Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020

Thứ năm - 29/10/2020 10:31
ktxh
ktxh
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong tháng, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ mùa 2020; tích cực chỉ đạo thực hiện gieo trồng các loại cây rau màu vụ Đông đúng kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý dịch bệnh nhất là kiểm soát, phát hiện dịch tả lợn Châu phi tại cơ sở.
Nông nghiệp:
Trồng trọt
Vụ mùa 2020, toàn tỉnh bước vào gieo cấy trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; các địa phương đã chỉ đạo, tổ chức chấp hành khá tốt đề án sản xuất của tỉnh và của địa phương; lúa trỗ và vào mẩy trong điều kiện thuận lợi, dàn lúa tốt đồng đều, sâu bệnh năm nay ít phát sinh, chi phí thấp.Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ mùa năm 2020 (bao gồm cả diện tích lúa của doanh nghiệp) đạt 77.441 ha, giảm 191 ha (-0,2%) so với vụ mùa năm 2019; cơ cấu giống lúa vụ mùa năm 2020 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích lúa chất lượng cao đạt 22.439 ha, chiếm 29% diện tích, tăng 12,2% so với vụ mùa năm 2019.
Trong các ngày từ 13-15/10/2020 toàn tỉnh Thái Bình do bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 gây mưa to đến rất to. Theo tổng hợp nhanh từ các huyện, thành phố đến sáng ngày 16/10/2020, diện tích bị đổ, ngập nước khoảng trên 3.693 ha (trong đó: huyện Tiền Hải 1.522 ha, huyện Vũ Thư 250 ha, huyện Hưng Hà 50 ha, huyện Kiến Xương 500 ha, thành phố 100 ha, huyện Đông Hưng 100 ha, huyện Quỳnh Phụ 471 ha, Thái Thụy 800 ha) chủ yếu là giống (giống BC15, TBR225, Nếp địa phương…), những diện tích này sẽ bị giảm về năng suất.
Theo báo cáo tiến độ sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 20/10/2020, diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch 66.778 ha, đạt 85,7% tổng diện tích. Các huyện Hưng Hà, Đông Hưng đã hoàn thành diện tích đã cấy; diện tích còn lại chủ yếu của các huyện Tiền Hải 7.000 ha, Kiến Xương 2.100 ha, Thái Thụy 650 ha..... dự kiến toàn tỉnh sẽ hoàn thành thu hoạch trước ngày 30/10. Theo đánh giá từ các địa phương vụ mùa 2020 cơ bản thắng lợi, năng suất ước tính đạt khoảng trên 61 tạ/ha, tăng so với vụ Mùa năm 2019. 
Cùng với việc khẩn trương thu hoạch lúa mùa, các địa phương trong tỉnh cũng đồng thời chỉ đạo tích cực gieo trồng các loại rau màu vụ đông theo phương châm “Sáng lúa, chiều vụ đông”. Từ cuối tháng 9, những ngày đầu tháng 10, thời tiết tương đối thuận lợi cho nông dân thu hoạch lúa mùa và trồng cây vụ Đông.
Do thời tiết mưa bão, tiến độ thu hoạch lúa Mùa bị chậm so với dự kiến đã làm chậm tiến độ làm đất và trồng cây vụ Đông ưa lạnh. Hiện những ngày này các địa phương trong tỉnh đang tích cực chỉ đạo tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước trên hệ thống sông trục để thực hiện tiêu thoát nước bằng các biện pháp nhanh nhất để hạn chế việc lúa mọc mần do đổ ngã hoặc bông chạm mặt nước; huy động nông dân tranh thủ tạnh ráo buộc lúa bị đổ với các ruộng bị đổ bẹp; Rà soát đánh giá sinh trưởng của cây vụ Đông có giải pháp cụ thể với từng loại cây trồng, từng vùng; chuẩn bị cây trồng thay thế; phương án chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chăn nuôi:
Chăn nuôi trâu bò:
Tổng đàn trâu, bò trong tháng nhìn chung phát triển ổn định ước đạt 57,1 nghìn con, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó, trâu tăng 0,5%, bò tăng 3,6% so cùng kỳ. Trong những tháng này nhìn chung thị trường tiêu thụ đã bắt đầu tăng nhẹ, giá bán ổn định, ước tính sản lượng thịt trâu bò bán giết đạt 915 nghìn tấn, tăng 1,8% (trong đó sản lượng của công ty Bò Hòa Phát đóng góp là 180 tấn); tính chung 10 tháng sản lượng thịt trâu, bò ước tính đạt 8,1 nghìn tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt trâu ước đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 1,8%; bò ước đạt 7,4 nghìn tấn, tăng 6,1%.
 Chăn nuôi lợn:
Trong cuối tháng 9 và những ngày đầu của tháng 10/2020, dịch bệnh tại các địa phương trong tỉnh đã có dấu hiệu phát sinh; thời điểm này tình hình tái đàn đang có chiều hướng chững lại so với các tháng trước đó do giá cả thị trường con giống, thịt lợn hơi xuất chuồng biến động giảm mạnh, so với tháng 9/2020 và đang giao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg tùy từng loại lợn do người dân lo ngại dịch bệnh đang phát sinh. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, tính đến 15/10/2020, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên toàn tỉnh đã và đang phát sinh, hiện có 11 ổ dịch tại 05 huyện (huyện Vũ Thư; Hưng Hà; Quỳnh phụ; Kiến Xương và Thành phố Thái Bình);
Tuy trong quý II và quý III số lượng đàn đã tăng mạnh trở lại, giá cả tăng song tình hình diễn biến dịch, giá cả con giống và giá bán sản phẩm không ổn định các hộ chăn nuôi nhất là chăn nuôi nông hộ đang rất dè chừng trong việc tái đàn. Chính vì vậy, tổng đàn lợn đến thời điểm này chỉ tăng nhẹ so với cùng  kỳ. Ước tính thời điểm tháng 01/10/2020 tổng đàn lợn đạt 656,1 nghìn con, tăng 1,3% so với tháng 9/2020 và tăng 0,07% so cùng kỳ 2019; sản lương thịt hơi xuất chuồng trong tháng 10/2020 ước đạt 13,2 nghìn tấn, tăng 1,8%, tính chung trong 10 tháng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 129,8 nghìn tấn, giảm 6,2% so cùng kỳ 2019 do người dân vẫn không thể tái đàn nhiều và không có lợn để bán.
 Chăn nuôi gia cầm:
Việc phát triển đàn gia cầm chủ yếu vẫn theo quy mô nông hộ. Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại phát triển tương đối tốt do người chăn nuôi chuẩn phục vụ cho các nhu cầu dịp cuối năm, tuy nhiên cũng có chiều hướng giảm nhẹ do một số trang trại nuôi gia cầm chuyển sang tái đầu tư chăn nuôi lợn. Ước tính tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tháng 10/2020 tháng đạt 13,9 triệu con, giảm 2,7% so cùng kỳ; trong đó, tổng đàn gà đạt 10,0 triệu con, giảm 1,4% so cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong tháng 10 ước đạt 6,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 53,2 nghìn tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 44,7 nghìn tấn, tăng 8,3% so cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm 10 tháng ước đạt 266,2 triệu quả, tăng 2,4%, trong đó sản lượng trứng gà đạt 151,6 triệu quả, tăng 3,07% so với cùng kỳ 2019.
Lâm nghiệp
Trong tháng các dự án trồng rừng phòng hộ tại các huyện ven biển đang tiếp tục triển khai thực hiện; ước tính tháng 10/2020 đã triển khai trồng mới được 99,8 ha rừng, tăng 136,7% so với cùng kỳ 2019; sản lượng gỗ, củi khai thác chủ yếu được khai thác từ cây lâm nghiệp trồng phân tán quanh dân nên sản lượng không đáng kể; ước tính chung 10 tháng sản lượng gỗ khai thác 1.750 m3, giảm 0,3% so cùng kỳ, sản lượng củi khai thác đạt 6.217 ste, giảm 1,3% so cùng kỳ. Tình hình chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện tương đối tốt, diện tích rừng được bảo vệ là 4.256 ha, tăng 2,02% so cùng kỳ.
Thuỷ sản
Trong tháng tình hình thời tiết tuy có một số ngày bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 7, song cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng khai thác của bà con ngư dân. Dịch bệnh nuôi trồng thủy sản không phát sinh, thuận lợi cho bà con nuôi trồng và thu hoạch các sản phẩm thủy sản. Hoạt động sản xuất ngành thủy sản phát triển tương đối ổn định và luôn duy trì ở mức khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2020 ước đạt 23,2 nghìn tấn, tăng 6,6%; trong đó: sản lượng cá đạt 9,6 nghìn tấn, tăng 7,2%; tôm và thủy sản khác đạt 13,5 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Về khai thác: Tại thời điểm 1/6/2020 toàn tỉnh có 1.029 tàu thuyền khai thác thủy sản biển có động cơ hiện, giảm 2,1%, với tổng công suất đạt 115.182 CV tăng 9% so với cùng kỳ. trong đó tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên là 282 chiếc tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác thủy sản tháng 10 ước đạt 6,9 nghìn tấn tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 6,5 nghìn tấn tăng 7,5%, sản lượng khai thác nội địa đạt 0,4 nghìn tấn, giảm 0,07%; tính chung 10 tháng năm 2020 tổng sản lượng khai thác ước đạt 77,6 nghìn tấn, tăng 6,8% với cùng kỳ 2019.
Về nuôi trồng: Trong tháng 10 tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn duy trì ổn định và phát triển. Nuôi trồng trên diện tích nước ngọt được quản lý tốt, môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh các loại thủy sản đạt hiệu quả cao, dịch bệnh được khống chế. Phương thức nuôi thâm canh thủy sản của nông dân có nhiều tiến bộ; các đơn vị nuôi  đã chú trọng đầu tư giống, thức ăn công nghiệp, sản xuất mang tính hàng hóa tập trung, mạnh dạn đầu tư đặc biệt là giống mới và loài đặc sản. Tình hình nuôi trồng nuôi tôm nước lợ trong những tháng qua cũng thuận lợi, thời điểm này nông dân đang bắt đầu thu hoạch rộ, năng suất thu hoạch đạt khá. Một số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đang tiếp tục thu hoạch và nuôi thả vụ 2.
Tổng sản lượng nuôi trồng trong tháng 10/2020 ước đạt 16,3 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng cá đạt 4,4 nghìn tấn, tăng 6,7%, tôm đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 6,04%; sản lượng thủy sản khác ước đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 6,3%. Tính chung 10 tháng năm 2020 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 136,1 nghìn tấn, tăng 6,2% (sản lượng cá tăng 4,7%, tôm tăng 15,2%; thủy sản khác tăng 6,4%;
Mô hình nuôi cá lồng vẫn tiếp tục phát triển tăng cả về quy mô và sản lượng, nhiều mô hình được đầu tư khá lớn về kinh tế cũng như kỹ thuật như tại một hộ nuôi tại các huyện như Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà… hiện toàn tỉnh có 608 lồng nuôi tương đương với thể tích nuôi đạt 69.070 m3, tăng 34 lồng so với cùng kỳ 2019, năng suất thu hoạch ước đạt 4-4,5 tấn/lồng đã góp phần vào kết quả tăng trưởng và phát triển của ngành thủy sản tỉnh Thái Bình.
Sản xuất công nghiệp      
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
tháng 10/2020 ước tăng trên 14,9% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành đều có chỉ số tăng so với tháng trước: ngành khai khoáng tăng gần 20%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,4%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,3%, và ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 1,8%.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có mức tăng trưởng cao, trên 17,4%; các ngành đều có chỉ số tăng như: sản xuất kim loại (+8,8%), sản xuất chế biến thực phẩm (+23,4%), sản xuất trang phục (+6,9%), sản xuất đồ uống (+23,3%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (+45,8%)… Trong thời gian qua mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19 nhưng với nhiều giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn của các cơ quan Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh dần đi vào ổn định. Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 tháng cuối năm 2020 có xu hướng phục hồi.
Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP giảm 6,1% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng hơn 9,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng hơn 4,0%; ngành khai khoáng giảm 9,4%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
tháng 10 năm 2020 có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: phụ tùng khác của xe có động cơ ước đạt 68 nghìn cái, tăng hơn 3 lần; túi khí an toàn ước đạt 98 nghìn cái, tăng hơn 2 lần; thức ăn gia cầm ước đạt 6.215 tấn, tăng 23,7%; Polyaxetal, polyete ước đạt 3 nghìn tấn, tăng 40,7; khí tự nhiên dạng khí ước đạt 2,9 triệu m3, tăng 38,9%; sắt thép không hợp kim, ước đạt 493 nghìn tấn, tăng 85,1%... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm trong tháng như: khăn mặt, khăn tắm (-49,5%); bia đóng lon (-9,4%); bộ comple, quần áo đồng bộ (-23,7%) so với cùng kỳ...
Mười tháng năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: túi khí an toàn ước đạt 817 nghìn cái, tăng 3 lần; dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhùng vào kim loại chảy ước đạt 59.631 triệu đồng, tăng trên 13,4%; thức ăn cho gia súc ước đạt 75.618 tấn, tăng 22,9%; điện sản xuất ước đạt 3.275Triệu kwh, tăng 10,4%; Nitơrat Amoni ước đạt trên 161 nghìn tấn, tăng 16,6%... Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm như: bia chai (-23,1%); khăn các loại (-39,2%); sản phẩm sứ vệ sinh (-25,3%); thép không hợp kim dạng cán phẳng (-30%)…, nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 kéo dài khiến nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ giảm mạnh.
Chỉ số tiêu thụ
toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 năm 2020 giảm 0,2% so với tháng trước và giảm hơn 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho
ngành chế biến, chế tạo tính đến tháng 10 năm 2020 tăng hơn 4,1% so với tháng trước và tăng gần 33% so với  cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động
đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2020 giảm 5,8% so với cùng thời điểm năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 8,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 bùng phát đợt 2, tỉnh Thái Bình đã chịu ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và thi công của các dự án công trình. Một số dự án trọng điểm của tỉnh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thực hiện của các dự án, công trình.
Tháng 10/2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 597,5 tỷ đồng, tăng 10,9% so với tháng trước, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt trên 375,5 tỷ đồng, tăng 14 so với tháng trước và tăng 61,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 140 tỷ đồng, có tốc độ tăng lần lượt là 9,4% và 22%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 81 tỷ đồng, tăng 0,8 so với tháng trước và giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mười tháng năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 3.898 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.207 tỷ đồng, tăng 15,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 887 tỷ đồng, tăng 13,2%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt gần 804 tỷ đồng, giảm 4,2%.
Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 10:
Dự án tuyến đường liên tỉnh nối đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn tỉnh Thái Bình với quốc lộ 38B, vốn đầu tư gần 680 tỷ đồng.
Dự án cải tạo nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế biển phía Nam tỉnh Thái Bình, vốn đầu tư 734 tỷ.
Dự án đường ĐH 74 giai đoạn 1, vốn đầu tư 48 tỷ, dự kiến đạt 2 tỷ.
Dự án đường ĐH 64 giai đoạn 2, vốn đầu tư 22,5 tỷ, dự kiến đạt gần 4 tỷ.
Dự án câng cấp đường 67A từ đường 39 đi Phúc Khánh, vốn đầu tư 40 tỷ, dự kiến đạt 5 tỷ; Dự án tượng đài Bác Hồ với nông dân, vốn đầu tư 201 tỷ, dự kiến đạt 4 tỷ; Dự án tuyến đường nối Thái Bình – Hà Nam, vốn đầu tư 140 tỷ.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 ước đạt 3.920 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 3.402 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 259 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 4,0% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 9 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước nhưng giảm 29,3% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 249 tỷ đồng, tăng 11,6% so với tháng trước nhưng giảm 11,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt gần 1 tỷ đồng, giảm 63,1% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng so với tháng trước; tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước doanh thu các ngành dịch vụ vẫn có xu hướng giảm do thu nhập giảm cùng với việc thực hiện nghị định của ngành giao thông tạo tâm lý hạn chế ăn uống.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.402 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước như: Nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,8%; hàng may mặc tăng 4,6%; xăng dầu các loại tăng 4,7%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 4,3%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 4,4%; hàng hoá khác tăng 5,6%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,1%;…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2020 ước đạt 37.966 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 33.234 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.391 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ; các dịch vụ còn lại đều giảm: doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 96 tỷ đồng, giảm 26,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 2.236 tỷ đồng, giảm 18,5%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt gần 8 tỷ đồng, giảm 67,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.234 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm đá quý, kim loại quý ước đạt 762 tỷ đồng, tăng 30,1%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 11.085 tỷ đồng, tăng 14,5%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 4.834 tỷ đồng, tăng 8,3%; … Bên cạnh đó một số nhóm hàng giảm so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con ước đạt 349 tỷ đồng, giảm 26%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục ước đạt 235 tỷ đồng, giảm 14,2%; nhóm phương tiện đị lại trừ ô tô ước đạt 1.788 tỷ đồng, giảm 14,1%; nhóm hàng may mặc ước đạt 1.216 tỷ đồng, giảm 10,9%,…
Hoạt động vận tải 
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 10/2020 ước đạt 547 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 4.683 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 10/2020 ước đạt 147 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt gần 2,0 triệu người, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách luân chuyển ước đạt 232 triệu người.km, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hành khách 10 tháng năm 2020 ước đạt 1.260 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 17,2 triệu người, giảm 6,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.934 triệu người.km, giảm 6,3% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 10/2020 ước đạt 394 tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 941 triệu tấn.km, tăng 7,1% so với tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hàng hóa 10 tháng năm 2020 ước đạt 3.374 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 20,3 triệu tấn,  tăng 1,2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 7.833 triệu tấn.km, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10/2020 ước đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ. Cộng dồn 10 tháng năm 2020 ước đạt 45,8 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 10/2020 ước đạt gần 0,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020 ước đạt 3,7 tỷ đồng, tăng 60,5% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 năm 2020 ước đạt 236 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước và bằng 81,9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu:
Tháng 10/2020, trị giá xuất khẩu ước đạt 121 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước nhưng giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 67 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước nhưng giảm 28,3% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 54 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng trước nhưng giảm 25,9% so với cùng kỳ. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu tháng 10/2020 tăng so với tháng trước như: Sắt thép (+21,1%); xăng dầu các loại (+20,9%); Xơ, sợi dệt các loại (+11,5%)... Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm trong tháng như: Sản phẩm gốm sứ (-13,5%); sản phẩm gỗ (-1,6%).
Trị giá xuất khẩu 10 tháng năm 2020 ước đạt 1.246 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước ước đạt 0,04 triệu USD, giảm 70,5% so với cùng kỳ; Kinh tế tư nhân ước đạt 692 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 554 triệu USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm gốm, sứ (+34,5%); sản phẩm gỗ (+29,1%); xăng dầu các loại (+25,9%); hàng hóa khác (+17,9%). Các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ như: Sắt thép (-80,4%); sản phẩm từ sắt thép (-66,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-65,4%); xơ sợi dệt (-36,8%);...
Nhập khẩu:
Trị giá nhập khẩu tháng 10/2020 ước đạt 115 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước nhưng giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 55 triệu USD, tăng 2,9% so với tháng trước nhưng giảm 11,8% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60 triệu USD, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tháng 10/2020 tăng so với tháng trước như: Chất dẻo nguyên liệu (+66,1%); bông các loại (+22,2%); xăng dầu các loại (+15,9%);... Bên cạnh đó còn có một số mặt hàng giảm như: Phế liệu sắt thép (-18,1%); hoá chất (-17,1%); hàng thủy sản (-7,4%).
 Trị giá nhập khẩu 10 tháng năm 2020 ước đạt 1.015 triệu USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 545 triệu USD, giảm 23,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 470 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm chỉ có mặt hàng thuỷ sản tăng 31,9% và xăng dầu các loại tăng 3,6% so với cùng kỳ, các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ như: Hoá chất (-72,6%); xơ, sợi dệt các loại (-57,4%); bông các loại (-50,6%); chất dẻo nguyên liệu (-34,9%); sắt thép các loại (-28,1%);…
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2020 giamr 0,17% so với tháng trước; tăng 2,6% so với cùng tháng năm trước; so tháng 12 năm trước giamr 0,02%. Tất cả nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều có chỉ số giá giảm và tương đương so với tháng trước; giá thực phẩm tiếp tục có xu hướng giảm (-0,79%) chủ yếu tập chung ở giá thịt lợn (-3,07%); xăng dầu có sự điều chỉnh tăng giá nên tác động tăng chỉ số giá xăng dầu trong tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” tăng 14,66%; “thuốc và dịch vụ y tế” tăng 3,26%; “giáo dục” tăng 7,49%... Bên cạnh đó còn các nhóm hàng có chỉ số giảm so với cùng kỳ: nhóm “giao thông” giảm 10,74%; nhóm “may mặc, mũ nón, giày dép” giảm 2,18%...
Thu, chi Ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính 10 tháng năm 2020 đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 4.967 tỷ đồng, giảm 18,7%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt gần 954 tỷ đồng, giảm 10,4%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 6.407 tỷ đồng tăng 18,7%...
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 10 tháng năm 2020 ước đạt trên 10.602 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 4.763 tỷ đồng, tăng 23%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt trên 5.721 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Tháng 10 năm 2020, tiếp nhận thông báo của 03 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động của tỉnh đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cấp giấy phép lao động cho 12 lao động (07 trường hợp cấp mới, 05 trường hợp cấp lại) là người nước ngoài đến làm việc tại các doanh nghiệp ở tỉnh. Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 991 trường hợp lao động thất nghiệp.
Tháng 10/2020, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 3.900 lao động, trong đó: việc làm tại địa phương khoảng 3.080 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài khoảng 440 lao động và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 380 lao động.
Trong tháng, đã tổ chức tuyển sinh dạy nghề cho 5.900 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.050 người, trình độ trung cấp 1.100 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 3.750 người.
Trợ cấp xã hội
Trong tháng, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ xã phường thị trấn về quy trình công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đối với 33 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Đông Hưng.
Trợ giúp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích ngay sau khi được phát hiện về y tế, giáo dục, trợ giúp tư vấn pháp lý, trợ giúp đột xuất, thăm hỏi động viên kịp thời giúp nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cồng đồng. Trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt được trợ giúp chiếm 87,6%.
Lĩnh vực người có công
Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người và gia đình người có công với cách mạng. Trong tháng đã tiếp nhận 378 hồ sơ, thủ tục thuộc lĩnh vực người có công, trong đó giải quyết 305 thủ tục, còn lại 155 thủ tục đang tiếp tục xử lý, giải quyết.
Trong tháng, tiếp tục thực hiện công khai kết quả rà soát thực chứng con đẻ của người hưởng chính sách đối với người  hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học sinh con dị dạng, dị tật.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
 Tình hình dịch bệnh
Trên địa bàn tỉnh không phát hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Sở Y tế ban hành kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kế hoạch hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo từng giai đoạn của dịch bệnh cho y tế các tuyến; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ số trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế để ứng phó khi có dịch xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm khác như: Hội chứng Cúm, Viêm não vi rút, Thủy đậu, Quai bị...
Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Thái Bình đã được Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cấp bằng công nhận loại trừ sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát động phong trào vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sốt xuất huyết ở 8/8 huyện, thành phố; tăng cường các hoạt động giám sát sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, đặc biệt là tại các huyện có ca sốt xuất huyết nội sinh trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về sốt xuyết huyết, sốt rét, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh sốt rét.
Tình hình HIV/AIDS
Tính đến ngày 31/9/2020, toàn tỉnh có 2.182 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó: 1.463 bệnh nhân AIDS. Phát hiện 62 người nhiễm HIV mới (09 người ngoại tỉnh), không có trường hợp tử vong do AIDS được báo cáo; 254/286 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Văn hoá - Thể thao
Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao phối hợp với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tổ chức thành công các giải thể thao chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh: Giải Cầu lông tỉnh Thái Bình, giải Bóng bàn mở rộng tranh Cup Báo Thái Bình lần thứ hai. Chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tập huấn cho các vận động viên tham gia thi đấu 09 giải quốc gia đạt 59 huy chương các loại: 18 HCV, 15 HCB, 26 HCĐ.
Thông qua giải, tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/9/2020 đến ngày 14/10/2020 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 6 vụ  tai nạn giao thông (tăng 02 vụ so với tháng trước), làm 5 người chết và 3 người người bị thương. Tính chung 10 tháng toàn tỉnh xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, giảm 9,4%, làm 44 người chết và 24 người bị thương, tăng 28,5% so cùng kỳ.
Tình hình cháy nổ
Trong tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Mười tháng năm 2020 xảy ra 5 vụ cháy trên toàn tỉnh (giảm 5 vụ so với cùng kỳ), không có người chết và bị thương, thiệt hại tài sản ước trên 5,4 tỷ đồng./.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây