TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng 4/2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; trong khung lịch thời vụ, điều kiện thời tiết ấm thuận lợi bà con nông dân các địa phương tập trung cho gieo trồng các loại cây vụ Xuân,công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi tiếp tục được chú trọng thực hiện, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; đàn gia súc, gia cầm gia tăng so với cùng kỳ năm trước, kết quả cụ thể như sau:
Nông nghiệp
Trồng trọt
Tình hình gieo trồng vụ Xuân 2023: Theo đánh giá của các địa phương và ngành nông nghiệp lúa và hoa màu vụ xuân hiện đang bén rễ, hồi xanh đến đẻ nhánh. Tuy nhiên đã xuất hiện một số sâu bệnh hại lúa và hoa màu như: bệnh đạo ôn; sâu cuốn lá nhỏ; rầy các loại... đã được bà con nông dân phun thuốc và phòng trừ kịp thời.
Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 13/4/2023 toàn tỉnh đã gieo trồng được 75.019ha, vượt 0,33% kế hoạch sản xuất lúa xuân. Nhìn chung lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt. Công tác điều tiết nước phục vụ gieo cấy của các huyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất.
Gieo trồng cây màu vụ Xuân:Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 13/4/2023 toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.529 ha. Diện tích cây màu xuân đã thu hoạch 8.012 ha, đạt 55% cây màu xuân đã trồng. Diện tích cây màu hè đã trồng 700 ha, đạt 6,3% kế hoạch đề ra thấp hơn 39% so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu rau màu các loại. Hiện các địa phương đang tích cực chăm sóc diện tích cây màu vụ xuân đã trồng và thu hoạch những diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch.
Chăn nuôi
Chăn nuôi gia súc: Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.517 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó sản lượng thịt trâu ước đạt 300 tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt bò ước đạt 3.217 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn: Trong tháng không xuất hiện các ổ dịch lớn, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa trên đàn lợn vẫn xảy ra rải rác.Số lượng các hộ nhỏ lẻ đến thời điểm này đầu tư tái đàn không nhiều do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao và còn e dè sự xuất hiện lại của dịch bệnh.Giá lợn hơi liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay.Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 53,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ (do trọng lượng xuất chuồng gần đây tăng mạnh).
Chăn nuôi gia cầm: Trong tháng tình hình thời tiết ổn định, dịch bệnh ít, số lượng đàn gia cầm duy trì phát triển tốt. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,9 nghìn tấn, tăng 2,0%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 13,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 123,9 triệu quả, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Trong tháng chưa có diện tích rừng trồng mới được bổ sung. Sản lượng gỗ khai thác 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 521 m3, giảm 1%; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.498 ste, tăng 0,5%, số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 743 nghìn cây, giảm 0,3% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản
Tình hình sản xuất thủy sản trong tháng phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 88,1 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 34,7 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 1,1 nghìn tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 52,3 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Khai thác
Sản lượng khai thác 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 35,3 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 22,2 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 2%; thủy sản khác đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ.
Nuôi trồng
Sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 52,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 0,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; thủy sản khác đạt 39,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Tháng 4/2023, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có xu hướng hoạt động ổn định hơn, các doanh nghiệp bắt đầu có những đơn hàng mới và cũng là khoảng thời gian phải tổ chức sản xuất tốt để phục vụ cho những đơn hàng của tháng tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng đến duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều mặt hàng sản xuất mới để duy trì việc làm cho người lao động, phối hợp với công đoàn cơ sở thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động đảm bảo đời sống của công nhân lao động, đồng thời tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, luôn đồng hành cũng với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp tại tỉnh Thái Bình.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số IIP tháng 4/2023 giảm 0,8% so tháng 03/2023, trong đó: ngành Khai khoáng tăng 13,5%; Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0,2%; Sản xuất và phân phối điện giảm 3,6%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%.
Chỉ số IIP ước tính 4 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ năm trước tăng 13,9%, trong đó: ngành Khai khoáng giảm 14,9%; ngành Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,1%; Sản xuất và phân phối điện tăng 54,5%; Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 4/2023 có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc tăng 1,1 lần; túi khí an toàn (+87,6%); Bia chai (+74,6%); điện sản xuất (+64,5%); sản phẩm sứ vệ sinh (+42%);Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng (+30%)... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2022: Nitorat Amoni (-34,5%); Áo sơmi cho người lớn (-26,8%);gạch xây bằng đất nung (-22,6%);Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket (-10,5%)...
Ước chung 4 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 1,4 lần; Thép cán (+47,4%); Bia chai tăng 5,3 lần; khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+28,9%); điện sản xuất (+60,5%); tai nghe khác tăng hơn 3,1 lần... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket (-7,4%); áo sơ mi cho người lớn (-26%); Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ (-8,7%); Khí tự nhiên dạng khí (-21,6%); gạch xây bằng đất nung (-30,9%)...
Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2023 giảm 3,0% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6.0% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,3%).
Chỉ số tồn kho:Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính 4/2023 tăng 5,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 35,0% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước giảm 58,1%).
Chỉ số sử dụng lao động:Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,6% và tăng 36,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,1% và giảm 2,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,9% và giảm 1,3%.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 4/2023 ước đạt 586 tỷ đồng, tăng 17,9% so tháng trước và tăng 36,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 242 tỷ đồng, tăng 19,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 230 tỷ đồng, với mức tăng lần lượt là 17,1% và 68,8%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 114 tỷ đồng, với mức tăng tương ứng 16,2% và 66,7%.
Bốn tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 2.015 tỷ đồng, tăng 39,4% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 824 tỷ đồng, tăng 8,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 802 tỷ đồng, tăng 81%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 389 tỷ đồng, tăng 65,4% so cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư chuyển tiếp bằng nguồn ngân sách, dự kiến trong tháng 4/2023.
Dự án xây dựng hồ Ty Diệu Thành phố Thái Bình, vốn đầu tư 110 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng; Dự án xây dựng công viên Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình, vốn đầu tư 99,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 9 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Quỳnh Hưng, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 137,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường huyện 71 đi CCN Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 77 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 8 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường QL39 đến đường huyện ĐH.65, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 79 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 9 tỷ đồng; Dự án xây dựng khẩn cấp cầu Đồng Lạc Giai đoạn 2, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 47 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 6 tỷ đồng; Dự án cải tạo đường điện 110Kv đường Hưng Hà 2 - Phố cao, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 15 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường cấp I+II Dân chủ xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 8 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường T45 xã Liên Hiệp đi xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 6 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường từ xã Minh Tân đến Đền Trần, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 125 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 6 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường T33 đoạn từ xã Thái Hưng đi xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường T40 nối từ đền thờ Lê Quý Đôn xã Độc Lập đi Đền thờ cách mạng Vệ Sỹ xã Chí Hòa huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Tân đi Độc Lập đến đền Trần xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 182 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trường THCS Phạm Huy Quang huyện Đông Hưng, vốn đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5,8 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường huyện ĐH.53 từ QL10 đến cầu Lan xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, vốn đầu tư 71 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 4 tỷ đồng;
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu ven biển huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 261 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,6 tỷ; Dự án xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong khu kinh tế Thái Bình huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 2.516 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 10 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu sông Hóa với tuyến đường bộ ven biển, đoạn từ cầu sông Hóa đến Quốc lộ 37 mới, vốn đầu tư 124,6 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 20 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 5 từ đê sông Diêm Hộ đến đường quy hoạch số 2 huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 231 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 12,4 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 2 (đoạn từ tuyến đường bộ ven biển đến đường tỉnh ĐT.461) huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 195 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 10 tỷ đồng; Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phong đi Thụy Duyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 105 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,3 tỷ đồng; Dự án xây dựng trụ sở làm việc Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thái Xuyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 1 tỷ đồng; Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phúc đi Thụy Hưng huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,3 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu Chiều đường ĐH93F, xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,1 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đường huyện ĐH.93 vào UBND xã Thuần Thành huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 43,3 tỷ đông, dự kiến tháng 4 đạt 3,6 tỷ đồng; Dự án xây dựng trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thái Thụy (Giai đoạn II) Hạng mục: Nhà thi đấu đa năng, bể bơi ngoài trời và các hạng mục phụ trợ, vốn đàu tư 59,7 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng giao thông Thủy lợi vùng sản xuất tập trung thôn Duyên Nghĩa xã Thụy Duyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 12 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,2 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 86 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 1,5 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong, Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,1 tỷ đồng; Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,2 tỷ đồng; Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải (GĐ2), vốn đầu tư 55 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,1 tỷ; Dự án xây dựng đường vành đai (Vũ Trọng) kéo dài cắt đường 8B xã An Ninh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 151 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,3 tỷ; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường huyện ĐH.30 (giai đoạn 2) đoạn đường từ đại đồng đến đường tỉnh ĐT 462, xã Nam Trung huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 38,6 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,7 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Vũ An đi Vũ Lễ huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 6 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,1 tỷ đồng; Dự án nâng cấp cải tạo đường, rãnh thoát nước xã Vũ Bình (GĐ2) huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 9,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 1,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng UBND, Nhà văn hóa xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 24 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 37,8 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,8 tỷ đồng; Dự án nâng cấp hạ tầng đường xã Trà Giang huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 80 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5,2 tỷ đồng; Dự án xây dựng trung tâm nhà văn hóa huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 50 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,3 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, cải tạo cầu Nụ xã Lê Lợi huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 18 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,9 tỷ đồng; Dự án xây dựng UBND xã Quốc Tuấn huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 6,2 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường huyện ĐH.02 (đoạn từ La Uyên đến Búng) huyện Vũ Thư, vốn đầu tư 69,5 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 2,3 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn qua xã Tân Phong huyện Vũ Thư đoạn đường từ đường tỉn 454 (đường 223 cũ) đến đê sông Trà Lý, vốn đầu tư 91 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 3,5 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ chùa Keo tỉnh Thái Bình đi chùa Cổ Lễ tỉnh Nam Định, vốn đầu tư 66 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 4,5 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến đầu tháng 4 năm 2023 đã cấp 293 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 1.832 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 236 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 51 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 51 doanh nghiệp.
Trong tháng 4/2023 trên địa bàn tỉnh không phát sinh dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Tính chung 4 tháng có 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5,5 triệu USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tháng 4 năm 2023 thị trường hàng hóa và giá cả tương đối ổn định, sức tiêu dùng một số nhóm hàng theo mùa vụ có xu hướng chững lại. Trong tháng có kỳ nghỉ lễ dài 30/4-01/5 tác động đem lại doanh thu cho nhóm lương thực, thực phẩm, ngành dịch vụ ăn uống và vận tải hành khách.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2023 ước đạt 5.578 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 4.895 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng tăng so với tháng trước như: nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 3,9%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 3,7%; nhóm sửa chữa xe có động cơ tăng 3,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,0%; nhóm hàng may mặc tăng 2,3%;…ngược lại một số sản phẩm giảm: nhóm ô tô con giảm 26,7%; nhóm đá quý, kim loại quý giảm 11,1%; nhóm xăng dầu các loại giảm 2,3%; nhóm nhiên liệu khác giảm 1,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 4 năm 2023 ước đạt 407 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 35,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 13 tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 12,4%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 391 tỷ đồng, tăng 1% và tăng 36,8%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 2,7 tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 31,5%.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 4/2023 ước đạt 276 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ, trong đó: Bất động sản tăng 2,1% và giảm 4,8%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 0,3% và tăng 4,3%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 8,2% và giảm 35,1%; dịch vụ y tế tăng 0,1% và tăng 15,5%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 4,7% và giảm 9,4%; dịch vụ sửa chữa tăng 0,6% và tăng 4,6%; dịch vụ khác tăng 2,7% và tăng 1,3%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 22.492 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.743 tỷ đồng (chiếm 87,8% tổng mức), tăng 17,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 1.607 tỷ đồng (chiếm 7,1% tổng mức), tăng 36,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.142 tỷ đồng (chiếm 5,1% tổng mức), tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,82% so với tháng trước, tăng 0,94% so với cùng tháng năm trước; và giảm 1,90% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước (hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng); có 3 nhóm hàng tăng giá và 6 nhóm hàng có giá ổn định. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 4/2023 so với tháng trước: Nhóm thực phẩm giảm 2,24% tác động CPI chung giảm 0,25% điểm phần trăm, ảnh hưởng từ giảm giá các mặt hàng thực phẩm; Nhóm giao thông tăng 0,45%, do tác động của giá xăng dầu tăng vào ngày 04/4/2023 và ngày 12/4/2023 (xăng 95 tăng 1.230 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít; dầu điezen tăng 840 đồng/lít; dầu hỏa tăng 270 đồng/lít), ngày 22/4/2023 giá xăng dầu giảm (xăng 95 giảm 620 đồng/lít; xăng E5 giảm 500 đồng/lít; dầu điezen giảm 750 đồng/lít; dầu hỏa giảm 250 đồng/lít), ảnh hưởng từ thay đổi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh từ giá xăng dầu thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có nhóm bưu chính viễn thông ổn định, nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 3,77%; 9/11 nhóm hàng còn lại có chỉ số giá tăng: nhóm giáo dục (+12,16%); nhóm đồ uống và thuốc lá (+6,07%) do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+4,99%) chủ yếu tăng ở nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (+2,47%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+1,75%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,72%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+1,07%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+1,06%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,91%).
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 289 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.241 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 4,3%, nhập khẩu giảm 30,6%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2023 ước đạt 178 triệu USD, giảm 3% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 107 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 71 triệu USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 6,5% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Hàng dệt may đạt 96 triệu USD chiếm 54%, giảm 2,7%; hàng hóa khác đạt 31 triệu USD chiếm 17,5%; giảm 9,2%. Ngược lại một số mặt hàng tăng: xơ, sợi dệt các loại đạt 13 triệu USD, tăng 3,6%; hàng thủy sản đạt 2,4 triệu USD, tăng 1,9%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,6 triệu USD, tăng 2,2%; sản phẩm gốm, sứ đạt 1,6 triệu USD, tăng 1,8%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,5 triệu USD, tăng 1,8%;...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 721 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 432 triệu USD, tăng 7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 289 triệu USD, tăng 0,5%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,4 lần; hàng thủy sản tăng 69,1%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 52,2%; sản phẩm gốm, sứ tăng 17,6%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 17,5%;... Ngược lại một số sản phẩm giảm như: sắt thép giảm 40%; sản phẩm gỗ giảm 38,5%; xơ, sợi dệt các loại giảm 28,1%; sản phẩm từ sắt thép giảm 22,4%; hàng hóa khác giảm 2,7%.
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa, Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh đạt 384 triệu USD (chiếm 53,2%), tăng 7,5% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Mỹ đạt 191 triệu USD 9chiếm 26,4%), tăng 18,8%; Châu Âu đạt 58 triệu USD (chiếm 8%), tăng 75,4%.
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2023 ước đạt 111 triệu USD, giảm 6,7% so với tháng trước và giảm 28,4% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ chủ yếu do không nhập khẩu xăng dầu, do giá xăng dầu biến động tăng nên doanh nghiệp tạm ngừng nhập khẩu, xuất hàng tồn ra phân phối. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 44 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng trước và giảm 57,8% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 67 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 33,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Bông các loại giảm 41,3%; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 28,9%; xơ, sợi dệt các loại giảm 25,8%; sắt thép các loại giảm 2,4%. Ngược lại, một số mặt hàng tăng: Phế liệu sắt thép tăng 10%; hóa chất tăng 8,2%; hàng thủy sản tăng 6,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 3,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 2,9%;…
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 520 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ. Theo thành phần kinh tế: kinh tế tư nhân đạt 284 triệu USD, giảm 48,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 236 triệu USD, tăng 21,6%. Một số mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép (+14,4 lần); máy vi tính, sản phẩm điện tử (+1,3 lần); hóa chất (+99,2%); máy móc, thiết bị, phụ tùng khác (+49,8%). Ngược lại,một số mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản (-85,8%); xăng dầu các loại (-71,2%); xơ, sợi dệt các loại (-62,9%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (-31%); sắt thép các loại (-30,6%); chất dẻo nguyên liệu (-23,9%);…
Hoạt động vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 4/2023 ước đạt 682 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 21,1% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 2.638 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động vận tải hành khách tăng 23,8%; hoạt động vận tải hàng hóa tăng 11,8%.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 4/2023 ước đạt 192 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 21,4% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,6 triệu người, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 292 triệu người.km, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 753 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 10,1 triệu người, tăng 25%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 1.146 triệu người.km, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 483 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 284 tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 23,5%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 171 tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 20,6%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 28 tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 5,6%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 3,0 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.066 triệu tấn.km, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 23,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.859 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 14,3%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 4.099 triệu tấn.km, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4/2023 ước đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 24 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 4/2023 ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước và hoạt động ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10.622,9 tỷ đồng, đạt 50,6% so với dự toán, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 2.590 tỷ đồng, giảm 22,5%; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 663 tỷ đồng, giảm 45,3%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 2.019 tỷ đồng, giảm 26,1%.
Tổng chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.003,8 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 3.313,8 tỷ đồng, tăng 52,6%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 2.587,8 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến 30/4/2023, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 112.375 tỷ đồng, tăng 7,5% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 88.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức chiếm 0,78% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Trong tháng 4/2023, toàn tỉnh có 3.600 lao động có việc làm tăng thêm, trong đó tạo việc làm tại địa phương 2.500 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 740 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 360 lao động. Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho 01 doanh nghiệp; tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 20 đơn vị với 78 vị trí công việc; cấp giấy phép lao động cho 43 lao động nước ngoài (trong đó cấp mới 37 lao động, cấp lại 01 lao động, gia hạn 05 lao động); thu hồi giấy phép lao động của 04 lao động; thẩm định và giới thiệu 01 doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bốn tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11.400 người được tạo việc làm mới (đạt 33,04% kế hoạch năm, bằng 101,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tạo việc làm tại địa phương 8.230 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 2.320 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 850 lao động. Tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 59 đơn vị với 152 vị trí công việc; cấp giấy phép lao động cho 132 lao động nước ngoài, thu hồi giấy phép lao động của 03 lao động; xác nhận hợp đồng cá nhân cho 03 lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan.Thẩm định và giới thiệu cho 09 doanh nghiệp về tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trợ cấp xã hội
Tiếp tục duy trì, thực hiện tốt việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội tại các trung tâm của tỉnh. Các trung tâm bảo trợ xã hội công lập đã chủ động chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng lang thang, cơ nhỡ dịp Tết nguyên đán năm 2023. Hiện tại, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đang chăm sóc và nuôi dưỡng 89 đối tượng; Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho Người tâm thần đang chăm sóc và nuôi dưỡng 152 đối tượng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời điểm tháng 3/2023, toàn tỉnh có 84 trường hợp tham gia Chương trình Cặp lá yêu thương. Các chính sách trợ giúp xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định.
Công tác đối với người có công
Tháng 4/2023, Sở đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan tham gia giải quyết các đơn khởi kiện tại Tòa án đối với các đơn liên quan đến nội dung Kết luận số 44/KL-TTr của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn triển khai Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Duy trì việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đúng quy định. Bốn tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận và giải quyết 3.974 lượt thủ tục hành chính về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 3.461 lượt thủ tục, tại bộ phận Một cửa của Sở tiếp nhận 513 lượt thủ tục), 100% thủ tục giải quyết đúng hạn, không có thủ tục quá hạn. Kết quả, đã giải quyết chế độ đối với thân nhân sau khi người có công với cách mạng từ trần 836 trường hợp; sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công 632 trường hợp; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ 513 trường hợp; giải quyết chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh 362 trường hợp; giải quyết thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với 239 trường hợp; cấp thẻ, giấy chứng nhận chất độc hóa học, thương, bệnh binh cho 76 trường hợp. Tiếp nhận 630 văn bản đến liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đã phúc đáp, giải quyết 520 văn bản thuộc thẩm quyền.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS
Ngành Y tế Thái Bình chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, khử khuẩn khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ. Tăng cường truyền thông phòng bệnh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.263 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 765 phụ nữ nhiễm (33,8%), 30 trẻ em nhiễm (1,32%), phát hiện mới 43 người nhiễm HIV và 12 trường hợp phơi nhiễm với HIV; 381 đối tượng nguy cơ cao được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep).
Tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; để chủ động phòng, chống dịch, phát hiện sớm, kịp thời xử lý các ổ dịch không để lây lan và hạn chế tối đa các ca mắc, tử vong. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành và triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương, cơ quan, đơn vị.Giám sát chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, trường học, doanh nghiệp và các địa phương lân cận; kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai phối hợp trong điều tra, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng nhất là khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.Chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch theo phương châm “Bốn tại chỗ”.Các địa phương, ngành y tế, ngành giáo dục tiếp tục tăng cường phối hợp hơn nữa trong hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin phòng bệnh khác.
Tính đến 16h00 ngày 21/4/2023, Thái Bình đã thực hiện 4.358.203 mũi tiêmvắc xinCovid-19. Tính từ ngày 01/01/2023 đến nay số ca mắc Covid-19 là 53 ca mắc, trong đó 06 ca tại bệnh viện/khu thu dùng; 47 ca theo dõi tại nhà.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lựa chọn sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, khuyến khích sử dụng sản phẩm nông sản của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các cơ quan có liên quan triển khai các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm trong năm 2023, thực hiện việc giám sát, cảnh báo nguy cơ không bảo đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ quan liên quan khắc phục các sự cố về thực phẩm phát sinh trên địa bàn.
Hoạt động giáo dục
Ngày 31/3/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 627/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Theo đó kỳ thi năm nay sẽ tiến hành vào các ngày 08,09,10/6/2023. Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT đại trà thi 03 môn thi, gồm: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh. Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển vào trường THPT Chuyên sẽ phải thực hiện qua 2 vòng: sơ tuyển và thi tuyển; Thí sinh sẽ phải dự thi 04 môn thi gồm 03 bài thi đại trà (như các thí sinh dự thi vào các trường THPT đại trà) và 01 bài thi môn chuyên theo lớp chuyên đã đăng ký.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” theo hình thức trực tiếp tại Trường THPT Nam Duyên Hà và trực tuyến trên nền tảng Zoom Meetings cho trên 20.000 thầy cô, học sinh tại 483 điểm cầu ở 38 trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (GDNN); định hướng, phân luồng học sinh sau THCS, THPT; tư vấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong tuyển sinh đầu cấp; giới thiệu kế hoạch tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục, toàn tỉnh hiện có 29.885 người tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng là 2.870 người, trung cấp là 6.020 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 20.995 người.
Về văn hóa thể dục thể thao
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động, triển lãm sách, báo chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (07/4/2008 - 07/4/2023); Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; tuyên truyền các nội dung về thực hiện chuyển đổi số, việc thực hiện Đề án 06 và công tác cải cách hành chính.
Tiếp tục triển khai mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ. Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Phối hợp với Báo Thái Bình, Liên đoàn Bóng bàn tổ chức thành công giải Bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Thái Bình năm 2023. Xây dựng kế hoạch tập huấn tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Tham mưu tổ chức đăng cai giải vô địch Cầu lông đồng đội và vòng bảng giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc năm 2023 tại Thái Bình.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, khai thác bãi biển các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải huyện Thái Thụy thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh. Tổ chức tiếp nhận tác phẩm dự thi sáng tác Biểu trưng (Logo) tỉnh Thái Bình. Tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động du lịch.
Triển khai kế hoạch tổ chức chương trình tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc chủ đề “Biển và hải đảo Việt Nam”. Tổ chức luyện tập 02 chương trình tham dự cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc và cuộc thi độc tấu - hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao trong tháng 4 năm 2023 (tính từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/4/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ, số người chết là 05 người và 02 người bị thương. Tính chung 4 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm 22 người chết và 23 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), 15/01/2023 đến ngày 15/4/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.