Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 tỉnh Thái Bình

Thứ hai - 23/05/2022 21:44
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
        Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ xuân. Chăn nuôi gia súc mặc dù có sự xuất hiện một số ổ dịch nhưng tình hình cơ bản đã được kiểm soát, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng so với cùng kỳ.
Nông nghiệp
Trồng trọt
    Lúa Xuân
        Tổng diện tích gieo cấy lúa Xuân là 75.549 ha, trong đó diện tích lúa dài ngày là 3.061 ha, chiếm 4,05%, các giống lúa ngắn ngày có diện tích 72.488 ha, chiếm 95,95% tổng diện tích lúa xuân. Các giống lúa có chất lượng gạo ngon (kể cả giống nếp dài ngày) có diện tích là 28.967 ha, chiếm 38,34% tổng diện tích lúa Xuân. Giống lúa thuần có năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 61,66% gồm các giống lúa lai, Q5, BC15, TBR 45, TBR-1, Thiên ưu 8, TBR225, VN10...
       Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 19/5/2022, diện tích lúa xuân đã trỗ 45.500 ha đạt 60,3% diện tích lúa xuân đã cấy. Dự ước thời gian tới nếu điều kiện thời tiết, sâu bệnh diễn biến thuận lợi, năng suất vụ Xuân năm 2022 khả năng sẽ đạt xấp xỉ vụ Xuân 2021.
            Cây màu vụ Đông Xuân
       Vụ Đông Xuân năm 2022 các cây trồng hàng năm đều phát triển thuận lợi, năng suất ước đạt tương đương với năm trước. Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 19/5/2022 tổng diện tích cây màu xuân đã thu hoạch 12.550 ha chiếm 83,4% diện tích cây màu xuân đã trồng.
Chăn nuôi
        Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình), chiều ngày 12/5, mưa lớn kèm theo sấm sét đã đánh trúng trang trại nuôi lợn thịt của một hộ dân làm toàn bộ phần mái bị cháy và sập, hàng loạt vật dụng, đồ đạc trong trang trại bị hư hỏng nghiêm trọng, 229 con lợn trong chuồng bị sét đánh chết. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng.
       Chăn nuôi gia súc: Tổng đàn trâu, bò theo kết quả điều tra thời điểm 01.4.2022 đạt 56,7 nghìn con, tăng 1% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 6,5 nghìn con, tăng 0,3%; đàn bò ước đạt 50,2 nghìn con, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm ước đạt 4.313 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
       Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn theo kết quả điều tra thời điểm tháng 01.4.2022 đạt 688,1 nghìn con, tăng 2% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm ước đạt 66,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
       Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm theo kết quả điều tra thời điểm 01.4.2022 đạt 13,7 triệu con, giảm 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, số lượng đàn gà đạt 9,8 triệu con, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong tháng giá các mặt hàng thịt gia cầm có xu hướng giảm vì số lượng lớn khó bán và bị ép giá nên bà con nông dân cũng phần nào hạn chế không tăng đàn. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm ước đạt 26,5 nghìn tấn, tăng 1,3%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 19,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm các loại 5 tháng đầu năm ước đạt 156,8 triệu quả, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
       Tình hình sản xuất thủy sản trong tháng phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 107,6 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 43,9 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 1,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 62,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Khai thác
       Tình hình thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, ổn định cho các phương tiện khai thác biển. Sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm ước đạt 43,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 27,4 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 1%; thủy sản khác đạt 15,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ.
Nuôi trồng
       Thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh trên thủy sản không đáng kể thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 63,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 16,4 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm đạt gần 0,7 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 46,7 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
       Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh tháng 5/2022 tăng 4,8% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính 5 tháng đầu năm tăng 15,3% so cùng kỳ, trong đó ngành Khai khoáng tăng 46,6%; Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,5%, Sản xuất và phân phối điện tăng 6,3%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 94,7%.
      Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm túi khí an toàn (+49,6%); tai nghe khác đạt 10,1 triệu cái, tăng 35,3%; Gạch xây bằng đất nung tăng 51,2%; Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng tăng 31,3%; sản phẩm áo sơ mi người lớn tăng 26,6%. Ở chiều ngược lại, bia chia giảm 66,3%; sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc thô (-58,7%); sản phẩm loa (-53,4%);  thép cán (-33,2%) …
 Đầu tư
       Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 ước đạt 462 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 248 tỷ đồng,tăng 18,4 % so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 141 tỷ đồng, tăng 22,7% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 73 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 1.898 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
     Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 5/2022:
 Dự án cải tạo, nâng cấp đường Vũ Trọng huyện Tiền Hải, tổng vốn 33 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 3 tỷ;
Dự án HTDC Đồng Rộc thị trấn Tiền Hải và Xã Tây Giang, vốn đầu tư 103 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt gần 3 tỷ;
Dự án HTKT khu dân cư thôn Đông giai đoạn 3, tổng vốn gần 74 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt gần 4 tỷ;
Dự án hạ tầng khu dân cư khu độ thị OĐT-8B TT Diêm Điền huyện Thái Thuỵ, vốn đầu tư gần 86 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 13 tỷ;
Dự án xây dựng CN ngân hàng NN&PTNT huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 150 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 20 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích Trần Thủ Độ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 15 tỷ;
Dự án nâng cấp đường tỉnh 452 qua xã Dân Chủ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 40 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 10 tỷ;
Dự án đầu tư xây dngj hạ tầng khu dân cư Quỳnh Hưng huyện Quỳnh Phụ, tổng vốn đầu tư hơn 137 tỷ đồng; dự kiến tháng 5 đạt 15 tỷ đồng;
Dự án HTKT khu dân cư Đồng Quỳnh Huyện Quỳnh Phụ, tổng vốn đầu tư 140 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 15 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ xã An Ấp huyện Quỳnh Phụ đi xã An Vinh Huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư hơn 67 tỷ, dự kiến tháng 5 đạt 10 tỷ;
Dự án nâng cấp, cải tạo đường 217 (ĐT.396B) từ cầu Hiệp đến Quốc lộ 39, giai đoạn 2: Từ cầu Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 39, dự kiến tháng 5 đạt 25 tỷ đồng;
Dự án ĐTXD tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đến đường vào UBND xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư hơn 85 tỷ, dự kiến tháng 5 ước đạt 7 tỷ;
Dự án Cải tạo nâng cấp đường ĐT.452 (đường 224 cũ), GĐ1: Đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam, vốn đầu tư 101 tỷ, dự kiến tháng 5 ước đạt 10 tỷ;
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ĐH.91 từ xã Thái Giang đi xã Thái Dương (đấu nối với QL.39), huyện Thái Thụy - giai đoạn 2, dự kiến tháng 5 ước đạt 10 tỷ đồng;
Dự án ĐTXD công trình tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà có tổng mức đầu tư 586,607 tỷ đồng, vốn đầu tư tháng 5 ước đạt 25 tỷ đồng;
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo ANQP ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A), dự kiến tháng 5 ước đạt 20 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.454 (đường 223) từ Thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao, vốn đầu tư gần 560 tỷ đồng, dự kiến tháng 5 ước đạt 10 tỷ đồng;
 Dự án Tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ), đoạn từ Quốc lộ 10 đến đường ĐT.456, GĐ1: Đoạn từ Quốc lộ 10 đến xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu dự kiến tháng 5 ước đạt 13 tỷ đồng;
 Dự án Đường quy hoạch số 2 Khu đô thị Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, đoạn từ Quảng trường Thái Bình (đường quy hoạch số 7) đến doanh trại Sở Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đường quy hoạch số 5), vốn đầu tư dự kiến tháng 5 đạt 10 tỷ đồng;
 Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ xã Quỳnh Nguyên đến xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu dự kiến tháng 5 ước đạt 8 tỷ đồng;
 Dự án với quy mô đường cấp IV chiều dài tuyến 3,7Km (điểm đầu tại xã Quỳnh Nguyên, điểm cuối tại xã Quỳnh Mỹ). Tổng vốn thực hiện 12 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Tình hình đăng ký kinh doanh
      Tính đến đầu tháng 5/2022 đã cấp 383 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 4.443 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 217 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 18 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 18 doanh nghiệp.
     Trong tháng 5/2022 có 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới của Hàn Quốc, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 200 nghìn USD. Tính chung 5 tháng đầu năm có 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 44.820 nghìn USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
      Tháng 5/2022, hầu hết các hoạt động thương mại và dịch vụ đã trở lại trạng thái bình thường, nhiều hoạt động đã có sự tăng trưởng khởi sắc như dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận tải hành khách. Giá xăng dầu tăng dẫn đến giá cước tăng ở tất cả các lĩnh vực vận tải, giá nguyên liệu đầu vào tăng tăng đẩy giá thành sản phẩm tăng như thức ăn chăn nuôi, dầu ăn, thịt lợn hơi, gia cầm hơi,… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 tăng 34,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách tăng 77,7%, vận chuyển hàng hóa tăng 24,2% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
      Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 ước đạt 4.826 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 34,4% so với cùng kỳ. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ do tháng 5/2021 dịch bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều hoạt động mua sắm bị ngưng, năm nay mọi hoạt động diễn ra bình thường. Tất cả các nhóm hàng đều tăng cao so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con tăng 1,2 lần; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng gấp đôi; nhóm hàng may mặc tăng 73,3%; nhóm nhiên liệu khác tăng 67,2%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 66%; nhóm xăng dầu các loại tăng 51,1%; nhóm phương tiện đi lại tăng 40,7%;….
       Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 5/2022 ước đạt 311 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 91,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 12 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 85,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 297 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 90,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 2,1% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ tăng do dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm văc-xin cao đã tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình.
       Cùng với sự phục hồi của hoạt động thương mại, dịch vụ, nhiều dịch vụ tiêu dùng khác như: dịch vụ vui chơi, giải trí, karaoke, internet, spa, làm đẹp,… cũng đang có xu hướng tăng trưởng khá tốt. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 5/2022 ước đạt 276 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 59,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Dịch vụ bất động sản tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 1,5% và tăng 76,2%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,2% và tăng 16,3 lần (do tháng 5/2021 thực hiện giãn cách xã hội học sinh toàn tỉnh nghỉ học); dịch vụ y tế tăng 2,5% và tăng 46,6%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 2,6% và tăng 60%; dịch vụ sủa chữa tăng 03,% và tăng 60,5%; hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 0,7% và tăng gấp đôi.
      Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 23.929 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.076 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng mức), tăng 15,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 1.449 tỷ đồng (chiếm 6,2% tổng mức), tăng 30,1%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.364 tỷ đồng (chiếm 5,7% tổng mức), tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Giá tiêu dùng
       Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2022 tăng 0,26% so với tháng trước; tăng 1,48% so với cùng tháng năm trước; tăng 2,61% so với tháng 12 năm trước. Trong tháng, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh 3 đợt vào các ngày: Ngày 05/5 (xăng 95 tăng 450 đồng/lít; xăng E5 tăng 330 đồng/lít; dầu điezen 0,05 tăng 180 đồng/ lít; dầu hỏa không thay đổi); Ngày 12/5 giá xăng dầu tăng (xăng 95 tăng 1.570 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.510 đồng/lít; dầu điezen 0,05 tăng 1.120 đồng/ lít; dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít); Ngày 24/5 giá xăng dầu tăng (xăng 95 tăng 680 đồng/lít; xăng E5 tăng 690 đồng/lít; riêng giá dầu điezen 0,05 giảm 1.100 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 760 đồng/lít), giá lệch 1,5% so vùng 1 đây là áp dụng riêng của xăng dầu tỉnh Thái Bình. Do giá xăng dầu tăng, nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng tiếp tục có xu hướng tăng, giá lợn hơi, giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng, bên cạnh đó nhiều sản phẩm gieo trồng vào chính vụ giá bán giảm.
       CPI bình quân 5 tháng năm 2022 tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm hàng giảm giá: chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 4,09%; chỉ số giá nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,37%; chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,12%. Còn lại 7 nhóm có chỉ số tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 19,44% do giá xăng dầu tăng; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,29%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,53%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,37%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,31%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,23%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
       Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 334 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.774 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 29,2%; nhập khẩu tăng 31,5%.
Xuất khẩu
       Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2022 ước đạt 178 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 33,8% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 104 triệu USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 37,4% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 74 triệu USD, giảm 2,9% so với tháng trước và tăng 29,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ như: Sản phẩm từ sắt thép tăng 8,6 lần; sản phẩm gỗ tăng 1,8 lần; hàng hóa khác tăng 69%; hàng dệt, may tăng 49,9%; sản phẩm gốm, sứ tăng 32,7%, sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 25,8%,...
       Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 869 triệu USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 508 triệu USD, tăng 44,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 361 triệu USD, tăng 12,3%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm từ sắt thép tăng 82,1%; hàng dệt may tăng 56,7%; hàng hóa khác tăng 46,8%; xơ, sợi dệt các loại tăng 42,6%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 35,2%; sản phẩm gốm, sứ tăng 15,8%; sản phẩm gỗ tăng 14,6%;... Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm: sắt thép giảm 94,3%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 25,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 59,1%.
Nhập khẩu
       Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2022 ước đạt 156 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 107 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 45,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 49 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ do ảnh hưởng lớn từ việc không nhập khẩu phế liệu sắt thép. Các mặt hàng có giá trị tăng cao so với cùng kỳ như: Sắt thép các loại tăng 3,1 lần; hàng thủy sản tăng 1,8 lần; máy móc thiết bị, phụ tùng khác tăng 1,7 lần; xơ, sợi dệt các loại tăng 1,2 lần; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 73,9%; hàng hóa khác tăng 53,4%;… Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 83,5%; chất dẻo nguyên liệu giảm 63,1%; hóa chất giảm 17,3%.
       Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 905 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 662 triệu USD, tăng 73,1% chủ yếu do nhập khẩu xăng dầu có tốc độ tăng cao (+96,4%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 243 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm sâu (-95%). Các mặt hàng chủ lực có giá trị nhập khẩu lớn đều tăng cao so với cùng kỳ như: Xăng dầu các loại đạt 316 triệu USD (chiếm 34,9%), tăng 96,4%; vải các loại đạt 234 triệu USD (chiếm 25,9%), tăng 35,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 166 triệu USD (chiếm 18,3%), tăng 45,3%; hàng hóa khác đạt 75 triệu USD (chiếm 8,3%), tăng 23%.
Hoạt động vận tải
       Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đến nay đã trở lại trạng thái bình thường mới, bên cạnh đó việc tăng giá cước vận tải hàng hóa do giá xăng dầu tăng cao đã tác động tăng doanh thu ngành vận tải. Tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát tháng 5/2022 ước đạt 583 tỷ đồng tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 38,8% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng ở tất cả các loại hình vận tải, trong đó vận tải đường bộ tăng 47,7%, vận tải đường ven viển và viễn dương tăng 23,3%; vận tải đường thủy tăng 16,6%, kho bãi tăng 26,1%; bưu chính và chuyển phát tăng 16,8% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi, bưu chính và chuyển phát ước đạt 2.879 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
      Doanh thu vận tải hành khách tháng 5/2022 ước đạt 169 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 74,9% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 2,3 triệu người, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 66,6% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 254 triệu người.km, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 77,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 777 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 10,3 triệu người, tăng 11,6%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 1.168 triệu người.km, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
        Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 407 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 28,1% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 24,2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 883 triệu tấn.km, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ.
       Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 19,6%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 745 tỷ đồng, tăng 12,7%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 128 tỷ đồng, tăng 1%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 12,4 triệu tấn, tăng 13,4%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 4.547 triệu tấn.km, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
 Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
       Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5/2022 ước đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 26,1% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 29,9 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 5/2022 ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng
       Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 5 tháng đầu năm đạt 12.627 tỷ đồng, đạt 70,2% so với dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.195 tỷ đồng, giảm 7,9%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 72,6%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 3.513 tỷ đồng, giảm 1,5%. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 5 tháng đầu năm đạt 5.868 tỷ  đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển kinh tế ước đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 12,2%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 3.096 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
       Hoạt động ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, của ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự kiến đến 31/5/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 99.930 tỷ đồng, tăng 6,0% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 81.700 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
       Theo Theo báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động tỉnh Thái Bình năm 2022, Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động đến 2025, Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022, Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
       Đến nay, Sở đã tiếp nhận đăng ký, hướng dẫn 15 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động; hướng dẫn 16 doanh nghiệp thực hiện các quy định về chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ Luật Lao động. Phối hợp kiểm tra thông tin, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 19 doanh nghiệp; trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động đối với 103 lao động nước ngoài của 50 lượt doanh nghiệp, cơ sở; cấp giấy phép lao động cho 197 lao động nước ngoài.
       Thực hiện Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng; phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022. Đến nay, đã hướng dẫn 116 doanh nghiệp thực hiện huấn luyện ATVSLĐ cho 18.720 lao động; hướng dẫn 14 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 264 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức khóa huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ quản lý và cán bộ phụ trách ATVSLĐ của trên 80 doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ và một số công trình xây dựng.
       Trong tháng 5/2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 3.980 người, trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 2.600 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 900 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 480 người; nâng tổng số lao động được tạo việc làm 5 tháng đầu năm 2022 lên 15.210 người (đạt 46,09% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 10.800 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 3.140 lao động, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.270 lao động. Năm tháng đầu năm đã thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 1.473 trường hợp lao động thất nghiệp.
Trợ cấp xã hội
       Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2022-2025. Xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh Thái Bình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.
       Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Quyết định phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2025. Theo tổng hợp từ các huyện, thành phố, thời điểm tháng 5/2022, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho 112.478 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trên 60 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 630 đối tượng, kinh phí hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.
       Thực hiện kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện chính sách giảm nghèo, chính sách trợ giúp xã hội tại các huyện, thành phố và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022, đến nay, đã thực hiện kiểm tra tại 08 xã và thực tế 679 đối tượng, thông qua kiểm tra giúp cho việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đồng thời để các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và các chính sách trợ giúp xã hội.
Công tác đối với người có công
       Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng. Năm tháng đầu năm 2022, đã triển khai tập huấn tới các địa phương thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện thí điểm việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn huyện Thái Thụy và huyện Quỳnh Phụ đồng thời xây dựng Phương án, trình UBND tỉnh duyệt để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022).
       Tiếp tục thực hiện các ý kiến Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết chế độ đối với người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của công dân và hướng dẫn công dân bổ sung hồ sơ làm cơ sở thực hiện chính sách theo quy định 5 tháng đầu năm 2022, Sở đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết 4.174 thủ tục hồ sơ người có công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận thường trực của Sở, đã giải quyết 2.613 thủ tục, còn lại đang trong thời hạn giải quyết.
Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
       Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 22/5/2022, tình hình dịch, bệnh Covid-19: Số trường hợp mắc: 264.266 ca (cộng đồng: 137.860 ca, cách ly phong tỏa: 126.406 ca). 96.671theo dõi khác tại cộng đồng. Hoàn thành điều trị/cách ly: 257.265, chuyển viện trung ương điều trị: 29 ca, tử vong: 70 ca. Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19: Tính đến 17h00 ngày 22/05/2022, Thái Bình đã thực hiện 3.722.246 mũi tiêm
Công tác An toàn Vệ sinh thực phẩm
       Nhằm nắm bắt tình hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, từ ngày 15/4 – 15/5/2022 Thái Bình sẽ tiến hành kiểm tra về công tác ATTP trên địa bàn tỉnh.
Tuyến tỉnh sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về công tác quản lý nhà nước tại 8 huyện, thành phố và một số cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Tuyến huyện, thành phố và tuyến, xã, phường thị trấn cũng thành lập các đoàn kiểm tra về ATTP. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhãn sản phẩm, quảng cáo, việc thực hiện các quy định tự công bố sản phẩm tại các cơ sở thực phẩm.
       Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Hoạt động giáo dục
       Theo Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, tháng 5/2022, Sở tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2021-2022; tổ chức khảo sát chất lượng cuối học kỳ II năm học 2021-2022; hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai công tác thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023, thi tốt nghiệp THPT năm 2022; tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022; tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với Phòng GDĐT huyện Kiến Xương và cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Kiến Xương; tổ chức tuyên dương 100 giáo viên giỏi THPT cấp tỉnh; tuyên dương 498 học sinh phổ thông tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm học 2021-2022.
Văn hoá - Thể thao
       Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở đã Ban hành 173 văn bản các loại trong công tác chỉ đạo các hoạt động ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo chức năng nhiệm vụ của Sở; 24 văn bản tham gia ý kiến vào các đề án, dự án và các văn bản dự thảo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh; 10 văn bản tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo, 01 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hoạt động karaoke.
 Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5; 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2022; chào mừng thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á Seagames 31 tổ chức tại Việt Nam.
       Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX; Kế hoạch triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghệ thuật Chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2022; Kế hoạch Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2022.
      Xây dựng Kế hoạch và tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với người quản lý cơ sở lưu trú du lịch. Chỉ đạo Phòng Quản lý Du lịch, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố tổ chức kiểm tra các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, công tác đảm bảo an ninh trật tự. Theo số liệu báo cáo của huyện, thành phố số lượt khách tham quan nghỉ mát trong dịp nghỉ lễ ước đạt 82.500 lượt khách, tăng từ 100% - 150% so với cùng kỳ năm 2019.
      Tổ chức Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước tỉnh Thái Bình năm 2022. Tổ chức thành công các giải: Vô địch Bóng đá Futsal khối công chức, viên chức; vô địch giải Việt dã toàn tỉnh - Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX năm 2022. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh có 10 vận động viên tham gia Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 các môn: Wushu, Cầu lông, Đua thuyền, Bơi lặn, Bóng chuyền (đến thời điểm này, đã có 02 vận động viên Hà Thị Vui, Phạm Thị Thảo tham gia đội đua thuyền Việt Nam giành 02 Huy chương Vàng
      Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức các hoạt động chiếu phim, triển lãm thông tin, tuyên truyền lưu động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề " Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác" tại trụ sở Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tình hình an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ
      Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/4/2022 đến ngày 14/5/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 02 người chết và 8 người bị thương. Tính chung từ đầu năm đến 14/5/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông làm 21 người chết và 37 người bị thương.
      Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, đến ngày 15/5/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây