ đến trường được nuôi ăn bán trú; 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện; các kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh
Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 diễn biến phức tạp. Các đơn vị y tế thực hiện chế độ thường trực dịch 24/24 trong công tác giám sát dịch tại các cơ sở y tế.
- Ngày 20/11/2020 ghi nhận thêm 01 trường hợp dương tính với Covid-19 (bệnh nhân số 1305), công dân từ Đức về Việt Nam trên chuyến bay VN 5036 (Đức - Vân Đồn, Quảng Ninh), Hiện bệnh nhân số 1305 đã khỏi và tiếp tục được cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2;
- Ngày 26/11/2020 ghi nhận 01 trường hợp tái dương tính với Covid-19 (bệnh nhân số 1138), hiện bệnh nhân đang cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 4 ngày 07/12/2020 và được ra viện về cách ly tại nhà từ ngày 08/12/2020);
- Ngày 02/12/2020 ghi nhận 01 trường hợp dương tính với Covid-19 (bệnh nhân số 1359) là công dân từ Thụy Điển về Việt Nam trên chuyến bay VN 5036 (Đức – Vân Đồn, Quảng Ninh ngày 19/11/2020). Bệnh nhân được cách ly tập trung tại Trung đoàn bộ binh 568 cơ sở I từ ngày 19/11/2020 đến 01/12/2020. Hiện bệnh nhân đã được chuyển lên cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19 ngày 10/12/2020).
Số bệnh nhân Covd-19 đã được phát hiện cộng dồn là 37, trong đó số đã điều trị khỏi là 36 trường hợp; Số hiện đang quản lý, điều trị là 01 trường hợp.
Trong tháng đã lấy 593 mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp có yếu tố nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cộng dồn tổng số mẫu đã xét nghiệm đến ngày 10/12/2020 là 10.315 mẫu. Trong đó: Giai đoạn 2 đến ngày 31/10/2020 là 6.306 mẫu.
Tình hình HIV/AIDS
Ngành Y tế thực hiện các hoạt động xét nghiệm sàng lọc HIV cho đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng; rà soát, cập nhật danh sách người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV lên phần mềm quản lý người nhiễm của Cục Phòng chống HIV/AIDS.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.190 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 240/260 xã, phường, thị trấn (trong đó có 744 phụ nữ chiếm 33,97% và 36 trẻ em chiếm 1,64%); Phát hiện 04 người nhiễm HIV trong tháng; điều trị ARV cho 1.309 bệnh nhân với 985/2190 bệnh nhân (75,25%) được nhận thuốc từ nguồn BHYT; Tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.370 người nghiện tại các cơ sở điều trị.
Văn hoá - Thể thao
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, du lịch, lễ hội trong dịp nghỉ lễ, Tết được chú trọng. Các đơn vị chức năng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 gây ra trong hoạt động lễ hội, tại di tích lịch sử văn hóa.
Tối ngày 12/12, tại Quảng trường Thái Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức trọng thể Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Tới dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại Thái Bình là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình, thể hiện được tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Thái Bình, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu Giải Cúp Canoieng toàn quốc đạt 02 huy chương Bạc, 01 huy chương Đồng. Mở 05 lớp bơi lặn, điền kinh, võ, cầu lông tại các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư. Tổ chức tập huấn cho các vận động viên tham gia thi đấu 25 giải, đạt 93 huy chương các loại: 26 HCV, 29 HCB, 38 HCĐ; đội bóng chuyền nữ giành chức vô địch hạng A và thăng hạng các đội mạnh toàn quốc
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2020 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm trước, làm 13 người chết và 2 người người bị thương. Tính chung năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông, tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm 2019, làm 65 người chết và 30 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Trong tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Cả năm 2020 xảy ra 6 vụ cháy trên toàn tỉnh, không có người chết và bị thương, thiệt hại tài sản ước trên 25,4 tỷ đồng.
Tóm lại, tình hình kinh tế, xã hội năm 2020 tỉnh Thái Bình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,2% là năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tuy gặp một số khó khăn nhưng có mức tăng trưởng khá do lĩnh vực trồng trọt được mùa, năng suất lúa đạt cao, cây hàng năm năng suất, sản lượng tăng, đàn gia cầm duy trì ở mức cao, đàn lợn phục hồi chậm, đặc biệt lĩnh vực thủy sản tăng cao.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid 19 nặng nề, đặc biệt một số ngành chiếm tỉ trọng lớn là các ngành dệt may, sản xuất kim loại, sản xuất đồ uống có tổng giá trị sản xuất chiếm trên 50% giá trị toàn ngành công nghiệp bị suy giảm; ngành sản xuất điện tăng khá nhưng chỉ chiếm tỉ trọng dưới 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng cao nhất so với các ngành trong năm, ước đạt 8,9% nhờ sự đẩy mạnh dải ngân vốn đầu tư công, một số công trình trọng điểm duy trì tốc độ xây dựng khá; xây dựng khu vực dân doanh có tốc độ chậm lại.
Lĩnh vực dịch vụ một số ngành chịu tác động suy giảm như ăn uống, vận tải hành khách, vận tải đưởng thủy; các ngành dịch vụ khác tăng chậm do thu nhập của người dân bị giảm sút ở hầu hết các ngành công nghiệp, dịch vụ, vì vậy người dân thắt chặt chi tiêu.
Từ những khó khăn hệ lụy của đại dịch Covid 19 thu nhập nhiều bộ phận dân cư bị ảnh hưởng do thiếu việc làm, giãn, mất việc nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, toàn xã hội với mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, do vậy kinh tế Thái Bình trong năm 2020 đã giảm thiểu được những tác động xấu và duy trì được những ngành sản xuất ít chịu tác động của đại dịch góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021 với diễn biến dịch bệnh Covid 19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bất ổn chính trị, cạnh tranh, bảo hộ, cạnh tranh kinh tế trên toàn thế giới còn khó lường; tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, bất ổn, cơ hội đan xen; do vậy toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần tiếp tục lỗ lực khắc phục mọi khó khăn, khơi thông, tận dụng các nguồn lực để lỗ lực phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội là tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu của đại hội đảng bộ các cấp các ngành đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây