MÔ HÌNH NUÔI CÁ TRÊN AO NỔI MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Chủ nhật - 04/09/2022 22:57
      Ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản bằng ao nuôi truyền thống, theo kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện Vũ Thư sẽ chuyển đổi đạt 250 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa. Trước đó, giai đoạn 2022 - 2023, huyện Vũ Thư thực hiện chuyển đổi 20 - 25 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa tập trung ở một số xã: Xuân Hòa, Hiệp Hòa, Tân Hòa, Vũ Đoài... Phấn đấu xây dựng 2 - 3 vùng nuôi thủy sản trong ao bán nổi, 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trở lên.
     Để đạt mục tiêu trên, huyện Vũ Thư tập trung thực hiện rà soát diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương để thực hiện chuyển đổi sang nuôi thủy sản trong áo bán nổi kết hợp với trồng lúa. Đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thực hiện chuyển đổi đạt mục tiêu để ra. Trong tổ chức phát triển sản xuất, huyện xây dựng các mô hình, đối tượng nuôi phù hợp với từng địa phương, theo phương thức nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa (nuôi 3 - 4 vụ thủy sản, trồng 1 vụ lúa hoặc nuôi thủy sản xen ghép với trồng lúa) để giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường. Huyện Vũ Thư đã và đang hình thành một số mô hình nuôi cá trên ao nổi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân ước đạt 13 tấn/ha.

      Hiện tại, huyện có 2 mô hình nuôi cá trên ao nổi ở xã Tân Hòa và Vũ Đoài, với diện tích từ 2 ha đến 5 ha, các đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm, cá trê, cá rô phi. Toàn bộ ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một ao nuôi cá công nghiệp: hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt ôxy, máy đảo nước, máy cho ăn... Theo những hộ nuôi, ưu điểm nuôi cá trong ao nổi so với ao truyền thống là giảm chi phí làm ao khoảng 40%. Nếu ao chìm thường phải đào sâu thì ao nổi chỉ cần đào từ 30 - 50 cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2 m. Ngoài ra, vì là ao nổi nên có nhiều tiện ích hơn hẳn so với ao chìm như đón được nhiều ánh sáng, nhiều gió, sóng nhiều, thoát khí tốt nên lượng mùn và bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy rất ít, hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển. Mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn ao chìm. Anh Phạm Văn Quyền, xã Vũ Đoài, một trong 2 hộ gia đình nuôi cá trên ao nổi cho biết: gia đình anh chuyển đổi sang nuôi cá trên ao nổi trong khoảng 3 năm nay, năm đầu tiên anh thu hoạch khoảng 40 tấn cá các loại, mang về giá trị 1,5 tỷ đồng. Anh Lại Văn Hòa, thôn Tường An, xã Tân Hòa cho biết thêm trên diện tích 5 ha, anh Hòa quy hoạch 10 ao, trong đó 4 ao to nuôi cá thương phẩm, 6 ao ương cá giống. Toàn bộ ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một ao nuôi cá công nghiệp: hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt ôxy, máy đảo nước, máy cho ăn... Được biết, diện tích hoang hóa này được gia đình anh Hòa thuê từ năm 2017. Ban đầu, anh canh tác theo công thức 1 vụ lúa - 1 vụ cá. Tuy nhiên, do quá trình cấy lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên nuôi cá hiệu quả không cao, anh Hòa quyết định cải tạo, biến ruộng lúa thành ao nổi. Từ những mảnh ruộng bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người, gia đình anh đã đầu tư, cải tạo thành ao nổi nuôi các loại cá truyền thống. Mô hình nuôi cá trong ao nổi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
                                                    CHI CỤC THỐNG KÊ HUYỆN VŨ THƯ



                                                   

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây