Tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020

Chủ nhật - 29/11/2020 22:59
Tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong tháng tình hình sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi, các địa phương tiếp tục thực hiện gieo trồng những diện tích còn lại của cây vụ Đông ưa lạnh, tiếp tục chăm sóc và thu hoạch những diện tích cây vụ Đông đã trồng; sản xuất chăn nuôi gia súc gia cầm đã cơ bản được kiểm soát và có sự phục hồi; sản xuất thủy sản phát triển với tốc độ tăng trưởng khá.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Tình hình sản xuất lúa vụ mùa:
Đánh giá sơ bộ năng suất lúa vụ mùa 2020 bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 61,2 tạ/ha, tăng 1% so với vụ mùa năm 2019; tuy diện tích lúa vụ mùa giảm 190 ha so cùng kỳ song bù lại năng suất lúa năm nay tăng trên 0,6 tạ/ha nên sản lượng dự kiến đạt 472,1 ngàn tấn, tăng 0,58% so với vụ mùa 2019. Tổng sản lượng lúa chung cả năm 2020 đạt 1,011 nghìn tấn, giảm 1,08% so với năm trước do diện tích lúa cả năm 2020 giảm 1.526 ha so cùng kỳ. Bên cạnh đó nhiều giống lúa lai chất lượng cao tiếp tục được các địa phương mở rộng đưa vào sản xuất (cơ cấu giống lúa vụ mùa năm 2020 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích lúa chất lượng cao đạt 22.439 ha, chiếm 29% diện tích, tăng 12,2% so với vụ mùa năm 2019), đã góp phần tăng trưởng ngành trồng trọt và kết quả chung sản xuất nông nghiệp năm 2020.
 Sản xuất cây trồng hàng năm vụ mùa:
Thời tiết tương đối thuận lợi, bà con nông dân tích cực sản xuất gieo trồng vì vậy diện tích gieo trồng một số cây hoa màu vụ mùa năm nay tăng, đặc biệt một số cây trồng chủ lực như ngô, khoai lang, dưa, bí, rau…có giá trị tăng 2-5% về diện tích; năng suất đều đạt tương đương hoặc cao hơn so cùng kỳ nên sản lượng một số loại cây trồng hàng năm đều đạt khá.
- Về sản xuất vụ Đông 2020 -2021
Thực hiện đề án vụ đông xuân năm 2020-2021. Theo đó, tỉnh Thái Bình phấn đấu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch trên 36 nghìn ha cây vụ đông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 7 đã làm trên 10.000 ha cây vụ đông bị ảnh hưởng. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất vụ Đông năm 2020 trên cơ sở mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 1-2 loại cây trồng có lợi thế ở địa phương để phát triển sản xuất. 
Theo báo cáo tiến độ tình hình sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 12/11/2020 diện tích cây vụ Đông đã trồng đạt 33.335 ha, đạt 92,6% kế hoạch  (kế hoạch 36.000 ha), giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích ngô đã trồng 6.770 ha, đậu đỗ dưa bí 5.965 ha, khoai tây 2.815 ha, các loại cây rau màu khác 13.940 ha.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu bò: Tổng đàn trâu, bò tiếp tục phát triển ổn định, ước tính tháng 11/2020 đạt 56,2 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó đàn trâu 6,2 ngàn con, tăng 0,6%; đàn bò đạt 50,01 ngàn con, tăng 1,5%. Trong tháng 11/2020, thị trường tiêu thụ các sản phẩm trâu bò đã bắt đầu tăng nhẹ. Sản lượng thịt trâu tháng 11/2020 ước đạt 88 tấn, tăng 1,2%; sản lượng thịt bò ước đạt 860 tấn, tăng 1,2%. Tính chung 11 tháng sản lượng thịt trâu, bò hơi ước đạt 9,09 nghìn tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ; Công ty TNHH MTV Việt Hùng vẫn tiếp tục đầu tư nhập bò thịt nuôi và xuất bán, bình quân xuất bán với trên 2,5 ngàn con/01tháng. Dự kiến đến hết năm 2020 số lượng đầu con xuất bán khoảng 31,1 nghìn con, trọng lượng chênh lệch xuất chuồng ước tính đạt 2,4 ngàn tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ và đạt tương đương 95,9 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010).
 Chăn nuôi lợn: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ ngày 26/9/2020 và đến nay vẫn còn 12 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại 4 huyện chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch chủ yếu tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện phòng dịch và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Ngay sau khi phát hiện dịch, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc một cách khẩn trương để bao vây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tính đến ngày 15/11/2020, tổng số lợn ốm, chết đã tiêu hủy là 732 con (169 lợn nái, 563 lợn thịt) tổng khối lượng lợn hơi đã tiêu hủy là 41.864 kg. Dịch bệnh tái phát, lây lan sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Vì vậy, chủ trương của tỉnh tại những nơi có dịch, chính quyền các địa phương chỉ đạo thực hiện việc tiêu hủy lợn theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong phòng dịch và khuyến cáo người dân báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời các trường hợp lợn bị bệnh ngay khi mới phát hiện để đảm bảo tập trung tái đàn, tăng đàn lợn khôi phục sản xuất.
Ước tính thời điểm tháng 11/2020 tổng đàn lợn đạt 696,1 nghìn con, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019. Giá thịt lợn hơi trong tháng ổn định giao động ở mức 65-68 nghìn đồng/kg tùy loại, số lượng đầu con xuất chuồng trong tháng ước tính giảm 0,51% so với tháng 10, giảm 9,02% so cùng kỳ và có xu hướng chững lại do tâm lý người dân lo ngại dịch bệnh tả lợn Châu Phi quay trở lại nên đã bán các tháng trước đó phần nào ảnh hưởng việc phát triển quy mô tăng đàn, hiện nhiều các hộ gia đình cũng không còn lợn để bán. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 11/2020 đạt 13,3 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,7% so với tháng 10/2020, và tăng 1,6% so cùng kỳ 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt ước đạt 143,2 nghìn tấn, giảm 5,6% so cùng kỳ 2019.
Chăn nuôi gia cầm: Ước tính tổng đàn gia cầm hiện tại thời điểm 01/11/2020 đạt 14,1 triệu con, giảm 1,2%, trong đó gà 10,1 triệu con, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Đối với những hộ nhỏ lẻ đã phát triển chăn nuôi trở lại, một mặt do e ngại dịch bệnh ở lợn nên các hộ hướng một phần sang đầu tư nuôi gia cầm, mặt khác chăn nuôi gia đinh để phục vụ dịp cuối năm. Tuy nhiên, số lượng nuôi tại các hộ nhỏ có xu hướng giảm hoặc chỉ ổn định để phục vụ cho nhu cầu cung cấp thực phẩm cho gia đình; các hộ trang trại, gia trại hiện vẫn đang được bà con nông dân tiếp tục đầu tư (gà, vịt, ngan…) đã hình thành với quy mô từ 10 nghìn con gia cầm trở lên ở một số huyện như Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư…
Ước tính sản lượng thịt gia cầm các loại tháng 11/2020 đạt 6,3 nghìn tấn, tăng 2,05%, trong đó sản lượng gà thịt đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 3,3%. Tính chung 11 tháng năm 2020, sản lượng thịt gia cầm các loại ước đạt 59,5 ngàn tấn, tăng 6,06% so cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm 11 tháng ước đạt 293,6 triệu quả, tăng 2,3%, trong đó, sản lượng trứng gà đạt 166,9 triệu quả, tăng 3% so với cùng kỳ 2019.
Lâm nghiệp
Trong tháng các dự án trồng rừng phòng hộ đang tiếp tục triển khai thực hiện; tính đến thời điểm hiện tại đã triển khai trồng được 120 ha, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng gỗ, củi khai thác đang có xu hướng giảm dần do lượng sản phẩm này chủ yếu được khai thác từ cây lâm nghiệp trồng phân tán. Tình hình chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện tương đối tốt, tạo thành đai rừng khá vững chắc bảo vệ hệ thống đê biển và cộng đồng dân cư ven biển, diện tích rừng được bảo vệ là 4.307 ha, tăng 1,2% so cùng kỳ.
Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản Thái Bình phát triển tương đối ổn định và duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó cả khai thác và nuôi trồng đều đạt sản lượng khá góp phần ổn định mức tăng trưởng khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản năm 2020.
+ Về khai thác: Nhìn chung tình hình thời tiết năm nay tương đối phức tạp, trong tháng chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão gây ra mưa lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ số hoạt động của ngư dân. Tuy nhiên sản lượng khai thác cũng không ảnh hưởng nhiều tháng 11/2020 sản lượng khai thác ước tính đạt 6,9 nghìn tấn tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá khai thác đạt 5,2 nghìn tấn tăng 6,6%, tôm khai thác ước đạt 236 tấn tăng 3,06%, hải sản khai thác khác ước đạt 1,5 nghìn tấn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
+ Về nuôi trồng: Nuôi trồng thủy sản tại Thái Bình phát triển đa dạng các loại hình (bãi triều, ao đầm, lồng bè). Hoạt động nuôi trồng, đặc biệt là nuôi ngao, nuôi tôm nước lợ năm nay diễn ra cũng tương đối thuận lợi do thời tiết diễn biến bình thường, độ mặn ổn định, dịch bệnh không phát sinh nhiều giúp tôm phát triển tốt, giá cả ổn định và ở mức cao, thời điểm này tôm sú đang thu hoạch rộ, tôm thẻ chân trắng đang tiếp tục nuôi thả và chăm sóc, sản lượng tôm thẻ chân trắng năm nay cho năng suất cao hơn so với 2019.
Tổng sản lượng nuôi trồng trong tháng 11 ước đạt 16,5 nghìn tấn, tăng  7% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng cá ước đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 6,5%; sản lượng tôm ước đạt 0,68 nghìn tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khác ước đạt 11,3 nghìn tấn, tăng 7,4% (sản lượng ngao ước đạt 10,02 nghìn tấn, tăng 7,2%). Tính chung 11 tháng năm 2020 sản lượng nuôi trồng ước đạt 152,6 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó cá đạt 39,3 nghìn tấn tăng 4,9%, tôm đạt 4,6 nghìn tấn tăng 13,4%; thủy sản khác đạt 108,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ.
Nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá lăng, chép, diêu hồng, ... hiện nay, số lồng nuôi đạt 608 lồng, với thể tích nuôi đạt 69.070 m3, năng suất trung bình đạt 4 - 6 tấn/lồng. Ước tính sản lượng thu hoạch lồng tháng 11/2020 đạt 220 tấn cá các loại, tăng 1,9% và tổng chung 11 tháng sản phẩm thu hoạch từ nuôi cá lồng đạt 2.055 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ (chủ yếu là cá trắm, cá trôi và cá diêu hồng, cá chép...) đã góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng và phát triển của ngành thủy sản tỉnh Thái Bình năm 2020./.
Sản xuất công nghiệp    
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tăng trên 7,4% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tăng so với tháng trước: ngành khai khoáng tăng gần 20,2%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trên 9,3% và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 1,9%; riêng ngành ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 9,5%.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có mức tăng trưởng khá, trên 9,3%; các ngành đều có chỉ số tăng như: sản xuất kim loại tăng hơn 2 lần; sản xuất đồ uống (+10,5%), ngành dệt (+17,3%)…
Tính chung 11 tháng năm 2020, IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 4,6%; ngành khai khoáng giảm 11,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 11 năm 2020 có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: phụ tùng khác của xe có động cơ ước đạt 93 nghìn cái, tăng hơn 3 lần; túi khí an toàn ước đạt 140 nghìn cái, tăng hơn 2 lần; thức ăn gia cầm ước đạt 6.650 tấn, tăng 25,3%; Polyaxetal, polyete ước đạt 3 nghìn tấn, tăng 40,7; khí tự nhiên dạng khí ước đạt 2,9 triệu m3, tăng 38,9%; sắt thép không hợp kim, ước đạt 60,6 nghìn tấn, tăng 85,1%; cần gạt nước ước đạt trên 2,5 triêu cái tăng hơn 4 lần... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm trong tháng như: khăn mặt, khăn tắm (-48,5%); bia dạng lon (-9,4%); bộ comple, quần áo đồng bộ (-23,7%) so với cùng kỳ...
Mười một tháng năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: túi khí an toàn ước đạt 818 nghìn cái, tăng 3 lần; điện sản xuất ước đạt 3.275 triệu kwh, tăng 10,4%; Nitơrat Amoni ước đạt trên 161 nghìn tấn, tăng 16,6%... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm như: bia chai (-4,4%); khăn các loại (-39,8%); sản phẩm sứ vệ sinh (-25,3%); thép không hợp kim dạng cán phẳng (-30%)…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 năm 2020 giảm 1,4% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tính đến tháng 11 năm 2020 tăng hơn 7,4% so với tháng trước và tăng trên 12,8% so với  cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2020 giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư
Tháng 11/2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt trên 679 tỷ đồng, tăng 13,7% so với tháng trước, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt trên 443 tỷ đồng, tăng 15,1% so với tháng trước và tăng 82% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 153 tỷ đồng, có tốc độ tăng lần lượt là 9,4% và 11,2%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 82 tỷ đồng, tăng 14,3% so với tháng trước và giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mười một tháng năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 4.577 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.660 tỷ đồng, tăng 23,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 1.040 tỷ đồng, tăng 12,9%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt gần 877 tỷ đồng, giảm 7,3%.
Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 11
Dự án tuyến đường ĐH 74 giai đoạn 1, vốn đầu tư trên 48 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V thủ đô Hà Nội đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vốn đầu tư 680 tỷ, dự kiến 12 tỷ.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn phát triển kinh tế biển ven biển phía nam tỉnh Thái Bình, vốn đầu tư 734 tỷ, dự kiến đạt 11 tỷ.
Dự án sửa chữa đường Dốc Tráng cầu Đa Phú, vốn đầu tư 50 tỷ, dự kiến đạt 4 tỷ.
Dự án cải tạo đường Doãnh Khuê, vốn đầu tư 110 tỷ, dự kiến đạt 7 tỷ;
Dự án tượng đài Bác Hồ với nông dân, vốn đầu tư 201 tỷ, dự kiến đạt 4 tỷ; Dự án tuyến đường nối Thái Bình – Hà Nam, vốn đầu tư 140 tỷ.
Dự án tuyến đường cứu hộ cứu nạn đi Cồn Vành, vốn đầu tư 734, dự kiến đạt trên 3 tỷ.
Dự án cải tạo nâng cấp đường từ cầu Trà Giang đi Bình Minh, vốn đầu tư 182 tỷ, dự kiến trên 7 tỷ.
*Tính đến đầu tháng 11 năm 2020 đã cấp 623 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 5.272 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động: 258 doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 57 doanh nghiệp. Trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 57 doanh nghiệp.
* Trong tháng 11 năm 2020 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới 01 dự án. Tính đến thời điểm này có 07 dự án với tổng vốn đầu trên 55,3 triệu USD với mục đích đầu tư là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại dịch vụ và dịch vụ tư vấn. Hình thức đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ các nước Hàn Quốc;  Hồng Kông,Trung Quốc và Thái Lan.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 11 tiếp tục có xu hướng tăng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 ước đạt 4.088 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 10 tỷ đồng, tăng 7,6% so với tháng trước nhưng giảm 22,7% so với cùng kỳ, do dịp 20/11 năm nay kỷ niệm thành lập các trường ở năm chẵn nên các hoạt động hội khoá diễn ra sôi nổi tại các trường trung học phổ thông, đại học trên địa bàn tỉnh đóng góp vào tăng trưởng doanh thu ngành dịch vụ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 261 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ giảm 6,7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến thu nhập của người lao động, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm với nhiều hệ luỵ về việc làm của người lao động; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,4 tỷ đồng, giảm 49,7% so với tháng trước và giảm 80,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 269 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2020 ước đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước như: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,2%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 6,9%; hàng may mặc tăng 4,3%; hàng hoá khác tăng 4,6%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 4,7%;…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2020 ước đạt 42.084 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 36.787 tỷ đồng, tăng 4,1%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.662 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ; các dịch vụ còn lại đều giảm: doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 107 tỷ đồng, giảm 26,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 2.522 tỷ đồng, giảm 16,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7 tỷ đồng, giảm 71,2% so cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2020 ước đạt 36.787 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm hàng có doanh thu lớn tăng so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; nhóm đá quý, kim loại quý tăng 30,7%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,2%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,4%; … Bên cạnh đó một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 26,1%; nhóm phương tiện đị lại trừ ô tô giảm 13,3%; nhóm vật phẩm, văn hoá giáo dục giảm 11,9%; nhóm hàng may mặc giảm 10,4%;…
Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải tháng 11/2020 tiếp tục tăng so với tháng trước với mức tăng 3,8% về lượng hành khách vận chuyển và 6,7% về lượng hàng hoá vận chuyển. Tính chung 11 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách vẫn giảm 5,2% nhưng vận chuyển hàng hoá tăng 1,7% so với cùng kỳ.      
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 11/2020 ước đạt 583 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2020 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 5.266 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 11/2020 ước đạt 156 tỷ đồng, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt trên 2 triệu người, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 5,0% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 240 triệu người.km, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2020 doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.416 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 19,2 triệu người, giảm 5,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 2.172 triệu người.km, giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 11/2020 ước đạt 421 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,4 triệu tấn, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 995 triệu tấn.km, tăng 6,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2020 doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 3.794 tỷ đồng, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 22,6 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 8.819 triệu tấn.km, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11/2020 ước đạt 5,4 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2020 ước đạt 51,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 11/2020 ước đạt trên 0,4 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2020 ước đạt 4,2 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11 năm 2020 ước đạt 275 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng trước và bằng 92,1% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu:
 Trị giá xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 148 triệu USD, tăng 8,8% so với tháng trước nhưng giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 72 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước nhưng giảm 11,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 76 triệu USD, tăng 5,6% so với tháng trước nhưng giảm 0,8% so với cùng kỳ. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu tháng 11/2020 tăng so với tháng trước như: Hàng thuỷ sản (+32,2%); Xơ, sợi dệt các loại (+34,1%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (+28,6%); sản phẩm gốm, sứ (+11,3%);... Trong tháng không xuất khẩu xăng dầu; một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: Sắt thép (-12,4%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-6,2%);...
Trị giá xuất khẩu 11 tháng năm 2020 ước đạt 1.292 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước ước đạt 0,04 triệu USD, giảm 70,5%; kinh tế tư nhân ước đạt 696 triệu USD, giảm 20,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 556 triệu USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm gỗ (+70,9%); sản phẩm gốm, sứ (+20,3%); sắt thép (+13,1%);... Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Sản phẩm từ sắt thép (-72,7%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-59%); xơ, sợi dệt các loại (-38,5%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (-29,9%);...
Nhập khẩu:
Trị giá nhập khẩu tháng 11/2020 ước đạt 127 triệu USD, giảm 7,4% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 53 triệu USD, giảm 19,8% so với tháng trước và giảm 14,7% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 72 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng trước nhưng giảm 5,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tháng 11/2020 tăng so với tháng trước như: Chất dẻo nguyên liệu tăng gần 2 lần; xơ, sợi dệt các loại tăng 20,7%; bông các loại tăng 20,2%; sắt thép các loại tăng 13,4%;... Bên cạnh đó còn có một số mặt hàng giảm như: Xăng dầu các loại giảm 54,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 31,8%; phế liệu sắt thép giảm 4%;...
 Trị giá nhập khẩu 11 tháng năm 2020 ước đạt 1.164 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 614 triệu USD, giảm 21%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 550 triệu USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Trong 11 tháng đầu năm chỉ có mặt hàng xăng dầu các loại tăng 2,3% so với cùng kỳ, các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ như: Hoá chất (-64,7%); xơ, sợi dệt các loại (-48,7%);  máy vi tính, sản phẩm điện tử (-47,4%); bông các loại (-45,4%); máy móc, thiết bị, phụ tùng khác (-41,2%);…
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2020 giảm 0,48% so với tháng trước, đây là lần thứ 4 trong năm chỉ số giá tiêu dùng giảm so tháng trước; so cùng tháng năm trước tăng 1,26% và giảm 0,49% so tháng 12 năm trước là năm duy nhất chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm so tháng trước đồng thời giảm so với tháng 12 năm trước trong 3 năm gần đây; bình quân cùng kỳ 11 tháng tăng 4,25%. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 11: tác động mạnh từ giá thực phẩm cụ thể là giá thịt lợn từ cuối tháng 9 một số xã trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch tả lợn tác động giảm giá thịt lợn, thời tiết chuyến sang lạnh nhu cầu tiêu thụ điện giảm, tác động đến giảm nhóm nhà ở điện nước; bên cạnh đó giá vàng trong tháng có xu hướng biến động tăng. 
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,86%; nhóm giáo dục tăng 7,45%; nhóm thuốc và thiết bị y tế tăng 3,00%;… Bên cạnh đó các nhóm hàng có chỉ số giảm so với cùng kỳ như: nhóm giao thông giảm 11,02%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch giảm 2,21%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 2,07%;…
Thu, chi Ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính 11 tháng năm 2020 đạt 16.857 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 5.802 tỷ đồng, giảm 14,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.055 tỷ đồng, giảm 4,9% so với năm trước; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt hơn 6.801 tỷ đồng tăng 19,1%.
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 11 tháng năm 2020 ước đạt 11.639 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 5.177 tỷ đồng, tăng 13%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 6.330 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Trong tháng 11, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động và cung ứng nhân lực cho thị trường. Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 27.500 lao động (đạt 82% kế hoạch năm) trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 21.100 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài 5.000 lao động và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.400 lao động. Tiếp nhận 10.407 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 9.818 người được hưởng, tăng 47% so với cùng kỳ)
Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu diễn biến phức tạp vì thế công tác tuyển sinh đào tạo dạy nghề gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 10/2020, có 28.015 người tham gia học nghề (đạt 79,8% kế hoạch năm), trong đó cao đẳng là 2.430 người, trung cấp là 5.435 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 20.150 người.
Trợ cấp xã hội
Tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 17.022 hộ, tỷ lệ 2,66% (giảm 0,69% so với năm 2018), trong đó có 16.964 hộ (chiếm 99,66%) hộ nghèo về thu nhập (N1); 58 hộ (chiếm 0,34%) hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (N2); tổng số hộ cận nghèo là 18.520 hộ, tỷ lệ 2,89% (giảm 0,27% so với năm 2018). Ước thực hiện năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,06% (giảm 0,6% so với năm 2019);
   Đến nay toàn tỉnh đã có 455 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 11.469 triệu (trong đó 11.375 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội; 1.011 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách tỉnh). Các địa phương huy động tối đa nội lực, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, nhất là môi trường nông thôn. Phát triển cấp nước và vệ sinh môi trường trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư­, xây dựng và quản lý đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo 100% số xã được cấp nước sạch sinh hoạt; 515.570 hộ dân (đạt 97,05%) sử dụng nước sạch. Những hoạt động này góp phần giúp người nghèo dần tiếp cận được với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Đến nay toàn tỉnh, đã có 603 hộ nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng; 843 hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng, với tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng; 16.850 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; thực hiện trợ giúp pháp lý cho 46 trường hợp thuộc diện nghèo, cận nghèo, có khó khăn về tài chính trong đó tư vấn pháp luật cho 06 người nghèo; bào chữa, bảo vệ cho 06 người nghèo, 34 người cận nghèo, người có khó khăn về tài chính. Các vụ việc đều được các trợ giúp viên pháp lý tham gia tư vấn, bào chữa, bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng.
Lĩnh vực người có công
Tính đến tháng 11/2020, Sở Lao động thương binh xã hội tiếp nhận 5.305 thủ tục hồ sơ, đã giải quyết 4.903 thủ tục (chiếm tỷ lệ 92,43%).
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ đối với 17.774/25.830 hộ gia đình người có công với cách mạng. Thái Bình đã kết thúc việc thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ. Đối với những hộ gia đình người có công có tên trong Đề án nhưng không còn nhu cầu hỗ trợ, không đủ điều kiện hỗ trợ….đã được UBND xã, phường, thị trấn làm việc trực tiếp để xác định nguyên nhân và thống nhất không thực hiện Đề án.
Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 3.243 hộ người có công với cách mạng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở chưa được phê duyệt trong danh sách của Đề án, kinh phí: 103.120 triệu đồng, trong đó hộ gia đình người có công với cách mạng đang ở nhà cấp 4, nhà dột nát, nhà có tường nứt, mái nứt, có nguy cơ sập đổ cần ưu tiên hỗ trợ trước mùa mưa bão năm 2020 là 895 hộ, trong đó số hộ cần hỗ trợ để làm nhà ngay trong năm 2020 là 561 hộ. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, đề nghị UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách để giải ngân hỗ trợ đợt I/2020 đối với 286 hộ với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Những hộ còn lại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng bước bố trí kinh phí hỗ trợ.
Các chế độ điều dưỡng, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công và trợ cấp ưu đãi giáo dục cho thân nhân được thực hiện tích cực, hiệu quả. Đến nay đã thực hiện điều dưỡng cho 20.364 lượt người đối tượng với tổng số tiền  trên 27 tỷ đồng; trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với 1.568 lượt người với kinh phí gần 3 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi giáo dục đối với hơn 1.700 lượt người, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 24/10/2020 ghi nhận thêm 03 trường hợp dương tính với Covid-19 (bệnh nhân số 1154, 1155, 1156), 03 công dân này sống và làm việc tại Ba Lan, về Việt Nam trên chuyến bay VN36 (Đức - Vân Đồn, Quảng Ninh). Trong đó: 02 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; 01 bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong tháng không phát hiện ca nhiễm tại cộng đồng; số bệnh nhân đã được phát hiện cộng dồn là 34, trong đó số đã điều trị khỏi là 31 trường hợp; số hiện đang quản lý, điều trị là 03 trường hợp.
Trong tháng đã lấy 425 mẫu xét nghiệm Covid - 19 cho các trường hợp có yếu tố nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cộng dồn tổng số mẫu đã xét nghiệm đến ngày 31/10/2020 là 9.063 mẫu. Trong đó: Giai đoạn 2 đến ngày 31/10/2020 là 5.054 mẫu.
- Công tác cách ly đối tượng nguy cơ lây nhiễm tính đến thời điểm 20h00 ngày 31/10/2020:
+ Ghi nhận 4.662 trường hợp đi du lịch, công tác, thăm thân từ vùng dịch về. Tất cả các trường hợp này đều đã được cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định và 4.662 trường hợp này đã hoàn thành thời gian cách ly.
+ Tổng số cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế là 722 trường hợp, trong đó số đang theo dõi, cách ly là 9 trường hợp, hết cách ly là 713 trường hợp.
+ Cách ly tại các khu cách ly tập trung: Tổng số cộng dồn (tỉnh và huyện) là 3.531 trường hợp; trong đó đã hoàn thành cách ly: 3.358 trường hợp.
Ghi nhận 23 trường hợp nghi viêm não vi rút; 45 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca sốt xuất huyết nội sinh, không có tử vong; 01 trường hợp mắc liên cầu lợn; 95 trường hợp mắc chân tay miệng; 21 trường hợp mắc hội chứng cúm; 08 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi.
Tình hình HIV/AIDS
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.186 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 240/260 xã, phường, thị trấn (trong đó có 744 phụ nữ chiếm 34,03% và 36 trẻ em chiếm 1,64%); Phát hiện 05 người nhiễm HIV trong tháng; điều trị ARV cho 1.296 bệnh nhân với 999/1.296 bệnh nhân (77,08%) được nhận thuốc từ nguồn BHYT; Tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.365 người nghiện tại các cơ sở điều trị.
Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn tỉnh.
Về văn hóa thể dục thể thao
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, du lịch, lễ hội trong dịp nghỉ lễ, Tết được các ngành chức năng chú trọng. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch chỉ đạo Thanh tra Sở thành lập 02 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của dịch Covid-19 gây ra trong hoạt động lễ hội, tại di tích lịch sử văn hóa; phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại đền Trần, chùa Keo, đền A Sào trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Qua kiểm tra, các địa phương nơi tổ chức lễ hội, nhân dân và du khách đến tham quan, lễ hội đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ và của tỉnh và khuyến cáo của các cơ quan chức năng y tế về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tổ chức tập huấn và tham gia thi đấu Giải Cúp Canoieng toàn quốc đạt 02 huy chương Bạc, 01 huy chương Đồng. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra trên địa bàn các huyện, thành phố mỗi đơn vị từ 03 đến 05 di tích lịch sử văn hóa và lễ hội; 05 đến 07 cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở kinh doanh hoạt động, dịch vụ thể dục thể thao, cơ sở kinh doanh lữ hành và lưu trú du lịch. Tất cả các di tích, cơ sở kinh doanh đều dừng hoạt động, treo biển báo dừng hoạt động và thực hiện việc phun thuốc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao đã mở 05 lớp bơi lặn, điền kinh, võ, cầu lông tại các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư. Tổ chức tập huấn cho các vận động viên tham gia thi đấu 25 giải, đạt 93 huy chương các loại: 26 HCV, 29 HCB, 38 HCĐ; đội bóng chuyền nữ giành chức vô địch hạng A và thăng hạng các đội mạnh toàn quốc.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/10/2020 đến ngày 14/11/2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông (tăng 06 vụ so với tháng trước), làm 8 người chết và 4 người người bị thương. Tính chung 11 tháng toàn tỉnh xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, giảm 5 vụ (-9,4%), làm 52 người chết (-10,3%) và 28 người bị thương (+27,2%).
Tình hình cháy nổ
Trong tháng 11, tỉnh Thái Bình xảy ra 1 vụ cháy xảy ra vào hồi 21h05 ngày 06/11/2020 tại nhà kho chứa bông của Công ty TNHH Logitex, thuộc Khu công nghiệp xã Vũ Ninh – huyện Kiến Xương có diện tích khoảng 2.000m2 với tổng khối lượng bông khoảng 600 tấn. Ước thiệt hại vào khoảng 20 tỷ đồng và không có người bị thương. Mười một tháng năm 2020 xảy ra 6 vụ cháy trên toàn tỉnh, không có người chết và bị thương, thiệt hại tài sản ước trên 25,4 tỷ đồng./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây