Sau khủng hoảng giá thịt lợn năm 2017, trong năm 2018, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn đã phục hồi và phát triển trở lại, giá lợn hồi phục, người chăn nuôi có lãi, quy mô đàn lợn đã đạt trên 1 triệu con, góp phần cho ngành chăn nuôi đạt được các mục tiêu đề ra năm 2018.
Bước sang năm 2019, tình hình chăn nuôi của tỉnh Thái Bình, nhất là chăn nuôi lợn đã gặp phải những khó khăn, thách thức. Từ ngày 12/2/2019, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và đang ngày càng diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh vì đặc điểm chăn nuôi của Thái Bình là các hộ nhỏ lẻ chiếm phần lớn, với trên 7.500 gia trại và trên 75 nghìn hộ chăn nuôi, số hộ được cấp giấy chứng nhận an toàn ít. Tính đến ngày 05/3/2019 đã xuất hiện ổ dịch tại 4 huyện với tổng số 35 xã (huyện Hưng Hà: 13 xã, huyện Đông Hưng: 13 xã, huyện Quỳnh Phụ: 8 xã, huyện Vũ Thư: 01 xã). Tổng số lợn tiêu hủy tại 300 hộ với 2.664 con, trọng lượng trên 162 tấn.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND Thái Bình đã ban hành 3 Công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh Thái Bình cần tập trung phòng, chống với dịch tả lợn châu Phi; đã thành lập 305 chốt kiểm soát dịch bệnh tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyên môn tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm, thường xuyên giám sát, kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch. Trong giai đoạn này công tác phòng chống và dập dịch đã được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn nhằm hạn chế ở mức thấp nhất tổn thất đối với ngành chăn nuôi trong tỉnh, điều này đặc biệt quan trọng nhất là đối với địa phương Thái Bình có quy mô đàn lợn đạt trên 970.000 con. Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác dập dịch sẽ góp phần vào sự phát triển đối với sản xuất Nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng trong năm 2019.
Phòng Thống kê Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn