Nguyên Xá khởi sắc từ nghề bánh Cáy truyền thống

Thứ sáu - 30/03/2018 03:03
Nguyên Xá khởi sắc từ nghề bánh Cáy truyền thống
          Không chỉ được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam,  xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng còn nổi tiếng là quê hương của món bánh Cáy một thời là sản vật tiến Vua. Ngày nay, bánh Cáy trở thành thứ bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết mà nó đã và đang trở thành món bánh mang lại hiệu quả kinh tế cho chính những người dân nơi đây. Từ nghề truyền thống này, người dân nơi đây đã có “của ăn của để” phát triển kinh tế ổn định.
          Đến thăm cơ sở làm Bánh Cáy của gia đình anh Trần Văn Đức thôn Đông Khê  xã Nguyên Xá, cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào xưởng là mùi thơm  đặc trưng của nếp, đường, vừng, lạc, hòa quyện với các loại mứt bí, mứt dừa, hạt sen.. Hiện tại xưởng sản xuất của gia đình anh Đức rộng 1400 m2/, trong đó nhà xưởng rộng 1000 m2với 4 chuyền sản xuất các mặt hàng sản phẩm bánh cáy, kẹo lạc, kẹo dồi và kẹo vừng, diện tích nhà kho, khu vực chế biến nông sản 400 m2 với đủ các thiết bị máy móc phục vụ quy trình sản xuất; tạo công ăn việc làm cho 50 lao động, với mức thu nhập của người lao động  từ 4,5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Trải qua  23 năm phát triển, dù trải qua bao thăng trầm nhưng thương hiệu bánh cáy gia đình anh Đức vẫn luôn xếp tốp đầu của xã. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, lượng khách hàng đến với xưởng của gia đình anh tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng tết nguyên đán Mậu Tuất, gia đình anh đã thu lãi trên 300 triệu đồng. Anh Đức cho biết: Để sản xuất dòng sản phẩm của một làng  nghề, xưởng của chúng tôi thì cái đầu vào rất là quan trọng, những cái nguyên liệu chúng tôi phải chọn kỹ lưỡng. Để sản xuất ra cái bánh, cái kẹo uy tín như ngày hôm nay, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm phải là hàng đầu. Ở một làng nghề thì mỗi gia đình sản xuất có thể khác nhau, trong quá trình làm chúng tôi cải tạo, cũng nghĩ ra những thiết bị máy móc, để cho những sản phẩm bánh kẹo nó tốt hơn và nó hợp với người dùng.


          Anh Trần Văn Đức chỉ là một trong số 500 gia đình trong xã phát triển nghề bánh cáy, kẹo lạc, có trên 50 cơ sở lớn làm quanh năm tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Đi dọc tuyến quốc lộ 39A trên địa bàn xã, không khó để bắt gặp những cửa hàng Bánh Cáy nổi tiếng. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong làng, xã, bánh Cáy còn sản xuất sau đó phục vụ nhu cầu cho mọi người dân trong tỉnh và con em xa quê, thậm chí ở cả ngoại tỉnh. Một phong bánh giá giao động từ 25.000 đến 30.000 đồng tùy vào kích thước. Theo tính toán nhanh của người dân, mỗi phong bánh lãi được 4000 đến 5000 đồng. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, nhu cầu tăng cao, bánh cáy đã giúp nhiều hộ dân nơi đây làm giàu chính đáng. Theo đánh giá của UBND xã Nguyên Xá, chỉ tính riêng năm 2017, toàn xã sản xuất được trên 13 nghìn tạ bánh cáy, kẹo lạc, tăng 94% so với cùng kỳ, đạt trên 13 tỷ đồng, góp phần  tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm  trên 80% dân số và trở thành xã dẫn đầu huyện về phát triển kinh tế duy trì tốt ngành nghề truyền thống. Ông Nguyễn Tiến Vững- Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích các hộ dân mở rộng  sản xuất. Xã sẽ tạo điều kiện về thủ tục, đất đai khi có người dân có nhu cầu. Đồng thời chúng tôi vẫn khuyến khích bà con giữ gìn bản sắc giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của quê hương để thương hiệu bánh Cáy làng Nguyễn được phát triển bền vững,
          Với những giá trị truyền thống có từ lâu đời và mang lại hiệu quả kinh tể cao của Bánh Cáy làng Nguyễn, người dân  nơi đây đang ngày ngày vươn lên làm giàu từ chính những sản vật của quê hương. Để trong mỗi câu chuyện, bên chén trà nóng luôn có đĩa Bánh Cáy hấp dẫn,thơm ngon thấm đượm hồn quê./.
Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây