Hội viên phụ nữ làm giàu từ nghề trồng nấm

Thứ ba - 14/06/2022 04:49
      Mạnh dạn vay vốn, đầu tư trên 200 triệu đồng để trồng nấm, rồi thu lãi hàng năm trên 400 triệu đồng như hiện nay, đó là thành quả từ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của vợ chồng chị Phạm Thị Vinh, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Lương Đống, xã Hà Giang, huyện Đông Hưng.   
 

            Năm 1998, chị Phạm Thị Vinh bàn với chồng quyết định đầu tư số tiền 200 triệu đồng để trồng mộc nhĩ, hay còn gọi là nấm tai mèo và phôi nấm sò. Dù chồng đã có chút ít kinh nghiệm và quen biết một số thương lái thu mua sản phẩm, song bỏ ra số tiền lớn như vậy trong khi đời sống người dân lúc bấy giờ đa phần còn khó khăn là một quyết định thật sự táo bạo của chị. Khoảng đất 1000 m2 của gia đình được anh, chị cải tạo thành khu trồng nấm. Theo chị Vinh, trồng nấm có lợi thế là thu hồi vốn nhanh, với nấm sò là 4 vụ/năm; mộc nhĩ 2 vụ/năm; hết vụ mộc nhĩ tiếp tục trồng nấm sò thay thế. Cả 2 loại nấm đều ít dịch bệnh, ngoài yêu cầu về nguyên liệu là mùn cưa của cây cao su, và vệ sinh khử khuẩn khu vực trồng sau mỗi vụ, cần phải đặc biệt chú ý đến độ ẩm và ánh sáng trong quá trình chăm sóc. Chị Vinh cho biết: “bước đầu là cần phải quây kín song đến khi cấy nấm lớn dần thì mình phải mở bớt bạt ra, về độ ẩm nếu mùa hè nắng nóng nhiều thì phải tưới 5-6 lần/ngày, còn nếu mưa phùn gió bấc 2 -3 ngày mới phải tưới 1 lần”.
 
          
Đến nay, gia đình chị Vinh có 4 khu trồng mộc nhĩ và nấm sò với tổng diện tích trên 3.000 m2. Trung bình một năm gia đình xuất bán trên 7 tấn mộc nhĩ khô, trên 10 tấn nấm sò và trên 30.000 phối giống nấm sò ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Cơ sở tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động, chủ yếu là hội viên phụ nữ trong xã với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Huê, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hà Giang, huyện Đông Hưng chị Vinh là hội viên phụ nữ sản xuất giỏi điển hình của Hội: “chị Vinh không những là người biết làm giàu cho gia đình mà chị còn tạo công ăn việc làm, giúp đỡ chị em trong xã, chị Vinh luôn chấp hành tốt đường lối chủ trương pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội cấp trên phát động”.
        Thực tế hiện nay, trồng nấm là nghề phù hợp tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Nếu có thể mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như chị Phạm Thị Vinh  thì người nông dân hoàn toàn có thể thành công và làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

                                                                                           Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây