Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 tỉnh Thái Bình

Chủ nhật - 30/08/2020 21:07
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 tỉnh Thái Bình
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 tỉnh Thái Bình
 
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào chăm sóc lúa mùa và thu hoạch các loại rau màu vụ hè thu. Ngành chăn nuôi đã dần kiểm soát được giá bán thịt lợn. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa năm 2020 sơ bộ đạt 77.377 ha (vượt 2,5% so với đề án của tỉnh đề ra), giảm 0,3% so với vụ mùa năm 2019. Thời gian gieo trồng vụ mùa năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp, tuy nhiên ngành thủy lợi đã chủ động phối hợp với các địa phương điều tiết nước, hạn chế tình trạng hạn cục bộ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Trong đầu tháng 8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã có mưa to đến rất to ở hầu hết các đại phương cung cấp lượng nước rất tốt cho cây trồng phát triển sau nhiều ngày nắng nóng. Toàn tỉnh đang tập trung điều tiết nước hợp lý, thường xuyên theo dõi đồng ruộng, tổ chức phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu bò: Tổng đàn trâu, bò trong tháng duy trì ở mức ổn định, ước đạt 55,6 nghìn con, tăng 2,5% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 6,0 nghìn con, tăng 0,4%; đàn bò ước đạt 49,6 nghìn con, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Phương thức chăn nuôi chăn nuôi chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, nuôi bán chăn thả, phát triển tại các nông hộ, song hiện xu hướng chăn nuôi trâu, bò hàng hóa cũng đã xuất hiện tại một số địa phương nhưng chưa nhiều.
Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 8/2020 ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 6,6 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Việc phát triển đàn lợn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt, hiện nay một phần các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa đã quay trở lại nuôi, tuy nhiên quy mô tái đàn vẫn còn cầm chừng do giá thị trường con giống và thịt lợn hơi xuất chuồng trong tỉnh vẫn biến động.
Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 8/2020 ước đạt 632,7 nghìn con, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 8/2020 ước đạt 17,1 nghìn tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 103,1 nghìn tấn, giảm 12,7% so cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm: Số lượng đàn gia cầm trong những tháng gần đây có phần giảm do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, số lượng đàn gia cầm trong tháng tới sẽ có xu hướng tăng, nhất là số lượng đàn gà do các hộ chăn nuôi đang chuẩn bị gà nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm.
Ước tính tổng đàn gia cầm tại thời điểm tháng 8/2020 đạt 13,6 triệu con, giảm 2,7% so với cùng kỳ; trong đó đàn gà đạt gần 10,0 triệu con, giảm 2,9%. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 4,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 32,9 nghìn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 25,4 nghìn tấn, tăng 4,7%. Sản lượng trứng gia cầm các loại 8 tháng  năm 2020 ước đạt 208,8 triệu quả, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Lâm nghiệp
Trong 8 tháng đầu năm 2020 đã trồng mới được 20,7 ha rừng phòng hộ, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 125 m, tăng 0,8%; sản lượng củi khai thác ước đạt 580 ste, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.449m3, giảm 2,0%; sản lượng củi khai thác ước đạt 5.290 ste, giảm 2,0% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản
Trong tháng, khai thác và nuôi trồng thủy sản ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Tổng sản lượng thủy sản tháng 8/2020 ước đạt 23,3 nghìn tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 4,7%; tôm đạt trên 0,9 nghìn tấn, tăng 5,7%; thủy sản khác đạt 13,2 nghìn tấn, tăng 7,0%. Tính chung 8 tháng năm 2020 tổng sản lượng thủy sản ước đạt 165,1 nghìn tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ; trong đó cá đạt 66,3 nghìn tấn, tăng 5,3%; tôm đạt 3,6 nghìn tấn, tăng 7,5%; thủy sản khác đạt 95,2 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Khai thác
Trong tháng thời tiết cơ bản thuận lợi, ngư dân vẫn tích cực vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2020 ước đạt 6,8 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 6,5 nghìn tấn, tăng 4,6%; sản lượng thủy sản khai thác nội địa đạt 0,3 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ, do nguồn lợi thủy sản khai thác nội địa đang dần khan hiếm. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng khai thác ước đạt 62,6 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ; trong đó khai thác thủy sản biển đạt 60,0 nghìn tấn, tăng 5,8%; khai thác thủy sản nội địa đạt 2,6 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng         
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 8/2020 ước đạt 16,5 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 4,2 nghìn tấn, tăng 5,9%; tôm đạt gần 0,7 nghìn tấn, tăng 6,8%; thủy sản khác đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ (riêng sản lượng ngao ước đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 22% so với cùng kỳ). Sản lượng tôm sú trong tháng ước đạt 250 tấn, tăng 6,8%; tôm thẻ chân trắng ước đạt 338 tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ, do thời tiết thuận lợi, dịch bệnh không phát sinh nhiều, diện tích nuôi thâm canh tăng. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng nuôi trồng ước đạt 102,5 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 26,2 nghìn tấn, tăng 4,3%; tôm đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 9,8%; thủy sản khác đạt 74,0 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục tiếp tục phát triển về số lượng lồng nuôi, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 608 lồng tương đương thể tích nuôi đạt 69.070 m3, tăng 34 lồng so với cùng kỳ, tập trung ở các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư,... đối tượng nuôi chủ yếu là các loại có giá trị cao như: cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá lăng,... năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 4-5 tấn/lồng. Hiện một số hộ nuôi đang thử nghiệm nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá tra,... Sản lượng nuôi cá lồng tháng 8/2020 ước đạt 165 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020 sản lượng nuôi cá lồng ước đạt 1.456 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp      
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 ước tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành đều có chỉ số tăng so với tháng trước: ngành khai khoáng tăng gần 7%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,7%, và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng gần 2%.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có mức tăng trưởng khá, trên 3,7%; trong đó các ngành có chỉ số tăng như sản xuất kim loại (+7,7%), sản xuất chế biến thực phẩm (+5,2%), sản xuất trang phục (+4%)… Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có mức giảm 10,7%; một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu như dệt (-37,1%), sản xuất trang phục (-14,8%), sản xuất đồ uống (-30,6%)… do tình hình dịch bệnh Covid19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới làm ảnh hưởng đến nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp.
Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP giảm 4,38% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng hơn 18,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng hơn 4,8%; ngành khai khoáng giảm 11,2%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 8 năm 2020 có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: phụ tùng khác của xe có động cơ ước đạt 68 nghìn cái, tăng hơn 2 lần; túi khí an toàn ước đạt 98 nghìn cái, tăng 80,3%; tàu đánh bắt thủy hải sản, các loại tàu chuyên dụng ước đạt 2.659 triệu đồng, tăng 33%; thức ăn gia cầm ước đạt 6.215 tấn, tăng 23,7%; Nitơrat Amoni  ước đạt 18,5 nghìn tấn, tăng 2,5 lần; bia hơi ước đạt 2.275 nghìn lít, tăng 12,1%... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm trong tháng như: khăn mặt, khăn tắm (-54,7%); sản phẩm sứ vệ sinh (-20,7%); cần gạt nước (-35,6%) so với cùng kỳ...
Tám tháng năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: phụ tùng xe xó động cơ ước đạt 441 nghìn cái, tăng hơn 5 lần; túi khí an toàn ước đạt 581 nghìn cái, tăng 3,6 lần; dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhùng vào kim loại chảy ước đạt 41.818 triệu đồng, tăng trên 28%; thức ăn cho gia súc ước đạt 60.790 tấn, tăng 29,5%; điện sản xuất ước đạt 2.808 Triệu kwh, tăng 20,6%; Nitơrat Amoni ước đạt trên 139 nghìn tấn, tăng 26,8%... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm như: bia chai (-28,5%); khăn các loại (-37,4%); sản phẩm sứ vệ sinh (-30,7%); thép cán (-25%)…, nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 kéo dài, khiến việc mở cửa để nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất vẫn là một nút thắt chưa được tháo gỡ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 năm 2020 giảm 3,2% so với tháng trước và giảm hơn 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tính đến tháng 8 năm 2020 tăng hơn 5,8% so với tháng trước và tăng gần 36% so với  cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2020 giảm 6,2% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 bùng phát đợt 2, tỉnh Thái Bình đã chịu ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và thi công của các dự án công trình. Một số dự án trọng điểm của tỉnh tiến độ thi công chậm, quá trình giải phóng mặt bằng chưa được triệt để, nguồn vốn giải ngân chậm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thực hiện của các dự án, công trình.
Tháng 8/2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 452,8 tỷ đồng, tăng 10,1% so với tháng trước, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt trên 255 tỷ đồng, tăng 11,2 so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 115 tỷ đồng, có tốc độ tăng lần lượt là 13,7% và 20,7%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 82 tỷ đồng, tăng 2,5 so với tháng trước và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tám tháng năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 2.741 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.480 tỷ đồng, tăng 2,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 617 tỷ đồng, tăng 10,7%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt gần 644 tỷ đồng, tăng 1,8%.
Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 8:
Dự án đền thờ Bác Hồ - quảng trường Thái Bình, vốn đầu tư gần 202 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ.
Dự án quy hoạch điều chỉnh đô thị Hưng Hà, vốn đầu tư 39 tỷ, dự kiến đạt 4 tỷ.
Dự án cải tạo nâng cấp đường huyện 13 xã Vũ Hội đi Vũ Vinh huyện Vũ Thư, vốn đầu tư gần 25 tỷ, dự kiến đạt 1 tỷ.
Dự án nâng cấp, sửa chữa đường 10B đường Nguyễn Trãi huyện Vũ Thư, vốn đầu tư 20 tỷ, dự kiến đạt gần 1 tỷ.
Dự án xây dựng đường huyện 74 giai đoạn 2 huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 45 tỷ, dự kiến đạt 2 tỷ.
Dự án đường huyện 92 xã Thụy Xuân, Thụy Trường huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 29 tỷ, dự kiến đạt 3 tỷ.
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ven biển huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 261 tỷ, dự kiến đạt 5 tỷ đồng.
Dự án kè song đường huyện 35 huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 35 tỷ, dự kiến đạt 4 tỷ.
Dự án cầu Đò Mèn huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 35 tỷ, dự kiến đạt 3 tỷ.
Tính đến đầu tháng 8 năm 2020 đã cấp 445 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký đạt 4.031 tỷ đồng, giảm 30,6%. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động: 186 doanh nghiệp, tăng 40,9%; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 36 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 36 doanh nghiệp.
Tính đến tháng 8/2020 trên địa bàn tỉnh có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 3 dự án so với năm trước, với tổng vốn đầu tư là 48.821 nghìn USD với mục đích đầu tư là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ tư vấn và thương mại dịch vụ. Hình thức đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tới từ các nước Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.
       Hoạt động dịch vụ
Đại dịch Covid-19 tái bùng phát với quy mô và tốc độ khá đáng lo ngại trong cộng đồng và ở cơ sở y tế, đợt tái phát được xác định khoanh vùng có trọng tâm xuất phát điểm từ Đà Nẵng diễn biến phức tạp làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 8/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.760 tỷ đồng, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 3.307 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 8,7 tỷ đồng, giảm 16,2% so với tháng trước và giảm 32,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 220 tỷ đồng, giảm 13,4% so với tháng trước và giảm 19,7% so với cùng kỳ; do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát doanh thu du lịch lữ không có doanh thu; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 224 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tháng trước và giảm 6,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.307 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8 các nhóm hàng tăng so với tháng trước như: Nhóm sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có đông cơ khác ước đạt 40 tỷ đồng, tăng 1,9%; nhóm nhiên liệu khác ước đạt 31 tỷ đồng, tăng 1,4%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.141 tỷ đồng, tăng 1,3%; ...  Bên cạnh đó còn có mặt hàng giảm so với tháng trước như: Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 17 tỷ đồng, giảm 19,5%; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 518 tỷ đồng, giảm 5,8%; nhóm ô tô con ước đạt 30 tỷ đồng, giảm 1,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 8 tháng năm 2020 đạt 30.281 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 26.529 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ; còn lại các dịch vụ khác đều giảm: doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.885 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 79 tỷ đồng, giảm 25%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.782 tỷ đồng, giảm 18,5%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6 tỷ đồng, giảm 67,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 26.529 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm đá quý, kim loại quý ước đạt 599 tỷ đồng, tăng 30,1%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 8.817 tỷ đồng, tăng 14,5%; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 4.460 tỷ đồng, tăng 6,3%; … Bên cạnh đó còn có nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm ô tô con ước đạt 287 tỷ đồng, giảm 22%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 174 tỷ đồng, giảm 18,6%; nhóm hàng may mặc ước đạt 978 tỷ đồng, giảm 9,8%.
Hoạt động vận tải 
Tình hình hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Bình, do dịch Covid - 19 tái bùng phát các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nhu cầu đi lại của người dân hạn chế lưu chuyển hàng hóa, luân chuyển hành khách giảm so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Tháng 8/2020, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 132 tỷ đồng, giảm 0,4% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 1,8 triệu người, giảm 0,1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách luân chuyển ước đạt 203 triệu người.km, giảm 0,3% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 3,8%.
Doanh thu vận tải hành khách 8 tháng năm 2020 ước đạt 971 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 13,2 triệu người, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.480 triệu người.km so với cùng kỳ năm trước giảm 9,2%.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 8/2020 ước đạt 348 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 825 triệu tấn.km, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước đạt 2.608 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 15,7 triệu tấn,  giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 6.018 triệu tấn.km, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu kho bãi dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8/2020 ước đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng năm 2020 ước đạt 35 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 8/2020 ước đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 1,08% so với tháng trước và tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020 ước đạt 2,9 tỷ đồng, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2020 ước đạt 196 triệu USD, giảm 5,6% so với tháng trước và bằng 67,9% so cùng kỳ.
Xuất khẩu:
Tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu ước đạt 103 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng trước và giảm 33,1% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 62 triệu USD, giảm 16,4% so với tháng trước và giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 41 triệu USD, giảm 6,7% so với tháng trước và giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu tháng 8/2020 tăng so với tháng trước như: Xăng dầu các loại (+68,3); hàng thủy sản (+11,3%); sản phẩm từ thép (+4,7%)... Các mặt hàng giảm trong tháng như: Hàng dệt may (-14,9%); xơ sợi dêt các loại (-9,9%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (-1,3%).
Trị giá xuất khẩu 8 tháng năm 2020 ước đạt 885 triệu USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước ước đạt 0,042 triệu USD, giảm 70,5% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế tư nhân ước đạt 500 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 384 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm gốm, sứ (+30,9%); sản phẩm gỗ (+21,2%); xăng dầu các loại (+19,4%); hàng hóa khác (+12,6%). Còn lại là các mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Sắt thép     (-78,9%); xơ sợi dệt (-41,3%); hàng dệt may (-18,6%)....
Nhập khẩu:
Trị giá nhập khẩu tháng 8/2020 ước đạt 93 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng trước và giảm 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân trị giá nhập khẩu ước đạt 64 triệu USD, tăng 14% so với tháng trước và giảm 24,1% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 29 triệu USD, giảm 13,1% so với tháng trước và giảm 42,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tháng 8/2020 tăng so với tháng trước như: Chất dẻo nguyên liệu tăng 3,1 lần; hóa chất tăng 3,1 lần; xăng dầu (+17%);  xơ sợi dệt (+13,4%);... Bên cạnh đó còn có mặt hàng giảm như: Máy vi tính, sản phảm điện tử (-92,2%); %); phế liệu sắt thép    (-30,2%); hàng thủy sản (-17,2%) ...
 Trị giá nhập khẩu 8 tháng năm 2020 ước đạt 777 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: kinh tế tư nhân ước đạt 450 triệu USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 327 triệu USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. 8 tháng đầu năm chỉ mặt hàng xăng dầu các loại tăng 4,3% so với cùng kỳ còn lại là các mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước như: Bông các loại (-55,3%); vải các loại (-37,5%); phế liệu sắt thép (-18.1%).
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2020 tăng 0,06% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng tháng năm trước; so tháng 12 năm trước tăng 0,08%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 8 nhóm có chỉ số giá giảm và tương đương so với tháng trước; giá thực phẩm tiếp tục có xu hướng giảm chủ yếu tập chung ở giá thịt lợn (giảm 0,76%); xăng dầu có sự điều chỉnh tăng giá nên tác động tăng chỉ số giá xăng dầu trong tháng; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng trên 10% tác động tăng chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu chất đốt (+1,54%). Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước nên nhóm “văn hóa, giải trí và du lịch” giảm trên 3,3% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” tăng 15,4%; “thuốc và dịch vụ y tế” tăng 4%; “giáo dục” tăng 7,6%... Bên cạnh đó còn các nhóm hàng có chỉ số giảm so với cùng kỳ: nhóm “giao thông” giảm 10,1%; nhóm “may mặc, mũ nón, giày dép” giảm 2,1%.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính 8 tháng năm 2020 đạt 13.038 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.092 tỷ đồng, giảm 6,9%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt gần 670 tỷ đồng, giảm 15%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 5.247 tỷ đồng tăng 18,6%...
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 8 tháng năm 2020 ước đạt trên 8.574 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 3.950 tỷ đồng, tăng 28%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt trên 4.518 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Tháng 8 năm 2020, Tiếp thục thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với các nhóm đối trượng: hộ kinh doanh cá thể; lao động chấm đứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định phê đuyệt hỗ trợ cho 414 hộ sản suất kinh doanh cá thể; 103 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 4518 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Tổng só tiền hỗ trợ là 5.138 triều đồng.
Trong tháng, toàn tỉnh đã tạo việc làm  mới cho khoảng 3.790 lao động, trong đó: việc làm tại địa phương khoảng 3.000 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài khoảng 530 lao động và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 260 lao động. Có khoảng 5.200 người tham gia học nghề, trong đó: Trình độ Cao đẳng là 350 người; trình độ trung cấp là 1.450 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 3.400 người.
Trợ cấp xã hội
Sở Lao động Thương binh và xã hội thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh sách và hỗ trợ kinh phí người nghèo, người cận nghèo gặp khó  khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tổng số 54 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trước ngày 01/4/2020 được hỗ trợ. Trong đó: 18 người thuộc hộ nghèo, 36 người thuộc hộ cận nghèo tổng kinh phí 40,5 triệu đồng.
Lĩnh vực người có công
Trong tháng, Sở Lao động thương binh và xã hội đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng cho 380 trường hợp, trong đó đã giải quyết cho 271 trường hợp, còn 109 trường hợp đang trong thời hạn giải quyết. Triển khai hỗ trợ người có công và thân nhân của người có công với cách mạng gặp khó khăn đo dại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách và cấp kinh phí hỗ trợ cho 52.292 người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, kinh phí hỗ trợ 78,3 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 3.243 hộ người có công với cách mạng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở phát sinh ngoài Đề án (xây mới: 1.913 hộ, sửa chữa: 1.330 hộ), kinh phí: trên 103 tỷ đồng, trong đó hộ gia đình người có công với cách mạng đang ở nhà cấp 4, nhà dột nát, nhà có tường nứt, mái nứt, có nguy cơ sập đổ cần ưu tiên hỗ trợ trước mùa mưa bão năm 2020: 888 hộ (xây mới: 556 hộ, sửa chữa: 332 hộ), kinh phí gần 29 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh
Ngành Y tế Thái Bình đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kịp thời hệ thống văn bản nhằm huy động toàn thể các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh kế xã hội và mọi người dân tích cực hưởng ứng và thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Trong quá trình triển khai và tổ chức công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã không ngừng tăng cường hoạt động của mạng lưới cán bộ y tế dự phòng từ tỉnh đến tuyến xã và các cơ sở khám chữa bệnh, duy trì hoạt động của 03 đội cơ động phản ứng nhanh của ngành y tế; 10 đội thường trực phòng chống dịch bao; chỉ đạo thành lập 35 đội cơ động phản ứng nhanh của các bệnh viện. Tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch cho toàn thể các đơn vị y tế và người tham gia phòng chống dịch từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin nắm bắt tình hình dịch bệnh, thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh, các biện pháp triển khai phòng, chống dịch hằng ngày về thường trực Ban chỉ đạo các cấp.
Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, thái độ, thay đổi hành vi của cán bộ, nhân dân về phòng chống dịch, cùng ý thức chung tay bảo vệ cộng đồng.
Sở Y tế ban hành kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kế hoạch hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo từng giai đoạn của dịch bệnh cho y tế các tuyến; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ số trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế để ứng phó khi có dịch xảy ra.
Các đơn vị y tế tổ chức phun hóa chất khử trùng tại các trường học, bệnh viện, cơ quan, nơi tập trung đông người. Tăng cường công tác phòng chống dịch trong trường học theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Công an tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Về công tác giám sát dịch bệnh: Các đơn vị y tế thực hiện chế độ thường trực dịch 24/24. Ngành Y tế bố trí lực lượng duy trì công tác giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu cảng Diêm Điền, đường tiểu ngạch, cơ sở y tế, cộng đồng; đảm bảo công tác kiểm dịch y tế; tham gia hoạt động tại các chốt liên ngành để kiểm soát người và phương tiện từ vùng dịch vào tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị liên quan quản lý các đối tượng người nước ngoài, người lao động về nước từ vùng dịch, vùng có nguy cơ vào địa bàn tỉnh. Thực hiện rà soát, truy vết các đối tượng nguy cơ, giám sát ca bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở điều trị. Trong điều kiện khó khăn về sinh phẩm xét nghiệm, Ngành Y tế đã tổ chức sàng lọc chặt chẽ đảm bảo 100% các trường hợp nguy cơ được xét nghiệm. Tổng số đến hết ngày 31/7/2020 đã xét nghiệm  5129  mẫu (bao gồm cả mẫu lấy lại), trong đó thực hiện xét nghiệm tại tỉnh 4545 mẫu, kết quả Tổng số cá mắc là 31 ca đã có 30 ca đã bình phục. Tất cả các ca mắc đều là các trường hợp người Việt Nam nhập cảnh từ nước ngoài vào khu cách ly tập trung.
Tình hình phòng chống dịch bệnh khác tại tỉnh:
- Ghi nhận 41 trường hợp nghi viêm não vi rút trong đó có 02 ca viêm não Nhật Bản; 05 trường hợp mắc sốt xuất huyết lâm sàng, 03 trường hợp nội sinh, không có tử vong; 234 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.
Tình hình HIV/AIDS:
Toàn tỉnh hiện có 2.168 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 239/260 xã, phường, thị trấn (trong đó có 741 phụ nữ chiếm 34,17% và 37 trẻ em chiếm 1,71%); Phát hiện 06 người nhiễm HIV trong tháng; điều trị ARV cho 1.280 bệnh nhân với 906/1.280 bệnh nhân (70,7%) được nhận thuốc từ nguồn BHYT; Tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.366 người nghiện tại các cơ sở điều trị
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Văn hoá - Thể thao
Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức các hoạt động truyên truyền kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 02/9; chào mừng Lễ khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với nông dân Việt Nam”, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII và 75 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu các giải: Bóng chuyền hạng A chung kết; Cầu lông vô địch trẻ, vô địch cá nhân toàn quốc; vô địch Karatedo trẻ; vô địch Điền kinh trẻ; Bơi lặn bể 50 mét.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/7/2020 đến ngày 14/8/2020 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 04 vụ  tai nạn giao thông (giảm 01 vụ so với tháng trước), làm 2 người chết và 6 người người bị thương. Tính chung 8 tháng toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, giảm 10%, làm 33 người chết và 20 người bị thương, tăng 25% so cùng kỳ.
Tình hình cháy nổ
Trong tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tám tháng năm 2020 xảy ra 5 vụ cháy trên toàn tỉnh (giảm 5 vụ so với cùng kỳ), không có người chết và bị thương, thiệt hại tài sản ước trên 5,4 tỷ đồng./.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây