Chăn nuôi lợn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2020 nhiều thách thức và cơ hội

Thứ ba - 09/06/2020 04:27
Chăn nuôi lợn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2020 nhiều thách thức và cơ hội
Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp giàu tiềm năng nhất cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và phát triển công nghiệp chế biến. Cùng với đó, toàn tỉnh có hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, vùng sản xuất được quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ nhờ có sự đầu tư lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động sản xuất chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung vẫn còn gặp khó khăn, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế, các cơ sở chăn nuôi đã tập trung sản xuất khôi phục đàn lợn đặc biệt là đàn lợn nái để kịp thời cung cấp giống cho thị trường. Bên cạnh đó dịch CoVid 19 bùng phát trên người cũng hết sức phức tạp. Các địa phương hiện nay cũng đã và đang kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức.
Theo số liệu ước tính 6 tháng năm 2020 tổng đàn lợn hiện có 680,4 nghìn con tăng 88,4 nghìn con (+14,94%) so với cùng kỳ. Trong đó đàn lợn thịt có 452,3 nghìn con tăng 57,7 nghìn con (+14,65%) đàn lợn nái 88,75 nghìn con tăng 12,4 nghìn con (+16,32%); lợn đực giống 1,17 nghìn con.
Ngành chăn nuôi lợn hiện nay cũng có thuận lợi hơn, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế và cho đến nay tỉnh Thái Bình không phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó luật chăn nuôi đã được ban hành, đây là một trong những pháp lý ổn định để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi lợn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ an toàn sinh học để có được những sản phẩm có giá trị cao.

Trong cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2020 thị trường chăn nuôi lợn có nhiều biến động, giá thịt lợn hơi tăng cao, có thời điểm tăng trên 100 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi. Một mức tăng kỷ lục, cùng với đó giá thức ăn chăn nuôi cũng có xu hướng tăng. Giá lợn giống cũng có biến động mạnh, bình quân từ 2,8 triệu đến trên 3 triệu đồng 1 con giống từng loại. Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thì không bán giống ra ngoài mà phục vụ nuôi ngay tại các cơ sở, chính vì thế buộc người dân phải đi mua các con giống từ các thương lái chuyên đi gom đàn lẻ từ trong dân nên sự rủi ro về dịch bệnh là rất cao. Đây cũng là một khó khăn cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay để người chăn nuôi tập trung tái đàn.     Bên cạnh đó chăn nuôi nông hộ cũng chiểm tỷ trọng lớn trên địa bàn tỉnh, đây là khu vực chăn nuôi quy mô manh mún và nhỏ lẻ nên dễ gặp rủi ro về dịch bệnh, hầu hết các chuồng trại đều nằm trong khu dân cư, trong một chuồng có nhiều đàn lợn với các lứa tuổi khác nhau, không có ô chuồng dành cho lợn mới nhập, người chăn nuôi thì hạn chế về kỹ thuật. Chuồng trại chăn nuôi thì không được vệ sinh thường xuyên nên nên chăn nuôi nhỏ lẻ luôn đối mặt với dịch bệnh. Đây cũng là trong những khó khăn thách thức của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay để tập trung tái đàn, củng cố lại đàn lợn. Chính vì thế cần khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng các kỹ năng ứng dụng và thực hành để tổ chức sản xuất vật nuôi theo hướng tạo sản phẩm sạch, an toàn sinh học, tuyên truyền áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn hiện có. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đảm bảo phù hợp theo đúng luật chăn nuôi đã ban hành.
Có thể nói chăn nuôi lợn tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2020 còn gặp nhiều khó khăn và thách thức cần được sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước để cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn được ổn định và phát triển/.
Phòng Thống kê Nông nghiệp
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây