TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH THÁNG HAI VÀ HAI THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Thứ bảy - 25/02/2023 16:23
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng Hai, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2023; trồng, chăm sóc cây vụ Xuân và phòng trừ chuột, sâu bệnh trên cây; phát triển sản xuất chăn nuôi; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản; tăng cường công tác quản lý tàu cá, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển và bảo vệ rừng.
Nông nghiệp
Trồng trọt
 Sản xuất cây lúa vụ Xuân
Đến ngày 05/02, 100% diện tích gieo cấy của tỉnh đã đủ nước làm đất phục vụ gieo cấy, là tỉnh đầu tiên trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ hoàn thành công tác lấy nước đổ ải. Hai công ty thủy nông đã khai thác tối đa khả năng tự chảy, chủ động mở các cống dưới đê sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc, sông Trà Lý để lấy nước. Các HTX nông nghiệp đã vận hành các trạm bơm điện với tổng số 724 máy bơm, công suất từ 800 - 4.000m3/giờ/máy để đưa nước lên ruộng.
Để tránh bất thuận của thời tiết giai đoạn lúa trỗ bông, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện công thức “xuân muộn - mùa sớm”, khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng gạo ngon, các giống có khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh, các giống chuyển gen kháng bệnh (bạc lá, đạo ôn cổ bông). Sau tiết lập xuân vào ngày 04/02 (ngày 14/01 âm lịch), thời tiết đang ấm dần lên, do vậy bà con nông dân các nơi đã và đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy và chăm sóc lúa, cây màu. Ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/02. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, diệt chuột, phòng, trừ sâu bệnh các loại bảo vệ sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo thuận lợi tốt nhất cho sản xuất vụ Xuân.
Theo tiến độ sản xuất của Sở NN & PTNT tính đến ngày 16/02/2023, diện tích lúa Xuân đã gieo cấy 52.200 ha đạt 69,7% kế hoạch đề ra. Tập trung ở các huyện như Đông Hưng 10.500 ha, Hưng Hà 10.200 ha, Quỳnh Phụ 8.000 ha, Thái Thụy 7.500 ha, Kiến Xương 7.200 ha, Vũ Thư 5.500 ha, hiện nay các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo cấy đảm bảo trong khung thời vụ; tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích lúa đã cấy.
 Sn xut cây màu v Xuân
Hiện tại toàn tỉnh đang tích cực tranh thủ xuống đồng hoàn thành thu hoạch diện tích cây màu vụ Đông; đẩy nhanh tiến độ gieo trồng và chăm sóc cây màu vụ Xuân. Tính đến 16/02/2023 diện tích cây màu xuân đã trồng đạt 11.437 ha, đạt 76,2% kế hoạch đề ra, cao hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 0,1 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1,6 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Tháng 02/2023 đàn lợn không có phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Tuy vậy ngành chăn nuôi cũng hướng dẫn cụ thể và khuyến cáo người nuôi thận trọng khi tái đàn, không nóng vội tái đàn khi chưa bảo đảm điều kiện cần thiết. Phải tái đàn từng bước, trước hết lựa chọn được con giống tốt từ những vùng không có dịch và nuôi với tỷ lệ phù hợp, được tiêm phòng đầy đủ, không nuôi ồ ạt. Song trong những tháng qua người dân vẫn còn tâm lý thận trọng, dè chừng, trong việc tái đàn nhất là tại các hộ chăn nuôi gia trại quy mô nhỏ, việc tái đàn tập trung vào những hộ chăn nuôi lớn có quy mô trang trại trở lên. Để tái đàn và hạn chế rủi ro từ con giống, ngoài việc tự sản xuất con giống, một số hộ dân đã mạnh dạn lựa chọn nhập lợn giống từ các trại lợn có uy tín, bảo đảm nguồn gốc. Theo người chăn nuôi xu hướng hiện nay trọng lượng bình quân lợn xuất bán ngày càng lớn khoảng từ 110 kg -120 kg trở lên. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 26,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ  năm 2022.
Chăn nuôi gia cầm: Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, các cơ sở nuôi gà với quy mô từ 4.000 con trở lên, vịt và gia cầm khác từ 500 con trở lên đã phát triển mạnh với số lượng chiếm phần lớn tổng số cơ sở chăn nuôi toàn tỉnh. Trong thời điểm này, để chủ động ngăn chặn dịch bùng phát trên gia cầm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp, phòng chống dịch. Đến nay, dù chưa có gia cầm mắc bệnh song các địa phương và các hộ chăn nuôi đã chủ động triển khai theo đúng chỉ đạo của tỉnh và huyện; công tác tiêu độc khử trùng, kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm và phát triển chăn nuôi gia cầm vẫn được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 2,2%; sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 64,2 triệu quả, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Trong tháng chưa có diện tích trồng rừng mới bổ sung, ngành lâm nghiệp tỉnh đang lên kế hoạch kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng; các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hiện có trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 và trồng cây phân tán của UBND tỉnh Thái Bình, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục về mục đích và ý nghĩa của việc trồng cây, cũng như nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của việc trồng rừng, trồng cây đối với đời sống. Toàn tỉnh đã trồng được 641 nghìn cây nhân dân nội đồng.
 Sản lượng gỗ khai thác hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 250 m3, giảm 5,3%; sản lượng củi khai thác ước đạt 1.192 ste, giảm 0,9% so với cùng kỳ  năm 2022.
Thuỷ sản
Thời tiết đầu năm thuận lợi cho việc khai thác hải sản, các loại cá đi theo luồng gần bờ, do đó việc đánh bắt không mất nhiều thời gian, tiết kiệm nhiên liệu. Tạo điều kiện ngư dân trong vùng thường xuyên ra khơi khai thác hải sản.
Các địa phương đã kết hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức đăng ký, đăng kiểm, trang bị thông tin liên lạc cho ngư dân, khuyến khích các dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)...
Tổng sản lượng thủy sản hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 43,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Khai thác: Sản lượng khai thác hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 16,9 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 10,5 nghìn tấn, tăng 1%; tôm đạt 0,3 nghìn tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác đạt 6,1 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng: Dự kiến trong tháng tới sản lượng tôm nuôi sẽ giảm nhẹ vì hầu hết các ao nuôi thâm canh bà con nông dân sẽ thực hiện vệ sinh, cải tạo ao đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới vào thời điểm tiết thanh minh 2023. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 sản lượng nuôi trồng ước đạt 26,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 6,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 0,2 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 19,4 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp
Ngay từ những ngày đầu Xuân mới các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất với khí thế sôi nổi, khẩn trương, góp phần đưa giá trị sản xuất xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. 
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, luôn đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Duy trì tốt cơ chế đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh từng bước đi vào hoạt động ổn định trở lại.
Hệ thống Hạ tầng giao thông của tỉnh trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư xây dựng như: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông huyện, đường cao tốc Thái Hà, quốc lộ 39A, 39B, đường liên xã DH 47, đường tránh Thị trấn Đông Hưng, cầu nối giữa xã Đông Cường với xã Đông Kinh của huyện Đông Hưng. Quốc lộ 39, quốc lộ 37B đã hoàn thành đi vào sử dụng, Quốc lộ ven biển, Quốc lộ 37 đoạn từ Thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy đi Thành phố Hải Phòng. Cải tạo và nâng cấp đường cứu hộ cứu nạn qua xã Tân phong huyện Vũ Thư đoạn từ đường Tỉnh 454 (đường 223 cũ) đến sông Trà Lý, nâng cấp cải tạo tuyến đường xã Minh Quang, cải tạo và nâng cấp tuyến đường từ Chùa Keo tỉnh Thái Bình đi Cổ Lễ tỉnh Nam Định… đã tạo thuận lợi rất lớn trong việc giao thương và thu hút đầu tư vào các huyện, thành phố nhất là Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số khó khăn: Tiến độ triển khai các tuyến đường giao thông huyết mạch của các huyện như tuyến Quốc lộ ven biển, quốc lộ 37 của huyện Thái Thụy còn chậm. Các cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ do đó gặp khó khăn trong khâu thu hút các nhà đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Một số nhà đầu tư còn chậm triển khai các công việc như giải phóng mặt bằng, các thủ tục về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi có chủ trương đầu tư dự án của tỉnh. Trong tháng, một số doanh nghiệp thực hiện bảo dưỡng máy móc sản xuất định kỳ. Các doanh nghiệp dệt, may, da giầy trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như: thiếu đơn hàng, chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài…
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02/2023 tăng 6,8% so với tháng trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 51,7%, Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,5%, Sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Ngành khai khoáng tăng 31,3%; Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,9%; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 74,5%, Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 02/2023 có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác (+32,4%); Thép cán (+75,2%); Bia hơi tăng 1,1 lần; khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+62,6%); tai nghe khác tăng 3,8 lần; điện sản xuất (+82,6%)... Tuy nhiên một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Khí tự nhiên dạng khí (-21,5%); gạch xây bằng đất nung (-25,5%)...
Hai tháng đầu năm 2023, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tai nghe khác tăng 1,8 lần; Điện sản xuất (+84,8%); Thức ăn cho gia súc (+54,9%); khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+17,2%); Nitorat Amoni (+77,4%); túi khí an toàn (+44,4%)… Tuy nhiên một số sản phẩm giảm như: bộ com lê quần áo đồng bộ (-9,4%); Áo sơmi cho người lớn (-38,3%); khí tự nhiên dạng khí (-26,2%); thép cán (-15,1%); loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa (-19,7%)...
Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tháng 02/2023 tăng 21,2% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ ước giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước; giảm mạnh ở một số ngành như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 22,2%; sản xuất trang phục giảm 21,6%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu giảm 46,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và platic giảm 11,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 38,3%; sản xuất kim loại giảm 31,2%... Tuy nhiên còn có một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: dệt tăng 1,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 30,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,1%, sản xuất hoác chất tăng 54,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,3%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 3,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 33,1%...
Chỉ số tồn kho: Tính đến tháng 02/2023, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tăng 3,4% so tháng 01/2023 và tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 02/2023 giảm 5,7% so với tháng trước; Chỉ số sử dụng lao động hai tháng đầu năm 2023 tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Đầu tư
Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 02/2023 ước đạt 382,2 tỷ đồng đạt 83,1% so với tháng trước và tăng 21,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 165,8 tỷ đồng, đạt 87,1% so với tháng trước tăng 0,9 % so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 145 tỷ đồng, đạt 78,7% so với tháng trước và tăng 50,4% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 71,4 tỷ đồng, đạt 83,5% so với tháng trước và tăng 34,2% so cùng kỳ.
Hai tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 842,4 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 356,3 tỷ đồng, tăng 6,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 329,2 tỷ đồng, tăng 66,3%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 156,9 tỷ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư chuyển tiếp bằng nguồn ngân sách, dự kiến trong tháng 02/2023
Dự án cải tạo, nâng cấp lòng đường vỉa hè và hệ thống thoát nước đường Trần Thành Tông (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Lê Quý Đôn), vốn đầu tư 8,4 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 1,1 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp lòng đường vỉa hè và hệ thống thoát nước đường Lý Thái Tổ (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Chu Văn An), vốn đầu tư 39,6 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3,5 tỷ đồng;
 Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 131 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 4,7 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý Giai đoạn II huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 12,5 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 69 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 1,5 tỷ đồng;
Dự án cải tạo nâng cấp đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5,3 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt gần 9 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 464 (đường 221D), đoạn từ xã Đông Xuyên đến đường ven biển xã Đông Minh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 2,3 tỷ đồng;
Dự án đường cứu hộ cứu nạn từ đê biển sông Hồng đến UBND xã Nam Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5,5 tỷ;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải (GĐ2), vốn đầu tư 55 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 4,4 tỷ; Dự án xây dựng đường vành đai (Vũ Trọng) kéo dài cắt đường 8B xã An Ninh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 151 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 6,7 tỷ đồng;
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu ven biển huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 261 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3,7 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 5 từ đê sông Diêm Hộ đến đường quy hoạch số 2 huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 231 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 11,7 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 2 (đoạn từ tuyến đường bộ ven biển đến đường tỉnh ĐT.461) huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 195 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 9,7 tỷ đồng;
 Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phong đi Thụy Duyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 105 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phúc đi Thụy Hưng huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3 tỷ đồng;
 Dự án xây dựng cầu Chiều đường ĐH93F, xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3 tỷ đồng;
 Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đến đường vào UBND xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 4 tỷ đồng;
 Dự án Cải tạo nâng cấp đường ĐT.452 (đường 224 cũ), GĐ1: Đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam, vốn đầu tư 101 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án đường 71 đi CCN Bắc Sơn huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 77 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường quốc lộ 39 đến đường huyện 65 huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 79 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây khẩn cấp cầu Đồng Lạc giai đoạn 2: Đường nối cầu Đồng Lạc đi ngã 3 Công Chéo xã Tây Đô huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 47 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường điện 110Kv đường Hưng Hà 2 đi Phố Cao, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trường học cấp 1+2 Dân Chủ xã Dân Chủ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 4 tỷ;
Dự án cải tạo đường T5 xã Liên Hiệp đi xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3 tỷ đồng;
Dự án Xây dựng nhà văn hóa thôn xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 20 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 6 tỷ đồng;
 Dự án xây dựng đường từ xã Minh Tân đến Đền Trần xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 125 tỷ đồng, dự kiến tháng 02 đạt 3 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
 Tính đến đầu tháng 02/2023 đã cấp 64 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 333 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 162 doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp là 38 Doanh nghiệp.
Tính đến đầu tháng 02/2023 trên địa bàn tỉnh có 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, Dự án đầu tư nhà máy gia công cơ khí và nhà máy may xuất khẩu của 03 nhà đầu tư Liên doanh Hồng Kong – Việt Nam - Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tháng 02/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 27,5%; vận tải hành khách tăng 23,9% về vận chuyển, tăng 24,9% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 17,1% về vận chuyển, tăng 18,4 % về luân chuyển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2023 ước đạt 5.461 tỷ đồng, giảm 8,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 4.770 tỷ đồng, giảm 9,4% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong tháng chỉ có nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,3%; các nhóm hàng còn lại đều giảm so với tháng trước, do sau tết nhu cầu tiêu dùng giảm, cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 1.500 tỷ đồng, giảm 12,8%; nhóm xăng dầu các loại đạt 857 tỷ đồng, giảm 9,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 543 tỷ đồng, giảm 6,1%; nhóm hàng hóa khác đạt 319 tỷ đồng, giảm 7,2%; nhóm phương tiện đi lại đạt 305 tỷ đồng, giảm 1,9%; nhóm hàng may mặc đạt 182 tỷ đồng, giảm 30%; nhóm ô tô con đạt 57 tỷ đồng, giảm 39,6%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 02/2023 ước đạt 400 tỷ đồng, giảm 2,2% so với tháng trước và tăng 41,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 12 tỷ đồng, giảm 6,3% và tăng 25,6%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 386 tỷ đồng, giảm 2,1% và tăng 41,5%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 20,1% và tăng 7,7 lần.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 291 tỷ đồng, giảm 4,9% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ, trong đó: Bất động sản giảm 11,4% và giảm 3,9% do ảnh hưởng từ chính sách giải ngân cho vay, thị trường bất động sản chững lại chưa có dấu hiệu phục hồi; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 1,4% và tăng 17,4%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 42,3% và giảm 25,2% do tỉnh chỉ đạo nghiêm ngặt cấm dạy thêm, học thêm trái quy định ngoài nhà trường; dịch vụ y tế tăng 0,2% và tăng 26,2%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí giảm 8,3% và giảm 2,9%; dịch vụ khác giảm 6,6% và tăng 8%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 11.443 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.038 tỷ đồng (chiếm 87,7% tổng mức), tăng 18,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 809 tỷ đồng (chiếm 7,1% tổng mức), tăng 40,4%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 596 tỷ đồng (chiếm 5,2% tổng mức), tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2023 giảm 1,02% so với tháng trước; tăng 3,19% so với cùng tháng năm trước; giảm 0,70% so với tháng 12 năm trước. Trong mức giảm 1,02% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước, có 5/11 nhóm hàng tăng giá; 4/11 nhóm hàng giảm giá; 2/11 nhóm ổn định so với tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Một số nguyên nhân nổi bật tác động đến chỉ số giá tháng 02: nhóm giáo dục giảm 20,93% đóng góp vào giảm chỉ số chung 1,11 điểm phần trăm, nguyên nhân do giá học phí trường Cao đẳng Y Thái Bình và Đại học Y Thái Bình giảm. Nhóm giao thông tăng 2,52%, do tác động của giá xăng dầu tăng vào ngày 14/02/2023 (xăng 95 tăng 1.640 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.540 đồng/lít; dầu điezen tăng 890 đồng/ lít; dầu hỏa tăng 770 đồng/lít). Ngày 22/02/2023 giá xăng dầu giảm (xăng 95 giảm 330 đồng/lít; xăng E5 giảm 320 đồng/lít; dầu điezen giảm 1.720 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 1.730 đồng/lít).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm 2023 tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng; 01/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 01/11 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định là nhóm bưu chính viễn thông. Những nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung: nhóm giáo dục (+18,94%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+7,14%); nhóm đồ uống và thuốc lá (+6,48%). Những nhóm hàng có chỉ số giá tăng thấp hơn so với mức tăng chung: may mặc, mũ nón và giày dép (+2,59%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,96%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (1,79%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (1,77%); nhóm  thuốc và dịch vụ y tế (+1,17%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+1,07%). Duy nhất nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 1,11% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 336 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng trước và tăng 27,5% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 657 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 0,8%, nhập khẩu giảm 4,1%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2023 ước đạt 162 triệu USD, giảm 10,7% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 99 triệu USD, giảm 11,1% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 63 triệu USD, giảm 10,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước như: Hàng dệt may đạt 95,3 triệu USD, giảm 8,1%; hàng hóa khác đạt 22,3 triệu USD, giảm 12,9%; xơ, sợi dệt các loại đạt 7,0 triệu USD, giảm 14,7%; sản phẩm gốm, sứ đạt 1,7 triệu USD, giảm 35,3%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,4 triệu USD, giảm 35,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,1 triệu USD, giảm 20,3%;...
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 343 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 210 triệu USD, tăng 4,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133 triệu USD, giảm 4,3%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,9 lần; sản phẩm gỗ tăng 55,2%; sản phẩm gốm sứ tăng 48,8%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 47%; hàng thủy sản tăng 32%;... ngược lại một số sản phẩm giảm như: xơ, sợi dệt các loại giảm 45,1%; hàng hóa khác giảm 23,2%; sản phẩm từ sắt thép giảm 17,4%.
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 02/2023 ước đạt 175 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 41,7% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 133 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng trước và tăng 49% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 42 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Bông các loại giảm 33,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 21,7%; xơ, sợi dệt các loại giảm 18,8%; hóa chất giảm 9,1%; … Bên cạnh đó một số mặt hàng tăng: Xăng dầu các loại tăng 83,7%; hàng thủy sản tăng 67,8%; sắt thép các loại tăng 11,5%; vải các loại tăng 11,1%; phế liệu sắt thép tăng 10%;…
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 314 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng từ sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nên lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 231 triệu USD, tăng 0,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83 triệu USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ. Các mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Sắt thép các loại (-40,5%); máy móc, thiệt bị, phụ tùng khác (-30,6%); hàng hóa khác (-30,3%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (-20,3%); bông các loại (-17,1%); vải các loại (-14,2%);… bên cạnh đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép (+2,1 lần); máy vi tính, sản phẩm điện tử (+1,2 lần); hàng thủy sản (+29,6%); xăng dầu các loại (+20,6%); hóa chất (+16,6%).
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 02/2023 ước đạt 642 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 1.271 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động vận tải hành khách tăng 28,1%; hoạt động vận tải hàng hóa tăng 1,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 1,0%.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 02/2023 ước đạt 187 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước và tăng 24,6% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,5 triệu người, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 23,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 285 triệu người.km, giảm 2,9% so với tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 380 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 5,1 triệu người, tăng 27,7%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 578 triệu người.km, tăng 29,7% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 449 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 257 tỷ đồng, tăng 5,1% và tăng 12,2%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 164 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 18,3%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 27 tỷ đồng, tăng 2,9% và tăng 14%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 4% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.004 triệu tấn.km, tăng 4% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 879 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 1,4%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.969 triệu tấn.km, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 02/2023 ước đạt 5,9 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 0,3 so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 11,6 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 02/2023 ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm ước đạt 01 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước và hoạt động ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.251 tỷ đồng, đạt 15,5% so với dự toán, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 1.494 tỷ đồng, giảm 0,8%; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 580 tỷ đồng, tăng 27%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 1.159 tỷ đồng, giảm 20,8%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.412 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 896 tỷ đồng, giảm 25,8%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 1.510 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến 28/02/2023, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 107.700 tỷ đồng, tăng 3,0% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 86.460 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,74% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; nắm chắc tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Hướng dẫn các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ tình trạng hoạt động của các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra thông tin, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 09 doanh nghiệp, cơ sở; trình UBND tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động đối với 60 lao động nước ngoài của 07 lượt doanh nghiệp, cơ sở; cấp giấy phép lao động cho 41 lao động nước ngoài (trong đó cấp mới 39 lao động, cấp lại 0 lao động, gia hạn 02 lao động). Hướng dẫn 25 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 1.620 lao động; hướng dẫn 03 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 28 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tiếp nhận đăng ký và hướng dẫn 02 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động tại doanh nghiệp.
Trợ cấp xã hội
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn tỉnh đã tặng 129.304 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động với tổng kinh phí 60,5 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn Ngân sách tỉnh hỗ trợ tặng quà cho 100% hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ 500.000 đồng/suất quà/hộ (quà bằng tiền mặt), tổng số hộ nghèo của tỉnh được hỗ trợ 14.070 hộ, kinh phí 7,035 tỷ đồng. Quỹ Vì người nghèo các cấp tặng 10.683 suất, kinh phí hỗ trợ 5,3 tỷ đồng. Nguồn xã hội hóa từ các hội, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, của liên đoàn lao động các cấp tặng 104.551 suất, tổng kinh phí 48,15 tỷ đồng (trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vận động được 39.575 suất, kinh phí 16,38 tỷ đồng). 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ quà Tết.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngân sách tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trích kinh phí 508 triệu đồng tặng 1.116 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện, thành phố và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh.
Thực hiện hỗ trợ thêm tiền ăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và đối tượng lang thang, cơ nhỡ được tiếp nhận khẩn cấp theo quy định của pháp luật trong 05 ngày Tết Nguyên đán năm 2023. Số người được hỗ trợ 615 người, mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ 05 ngày, kinh phí hỗ trợ 615 triệu đồng. Hỗ trợ tặng quà cho học sinh khuyết tật tại Trường Trung cấp cho Người khuyết tật là 240 suất, mức quà 300.000đ/suất, kinh phí 72 triệu đồng.
Các trung tâm bảo trợ xã hội công lập đã chủ động chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng lang thang, cơ nhỡ dịp Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh không ghi nhận tiếp nhận đối tượng lang thang cơ nhỡ. Các Trung tâm đã tổ chức ăn Tết cho gần 400 đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng, quản lý tại trung tâm đảm bảo an toàn, đầm ấm, vui tươi.
Công tác đối với người có công
Toàn tỉnh đã tặng 252.687 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân, kinh phí 97,6 tỷ đồng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước tặng 81.117 suất quà, kinh phí 24,74 tỷ đồng (mức quà 600.000đ/suất cho 4.688 người; mức quà 300.000đ/suất cho 76.429 người). Quà của Tỉnh tặng 85.828 suất quà, mức quà 600.000đồng/suất (trong đó 200.000 đồng quà bằng tiền mặt, quà bằng hiện vật trị giá 400.000 đồng) và tặng quà cho các đồng chí thương, bệnh binh của tỉnh đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm trong và ngoài tỉnh, tổng kinh phí 51,54 tỷ đồng. Các huyện, thành phố trích ngân sách tặng 85.742 suất quà, kinh phí 20,31 tỷ đồng (mức quà từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng/suất). Tổ chức các Đoàn đại biểu Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đi thăm, tặng quà cho đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh và tặng quà cho người có công tiêu biểu tại các huyện, thành phố. Xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự tại Đền thờ liệt sỹ tỉnh, bố trí lịch trực cán bộ, công chức của Sở để phục vụ nhân dân và khách thập phương tới dâng hương nhân dịp Tết.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
Tình hình dịch bệnh Covid: Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, từ ngày 01/01/2023 đến 21/02/2023 số trường hợp mắc mới 12 ca (cộng đồng 06 ca, cách ly –phong tỏa 06 ca). Công tác tiêm chủng vắc xin Covid- 19, tính đến 17h00 ngày 21/02/2023, Thái Bình đã thực hiện 4.346.536 mũi tiêm.
Tình hình HIV/AIDS
 Ngành Y tế đã chủ trì tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện dự trù tiếp nhận báo cáo sử dụng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV theo sự chỉ đạo của Cục phòng chống HIV/AIDS; thực hiện mua và đóng nối thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.263 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 765 phụ nữ nhiễm (33,8%), 30 trẻ em nhiễm (1,32%), phát hiện mới 43 người nhiễm HIV và 12 trường hợp phơi nhiễm với HIV; 381 đối tượng nguy cơ cao được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep).
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Sở Y tế, tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn sau dịp tết Nguyên đán Quý Mão, tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất sản xuất thực phẩm chức năng không bảo đảm chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Hoạt động giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Việc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau khi phương án mới được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thông tin sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Tích cực chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 diễn ra trong 2 ngày 24 - 25/02 năm 2023. Kỳ thi HSGQG THPT năm nay, Thái Bình có 66 học sinh dự thi đều là học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình. Các em dự thi ở 9 bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh và Tin học. Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đến nay, Thái Bình có 683/733 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 93,2%.
Văn hoá - Thể thao
Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động, triển lãm sách, báo chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); tổ chức thành công khai mạc đền Lễ hội đền Trần năm 2023. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 229/QĐ-BVHTTDL ngày 14/02/2023 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật Chèo tỉnh Thái Bình". Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 10/02/2023 về việc giải thể Câu lạc bộ Đào tạo Bóng đá Trẻ Bamboo Airways Thái Bình.
Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan chức năng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố thực hiện kiểm tra 12 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư; 10 lượt điểm quảng cáo trên địa bàn huyện Đông Hưng, Kiến Xương và thành phố Thái Bình; ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục sai phạm đối với 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn huyện Đông Hưng và thành phố Thái Bình.
Tổ chức thành công giải Võ thuật cổ truyền tại Lễ hội đền Trần năm 2023. Tổ chức tập luyện và tham gia thi đấu giải Bóng chuyền tranh cup Hoa Lư - Bình Điền, tại Ninh Bình.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình, từ ngày 15/01/2023 đến ngày 14/02/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người chết và 16 người bị thương. Tính chung hai tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm 17 người chết và 23 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/01/2023 đến ngày 15/02/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây