Lịch sử phát triển

LỊCH SỬ THỐNG KÊ THÁI BÌNH
BẢY MƯỜI NĂM  HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Thống kê Thái Bình là một bộ phận của ngành Thống kê Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thống kê Trung ương giao và đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của Lãnh đạo các cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình. Trải qua 70 năm hoạt động thống kê Thái Bình từng bước hình thành, phát triển và đổi mới; trong từng giai đoạn lịch sử cơ cấu tổ chức và hoạt động Thống kê Thái Bình có nhiều tên gọi khác nhau: Trước năm 1956 là Bộ phận thống kê (Thuộc Ty kinh tế); Ban Thống kê tỉnh (9/1956 đến 4/1957); Chi cục Thống kê tỉnh (5/1957 đến 3/1984); Cục Thống kê tỉnh (từ 3/1984 đến nay). Cùng với đồng nghiệp cả nước, Thống kê Thái Bình đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Theo thời gian Thống kê Thái Bình phát triển lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về chất lượng để khẳng định vai trò, vị trí và tác dụng của công tác thống kê gắn liền với sự phát triển của đất nước, của địa phương. Kết quả của các hoạt động Thống kê Thái Bình trong 70 năm qua được thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây:
I. Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từng bước cải tiến phương pháp thu thập, tổng hợp, phân tích và phổ biến thông tin thống kê
1. Giai đoạn 1946-1955: Hoạt động thống kê tỉnh Thái Bình được hình thành ngay sau khi thành lập Ty Kinh tế do Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Bình trực tiếp quản lý. Trong Ty Kinh tế bố trí cán bộ chuyên trách công tác thống kê thuộc phòng Kế toán - Thống kê; ngoài ra còn có cán bộ làm công tác thống kê kiêm nhiệm trong các Ty chuyên ngành, UBHC cấp huyện và Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,…thực hiện báo cáo thống kê thường xuyên về các lĩnh vực kinh tế xã hội; cán bộ thuộc các Đồn Công an thu thập thông tin về giá cả thị trường hàng tháng.
Trong suốt giai đoạn này tỉnh Thái Bình chưa có cơ quan thống kê độc lập. Hoạt động thống kê cấp tỉnh có nhiệm vụ thu thập thông tin và báo cáo thống kê theo quy định của Cơ quan Thống kê Trung ương. Công tác thu thập thông tin cơ sở và tổng hợp báo cáo thống kê được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; cùng với sự cộng tác của Ty Công an và các Ty chuyên ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,... với nhiệm vụ cụ thể là: Thu thập thông tin, thực hiện tổng hợp và báo cáo cho Cơ quan Thống kê Trung ương (qua Phòng Thống kê Liên khu) và UBHC kháng chiến tỉnh về các lĩnh vực: Diện tích đất canh tác và tình hình sở hữu ruộng đất, sản lượng các loại cây trồng, số đầu gia súc, gia cầm; hoạt động sản xuất Tiểu thủ công nghiệp; tình hình giá cả và lưu chuyển hàng hóa giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm; biến động sinh chết, lao động; thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức; đời sống nông dân; kết quả xóa mù chữ… vào 2 kỳ mỗi tháng trên cơ sở số liệu thu được các Ty chuyên ngành và các Tổ chức xã hội. Thông tin thu được trong thời kỳ này còn ít và đơn giản; nhưng cũng là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng phương án kháng chiến, kiến quốc của các cấp ủy Đảng và UBHC kháng chiến có thông tin kịp thời chỉ đạo các mặt công tác của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh hàng năm. Sản phẩm của hoạt động thống kê giai đoạn này không chỉ có tác dụng phục vụ kháng chiến, kiến quốc, mà còn là bằng chứng lịch sử được thể hiện bằng con số rất sát thực và cụ thể. Các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, kết quả của các cuộc điều tra chuyên đề về ruộng đất, thương mại, thuế quan,…góp phần phác họa khá đầy đủ về bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh trong suốt 9 năm đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa kháng chiến chống Pháp vừa xây dựng cở sở kinh tế, chính trị cho xã hội mới.
2. Giai đoạn 1956-1975: Tháng 6/1956, UBHC Thái Bình thành lập bộ phận Thống kê thuộc Văn phòng Uỷ ban gồm 7 người, đồng chí Nguyễn Văn Thái nguyên là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy phụ trách. Tháng 9/1956, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Thống kê tỉnh gồm 10 người (theo Điều lệ 695/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/02/1956) Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu - Tỉnh ủy viên, trực tiếp chỉ đạo Ban Thống kê; cử đồng chí Vũ Doãn Uẩn - phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy, làm Phó ban Thống kê. Ngày 05/10/1956, Tỉnh ủy điều động chí Vũ Thanh Cần, nguyên là Quyền chánh Văn phòng Tỉnh ủy, về làm phó Ban Thống kê thay đồng chí Vũ Doãn Uẩn được điều động làm Bí thư Huyện uỷ Phụ Dực. Tháng 12/1956 tỉnh Thái Bình đã bổ nhiệm đủ Thanh tra-Thống kê của 12 huyện (TXTB không có). Đến cuối năm 1956, Ban Thống kê tỉnh Thái Bình đã cấp giấy chứng nhận Uỷ viên phụ trách thống kê xã cho 164/296 xã trong tỉnh có cán bộ làm công tác thống kê.
Căn cứ vào Nghị định số 142/TTg ngày 08/4/1957 của Thủ tướng Chính phủ, Ban thống kê tỉnh được đổi tên thành Chi cục Thống kê tỉnh do đồng chí Vũ Thanh Cần là Chi cục phó phụ trách. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Thống kê tỉnh có 10 người, thực hiện 5 phần việc; Phòng Thống kê của 12 huyện cũng được thành lập, mỗi phòng có từ 2-3 người (theo Chỉ thị số 10/CT-TW ngày 18/3/1957). Tháng 7/1959 Cục Thống kê Trung ương điều động đồng chí Nguyễn Đình Huân là Phó ban Thống kê khu Tả ngạn sông Hồng về giữ chức vụ Chi cục trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Thái được bổ nhiệm Chi cục phó tháng 9/1958 thay đồng chí Vũ Thanh Cần được cử đi học. Đến cuối năm 1960 cơ cấu tổ chức của Chi cục Thống kê tỉnh gồm có 17 người; cấp huyện có 36 người thuộc 13 Phòng Thống kê của huyện/thị xã; 296 xã, khu phố đều đã có Ban Thống kê cấp xã với 1.138 cán bộ (theo thông tư 106/TTg ngày 25/3/1957 của Thủ tướng Chính phủ); ngoài ra còn có 3.588 cán bộ thống kê hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng và Nhà nước. Ban Thống kê đã bám sát đường lối, chính sách và đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng kế hoạch kinh tế, xã hội của từng giai đoạn cách mạng cụ thể, tập trung làm tốt công tác điều tra, thu thập, tổng hợp, phân tích và báo cáo tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội phục vụ yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mở rộng đáp ứng yêu cầu quản lý ở từng cấp hành chính. Từ năm 1956-1960 hình thức thu thập thông tin từ các báo cáo thống kê định kỳ của các đơn vị quốc doanh và điều tra chuyên môn đối với kinh tế tập thể và cá thể. Số liệu và tình hình thu thập được đã phản ánh kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước, những biến đổi về quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất trong tỉnh.
 Tháng 6/1961, đồng chí Nguyễn Ngọc Kỳ được bổ nhiệm Chi cục phó. Ở cấp huyện phòng Thống kê được sát nhập với phòng Kế hoạch và do UBHC cấp huyện quản lý; tổng số cán bộ thống kê cấp huyện có 67 người, bình quân mỗi huyện có từ 5-6 cán bộ, riêng thị xã Thái Bình chỉ có 01 cán bộ thống kê. Tháng 7/1964 Tổng cục Thống kê điều động đồng chí Vũ Thanh Cần về làm Chi cục phó thay cho đồng chí Nguyễn Văn Thái chuyển công tác. Ngày 02/10/1965 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 122/TTg về công tác thống kê trong tình hình mới; theo đó từ năm 1965 đến năm 1968 Chi cục có nhiều biến động về số lượng cán bộ. 6 cán bộ trẻ lên đường nhập ngũ; công tác tổ chức cán bộ của Chi cục trong thời chiến được cải tiến gọn nhẹ, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ mới. Từ năm 1960-1965, chế độ báo cáo thống kê định kỳ được áp dụng cho cả đơn vị quốc doanh và công tư hợp doanh. Thực hiện báo cáo nhanh 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày áp dụng trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp. Các cuộc điều tra chuyên môn được mở rộng thêm chỉ tiêu chất lượng như: trình độ chuyên môn cán bộ và công nhân, thu nhập và phân phối của HTX nông nghiệp, thu chi của hộ gia đình,.. Kết quả: Các chỉ tiêu số lượng đã phản ảnh tương đối sát thực về hoạt động của các lĩnh vực; các chỉ tiêu chất lượng  như (Giá thành, năng suất lao động, năng suất cây trồng,..) bước đầu có số liệu suy rộng để báo cáo và đánh giá được hiệu quả của từng lĩnh vực về hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh.
Cuối năm 1969 tỉnh Thái Bình sát nhập các đơn vị hành chính cấp huyện chỉ còn 7 huyện và 01 thị xã, số lượng cấp xã vẫn là 296 đơn vị; theo đó các Phòng Thống kê cấp huyện sát nhập lại theo đơn vị hành chính mới, mỗi đơn vị có từ 10-12 cán bộ thống kê. Mặt khác, Phòng Thống kê được tách ra khỏi phòng kế hoạch và hoạt động chuyên môn độc lập dưới sự quản lý của UBHC cấp huyện. Cán bộ thống kê cơ sở cấp xã và hợp tác xã vẫn được củng cố và tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Năm 1970 Chi cục Thống kê tỉnh biên chế 57 cán bộ, phòng Máy tính mới thành lập gồm 20 người. Tháng 11/1971 đồng chí Tạ Văn Cát được bổ nhiệm Chi cục phó thay đồng chí Nguyễn Ngọc Kỳ nghỉ hưu; đầu năm 1974 đồng chí Phạm Bá Ân phó văn phòng UBND tỉnh được bổ nhiệm Chi cục phó và lại chuyển sang cơ quan khác ngay trong năm 1975. Biên chế của Chi cục có 139 cán bộ, Lãnh đạo Chi cục gồm 4 người, trong đó, cán bộ thống kê cấp huyện có 54 người. Từ năm 1966-1972, trong suốt thời gian giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, Chi cục Thống kê sơ tán lần đầu đến xã Vũ Lạc, sau đó chuyển đến Đông Mỹ, Phong Châu, Đông Vinh và Hoàng Diệu; Chi cục thống kê tỉnh vừa sơ tán, vừa phải rút bớt nhân lực phục vụ chiến đấu. Theo chỉ đạo của Tổng cục các báo cáo thống kê định kỳ hàng tháng được chuyển sang thực hiện theo quý và tăng cường báo cáo nhanh 10 ngày, 20 ngày (tiến độ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp) và báo cáo thống kê thiệt hại do chiến tranh. Công tác điều tra chuyên môn thực hiện thêm: điều tra lao động khu vực nhà nước, phương tiện vận tải, điều tra toàn ngành cơ khí, kiểm kê tài sản cố định. Công tác xét duyệt hoàn thành kế hoạch luôn được chú trọng để giúp cho lãnh đạo địa phương đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị cơ sở; cuộc điều tra toàn diện dân số (01/10/1966) theo yêu cầu của tỉnh được hoàn thành phục vụ việc kiểm tra lực lượng sẵn sàng phục vụ chiến đấu; cũng năm 1966 Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, năm 1972 đạt 6 tấn/ha; đây chính là cơ sở để Thái Bình đưa ra khẩu hiệu “Thóc vượt cân, Quân vượt mức”. Thông tin thống kê thời gian này vừa có tác dụng phục vụ kịp thời cho chỉ đạo sản xuất, lưu thông, phân phối trong thời chiến; đồng thời đưa ra căn cứ để thực hiện việc chi viện sức người sức của cho miền Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 Từ năm 1973-1975, Sau Hiệp định Pari, ngoài các báo cáo nhanh, báo cáo thống kê định kỳ; ngành thống kê tập trung vào công việc thực hiện các cuộc điều tra lớn như: Kiểm kê tài sản, điều tra vốn lưu động, tồn kho vật tư hàng hóa,..để giúp Đảng và Nhà nước các cấp chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới của đất nước và tỉnh. Ngày 05/4/1974 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 72/CP Quy định Tổ chức hoạt động của Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất hệ thống thống kê Nhà nước và hệ thông tin kinh tế trong nền kinh tế quốc dân từ Trung ương đến cấp huyện. Lần đầu tiên, sau 28 năm thành lập cơ quan thống kê Trung ương thống nhất quản lý cả con người và công việc; đây là điều kiện thuận lợi để Chi cục thống kê Thái Bình cũng như ngành thống kê trong cả nước chủ động thực hiện các hoạt động thống kê độc lập, khách quan và nhanh gọn trong phạm vi địa phương được giao quản lý về công tác thống kê. Năm 1975 Chi cục thống kê Thái Bình có 145 cán bộ, 3 lãnh đạo chi cục; văn phòng Chi cục có 84 cán bộ chia thành 8 phòng nghiệp vụ và 1 tổ công tác; 8 phòng thống kê cấp huyện có 58 người. 296 xã/phường/thị trấn đều có trưởng Ban Thống kê chuyên trách; 594 hợp tác xã có cán bộ thống kê chuyên trách; 4.360 đội sản xuất có cán bộ chuyên trách thống kê và 3.477 đội sản xuất do đội phó kiêm công tác thống kê. Để có đủ cán bộ thống kê chi viện cho các tỉnh miền Nam, Chi cục thống kê Thái Bình tiếp tục đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và trình độ quản lý cho các cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp phòng theo chương trình chỉ đạo của Tổng cục Thống kê.
 3.Giai đoạn 1976-1986: Đất nước hoàn toàn thống nhất, Ngành thống kê vừa phải thực hiện kiện toàn các tổ chức cấp tỉnh, huyện; vừa cập nhật các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để tập trung cho việc khôi phục, cải tạo kinh tế miền Nam và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung cả nước. Ngành Thống kê thực hiện nhiều cuộc điều tra với quy mô toàn quốc như: Điều tra Dân số năm 1976, tổ chức đăng ký kinh doanh công thương nghiệp năm 1977; kiểm kê năng lực sản xuất của các ngành, điều tra lao động kỹ thuật năm, điều tra đất năm 1978; Tổng điều tra dân số năm 1979…Chi cục Thống kê tỉnh còn thực hiện thêm các cuộc điều tra theo yêu cầu của địa phương như: Điều tra nhà ở dân cư năm 1976, điều tra tình hình tận dụng đất cho xã viên mượn làm kinh tế gia đình, tình hình sử dụng 13% sản lượng lương thực dành cho chăn nuôi tập thể, điều tra đất xây dựng thủy lợi, điều tra tình hình cơ bản về phụ nữ; điều tra tình hình phát triển kinh tế gia đình xã viên HTXNN,.. Kết quả của các cuộc điều tra là cơ sở để phân bố lại lực lượng dân số, lao động; thực hiện chính sách di dân, bố trí lao động đi xây dựng kinh tế. Năm 1976, Chi cục Thống kê Thái Bình có 167 biên chế; lãnh đạo Chi cục gồm 2 người (đ/c Nguyễn Đình Huân nghỉ hưu). Hai năm 1976 và 1977, Tổng cục Thống kê điều động 32 cán bộ của Chi cục Thống kê Thái Bình có trình độ chính trị và nghiệp vụ vào 13 tỉnh phía nam xây dựng ngành Thống kê; trong đó có đồng chí Chi cục phó (Phạm Văn Tương), 8 đồng chí trưởng phòng, còn lại hầu hết là phó phòng. Những năm tiếp theo Tổng cục vẫn điều động thêm cán bộ của Thái Bình đi làm việc tại các Chi cục Thống kê phía nam.
Năm 1978, Chi cục bổ sung thêm 16 biên chế cho cấp huyện; từ giữa năm 1978 đến năm 1983, thực hiện chủ trương xây dựng cấp huyện, Phòng Thống kê được sáp nhập với Phòng kế hoạch và có tên chung là Ban Kế hoạch. Trưởng phòng Thống kê nhận chức danh mới là phó Ban Kế hoạch - phụ trách thống kê; các đồng chí phó phòng vẫn thực nhiệm vụ thống kê nhưng không còn chức danh. Rút kinh nghiệm của kỳ sát nhập trước, Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định Ban Kế hoạch duy trì hai bộ phận riêng biệt cả về quản lý công tác và quản lý cán bộ. Chi cục cũng quy định trách nhiệm của Phó ban Kế hoạch là bảo đảm công tác thống kê ở địa phương cả về chất lượng và hình thức tổ chức. Năm 1979, Chi cục được TCTK điều động 4 cán bộ sang nước bạn Cămpuchia công tác; đồng chí Vũ Thanh Cần - Chi cục trưởng làm Phó đoàn chuyên gia Thống kê Việt Nam cùng các đồng chí (Hà Đình Yên, Nguyễn Quang Điền, Hà Ngọc trứ). Lãnh đạo Chi cục chỉ còn 2 người (đ/c Tại Văn Cát được giao Quyền Chi cục trưởng). Phòng Máy tính được đổi tên là Xí nghiệp tính toán theo Quyết định 207/CP ngày 02/6/1979 của Hội đồng Chính phủ, gồm 25 cán bộ do đ/c Vũ Đình Quế làm Giám đốc. Năm 1980, 4 cán bộ đi giúp nước bạn trở lại cơ quan công tác, nên lãnh đạo Chi cục đủ 3 người (đồng chí Vũ Thanh Cần là Chi Cục trưởng). Năm 1982, Xí nghiệp tính toán còn 25 người (đ/c Phan Xuân được bổ nhiệm Giám đốc thay đ/c Vũ Đình Quế nghỉ hưu). Năm 1983, UBND tỉnh cho tái lập Phòng Thống kê cấp huyện; Chi cục tiếp nhận 68 cán bộ của 8 Phòng Thống kê cấp huyện, trong đó có 8 trưởng phòng và bổ nhiệm thêm 4 phó phòng).
 Ngày 08/3/1984 Tổng cục Thống kê ra Quyết định số 80/QĐ-TCTK đổi tên Chi cục Thống kê tỉnh thành Cục Thống kê tỉnh cho đến nay; theo Quyết định này, các chức danh lãnh đạo Cục Thống kê cũng thay đổi. Trong suốt 10 năm qua số lượng cán bộ của ngành Thống kê Thái Bình ngày càng tăng lên từ 145 người (năm 1975) tăng lên 177 người (năm 1986). Cơ cấu các phòng nghiệp vụ cũng thường xuyên được rà soát và bổ sung cho phù hợp với công tác được giao hàng năm. Trình độ chuyên môn của cán bộ tăng nhanh do Cục Thống kê thường xuyên chú ý đến việc bồi dưỡng và đào tạo bổ sung kiến thức chuyên môn cho các bộ trong đơn vị . Số cán bộ trình độ đại học năm 1975 là 23 đồng chí, chiếm 15,6%, năm 1980 là 32 đồng chí, chiếm 18,7% và năm 1986 là 51 đồng chí, chiếm 28,8%. Tất cả các phòng nghiệp vụ của văn phòng Chi cục Thống kê và các huyện đều có 2-3 cán bộ đại học, riêng Vũ Thư và Thái Thụy có 5 cán bộ đại học. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, ngoài việc tuyển dụng thêm cán bộ tốt nghiệp đại học, trung học mới ra trường; Chi cục đã tạo điều kiện cho cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong 10 năm có 14 đồng chí đi học đại học tại chức; 02 đồng chí đi học lớp bồi dưỡng sau đại học (Bùi Sỹ Trùy và Phí Văn Thắng); 02 đồng chí đi học lớp quản lý kinh tế sau đại học (Phan Xuân và Nguyễn Ngọc Tuy); đồng chí Bùi Tất Đớm dự lớp bổ túc đại học tại Liên Xô; đồng chí Tăng Văn Khiên đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô; đồng chí Trương Văn Đô đi thực tập sinh về nghiệp vụ máy tính tại Tiệp Khắc.Trong thời gian này, có 32 cán bộ được đề bạt giữ các chức vụ từ phó phòng đến Chi cục trưởng (không kể số cán bộ được đề bạt đã chi viện cho miền Nam trước đây).
  Ở cấp cơ sở, đi đôi với việc xây dựng tổ chức thống kê cấp xã, Chi cục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp nghiệp vụ thống kê cho cán bộ làm công tác thống kê hợp tác xã, đội sản xuất để nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều năm Thái Bình tổ chức Thi thống kê giỏi đối với cán bộ thống kê xã, hợp tác xã nông nghiệp, thống kê các cơ sở thương nghiệp, công nghiệp; đã có 68 cán bộ cơ sở đạt danh hiệu Cán bộ thống kê giỏi được Cục thống kê suy tôn từ kết quả của các kỳ thi. Cuộc thi đã được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng; đồng thời có tác dụng động viên, khích lệ cán bộ thống kê cơ sở tích cực học tập nghiệp vụ và thực hiện công tác thống kê tốt hơn.
Báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp 5 ngày, 10 ngày được thường xuyên thông báo trên đài phát thanh, Báo của địa phương để động viên, nhắc nhở các cấp cơ sở kịp thời đưa ra biện pháp tích cực chỉ đạo sản xuất và uốn nắn, bổ sung các thiếu sót tồn tại. Báo cáo thống kê định kỳ đã được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh dùng vào việc đáng giá kết quả thực hiện kế hoạch của tỉnh giao hàng năm; là căn cứ để tổng kết mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương hàng năm và cả nhiệm kỳ. Các báo cáo thống kê chuyên ngành theo lĩnh vực giúp lãnh đạo địa phương đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các sở, ngành; đồng thời là cơ sở để các sở, ngành tiếp nhận kế hoạch của cấp trên và phân bổ kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc. Công tác biên soạn và xuất bản Niên giám thống kê là nguồn số liệu quan trọng để các cấp các ngành đánh giá xu hướng phát triển các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo thời gian; đồng thời là căn cứ  chỉ ra các lợi thế của mỗi địa phương và so sánh giữa các huyện và với tỉnh bạn.
4. Giai đoạn 1987-2007: Tháng 3/1987 đồng chí Bùi Tất Đớm được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng thay đồng chí Vũ Thanh Cần nghỉ hưu; đồng chí Bùi Sỹ Trùy Trưởng phòng Thống kê Đông Hưng và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuy Trưởng phòng Thống kê Vũ Thư được bổ nhiệm chức vụ Phó cục trưởng thay đồng chí Tạ Văn Cát nghỉ hưu. Cục cử 3 công nhân Xí nghiệp tính toán đi học trung cấp thống kê, cử đồng chí Nguyễn Ngọc Yến (Trưởng phòng Thống kê TXTB) đi công tác biệt phái tại Cămpuchia. Theo Quyết định 81/HĐBT năm 1988 Tổng cục Thống kê bàn giao thống kê địa phương cho UBND cùng cấp quản lý về tổ chức, cán bộ và kinh phí; chỉ thống nhất về hoạt động chuyên môn trong cả nước. Tỉnh uỷ, Uỷ Ban Nhân dân tỉnh đã thống nhất để Cục Thống kê tỉnh Thái Bình là cơ quan độc lập trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh; còn 8 Phòng Thống kê cấp huyện được sáp nhập với Phòng Kế hoạch trở thành Phòng Kế hoạch - Thống kê, hầu hết các Trưởng phòng Thống kê nhận chức vụ Phó phòng mới và phụ trách công tác thống kê, các Phó phòng thống kê cũ không còn chức danh. Trong thời gian này, khó khăn lớn nhất của Cục Thống kê là thực hiện giảm bớt biên chế của mình. Năm 1987 Văn phòng Cục Thống kê có 96 biên chế đến năm 1994 chỉ còn 59 biên chế, nhiều cán bộ phải nghỉ hưu theo chế độ sớm từ 5 đến 10 năm. Trong suốt 7 năm do UBND tỉnh quản lý Cục Thống kê không bổ sung thêm cán bộ; chính vì vậy, cán bộ của Cục Thống kê đều có độ tuổi ngang nhau, không có lực lượng cán bộ trẻ tuổi kế thừa. Ỏ cấp huyện năm 1988 bàn giao 82 cán bộ thống kê cho 8 UBND huyện, thị xã; chỉ sau 8 tháng chỉ còn có 19 cán bộ thống kê được biên chế vào phòng Kế hoạch - Thống kê, bình quân mỗi đơn vị cấp huyện chỉ có 2 cán bộ thống kê, thậm chí có huyện chỉ còn 1 cán bộ thống kê. Phần lớn cán bộ thống kê tự xin chuyển sang ngành khác vì nhiều lý do; một số cán bộ xin nghỉ chế độ trước tuổi. Sau khi sát nhập vào phòng kế hoạch, các hoạt động thống kê trên địa bàn cấp huyện cũng chỉ do cán bộ của phòng thống kê cũ thực hiện; cho nên hầu hết công việc của hoạt động thống kê gặp rất nhiều khó khăn và bất cập do thiếu lực lượng cán bộ thực thi.
Trong thời gian này, báo cáo thống kê định kỳ của các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh kém chất lượng và thiếu cả về số lượng; việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch cho các đơn vị cũng không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Trong khi đó, các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Với mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin thống kê để đáp ứng nhu cầu của cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN thay cho cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Ngành thống kê đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành tìm hiểu nhu cầu thông tin và thực hiện nhiều cuộc điều tra chuyên đề: điều tra đa mục tiêu, lao động việc làm khu vực thành thị, chỉ số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, điều tra biến động dân số nhiều vòng, điều tra giàu nghèo..Số liệu thu được từ các cuộc điều tra rất phong phú, phản ánh đa dạng các mặt của xã hội và đáp ứng kịp thời việc cung cấp cả mặt tích cực và tiêu cực trong xã hội giúp lãnh đạo các cấp kịp thời điều chỉnh các quyết định quản lý cho phù hợp với sự điều tiết của kinh tế thị trường. Năm 1993, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập Thanh tra Thống kê đặt trong Cục Thống kê, gồm chánh thanh tra và thanh tra viên. Hoạt động của Thanh tra Thống kê thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh giao hàng năm, để góp phần thực hiện tốt công tác thống kê, công tác kế toán theo Pháp lệnh Kế toán và Thống kê của các đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị định 23/CP năm 1994 Cục Thống kê đã được Tổng Cục thống kê tiếp nhận trở lại quản lý ngành dọc gồm có 59 cán bộ, trong đó 23 đại học (3 lãnh đạo Cục, 7 trưởng phòng và 6 phó phòng). Đồng thời Cục Thống kê thực hiện tiếp nhận cán bộ làm công tác thống kê do UBND cấp huyện bàn giao. Sau 7 năm chuyển giao cho UBND huyện quản lý điều hành, số cán bộ thống kê được bàn giao lại cho Cục Thống kê chỉ còn lại 28 người (trong đó có 7 cán bộ phòng kế hoạch). Căn cứ vào Quyết định 39/QĐ-TCTK, ngày 18/4/1994 của Tổng cục Thống kê; Cục Thống kê tiến hành sắp xếp lại 56 cán bộ văn phòng Cục thành 7 phòng và 2 bộ phận; 28 cán bộ thống kê cấp huyện giữ nguyên vị trí công tác, hầu hết các huyện đều có lãnh đạo đơn vị và ít nhất có 2 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, riêng huyện Kiến Xương chỉ có 2 cán bộ không có lãnh đạo phòng. Thực hiện công văn số 98/TCTK-TCCB, ngày 17/02/1995 của Tổng cục Thống kê về phân cấp quản lý đối với Cục Thống kê các tỉnh; Cục thống kê bố trí lại lực lượng cán bộ thống kê cấp huyện và bổ sung đủ lực lượng cán bộ lãnh đạo Phòng Thống kê. Đến hết năm 1995, toàn tình có 29 cán bộ thống kê cấp huyện, mỗi Phòng Thống kê đều có trưởng phòng và ít nhất có 2 nhân viên giúp việc; đưa tổng số cán bộ công chức toàn ngành lên 88 người. Tháng 7/1995 đồng chí Bùi Sỹ Trùy được bổ nhiêm chức vụ Cục trưởng thay đồng chí Bùi Tất Đớm nghỉ hưu theo chế độ; Cục thống kê Thái Bình duy trì 2 lãnh đạo Cục (1 trưởng và 1 phó) cho đến hết tháng 01/2003.
Ngày 20/6/1996 TCTK ban hành Quyết định số 289/QĐ-TCTK; căn cứ vào nội dung quyết định, Cục tiến hành rà soát và đề nghị TCTK xếp ngạch bậc cho: 40 cán bộ đại học (28 đại học Thống kê); 38 cán bộ trung cấp chuyên ngành thống kê; 8 công nhân kỹ thuật máy tính, 2 công nhân đánh máy chữ. Thực hiện Quyết định số 235/QĐ-TCTK, ngày 23/4/1998 của Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh; Cục đã sắp xếp lại cán bộ nghiệp vụ trong các phòng chuyên môn và bổ sung thêm cán bộ lãnh đạo cấp phòng. Theo Quyết định này Cục thống kê Thái Bình lựa chọn mô hình 7 phòng và vẫn để bộ phận Thanh tra được thành lập từ năm 1993 trực thuộc lãnh đạo Cục, làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thống kê. Đến năm 2002, Cục thống kê Thái Bình có 82 cán bộ, với 16 đơn vị trực thuộc hạch toán chung tại văn phòng Cục; có 15 Trưởng phòng + 1 Chánh thanh tra và 10 phó phòng.
Đặc biệt trong giai đoạn này, ngành thống kê thực hiện thêm 2 cuộc Tổng điều tra lần đầu tiên tổ chức ở nước ta là: Tổng điều tra NTNN&TS năm 1994, với tình hình của trên 40 vạn hộ nông thôn cho thấy toàn cảnh nông thôn nông nghiệp Thái Bình trong những năm đầu của thời kỳ kinh tế thị trường; Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp lần đầu tiên thực hiện năm 1995, kết quả Tổng điều tra đã bao quát hết phần còn lại của lĩnh vực kinh tế phi nông lâm nghiệp và thủy sản trong toàn tỉnh với gần 8 vạn hộ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế này. Căn cứ vào kết quả của 2 cuộc Tổng điều tra kinh tế và Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 1989, ngành Thống kê đã tổng hợp được bức tranh kinh tế xã hội đầy đủ của tỉnh bằng hệ thống bảng biểu số liệu các chỉ tiêu số lượng và chất lượng. Ngày 03/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP thay cho Nghị định 23/CP ngày 23/3/1994 Cục đã xây dựng Quy chế Tổ chức, hoạt động Thống kê áp dụng cho tất cả lực lượng thống kê cấp tỉnh, cấp huyện. Tháng 02/2003 đồng chí Vũ Tiêu và đồng chí Nguyễn Xuân Tuấn được TCTK bổ nhiệm chức danh Phó cục trưởng thay đồng chí Nguyễn Ngọc Tuy nghỉ hưu. Cục thực hiện nhiệm vụ với 78 biên chế, trong đó cấp huyện có 30 biên chế, (Đông Hưng và Kiến Xương, mỗi huyện chỉ có 3 người). Cũng trong năm 2003 phòng Máy tính giải thể, Trưởng phòng nhận nhiệm vụ Chánh thanh tra, các nhân viên được chuyển về 5 phòng nghiệp vụ để kết hợp việc kiểm tra phiếu điều tra và thực hiện công việc xử lý thông tin tại cơ sở. Trong các năm tiếp theo số lượng biến chế của Cục Thống kê luôn ổn định, bình quân mỗi đơn vị trực thuộc có từ 5-6 cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từ năm 2004-2006 có 15 cán bộ mới thi tuyển vào ngành thay thế cho 19 cán bộ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Số cán bộ mới được tuyển dụng đều có trình độ đại học hoặc trung cấp thống kê, cho nên hầu hết đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc được giao.
Trong 20 năm qua, ngành Thống kê đã tổng hợp số liệu về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh phục vụ 4 kỳ đại hội Đảng bộ các cấp. Ngoài việc cung cấp thông tin thường xuyên bằng các báo cáo thống kê định kỳ và Niên giám thống kê, ngành thống kê còn biên soạn các báo cáo phân tích tình hình kinh tế 4 năm 1988-1992 và đưa ra nhận xét về xu hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới.Việc thu thập thông tin từ chế độ báo cáo thống kê định kỳ đến giai đoạn này không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường cùng với sự hội nhập với kinh tế nước ngoài và có nhiều thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh với số lượng lớn. Tổng cục Thống kê đã cải tiến phương pháp thu thập thông tin bằng cách tăng cường công tác điều tra thống kê. Trong 20 năm qua, Ngành đã tổ chức thực hiện các cuộc điều tra có phạm vi lớn như: điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điều tra lập bảng cấn đối liên ngành, điều tra đa mục tiêu; 2 cuộc Tổng điều tra dân số 1989 và 1999, 2 cuộc Tổng điều tra NTNN&TS 1994 và 2001, 2 cuộc Tổng điều tra các cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp năm 1995 và 2002,.. Một số lĩnh vực mới cũng được chú trọng thu thập thông tin như: Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 2004; kinh tế trang trại, dịch vụ ngoài quốc doanh, khảo sát mức sống dân cư (2002,2004,2006); điều tra chi tiêu khách du lịch 2003...Cục Thống kê còn kết hợp với Sở Lao động TBXH thực hiện cuộc điều tra Lao động việc làm và điều tra hộ nghèo năm 2005. Bình quân mỗi năm Cục tiến hành tổ chức thực hiện trên 30 cuộc điều tra thống kê cho nên trình độ, kinh nghiệm thành thạo về công tác tổ chức thực hiện, thu thập, xử lý, tổng hợp và biên soạn kết quả số liệu điều tra của cán bộ công chức được nâng dần; đồng thời, khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh hơn trước.
Cục Thống kê vừa kiện toàn công tác tổ chức cán bộ vừa đảm bảo kế hoạch thông tin của Tổng cục giao, đồng thời phục vụ kịp thời về tình hình kinh tế xã hội cho lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh hàng năm và góp phần xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp. Năm 2003, Luật Thống kê ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động thống kê; tạo tiền đề cho ngành Thống kê củng cố, tăng cường, hoàn thiện về tổ chức và hệ thống chỉ tiêu thống kê; song cũng là trách nhiệm nặng nề của Ngành đối với xã hội. Cùng với việc tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin thu được, Cục rất quan tâm đến việc phổ biến thông tin thống kê; bởi vì ngoài nhiệm vụ phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo các cấp, phổ biến thông tin thống kê là một trong những biện pháp tuyên truyền hoạt động thống kê thông qua các đối tượng sử dụng thông tin thống kê. Bước sang thế kỷ XXI hình thức phổ biến thông tin phong phú và đa dạng nhờ có công nghệ thông tin phát triển; Cục thống kê còn biên soạn và xuất bản sách phân tích một số cuộc điều tra: Kết quả Tổng điều tra NTNN&TS 2006; Khảo sát mức sống dân cư 2002-2006,..
5. Giai đoạn năm 2007 đến nay
Nền kinh tế trong nước và của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu và các hiện tượng khắc nghiệt của thiên tai do biến đổi khí hậu; dịch bệnh ở người và gia súc biến đổi khó lường; môi trường và an toàn thực phẩm diễn ra phức tạp, nhiễu loạn thông tin do công nghệ thông tin phát triển... tác động vào cuộc sống của mọi người. Đòi hỏi thông tin thống kê phải quan sát được số lớn hiện tượng của xã hội và thường xuyên phản ánh kịp thời, đầy đủ, khách quan, phù hợp với xu hướng thực tế của địa phương, đơn vị. Năm 2007, Cục có 82 cán bộ công chức, trong đó tiếp nhận mới 9 công chức; Văn phòng Cục 41 người, trong đó có 3 lãnh đạo Cục, còn lại chia thành 6 phòng và bộ phận Thanh tra có 2 người; 8 Phòng Thống kê huyện/TP có 41 biên chế, bình quân mỗi đơn vị có 5 người thực hiện nhiệm vụ thống kê. Trong năm 2007 có thêm 2 cán bộ thi đạt chuyên viên chính, đưa số chuyên viên chính của Cục lên 5 người. Cuối năm 2008, Cục chỉ còn 77 cán bộ công chức; Văn phòng Cục 38 người, Thống kê cấp huyện 39 người. Trong năm bổ nhiệm mới 6 phó phòng và 2 trưởng phòng. 12/15 đơn vị thuộc Cục có đủ lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó, riêng phòng Tổng hợp có 2 cấp phó; 3 đơn vị chỉ có cấp trưởng (Thanh tra, TK Thương mại, TK Quỳnh phụ).
Năm 2009, Cục tiếp nhận thêm 12 công chức thi tuyển, thay cho 10 cán bộ nghỉ hưu. Văn phòng Cục chỉ còn 6 phòng (bộ phận thanh tra được nhập vào phòng Tổng hợp) với 43 cán bộ; 8 phòng Thống kê cấp huyện có 42 cán bộ, trong đó 2 huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng chưa có cấp phó. Trong năm bổ nhiệm 1 trưởng phòng và 1 phó phòng; cử 2 cán bộ học trung cấp chính trị, 2 cán bộ học cao cấp chính trị. Bước sang năm 2010, Cục Thống kê có nhiều biến động ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động chung của ngành; trong năm có 9 cán bộ nghỉ hưu (trong đó có 01 đồng chí Phó cục trưởng), biên chế cơ quan chỉ còn 73 người. Cuối năm 2011 Cục chỉ còn có 65 biên chế, Văn phòng Cục có 33 người chia làm 7 phòng và 2 lãnh đạo Cục; cấp huyện có 32 người chia cho 8 Chi cục. Cán bộ lãnh đạo Cục vừa thiếu lại mới thay đổi, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo; đồng chí Lê Thị Chuyên vừa được bổ nhiệm Phó cục trưởng tháng 01/2011 thay đồng chí Nguyễn Xuân Tuấn nghỉ hưu năm 2010; tháng 10/2011 lại được bổ nhiệm Cục trưởng thay đồng chí Vũ Tiêu nghỉ hưu. Ngay từ đầu năm 2012, Cục tiếp nhận thêm 20 công chức mới trúng tuyển kỳ thi cuối năm 2011 và tuyển dụng 5 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/CP; Văn phòng Cục có 41 biên chế, 8 Chi cục Thống kê cấp huyện có 44 biên chế. Trong năm bổ nhiệm thêm 2 trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng; tạo điều kiện cho 8 đồng chí theo học lớp trung cấp chính trị. Cuối năm 2013 Tổng cục bổ sung cho 5 cán bộ mới thi tuyển. Ngày 6/9/2013 Tổng cục quyết định bổ nhiệm đồng chí Bùi Ngọc Thụ và đồng chí Vũ Tuấn Hùng vào chức danh phó cục trưởng. Cục điều động 3 cán bộ bổ sung cho 3 huyện, mỗi Chi cục Thống kê cấp huyện đều có 6 biên chế, riêng huyện Thái Thụy có 7 biên chế do có nhiều đơn vị hành chính. Trong năm Cục bổ nhiệm thêm 2 vị trí phó trưởng phòng (Dân số và TCHC)
Số cán bộ công chức của Cục đến nay có tuổi đời bình quân là 35 tuổi, tuổi nghề bình quân 12 năm, công chức nữ chiếm 60%; bởi vì từ 2007 đến nay Cục thống kê tiếp nhận 45 cán bộ công chức mới thi tuyển thay cho số cán bộ cán bộ nghỉ hưu.  Trong 6 năm qua (2007-2013) Cục thay mới 2/3 số cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; số cán bộ mới, đa số có trình độ đại học, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu cả kiến thức xã hội; nên công tác kiểm tra, tổng hợp và phân tích gặp rất nhiều khó khăn bất cập và kém hiệu quả. Trong 10 năm Cục Thống kê tiếp tục thực hiện tốt việc thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê theo kế hoạch thông tin Tổng cục thống kê giao và Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước. Các báo cáo nhanh, báo cáo chính thức, niên giám thống kê được thực hiện nề nếp theo chỉ đạo thống nhất của Tổng cục thống kê; các báo cáo đột xuất của các Vụ chuyên ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành,..đều được Cục Thống kê nghiên cứu, thực hiện và phúc đáp kịp thời đến từng đơn vị có nhu cầu. Hệ thống số liệu phục vụ 2 kỳ Đại hội Đảng các cấp được biên soạn đầy đủ, kịp thời và đúng xu hướng. Số liệu đánh giá kết quả mục tiêu kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2011- 2015 đã được thống nhất ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), riêng 3 năm 2011-2013 đã thống nhất với Trung ương. Đây chính là tiền đề để các năm tiếp theo tỉnh Thái Bình không có chênh lệch số liệu giữa các cấp trong tỉnh, tiến tới khắc phục chênh lệch số liệu với Trung ương.
Hàng năm, Cục thống kê tổ chức thực hiện 12 cuộc điều tra tháng, quý; 21 cuộc điều tra thời điểm, thời vụ; ngoài ra còn thực hiện một số cuộc điều tra lớn như: Tổng điều tra các cơ sở hành chính sự nghiệp và tôn giáo (2007,2012); điều tra lập bảng cân đối liên ngành (2008,2013), Khảo sát mức sống và quyền số giá tiêu dùng năm 2008; Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2009; Tổng điều tra NTNN&TS (2011,2016); điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014,..Để nâng cao chất lượng số liệu thu được từ các cuộc điều tra, Cục Thống kê đã áp dụng phương thức thu thập thông tin theo nhóm thay cho điều tra độc lập để các ĐTV có thể hỗ trợ nghiệp vụ cho nhau và các giám sát viên thực hiện công tác kiểm tra hiệu quả hơn. Kết quả của các cuộc điều tra thống kê là nguồn số liệu chủ yếu để Cục thực hiện báo cáo trong kế hoạch thông tin. Số liệu của các cuộc điều tra lớn đều được tổng hợp, phân tích và biên soạn thành sách để phổ biến đến các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin.
 II. Phương pháp chế độ thống kê không ngừng được cải tiến và đạt được kết quả thiết thực.
  Phương pháp chế độ thống kê giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động thống kê. Đó là một khâu công việc cơ bản của ngành góp phần nâng cao hiệu quả công vụ, nâng cao chất lượng số liệu thống kê và tiết kiệm chi phí thực hiện. Kế thừa và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung của chế độ báo cáo và điều tra thống kê là việc làm thường xuyên. Cấp tỉnh tuy là cấp thực hiện nhưng là nơi diễn ra hoạt động thực tiễn nên có cơ sở đúc rút kinh nghiệm, làm căn cứ cho việc cải tiến phương pháp thống kê của toàn ngành. Đó là sự vận dụng sáng tạo quy định chung của phương pháp Thống kê vào điều kiện cụ thể phù hợp với tỉnh Thái Bình nhằm bảo đảm được tính thống nhất và đạt hiệu quả cao hơn.
Giai đoạn 1946-1955: phương pháp chuyển, đưa thông tin thống kê chủ yếu là cử cán bộ thống kê trực tiếp đi thu và nhận báo cáo hoặc qua đường bưu điện. Các chỉ tiêu thống kê rất ít và đơn giản để các Ty, các đơn vị có thể ghi chép và tính toán các chỉ tiêu số lượng. Các lĩnh vực thu thập thông tin chủ yếu là: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, giá cả, công chính, dân sinh. Từ những năm 1950, ngành Thống kê đã có hệ thống biểu mẫu báo cáo và điều tra thống kê áp dụng cho các Ty, Nha nghiệp vụ và UBHC kháng chiến các cấp. các báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm cũng đã tổng hợp được những thông tin cần thiết về một số lĩnh vực quan trọng; phục vụ cho việc huy động mọi nguồn lực vào công cuộc kháng chiến chống Thực dân pháp.
 Giai đoạn 1956-1975: Đất nước chia làm 2 miền: miền Bắc thực hiện phát triển nền kinh tế có kế hoạch, cấn đối và sản xuất tập trung; miền Nam bị Đế quốc Mỹ tạm chiếm. Để phục vụ cho việc quản lý chỉ đạo nền kinh tế này, ngành Thống kê đã xây dựng hệ thống hạch toán thống nhất và phối hợp với các ngành Tài chính, Kế hoạch và các Ty chủ quản triển khai đến các đơn vị thực hiện công tác hạch toán thống kê thống nhất trong toàn tỉnh để giúp cho UBHC các cấp chỉ đạo việc phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa. Từ năm 1964, Ngành thống kê còn được giao làm trưởng đoàn xét duyệt và công bố việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Các số liệu thống kê thực hiện theo Bảng phân ngành kinh tế (1963) và sửa đổ bổ sung (1974), bảng phân loại các xí nghiệp, bảng danh mục sản phẩm, vật tư, hàng hóa; bảng danh mục lao động,… là cơ sở cho việc chỉ đạo phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực. Năm 1970, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 168/TTg ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê tổng hợp về số lượng và chất lượng của các lĩnh vực: lao động, vật tư kỹ thuật, cân đối các ngành kinh tế,…áp dụng cho tất cả các đơn vị trong nền kinh tế quốc dân; Những đối tượng không thể thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ, hoặc những hiện tượng kinh tế biến đổi không thường xuyên được thu thập thông tin bằng điều tra chuyên môn. Từ năm 1963-1967, chế độ ghi chép ban đầu áp dụng cho các đơn vị cơ sở để phù hợp với trình độ của cán bộ làm công tác báo cáo thống kê cơ sở gồm: 4 nhóm chỉ tiêu (lao động tiền lương, vật tư, TSCĐ và tiền mặt) áp dụng cho tất cả các đơn vị cơ sở thuộc ngành KTQD; riêng nhóm về sản xuất, kỹ thuật, kinh doanh xây dựng được quy định cụ thể cho từng ngành. 
Giai đoạn 1976-1986: Đất nước thống nhất, nhưng kinh tế của 2 miền không cùng một bước tiến, để đảm bảo thông tin thống kê thống nhất và so sánh được; ngành thống kê khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung chế độ báo cáo, chế độ ghi chép ban đầu và điều tra thống kê để phù hợp với các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước mới ban hành trên phạm vi cả nước như: Chế độ báo cáo thống kê của các lĩnh vực công nghiêp, đầu tư xây dựng, khảo sát thiết kế, thương nghiệp, vận tải, bốc xếp, bưu điện, văn hóa thông tin, thể dục thể thao,... Cục Thống kê thường xuyên tiếp thu những thay đổi về chế độ báo cáo và phương pháp thu thập thông tin để kịp thời hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê kế toán mới áp dụng đối với các hợp tác xã, trạm máy kéo, đơn vị thực hiện việc di dân và đi xây dựng kinh tế mới; thực hiện bảng danh mục ngành nghề, danh mục ngành đào tạo, danh mục các dân tộc vào thực hiện kiểm tra đánh mã và tổng hợp các cuộc điều tra thống kê. Đảm bảo các báo cáo thống kê của tỉnh có thể tổng hợp chung cùng với các tỉnh khác trong cả nước. 
Giai đoạn 1987-1995: Ngay từ năm đầu của thời kỳ đổi mới, việc cải tiến phương pháp chế độ báo cáo thống kê là khâu quan trong nhất để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động thống kê phục vụ sự nghiệp đổi mới. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra chỉ thị 295/CT ngày 21/10/1989 về tăng cường thống kê giá cả, Năm 1989 với sự phối hợp của các ngành Kế hoạch, Vật giá, Tài chính,…đã ban được bảng giá cố định 1989 làm cơ sở để tính tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế kế hoạch cho giai đoạn 1991-1995. Cũng trong giai đoạn này, chế độ báo cáo thống kê định kỳ áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, tập thể, tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện. Để khắc phục chệnh lệch quá nhiều giữa giá hiện hành và giá cố định 1989, năm 1995 bảng giá cố định năm 1994 được thực hiện phục vụ yêu cầu xây dựng kế hoạch giai đoạn 1996-2000. Tuy nhiên, hàng năm sự chênh lệch giữa giá hiện hành và giá cố định 1994 càng xa hơn; để khắc phục nó ngành Thống kê thực hiện điều tra chỉ số giá các loại mặt hàng, trên cơ sở đó góp phần vào việc đánh giá tốc độ tăng trưởng hàng năm phù hợp với thực tế hơn. Để hỗ trợ cho ngành thống kê có căn cứ đối chiếu kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thông qua báo cáo định kỳ; Bộ tài chính đã ban hành chế độ kế toán mới và quy định các đơn vị phải gửi báo cáo quyết toán tài chính năm cho cơ quan Thống kê.
Giai đoạn 1996-2006: Công tác phương pháp chế độ tập trung vào việc thực hiện đúng phương pháp luận của các chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia, thống kê xuất khẩu, thống kê công nghiệp, các chỉ số giá,..Cải tiến việc thu thập thông tin bằng báo cáo thống kê định kỳ, tăng cường chất lượng các cuộc điều tra thường xuyên; tăng cường công tác tuyền truyền và kiểm tra việc thực hiện Luật Thống kê năm 2003. Thực hiện áp dụng các danh mục hành chính, danh mục sản phẩm chủ yếu, danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu, danh mục dân tộc và tôn giáo,.. vào việc kiểm tra, đánh mã các phiếu điều tra và tổng hợp các chỉ tiêu trong báo cáo thống kê theo nội dung và phương pháp thống nhất trong cả nước.
Từ năm 2001-2005 Quốc hội và Chính phủ đã ban hành 5 văn bản pháp lý quan trọng và đồng bộ có liên quan đến hoạt động thống kê là: Định hướng phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2010 (QĐ 141/2002/TTg ngày 21/10/2002); Luật Thống kê năm 2003 (số 04/2003/QH11 ngày 17/6/2003, khóa X kỳ họp thứ 3); Nghị định 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định 101/2003/NĐ-CP ngày 03/9/2003 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê; Nghị định 14/2003/NĐ-CP ngày 14/02/2005 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê. Ngành thống kê đã thực hiện tuyên truyền đến toàn thể cán bộ công chức trong ngành và các đối tượng cung cấp, sử dụng thông tin thống kê để được sự ủng hộ và giúp đỡ.
Giai đoạn 2007-2016: Thực hiện áp dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC2007) thay cho bảng phân ngành KTQD 1993 (VSIC1993). Thực hiện nghiêm túc nội dung của Chương trình điều tra thống kê quốc gia ban hành theo quyết định 144/2008/QĐ-TTg và các phương án của mỗi cuộc điều tra được Tổng cục Thống kê ban hành. Thực hiện Chiến lược phát triển thống kê, Cục đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Chiến lược và xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê tại Thái Bình giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án Đổi mới đồng bộ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã đã được triển khai đến tất cả các đối tượng thực hiện theo sự phân công trách nhiệm thu thập tổng hợp cho: 100 chỉ tiêu của Cục Thống kê; 142 chỉ tiêu cấp tỉnh của 30 sở, ban, ngành; 80 chỉ tiêu cấp huyện của 8 UBND huyện/thành phố, 27 chỉ tiêu cấp xã của 286 xã/phường/thị trấn theo Quyết định 2911/QĐ-UBND ngày 13/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cục Thống kê phối hợp với các sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định 03/2014/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp công tác thống kê giữa Cục thống kê với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Cục đã Tham gia đóng góp ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện Luật Thống kê và các văn bản pháp luật có liên quan đến các hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Thực hiện đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP, Cục đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án và dự thảo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Thực hiện công văn 977/TCTK-BCĐISO ngày 16/12/2014 của Ban chỉ đạo xây dựng và áp dụng ISO Tổng cục, Cục đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện, đánh giá và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho các hoạt động của Cục Thống kê từ tháng 7-10/2015. Thực hiện Quyết định 1161/QĐ-TTg ngày 23/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020; Cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án gồm 12 ngành do đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án hội nhập thống kê ASEAN giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án hội nhập) trên địa bàn tỉnh. Tháng 9/2014, Cục đã phối hợp với UBND 4 huyện (Thái Thuỵ, Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải) tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn phương pháp tính giá trị sản xuất bằng 2 loại giá (1994 và 2010) cho 164 văn phòng - Thống kê cấp xã và 43 cán bộ thực hiện báo cáo thống kê cấp huyện. Tháng 11/2015, Cục đã kết hợp với Sở Nội vụ tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động thống kê cho 180 cán bộ làm công tác tư pháp, nội vụ, văn phòng cấp xã. Tháng 12/2015, Cục tổ chức đươc 9 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện báo cáo thống kê và tuyền truyền các văn bản pháp luật quy định trách nhiệm và nghĩa vụ cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác thống kê của 286 xã, phường, thị trấn; các phòng ban ngành của 8 huyện/TP; lãnh đạo và cán bộ thực hiện báo cáo thống kê của 30 sở, ban, ngành tỉnh Thái Bình.
III. Công tác cơ khí hóa, tự động hóa tính toán và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thống kê.
1. Trước năm 1993. Năm 1971 Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình ra Quyết định thành lập phòng Máy tính thuộc Chi cục Thống kê tỉnh theo Nghị quyết 168/CP gồm 2 cán bộ và 18 công nhân máy tính. Tổng cục Thống kê đã trang bị cho 14 máy cơ điện dùng làm các phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Năm 1972 có thêm 2 máy kế toán; năm 1978 trang bị thêm 2 máy điện tử đục lỗ và 1 máy điện tử vạn năng thực hiện theo chương trình lập sẵn. Năm 1982 Tổng cục Thống kê cho Cục thành lập Xí nghiệp tính toán thuộc trên cơ sở phòng Máy tính. Xí nghiệp đã giúp các phòng nghiệp vụ thực hiện xử lý thông tin thu được từ cơ sở để tổng hợp các báo cáo thống kê định kỳ (tháng, quý năm). Ngoài ra, còn tính bảng lương tháng cho Nhà máy Tơ Thái Bình; giúp Sở Điện lực, tính tiền điện tiêu thụ hàng tháng cho các hộ dân cư trên địa bàn thị xã Thái Bình; tổng hợp số lượng hàng hóa mua vào bán ra hàng tháng của Công ty công nghệ phẩm Thái Bình,..Năm 1983, Cục Thống kê đã trang bị cho mỗi Phòng Thống kê cấp huyện 1 máy tính cơ điện và 1 công nhân sử dụng. Ngày 25/5/1992, UBND tỉnh ra Quyết định 169/QĐ-UB chuyển Xí nghiệp tính toán thành phòng Xử lý thông tin.
2. Từ năm 1993 đến nay. Năm 1993 Cục được trang bị 4 máy tính điện tử thế hệ mới sử dụng hệ điều hành MS DOS để lập trình; công tác xử lý thông tin nhanh hơn và chất lượng tốt hơn. Năm 1994, Phòng Xử lý thông tin thực hiện nhập tin cuộc điều tra học sinh phổ thông thị xã Thái Bình. Từ năm 1994-1997, Phòng Xử lý thông tin đã tổ chức đươc 5 lớp đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính điện tử (hệ điều hành MS DOS) cho cán bộ công chức trong và ngoài ngành thống kê.
Năm 1998, Cục Thống kê được chọn thực hiện dự án SIDA do Liên Hiệp Quốc tài trợ; Văn phòng Cục được trang bị mạng LAN với 35 máy tính thuộc hệ điều hành Windows (mỗi cán bộ có 1 máy tính); tất cả các máy đều được hòa mạng. Mỗi phòng nghiệp vụ có 1 công nhân máy tính hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ sử dụng và khai thác chức năng của máy vào các hoạt động thống kê. Năm 1999, mang LAN của Cục thống kê đã hòa vào mạng Internet, từ đó báo cáo thống kê được truyền đưa về Tổng cục Thống kê bằng đường mạng. Tất cả các loại báo cáo thống kê và thông tin từ các cuộc điều tra đều được thực hiện xử lý, tổng hợp, phân tích và lưu trữ bằng máy tính.
Năm 1999, Cục thống kê Thái Bình là đơn vị cấp tỉnh duy nhất được Tổng cục thống kê chấp thuận cho nhập tin số liệu cơ sở của Tổng điều tra dân số năm 1999; kết quả nhập tin đã được hòa chung với số liệu của cả nước. Thành công đã chứng tỏ năng lực kỹ thuật và ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức Cục thống kê Thái Bình đối với việc tiếp thu tiến bộ của Công nghệ thông tin vào công tác thống kê. Hàng năm, Bộ phận quản trị mạng đều cập nhật và biên soạn nội dung kiến thức về sử dụng và quản lý máy tính để nâng cao trình độ tin học cho cán bộ công chức trong ngành thống kê. Các năm tiếp theo công tác nhập tin và tổng hợp các cuộc Tổng điều tra: NTNN&TS 2001,2006; Cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp 2002,2007 và các cuộc điều tra thường xuyên hàng năm đều được thực hiện nhanh gọn và đảm bảo chất lượng, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Cục thống kê.
Từ năm 2009 đến nay các cuộc Tổng điều tra và một số cuộc điều tra có nội dung đơn giản ít chỉ tiêu, đã được Tổng cục Thống kê xử lý nhập tin bằng công nghệ Scanning tại 3 trung tâm tin học. Các cuộc điều tra còn lại, cán bộ nghiệp vụ tự downloads chương trình từ trên mạng để nhập tin, xử lý, kiểm tra, tổng hợp và phân tích để thực hiện báo cáo và biên soạn các ấn phẩm của cuộc điều tra theo yêu cầu của lãnh đạo Cục. Kết quả các cuộc điều tra không nhập tin từ Cục, cán bộ nghiệp vụ cũng có thể khai thác từ đường truyền của Trung tâm để xử lý, tổng hợp và biên soạn thành sách phục vụ cho các đối tượng sử dụng thông tin thống kê của tỉnh.
 
  IV. Công tác nghiên cứu khoa học
  1. Trước năm 1975: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Thái Bình là “làm ăn thật thà, báo cáo trung thực”; hàng năm Chi cục Thống kê Thái Bình phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác: Tập trung vào công tác nghiên cứu cải tiến việc thực hiện ghi chép ban đầu ở từng loại cơ sở; hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ các đơn vị thực hiên công tác hạch toán kế toán thống kê dễ hiểu, dễ làm; cải tiến việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, không làm phiền hà đơn vị. Hàng năm, Chi cục Thống kê còn có sáng kiến nghiên cứu, biên soạn nội dung thi thống kê giỏi phù hợp với điều kiện cụ thể về các hoạt động thống kê của tỉnh cho các đối tượng là cán bộ thống kê sở ngành, doanh nghiệp, thống kê cấp xã và hợp tác xã.
2. Từ năm 1976 đến năm 2006: Cuộc Thi thống kê giỏi vẫn được duy trì đến nhiều năm tiếp theo với nội dung được đổi mới và ngày càng nhiều thống kê cơ sở đăng ký tham gia; năm 1986 có 68 cán bộ thống kê xã và HTX nông nghiệp và Sở Công nghiệp, Thương nghiệp đạt giải. Trong giai đoạn này Cục thống kê tham gia nghiên cứu 4 đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin thống kê cấp tỉnh”; “Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thái Bình 5 năm 2001-2005 và dự báo trong 5 năm tới”; “Nâng cao hiệu quả chuyển đổi sản xuất trên đất canh tác”; “Hiệu quả loại hình sản xuất trang trại”. Ngoài ra, Cục còn cử cán bộ tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Tổng cục và các sở, ngành trong tỉnh; các tham luận của cuộc hội thảo còn được đăng trên Tạp chí thông tin khoa học Thống kê.
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TU ngày 11/11/1980 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chi cục Thống kê phối hợp với các ngành Tài chính, Ngân hàng, Nông nghiệp thực hiện nghiên cứu cải tiến chế độ ghi chép ban đầu tại HTX Đồng hải (Đông Hưng), HTX Lam sơn (Hưng Hà); sau đó nhân rộng ra 71 HTX của tất cả các huyện. năm 1980 đã có 279 HTX nông nghiệp trong tỉnh thực hiện hạch toán theo chế độ mới, trong đó có 44 HTX đã tự tính được giá thành sản phẩm (thóc và thịt lợn hơi). Thái Bình còn là một trong những địa phương để Tổng cục Thống kê đặt cơ sở thực hiện việc nghiên cứu khoa học và trao đổi kinh nghiệm với đoàn cán bộ thống kê nước ngoài.
2. Từ năm 2007 đến năm nay: Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường và tập trung vào việc nghiên cứu phân tích và biên soạn các nhân tố ảnh hưởng đến tính khả thi của các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế xã hội; cùng với hiệu quả của công tác quản lý điều hành xã hội của các cấp các ngành ở mỗi địa phương đơn vị thông qua các thông tin thống kê thu thập được từ báo cáo và điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Hàng năm, Cục thống kê Thái Bình phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng thông tin cơ sở kết hợp với nghiên cứu khoa học và phát huy sáng kiến cải tiến trong hoạt động thống kê. Mỗi năm, Cục Thống kê đều tổ chức sinh hoạt chuyên đề hoặc hội thảo khoa học với nội dung là các chuyên đề do cán bộ ngành thống kê thực hiện trong năm. Từ năm 2007 đến nay có 145 chuyên đề, sáng kiến được nghiên cứu đề xuất, riêng năm 2015 có 43 chuyên đề. Các chuyên đề đều được Hội đồng Khoa học cơ quan xem xét, đáng giá, xếp loại và công nhận; có nhiều chuyên đề được Sở Khoa học công nghệ tỉnh đánh giá công nhận, trong đó có đề tài được áp dụng vào thực tiễn hoạt động thống kê của tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực.
V. Công tác thanh tra, kiểm tra thống kê 
Để nâng cao chất lượng thông tin thống kê và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện các hoạt động thống kê của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành thống kê; ngành Thống kê thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thống kê. Thông qua việc kiểm tra, thanh tra để phát hiện kịp thời các sai sót, tồn tại, hạn chế của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong các hoạt động thống kê để nhắc nhở, uốn nắn, hướng dẫn, giúp đỡ hoặc xử lý các trường hợp vi phạm. Công tác kiểm tra, thanh tra thống kê được quan tâm nhất là khi có Quyết định số 112/CP ngày 22/7/1964 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư 856/TCTK ngày 22/10/1964 của TCTK hướng dẫn việc xét duyệt, công nhận, công bố thành kế hoạch Nhà nước.
Trước năm 1993, Cục Thống kê chưa hình thành tổ chức thanh tra trong cơ quan thống kê, các hoạt động công tác kiểm tra thống kê dưới hình thức: đôn đốc việc thực hiện báo cáo thống kê cơ sở; rà soát công tác ghi chép ban đầu; kiểm tra công tác hạch toán – kế toán; giám sát các cuộc điều tra,…vẫn được thực hiện từ khi thành lập ngành Thống kê.     Thực hiện Nghị định 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, năm 1993 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập Thanh tra Thống kê đặt trong Cục Thống kê (từ năm 1988-1994 thống kê chuyển về địa phương), gồm chánh thanh tra và thanh tra viên. Hoạt động của Thanh tra Thống kê thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh giao hàng năm, để góp phần thực hiện tốt công tác thống kê, công tác kế toán theo Pháp lệnh Kế toán và Thống kê của các đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn này công tác thanh tra thực hiên chưa có kế hoạch cụ thể, chỉ thực hiện kiểm tra, rà soát chung, nên kém hiệu quả.
Từ năm 1996-2006, hoạt động thanh tra có tiến bộ hơn, nhất là kế hoạch công tác thanh tra đã cụ thể về đối tượng, nhiệm vụ và thời gian thực hiện; các cuộc thanh tra được thực hiện bài bản hơn và có phạm vi rộng hơn cho các đối tượng thực hiện báo cáo thống kê. Tuy công tác thanh tra mới dừng ở việc nhắc nhở, uốn nắn, bổ sung,.. cho đơn vị cơ sở; song cũng có tác dụng răn đe trong việc thực hiện báo cáo thống kê. Công tác thanh tra, kiểm tra các cuộc điều tra thống kê còn ít, chưa đủ để phát hiện các sai sót, lệch lạc; nội dung thanh tra còn phụ thuộc vào kế hoạch của cấp trên, chưa đa dạng và chưa phù hợp với thực tế.
Từ năm 2007 đến nay, công tác thanh tra có nhiều đổi mới; ngoài việc thực hiện tốt kế hoạch thanh tra do Tổng cục giao hàng năm, công tác thanh tra còn kết hợp với các phòng nghiệp vụ tham gia xây dựng nội dung thực hiện các cuộc thanh tra ở các đơn vị cơ sở thực hiện chế độ báo cáo thống kê chưa tốt. Nhất là từ năm 2012, cán bộ thanh tra thường xuyên được tham gia công tác giám sát tất cả các cuộc điều tra để  xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác thanh tra đạt mục tiêu. Năm 2014 và 2015 Thanh tra Cục còn tổ chức thêm 2 kỳ kiểm tra nội bộ để rà soát việc thực hiện Quy trình sản xuất thông tin thống kê được ban hành kèm theo Quyết định 945/QĐ-TCTK ngày 24/9/2013; kết quả kiểm tra có tác dụng rất tốt đến công tác quản lý điều hành của các đơn vị thuộc Cục, đồng thời là căn cứ để đánh giá chất lượng của mỗi vị trí việc làm và ý thức, năng lực của từng công chức gắn với vị trí việc làm.
VI. Công tác Thi đua khen thưởng
Thi đua khen thưởng là động lực để mỗi tập thể và cá nhân phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trong mỗi giai đoạn lịch sử phong trào thi đua yêu nước của Thống kê Thái Bình luôn gắn liền với phong trào thi đua chung của cả nước và của tỉnh Thái Bình. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao; đó là những con người có ý chí vươn lên mạnh mẽ, tận tụy với công việc, yêu ngành, yêu nghề, có tinh thần đoàn kết, biết nhường nhịn và giúp đỡ đồng chí đồng nghiệp cùng tiến bộ. Kết quả của các phong trào thi đua cũng đã góp phần  tích cực cho việc xây dựng cơ quan, cơ sở đảng và các đoàn thể luôn luôn phát triển ổn định vững mạnh mọi mặt.
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển hoạt động thống kê tỉnh Thái Bình luôn lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao làm nội dung trọng tâm của công tác thi đua; lấy hiệu quả công tác chuyên môn làm cơ sở để bình xét các thành tích khen thưởng cho các tập thể và cá nhân hàng năm. Sau mấy chục năm công tác lưu trữ thành tích của tập thể và cá nhân có nhiều thất lạc; hiện nay theo số liệu tổng hợp được về danh hiệu hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể và cá nhân là:
Tập thể Thống kê tỉnh và các đơn vị trực thuộc: 6 Huân chương lao động hạng Ba, 4 cờ thi đua của Bộ và TCTK, 9 cờ thi đua của UBND tỉnh; 13 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 20 bằng khen của Bộ KHĐT, 16 bằng khen của TCTK, 33 bằng khen của UBND tỉnh. Mười năm liên tục (2006-2015) Cục thống kê đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Các cá nhân đã đạt được 222 lượt chiến sỹ thi đua cơ sở, 16 lượt chiến sỹ thi đua cấp Bộ và 2 chiến sỹ thi đua toàn quốc; đồng thời đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng cục trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng: 1 Huân chương độc lập, 10 Huân chương kháng chiến, 16 huân chương lao động, 16 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 49 bằng khen của Bộ KH&ĐT, 65 bằng khen của TCTK, 215 lượt bằng khen của UBND tỉnh.
Thông qua các hội nghị tổng kết hàng năm và tổng kết các cuộc Tổng điều tra, Thống kê Thái Bình đều phát động thi đua và trao tặng các hình thức khen thưởng kèm theo khuyến khích bằng lợi ích vật chất để động viên và cổ vũ các tập thể, các nhân tích cực phấn đấu nhiều hơn cho thời gian tới. Ngoài ra, Cục Thống kê thực hiện khen thưởng động viên các lực lượng tham gia hoạt động thống kê ngoài ngành thống kê tập trung trong các cuộc tổng điều tra và ngày lễ kỷ niệm lớn của Ngành. Đồng thời, làm thủ tục đề nghị cấp trên xét tặng hàng trăm kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp thống kê Việt Nam” cho cán bộ thống kê cấp xã, doanh nghiệp và các sở ngành trong tỉnh.
Trong những năm gần đây công tác thi đua có nhiều đổi mới, mỗi tập thể cá nhân thường xuyên đối chiếu kết quả chuyên môn của mình vào Quy chế thi đua của cơ quan trên mạng nội bộ để tự đánh giá thành tích của cá nhân đơn vị. Thường trực thi đua khen thưởng Cục luôn cập nhật thành tích và quá trình phấn đấu vươn lên của mỗi tập thể cá nhân hàng năm để Hội đồng thi đua khen thưởng có cơ sở động viên khuyến khích cá nhân, đơn vị xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Trong năm Lãnh đạo Cục Thống kê kết hợp với tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên phát động các phong trào thi đua. Cuối năm, hướng dẫn cho các đơn vị tổ chức đánh giá, phân loại  mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân. Công tác xét duyệt và tôn vinh các danh hiệu thi đua, khen thưởng được thực hiện công khai theo đúng Luật thi đua khen thưởng với thành phần tham dự là tất cả cán bộ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể.
VII. Công tác khác: Cùng với sự đổi mới trong hoạt động công tác thống kê của Ngành, Cục Thống kê luôn chú trọng đến hoạt động nhằm trang bị thêm các kiến thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc và kinh nghiệm thực tế cho cán bộ công chức thông qua công tác sinh hoạt Đảng, đoàn thể; các buổi khảo sát, giao lưu, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp tỉnh bạn và thế hệ cán bộ thống kê đã nghỉ hưu. Thống kê Thái Bình là cơ quan Trung ương đóng tại địa phương, nhưng rất vinh dự và tự hào vì có đồng chí Nguyễn Đình Huân - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh được bầu vào Đại biểu Quốc hội khóa III (1964-1971) và đồng chí Nguyễn Văn Toản Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Hưng Hà trúng cử Huyện ủy viên 2 kỳ đại hội (2011-2015 và 2016-2020).
 1. Công tác Đảng: Công tác sinh hoạt Đảng của các đảng viên được gắn với nơi cư trú của mỗi đơn vị thuộc Cục để mỗi cán bộ đảng viên trong ngành thống kê có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi công tác với các ngành khác của địa phương. Chi bộ Cơ quan Cục do Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh trực tiếp quản lý; lãnh đạo Cục thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cán bộ là đảng viên của các đơn vị thống kê cấp huyện sinh hoạt Đảng thuộc Chi bộ cùng với các phòng, ban do Đảng bộ UBND cấp huyện quản lý; lãnh đạo thống kê cấp huyện thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy quản lý.
Mỗi Chi bộ Đảng đều thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tác phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm cho đảng viên trong đơn vị. Chi bộ Đảng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cơ quan trong việc chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn và kiểm tra, nhắc nhở, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đảng viên phấn đấu vươn lên trong mỗi cương vị công tác. Chi bộ Đảng tham gia chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiệm vụ của mình và giúp chi
 Hầu hết cán bộ đảng viên đều nêu cao tinh thần gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan và phục vụ đầy đủ nhu cầu thông tin thống kê cho lãnh đạo địa phương các cấp; thực hiện nghiêm túc điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm; làm tròn nghĩa vụ của đơn vị, công dân nơi cư trú. Từ năm 2012 đến nay, Chi bộ Cục Thống kê thực hiện sinh hoạt chi bộ nề nếp quen thuộc vào ngày 3-5 hàng tháng, với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực với công việc hàng ngày của mỗi cán bộ đảng viên trong chi bộ. Hầu hết cán bộ đảng viên, nhất là lãnh đạo các đơn vị đều chuẩn bị nội dung tham gia ý kiến cho các buổi sinh hoạt hàng tháng.
Từ năm 2005 đến nay, năm nào Chi bộ Cục đều đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh, năm 2010 đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Hàng năm 100% đảng viên trong Chi bộ Cục đều hoàn tốt nhiệm vụ, trong đó có từ 17-35% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.  
2. Công tác Công đoàn, Đoàn thanh niên
Cũng như hoạt động công tác Đảng, công tác hoạt động đoàn thể của cán bộ công chức và người lao động  Cục Thống kê đều gắn liền với nơi cư trú của đơn vị.
Chi đoàn thanh niên được thành lập năm 1975, khi đó đoàn viên thanh niên là lực lượng tích cực đi cơ sở thu thập thông tin, nắm bắt tình hình; tích cực học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến; tham gia lao động xây dựng cơ quan. Trong thời chiến tranh chống Mỹ có 6 thanh niên hăng hái tòng quân bảo vệ Tổ quốc; tham gia đào hào xây phòng tuyến chống Tàu địch ở xã Đông Minh; tích cực rèn luyện trong hội thao quân sự hàng năm. Trong lao động thanh niên tham gia giúp dân sản xuất ở Quỳnh Hồng, Kỳ Bá,..Tự biên tự diễn vở kịch “Một bản báo cáo” đoạt giải vở diễn xuất sắc trong Hội thi văn nghệ quần chúng của tỉnh.
Do gần 20 năm Cục Thống kê không tuyển dụng thêm biên chế mới, năm 1991 Chi Đoàn thanh niên Cục không còn đoàn viên phải tạm thời ngừng hoạt động. Năm 2008 Đoàn thanh niên Cục mới được tái lập sau 17 năm; tuy mới thành lập, Đoàn thanh niên vẫn là lực lượng nòng cốt tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phong trào thể dục thể thao và văn nghệ; đồng thời là đội mũ nhọn, xung kích trong các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và các công việc khó khăn của cơ quan. Nhiều năm qua các đoàn viên thanh niên là lượng chủ yếu tham gia thi đấu thể thao. Đoàn thanh niên luôn quan tâm đến công tác thiếu niên, nhi đồng của cơ quan, hàng năm tổ chức vui chơi, ca hát và tặng quà cho các cháu vui Tết Trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Hầu hết thanh niên đều có đạo đức tốt, có chí hướng phấn đấu vươn lên và tích cực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị,..Hàng năm có nhiều đoàn viên thanh niên ưu tú, tích cực được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và là lực lượng nòng cốt cho công tác phát triển đảng viên của Chi bộ.
Hoạt động công tác Công đoàn Cơ quan Cục Thống kê do Công đoàn Viên chức tỉnh chỉ đạo thực hiện. Công đoàn cơ quan thường xuyên quan tâm, động viên đoàn viên phấn đấu làm việc với hiệu quả và chất lượng; tích cực học tập để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để góp phần xây dựng cơ quan ngày càng phát triển. Công đoàn tổ chức tốt các hoạt động nữ công, hỗ trợ, khuyến khích chị em tổ chức các ngày kỷ niệm 8/3 và 20/10 hàng năm. Hầu hết chị em trong đơn vị đều đạt danh hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà; nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Công tác động viên thăm hỏi đồng chí, đồng nghiệp chia vui, chia buồn trong và ngoài ngành đều được các đơn vị thực hiện đầy đủ tình nghĩa. Hàng năm, Công đoàn đều tổ chức cho đoàn viên nghỉ mát, tham quan, du lịch trong nước và nước ngoài.
3. Công tác khảo sát, giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm
Hàng năm Cục Thống kê cùng với UBND các huyện và các sở ngành có liên quan tổ chức các buổi khảo sát thăm đồng để đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp; khảo sát hoạt động của các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động hoặc mở rộng quy mô sản xuất để đánh giá khả năng phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Qua các buổi khảo sát cán bộ chuyên môn ngành thống kê học thêm các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành để bổ trợ cho công tác đánh giá số liệu thống kê của các lĩnh vực kinh tế, xã hội đúng bản chất và sát thực hơn.
Trước tết Nguyên đán hàng năm, Cục thống kê tổ chức buổi gặp mặt thân mật giữa các thế hệ thống kê đã nghỉ hưu với cán bộ công chức đang làm việc để các thế hệ cán bộ thống kê cùng nhau ôn lại những câu chuyện đáng ghi nhớ trong công tác thống kê của mỗi người, mỗi đơn vị trong tỉnh; tổ chức giao lưu văn nghệ, chụp ảnh lưu niệm và trao đổi kinh nghiệm thực tế cho thế hệ trẻ học tập. Buổi gặp mặt hàng năm được coi như hoạt động sinh hoạt chuyên đề về giáo dục tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho thế hệ cán bộ công chức của Cục thống kê; nó đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các thế hệ thống kê trước kia và hiện nay.
Sau tết Nguyên đán hàng năm lãnh đạo Cục đều tổ chức cho lãnh đạo các đơn vị đến các Chi cục khai xuân cùng cán bộ trong đơn vị để thăm hỏi, động viên cán bộ công chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm. Mỗi năm, Cục sắp xếp thời gian để tổ chức cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác với các tỉnh bạn. Qua các kỳ giao lưu, trao đổi mỗi lãnh đạo cấp phòng có thể so sánh được thuận lợi và khó khăn của mình của bạn; tự nhận thấy mặt được, mặt khiếm khuyết của đơn vị mình; từ nhận thức đó, mỗi vị trí lãnh đạo có thể điều chỉnh cách thức quản lý của mình để hoạt động của đơn vị ngày càng hiệu quả hơn.
Ngoài ra ở mỗi địa phương nơi đơn vị đặt trụ sở đều có điều kiện kinh tế và địa lý khác nhau cần đến sự tham gia chung của cán bộ thống kê như: Công tác phòng chống bão lụt và biến đổi khí hậu, giữ gìn trật tự an ninh trong dịp Tết Nguyên Đán, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo rà soát hộ nghèo, theo dõi kiểm tra công tác sinh hoạt Đảng bộ cấp xã,...đã được cán bộ lãnh đạo Cục Thống kê và Chi cục thống kê cấp huyện tham gia tích cực. nhiệt tình và được lãnh đạo địa phương các cấp đánh giá cao. Qua việc tham gia các công tác địa phương mỗi cán bộ công chức ngành thống kê học được nhiều kiến thức và kinh nghiệm để bổ trợ cho hoạt động thống kê của mình; đồng thời cũng là cơ hội để mỗi cán bộ thống kê thực hiện tuyên truyền mục đích và tác dụng của công tác thống kê tới cán bộ cơ sở và nhân dân trong tỉnh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây