Khu vực Doanh nghiệp - trọng tâm kinh tế của tỉnh

Thứ ba - 10/09/2019 02:30
Khu vực Doanh nghiệp - trọng tâm kinh tế của tỉnh
Thực hiện quyết định số 572/QĐ-TCTK ngày 26 tháng 78 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc điều tra doanh nghiệp năm 2019. Cục Thống kê Thái Bình tiến hành điều tra toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Dưới đây là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong năm 2018:
      1.Số lượng doanh nghiệp:
     Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2018 trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 4.576 doanh nghiệp, tăng 15,44% so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành thương nghiệp là nhiều nhất 1.477 doanh nghiệp, chiếm 32,28%; tiếp đến, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 1.072 doanh nghiệp, chiếm 23,43%; ngành xây dựng 635 doanh nghiệp, chiếm 13,88%; ngành nông -lâm nghiệp - thủy sản 375 doanh nghiệp, chiếm 8,19%; ngành vận tải kho bãi 291 doanh nghiệp, chiếm 6,35%; ngành lưu trú, ăn uống 91 doanh nghiệp, chiếm 1,98%. Chỉ tính riêng 6 ngành nói trên là 3.941 doanh nghiệp, chiếm 86,12%, các ngành khác chỉ có 635 doanh nghiệp, chiếm 13,88%. So với năm 2017, số doanh nghiệp ngành thương nghiệp tăng 13,52%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,16%; ngành xây dựng tăng 13,19%; ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 10,29%; ngành vận tải kho bãi giảm 7,62%. Số lượng doanh nghiệp chia theo loại hình như sau:
       - Doanh nghiệp Nhà nước 22 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 13 doanh nghiệp, Doanh nghiệp Nhà nước địa phương 9 doanh nghiệp.
      - Doanh nghiệp ngoài Nhà nước 4.496 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong số doanh nghiệp ngoài Nhà nước là công ty TNHH tư nhân 3.081 doanh nghiệp, chiếm 68,52%; tiếp đến, công ty cổ phần tư nhân và cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% là 806 doanh nghiệp, chiếm 17,93%;  doanh nghiệp tư nhân 175 doanh nghiệp, chiếm 3,89%; doanh nghiệp tập thể 428, chiếm 9,52%; So với năm 2017, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 12,62%; Công ty cổ phần có vốn Nhà nước nhỏ hơn 50% giảm 10 doanh nghiệp do thoái vốn nhà nước, công ty cổ phần tư nhân tăng 57,7%; công ty TNHH tư nhân tăng 16,26%; doanh nghiệp tư nhân giảm 19,2% và hợp tác xã giảm 16,5%. Trong khu vực này, một số ngành có số lượng doanh nghiệp nhiều và vẫn có sự phát triển về số lượng so với năm 2017 là: Ngành thương nghiệp 1.477 doanh nghiệp, chiếm 32,85%, tăng 6,1%; tiếp đến là  ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 1.022 doanh nghiệp, chiếm 22,7%, tăng 5,9%;ngành xây dựng 630 doanh nghiệp, chiếm 14,01% và tăng 5%..., Bên cạnh đó cũng có những ngành có số lượng doanh nghiệp giảm là ngành vận tải kho bãi 291 doanh nghiệp chiếm 6,47% và giảm so với năm 2017; ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 132 doanh nghiệp, giữ nguyên so với cùng kỳ.
      - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến 31/12/2018 là 58 doanh nghiệp, chiếm 1,27% trong tổng số doanh nghiệp, tăng 1,75% so với năm 2017. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 52 doanh nghiệp, chiếm 89,6%;  04 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành thương mại – dịch vụ, chiếm 6,89%; 2 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ngành xây dựng, chiếm 3,44%;  tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Số lượng doanh nghiệp chia ra theo địa phương như sau: Thành phố Thái Bình có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất có 1.908 doanh nghiệp (chiếm 41,8%), tăng 14,7% so năm 2017; tiếp đến là huyện Thái Thuỵ 550 doanh nghiệp (chiếm 12,02 tăng 12,24%; huyện Đông Hưng 439 doanh nghiệp (chiếm 9,6%), tăng 16,4%; huyện Hưng Hà 418 doanh nghiệp (chiếm 9,13%), tăng 14,2%; huyện Tiền Hải 372 doanh nghiệp (chiếm 8,12%), tăng 17,7%; huyện Quỳnh Phụ 310 doanh nghiệp (chiếm 6,77%), tăng 25%; huyện Vũ Thư 298 doanh nghiệp (chiếm 6,5%), tăng 17,3%; số lượng doanh nghiệp ít nhất là huyện Kiến Xương 281 doanh nghiệp (chiếm 6,14%), tăng 12,4%;      
Năm 2018, doanh nghiệp có quy mô lao động 10 người trở xuống (Doanh nghiệp siêu nhỏ) là 2.181 doanh nghiệp, chiếm tới 47,71%; tiếp đến từ trên 10 người đến dưới 200 người đối với khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và từ trên 10 người đến 50 người đối với khu vực thương mại dịch vụ (Doanh nghiệp nhỏ) là 1.999 doanh nghiệp, chiếm 43,68%; số doanh nghiệp vừa là 194 doanh nghiệp, chiếm 4,24% và 200 doanh nghiệp lớn chiếm 4,37%. So với năm 2017 thì số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ giảm 4,9%; doanh nghiệp nhỏ tăng 7,9% và doanh nghiệp vừa và lớn tăng 48,2%. Trong đó, có tốc độ tăng nhiều nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô lao động là nhóm 5 người trở xuống, tăng 1,23 lần; tiếp đến là nhóm từ 5 đến dưới 10 người, tăng 18,9%, nhóm từ 200 đến dưới 500 người, giảm 6% so với năm 2017; nhóm 50 đến dưới 300 người và nhóm 500 đến dưới 1000 người tăng 6,7% so với năm 2017; nhóm 1001 người trở lên, tăng 12 doanh nghiệp bằng 28,3%. Năm 2018 có 24 doanh nghiệp trên 1000 lao động
             2. Lao động trong doanh nghiệp:
        Tại thời điểm 31/12/2018, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 196.063 người, chiếm trên 17,7% trong tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó số lao động nữ là 117.282 người, chiếm 59,8% trong tổng số lao động của doanh nghiệp. So với năm 2017 thì tổng số lao động trong doanh nghiệp tăng 6,04% và số lao động nữ tăng 8,35%. Lao động bình quân trong 1 doanh nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh là 41,45 người, giảm 1,2% so với năm 2017; Trong đó số lao động bình quân trong 1 doanh nghiệp nhà nước là 220 lao động; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 33 lao động, tăng 3,4% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 745  lao động, tăng 1,2% so với năm 2017
      Trong tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, lao động của doanh nghiệp Nhà nước 4.846 người, chiếm 2,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 148.883 người, chiếm 75,9% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 42.334 người, chiếm 21,59%. So với năm 2017 số lao động của doanh nghiệp Nhà nước tăng 14,8%; số lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 7,33%; và số lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ ổn định
     Ngành sử dụng nhiều lao động nhất vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng 137.272 người, chiếm 70%; tiếp đến là ngành xây dựng với 18.076 người, chiếm 9,2%; ngành thương nghiệp sử dụng 15.170 người, chiếm 7,73%, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 8.788 người, chiếm 4,5%; ngành vận tải, kho bãi 5.389 người, chiếm 2,7%... Trong 5 ngành nói trên thì số lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng cao, tăng 8,3%; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,8%; ngành vận tải kho bãi có số lao động giảm 4,1% so cùng kỳ; Hai ngành còn lại thương mại và ngành xây dựng có số lao động ổn định.
       Lao động doanh nghiệp phân theo địa bàn hành chính, chiếm nhiều nhất vẫn là thành phố Thái Bình 93.698 người, chiếm 47,8% tổng số lao động; tiếp đến là huyện Đông Hưng 20.459 người, chiếm 10,4%; huyện Quỳnh Phụ 17.026 người, chiếm 8,7%; huyện Hưng Hà 16.550 người, chiếm 8,4%; huyện Thái Thuỵ 13.893 người, chiếm 7,1%; huyện Tiền Hải 14.919 người, chiếm 7,6%; huyện Vũ Thư 10.996 người, chiếm 5,6%; và Kiến Xương chỉ có 8.522 người, chiếm 4,3%. So với năm 2017 một số địa phương có tốc độ tăng cao là: huyện Tiền Hải tăng 22%, huyện Hưng Hà tăng 10%; huyện Quỳnh Phụ tăng 9,4%;  huyện Kiến Xương tăng 7,5%; Thành phố Thái Bình tăng 4,4%;  huyện Đông Hưng tăng 4,3%; huyện Vũ Thư tăng 3,6%; Riêng huyện huyện Thái Thuỵ giảm 2,4% so với năm 2017

3. Nguồn vốn sản xuất kinh doanh:
        Tổng nguồn của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh tại thời điểm 31/12/2018 đạt 169.759 tỷ đồng, tăng 3,6% với năm 2017. Trong đó sử dụng vốn lớn nhất là loại hình công ty TNHH tư nhân là 60.069 tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến là công ty cổ phần tư nhân 43.587 tỷ đồng, chiếm 25,7%; doanh nghiệp Nhà nước 30.892 tỷ đồng, chiếm 18,2%; doanh nghiệp tư nhân 1.076 tỷ đồng, chiếm 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 24.512 tỷ đồng, chiếm 14,4%... So với năm 2017 nguồn vốn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,6 lần do trong năm 2018 có 1 số dự án có vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, còn lại nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân giảm, công ty TNHH tư nhân giữ ổn định.Tổng vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp là 41.248 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,3% trong tổng nguồn vốn; trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.991 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 36.687 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,4% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.388 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,7%.
       Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành tập trung nguồn vốn nhiều nhất 50.357 tỷ đồng, chiếm 29,66% trong tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến, doanh nghiệp ngành thương mại 31.527 tỷ đồng chiếm 18,57%; ngành xây dựng 30.609 tỷ đồng, chiếm 18,03%; ngành vận tải kho bãi 8.732 tỷ đồng, chiếm 5,14%. So với năm 2017 nguồn vốn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; ngành thương mại tăng 15,86%; ngành xây dựng giảm 8,6%;
       4.Tài sản dài hạn:
       Giá trị tài sản dài hạn của khu vực doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2018 là 70.287 tỷ đồng; Trong đó tài sản dài hạn của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 23.359 tỷ đồng, chiếm 33,23%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 43.184 tỷ đồng, chiếm 61,43%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.742 tỷ đồng, chiếm 5,32%. So với cùng kỳ năm trước thì tổng giá trị tài sản dài hạn giảm 16,4%, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 27,59%; tài sản dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 22,2%; tài sản dài hạn của doanh nghiệp Nhà nước giảm 49,8% do 1 số doanh nghiệp cổ phần hóa thoái vốn nhà nước. Giá trị tài sản dài hạn bình quân 1 doanh nghiệp là 12,6 tỷ đồng, giảm so với năm 2017; trong đó doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 9,44 tỷ đồng, tăng 11,85%; doanh nghiệp Nhà nước là 1.061 tỷ đồng, giảm 24,6; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 85 tỷ đồng, giảm 21%  so với năm 2017
      Trong tổng giá trị tài sản dài hạn của khu vực doanh nghiệp thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có giá trị tài sản dài hạn lớn nhất 18.007 tỷ đồng, chiếm tới 25,62%; tiếp đến, ngành xây dựng 5.277 tỷ đồng, chiếm 7,51%; ngành thương mại 6.292 tỷ đồng, chiếm 8,95%; ngành vận tải kho bãi 5.556 tỷ đồng, chiếm 7,9%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 2.242 tỷ đồng, chiếm 3,19%...
        5. Vốn đầu tư phát triển:
       Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện năm 2018 của khu vực doanh nghiệp đạt trên 18.397 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản là 6.216 tỷ đồng, chiếm 33,8%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản là 10.663 tỷ đồng, chiếm 57,9%; bổ sung vốn lưu động 1.234 tỷ đồng, chiếm 6,7% ; còn lại là vốn sửa chữa lớn TSCĐ và vốn đầu tư khác 283 tỷ đồng, chiếm 1,5%. So với năm 2017 thì tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp tăng 1,05 lần; trong đó tăng nhiều nhất là vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản tăng 2,4 lần; vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng 84% và vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động giảm so năm 2017 vì năm 2018 chỉ tính phần đầu tư tăng bằng hiện vật.
      Năm 2018 khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục thực hiện đầu tư lớn nhất 12.819 tỷ đồng, chiếm 69,6% trong tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 3.755 tỷ đồng, chiếm 20,4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.821 tỷ đồng, chiếm 9,9% và so với năm 2017 thì vốn đầu tư tăng cao do 1 số dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước vốn đầu tư tăng 70%; khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 5,5 lần; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là có vốn đầu tư tăng 1,2 lần
      Trong tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp năm 2018 đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 17.739 tỷ đồng, chiếm 97% và đầu tư ngoài tỉnh là 658 tỷ đồng, chiếm 3%.
       6.Doanh thu: Tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt trên 142.131 tỷ đồng, tăng 33,3% so với năm 2017. Doanh thu thuần bình quân một doanh nghiệp năm 2018 đạt 31,06 tỷ đồng, tăng 15,56% so với năm 2017. Do năm 2017, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động bao gồm cả doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu. Chi tiết doanh thu như sau:
     - Doanh nghiệp Nhà nước doanh thu đạt 11.504 tỷ đồng, tăng 63,29% so với năm 2017 do Nhà máy Nhiệt điện đi vào sản xuất từ cuối năm 2017; Trong đó doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 10.765 tỷ đồng, tăng 73,68% và doanh nghiệp Nhà nước địa phương chỉ đạt 739 tỷ đồng, giảm 12,8%. Doanh thu bình quân một doanh nghiệp Nhà nước đạt 523 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 828 tỷ đồng và doanh nghiệp Nhà nước địa phương chỉ đạt 82 tỷ đồng. So với năm 2017 doanh thu bình quân của doanh nghiệp nhà nước tăng 50,28%; doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 32,48% do Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 và doanh nghiệp Nhà nước địa phương giảm do 1 số doanh nghiệp thoái vốn nhà nước chuyển loại hình hoạt động
     - Doanh nghiệp ngoài Nhà nước doanh thu đạt trên 115.337 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2017; Trong đó, công ty TNHH tư nhân có doanh thu đạt cao nhất 74.745 tỷ đồng, tăng 27,54%; tiếp đến là công ty cổ phần tư nhân 33.995 tỷ đồng, tăng 23,82%; doanh nghiệp tư nhân đạt 997 tỷ đồng, giảm 21,7%; doanh nghiệp tập thể doanh thu đạt 5.546 tỷ đồng, còn lại công ty cổ phần có vốn Nhà nước <50% doanh thu đạt 53 tỷ đồng, giảm trên 70% do trong năm 2018 có 1 số doanh nghiệp thoái vốn nhà nước.
Năm 2018 doanh thu bình quân một doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 25,65 tỷ đồng, tăng 23,91% so với năm 2017; Trong đó doanh thu bình quân 1 doanh nghiệp cao nhất là công ty cổ phần tư nhân 42,2 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017; tiếp đến là công ty TNHH tư nhân đạt 24,26 tỷ đồng, tăng 7,82%; doanh nghiệp tư nhân đạt 5,6 tỷ đồng giảm so với năm 2017;
     - Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài doanh thu đạt 16.588 tỷ đồng, tăng 47,67% so với năm 2017; doanh thu bình quân một doanh nghiệp đạt 286 tỷ đồng, tăng 40,2% so với năm 2017, do năm 2018 có 1số dự án sản xuất có doanh thu lớn đi vào hoạt động.
Ngành thương nghiệp tiếp tục đạt doanh thu cao nhất 66.454 tỷ đồng, chiếm 46,8%; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo 49.375 tỷ đồng, chiếm 34,7%; ngành xây dựng 7.735 tỷ đồng, chiếm 5,4%; ngành vận tải kho bãi 3.603 tỷ, chiếm 2,5% trong tổng doanh thu. So với năm 2017 thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo doanh thu tăng cao nhất là 30%; ngành thương mại doanh thu tăng 28,6%; ngành xây dựng doanh thu tăng 13,7%; ngành vận tải kho bãi doanh thu tăng 2,9%;
       7. Lợi nhuận:
       Năm 2018 kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang lỗ trên 3.071 tỷ đồng (năm 2017 lỗ 1.689 tỷ đồng); Trong tổng số doanh nghiệp thì số doanh nghiệp làm ăn có lãi là 2.124 doanh nghiệp, chiếm 46,4%; số doanh nghiệp thua lỗ là 2.153 doanh nghiệp, chiếm 47,1% và còn lại là số doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn là 299 doanh nghiệp, chiếm 6,5%. Cụ thể như sau:
       - Doanh nghiệp Nhà nước Trung ương có 6 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi với tổng số lãi trên 81,5 tỷ đồng, 6 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ với  tổng số lỗ 21,8 tỷ đồng;
       - Doanh nghiệp Nhà nước địa phương chủ yếu làm ăn có lãi, tổng lãi năm 2018 là 38,5 tỷ đồng, gồm các ngành: Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác lãi 29,6 tỷ đồng; nghệ thuật vui chơi giải trí lãi 7,4 tỷ đồng và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lãi 1,5 tỷ đồng.
       - Doanh nghiệp ngoài nhà nước làm ăn có lãi 1.452 tỷ đồng; trong đó đóng góp lớn nhất là ngành thương nghiệp lãi 425,6 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lãi 238 tỷ đồng; ngành xây dựng lãi 126,7 tỷ đồng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lãi 9,4 tỷ đồng; ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm lãi 6,8 tỷ đồng... Bên cạnh đó cũng có một số ngành thua lỗ như: Nghệ thuật vui chơi giải trí lỗ 8,5 tỷ đồng; khai khoáng lỗ 3,6 tỷ đồng...
      - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 có 47,3% doanh nghiệp thua lỗ 276 tỷ đồng; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lỗ 924,3 tỷ đồng và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lỗ 14,8 tỷ đồng.
      8.Thu nhập của người lao động:
       Năm 2018, tổng thu nhập của người lao động trong khu vực doanh nghiệp là 13.177 tỷ đồng; Trong đó, thu nhập của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 437 tỷ đồng, chiếm 4,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 9.334 tỷ đồng, chiếm 70,8% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.318 tỷ đồng, chiếm 25,1%. So với năm 2017 tổng thu nhập tăng 23,7%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 11,45 so cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 22,5% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 30,5% so với năm 2017
       Thu nhập bình quân của 1 người lao động/tháng năm 2017 là 5.789 nghìn đồng, tăng 28,8% so với năm 2017; Trong đó, thu nhập bình quân của 1 người lao động/tháng trong doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 9.780 nghìn đồng; doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 8.082 nghìn đồng, tăng 54,1%; doanh nghiệp tập thể đạt 2.930 nghìn đồng, tăng 3,2%; doanh nghiệp tư nhân đạt 4.292 nghìn đồng, tăng 20,7%; công ty TNHH tư nhân đạt 5.266 nghìn đồng, tăng 11,9%; công ty cổ phần tư nhân đạt 6.155 nghìn đồng, tăng 20,1%; công ty cổ phần có vốn Nhà nước <50% đạt 4.405 nghìn đồng, giảm so với năm 2017; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.720 nghìn đồng, tăng 5,3% so với năm 2017.
         Số doanh nghiệp có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội(BHXH) năm 2018 cho người lao động là 1.423 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 31,1% và số lao động được tham gia đóng BHXH là 90.973 người, đạt tỷ lệ 46,4% trong tổng số lao động của toàn khu vực doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm trước thì số doanh nghiệp đóng BHXH  và số người lao động được đóng BHXH tương đối ổn định.
      9. Sản phẩm hàng hóa dịch vụ:
         - Sản phẩm công nghiệp: Khí tự nhiên 39 triệu m3, bia các loại 93 triệu lít, Thức ăn cho gia súc, gia cầm 104.825 tấn; nước khoáng 44 triệu lít; sợi xe 132 nghìn tấn, khăn mặt, khăn tắm các loại 120 triệu cái; quần áo may sẵn các loại 1.350 triệu cái; bột nổ đẩy 118.245 tấn; gạch xây dựng tuylen 409.942 nghìn viên; sứ vệ sinh 5.295 nghìn cái, xi măng trắng 13.869 tấn; bê tông thương phẩm 383.998 m3; thép phôi 604.730 tấn, thép cán xây dựng 280.266 tấn; loa, tai nghe điện tử 25.320 nghìn chiếc; bộ đèn chùm và đèn điện tường khác 854.361bộ, bộ đánh điện ô tô 119 triệu bộ; xe máy điện 24 nghìn chiếc, cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn 250.152 cái, điện sản xuất 2.640 triệu KW, điện thương phẩm 2.620 triệu KW, nước sạch 24.524 nghìn m3
        - Sản phẩm dịch vụ: Trị giá hàng xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 1.522 nghìn USD; Trị giá hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn 1.435 nghìn USD; Số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch đạt trên 518,2 nghìn lượt khách, trong đó có 104,3 nghìn lượt khách quốc tế; Số ngày khách đạt trên 136,3 nghìn ngày khách, doanh thu du lịch đạt trên 32 tỷ đồng; Khối lượng hành khách vận chuyển trên điạ bàn tỉnh là 18,2 triệu người và khối lượng hành khách luân chuyển là 1.808,2 triệu người.Km; Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 20,3 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển  đạt 7.625,3 triệu tấn.Km.        
      Tóm lại:  Trong năm 2018 môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, từng bước minh bạch và thuận lợi hơn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh xếp thứ 32/63 cả nước, tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng chung; chất lượng chỉ đạo điều hành cũng đã chuyển từ nhóm Khá năm 2017 lên nhóm tốt năm 2018, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với những thuận lợi cơ bản nêu trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018, tiếp tục đạt kết quả tăng khá, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội của tỉnh Thái Bình. Kết quả được thể hiện rõ qua các chỉ tiêu sau:
       - Số lượng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vẫn duy trì được số lượng và tiếp tục có sự phát triển, tăng 15,4% so với năm 2017; Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đạt tốc độ tăng 22,7%; ngành thương mại tăng 6,1%, ngành xây dựng tăng 5%; Một số lĩnh vực như Y tế, Giáo dục đã và đang được các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bước đầu chú ý đầu tư, năm 2018 đã có thêm 29 doanh nghiệp đầu tư vào hai ngành này;
      - Khu vực doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, năm 2018 đã thu hút được trên 196 nghìn lao động, tăng 6,5% so với năm 2017; Tạo thêm việc làm mới cho 11.173 lao động; Thu nhập bình quân 1 lao động/tháng 5.789 ngàn đồng, tăng 15,9% và số lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 90.973 người, tăng 6,3% so với năm 2017;
      - Quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phát triển theo hướng tích cực, năm 2018 số doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn tử 200 tỷ đồng trở lên là 105 doanh nghiệp, tăng 2,9%; nguồn vốn từ 50 tỷ đến dưới 200 tỷ là 313 doanh nghiệp;
     - Khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 142 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 32,7% so với năm 2017, số lượng các doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên là 158 doanh nghiệp, tăng 1,3% so với năm 2017 và là nhóm có tốc độ tăng cao nhất;
          Tuy nhiên vẫn còn 1 số tồn tại sau:
       Thứ nhất: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2017 khoảng trên 800 doanh nghiệp, nhưng trong số đó có 312 doanh nghiệp mới đăng ký nhưng chưa hoạt động, chưa có doanh thu, như vậy số doanh nghiệp đăng ký để hoạt động  sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 60%. Vì vậy việc quản lý danh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, năm 2018 vẫn còn doanh nghiệp không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa làm thủ tục giải thể và vẫn tồn tại trên hệ thống theo dõi của cơ quan Thuế.
       Thứ hai: Chế độ của người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người lao động được đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 46,3%, trong đó chế độ đóng bảo hiểm xã hội cho bộ phận người lao động làm thuê mùa vụ cho các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chưa được theo dõi chặt chẽ. Thu nhập bình quân 1 lao động/tháng của các doanh nghiệp còn thấp
       Thứ ba: Năm 2018 vẫn còn tình trạng công nhân tại một số nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài nghỉ việc tập thể để yêu cầu quyền lợi về an toàn lao động, chế độ làm thêm giờ, chế độ thai sản với lao động nữ, chế độ nghỉ phép; mức hỗ trợ lao động trong môi trường độc hại, hiện tượng xả nước thải chưa xử lý ra môi trường...
Phòng Thống kê Công nghiệp

 

Tổng số điểm của bài viết là: 53 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây