Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2020 tỉnh Thái Bình

Thứ tư - 29/04/2020 11:20
1 (3)
1 (3)
1 (3)

2 (6)

3 (4)
 
 
 Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng, các địa phương tập trung chăm sóc diện tích lúa, màu xuân đã gieo cấy. Ngành chăn nuôi tập trung tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGap. Ngành thủy sản phát triển theo hướng tăng trưởng cao, bền vững, duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch.
 Nông nghiệp
Trồng trọt
Tình hình gieo cấy lúa Xuân:
Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân 2020 sơ bộ đạt 76.252 ha, giảm 1,7% so với vụ xuân năm trước. Diện tích gieo cấy lúa tại các huyện, thành phố trong tỉnh hầu hết giảm so với năm trước, một số huyện có diện tích giảm nhiều như: Quỳnh phụ 329 ha, Đông Hưng 260 ha, Tiền Hải 210 ha, Kiến Xương 155 ha,... Nguyên nhân giảm do các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp 418 ha; chuyển sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm 340 ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản 50 ha và khoảng 434 ha không canh tác.
Hiện toàn bộ diện tích lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong thời kỳ đứng cái và làm đòng. Tuy nhiên điều kiện thời tiết năm nay có thể diễn biến phức tạp khó lường, dự báo thời gian tới nhiệt độ tăng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp nhất là bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy các loại,... do vậy bà con nông dân cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
 - Gieo trồng cây màu vụ xuân: Diện tích gieo trồng cây màu vụ xuân theo báo cáo sơ bộ từ các huyện đạt 14.770 ha, tăng 347 ha (+2,4%) so với cùng kỳ và vượt 1,3% kế hoạch đề ra. Theo tiến độ sản xuất nông nghiệp tính đến ngày 16/4/2020 diện tích cây màu xuân đã thu hoạch đạt 9.190 ha, chiếm 62,2% diện tích đã trồng, chủ yếu là thu hoạch các loại rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. Hiện các địa phương đang tích cực chăm sóc diện tích cây màu vụ xuân đã trồng và thu hoạch những diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch.
- Cây lâu năm: Thời điểm này các loại cây ăn quả như mít, ổi, nhãn, vải,  hồng xiêm,... đang trong thời kỳ trổ hoa rộ, thời tiết thuận lợi, mưa không nhiều sẽ hứa hẹn được mùa trong thời gian tới.
Chăn nuôi:
Trong tháng, chăn nuôi trâu bò duy trì ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá, tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã ổn định, giá thịt lơn hơi trong tháng 4 tăng nhẹ so với tháng 3/2020, tuy nhiên quy mô đầu tư vẫn chưa thật sự khởi sắc.
Chăn nuôi gia súc: Chăn nuôi trâu bò phát triển ổn định, giá cả và mức tiêu thụ đạt khá, dịch bệnh ít nên người chăn nuôi yên tâm sản xuất. Tổng đàn trâu, bò tại thời điểm 01/4/2020 ước đạt 56,2 nghìn con, tăng 2,7% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 6,4 nghìn con, tăng 1,1%; đàn bò ước đạt 49,8 nghìn con, tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng tháng 4/2020 ước đạt 825 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng thị trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 3.317 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
 Chăn nuôi lợn: Mặc dù tình hình dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế, các cơ sở chăn nuôi đang trong thời kỳ phục hồi và tái đàn trở lại, song số lượng các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa đến thời điểm này tái đàn không nhiều. Nguyên nhân do giá lợn giống đã tăng gấp đôi so với trước khi có dịch, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặt khác dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc-xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên người chăn nuôi vẫn còn thận trọng khiến việc tái đàn lợn diễn ra chậm.
Tổng đàn lợn tại thời điểm  01/4/2020 ước đạt 774,0 nghìn con, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4/2020 ước đạt 12,2 nghìn tấn, giảm 6,6% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 49,8 nghìn tấn, giảm 5,0% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm:
Tình hình chăn nuôi gia cầm phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng tăng. Sản lượng tiêu thụ thịt gia cầm trong tháng có phần chững lại, giá các mặt hàng thịt gia cầm giảm nên người chăn nuôi cũng phần nào hạn chế tăng đàn.
 Ước tính số lượng đàn gia cầm tại thời điểm 01/4/2020 đạt gần 14,0 triệu con, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 4,4% so với cùng kỳ; trong đó số lượng đàn gà đạt 10,0 triệu con, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 4/2020 ước đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 6,2%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 3,8 nghìn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 20,2 nghìn tấn, tăng 6,2% ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 15,5 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Nhiều trang trại đã mở rộng quy mô nuôi gia cầm đẻ trứng phục vụ nhu cầu thị trường. Sản lượng trứng gia cầm các loại tháng 4/2020 ước đạt 27,6 triệu quả, tăng 1,9%; sản lượng trứng gia cầm các loại 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 108,6 triệu quả, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
 Lâm nghiệp
Ngành lâm nghiệp đang xây dựng kế hoạch triển khai dự án phục hồi và trồng bổ sung rừng ngập mặn ven biển, đồng thời tập trung vào việc chuẩn bị địa bàn, vốn, giống cho trồng rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây phân tán nội đồng.
Trong tháng chưa có diện tích rừng trồng mới được bổ sung. Sản lượng gỗ khai thác tháng 4/2020 ước đạt 88 m, giảm 12,0%; sản lượng củi khai thác ước đạt 718 ste, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 496 m3, giảm 12,8%; sản lượng củi khai thác ước đạt 2.403 ste, 14,1% so với cùng kỳ..
Thuỷ sản
Tổng sản lượng thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 20,2 nghìn tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 80,4 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 32,5 nghìn tấn, tăng 6,1%; tôm đạt trên 0,8 nghìn tấn, tăng 8,1%; thủy sản khác đạt 47,1 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
  Khai thác
Tình hình thời tiết trong tháng có những diến biến phức tạp, xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, độ ẩm cao, sương mù kéo dài. Mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến tần suất chuyến ra khơi đánh bắt của ngư dân và giá cả sản phẩm thủy sản. Hiện đang vào vụ khai thác nhưng sản lượng khai thác các sản phẩm cá, tôm có giá trị cao không nhiều, do nguồn lợi thủy sản có xu hướng giảm.
 Sản lượng khai thác tháng 4/2020 ước đạt 8,4 nghìn tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 5,4 nghìn tấn, tăng 7,6%; tôm đạt trên 0,1 nghìn tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác đạt 2,9 nghìn tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng khai thác ước đạt 33,2 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 20,7 nghìn tấn, tăng 7,5%; tôm đạt gần 0,5 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 12,0 nghìn tấn, tăng 7,2% so cùng kỳ.
Nuôi trồng         
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 11,8 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 2,9 nghìn tấn, tăng 3,0%; tôm đạt gần 0,1 nghìn tấn, tăng 10,9%; thủy sản khác đạt 8,7 nghìn tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 47,2 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 11,8 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt gần 0,4 nghìn tấn, tăng 13,5%; thủy sản khác đạt 35,0 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Thời điểm này các địa phương đã ổn định việc cải tạo ao đầm, đang thả giống cho vụ nuôi mới. Các hộ, cơ sở nuôi tôm đặc biệt là tôm thẻ chân trắng tiếp tục phát triển, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghệ cao trong nhà bạt ngày càng mở rộng, sản lượng đạt khá góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của ngành thủy sản. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 4/2020 ước đạt 50 tấn, tăng 66,6%, sản lượng tôm sú ước đạt 32 tấn, giảm 3,0% so với cùng kỳ. Trong những tháng tới sản lượng nuôi tôm sú tiếp tục tăng do diện tích những lứa tôm đầu vụ đã chuẩn bị cho thu hoạch.     
 Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước giảm 20,9% so với tháng trước và giảm hơn 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng như:  Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng hơn 5,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2019.
     *Tính chung 4 tháng dầu năm 2020, IIP tăng hơn 3,5% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng hơn 38,1%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 7% so  với cùng kỳ năm trước
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 4 năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: loa đã và chưa lắp đặt vào hộp loa ước đạt 2.010 nghìn cái, tăng 82%; thức ăn gia súc ước đạt 10.090 tấn, tăng 66,4%; khí và dạng khí tự nhiên ước đạt 3 triệu m3, tăng gần 57%; bộ đèn sử dụng cho cây NOEL ước đạt 25 nghìn bộ, tăng 21,3%; cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn ước đạt 549 nghìn cái, tăng 18,3%; polyaxetal, polyete và nhựa epoxy dạng nguyên ước đạt 2.259 tấn, tăng 11,4%; Dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhúng vào kim loại ước đạt trên 3.136 triệu đồng, tăng 6,7%; thức ăn cho gia cầm ước đạt gần 5 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm giảm trong tháng như: bia dạng lon trong tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh covid nên mặt hàng không sản xuất trong tháng 4; tai nghe khác ước đạt 1.142 nghìn cái, giảm 82,6%; bia chai ước đạt 376 nghìn lít, giảm 77,2%; Các mặt hàng giảm nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng do dịch bệnh đang bùng phát việc ngừng hoạt động sản xuất cho công nhân nghỉ giãn cách xã hội, ngưng các hoạt động vui chơi theo Nghị định 15,16; một số doanh nghiệp nhân lực tham gia sản xuất ở mức thấp, giảm đơn hàng trong tháng so với cùng kỳ năm 2019.
4 tháng đầu năm 2020, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ như: dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhúng vào kim loại ước đạt 20.085 triệu đồng, tăng 68,2%; thức ăn gia súc ước đạt 36,6 nghìn tấn, tăng gần 56%;  điện sản xuất ước đạt 1.232 triệu kwh, tăng 43,6%; loa đã và chưa lắp đặt vào hộp loa ước đạt 7.687 nghìn cái, tăng 38%; cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn ước đạt 2.203 nghìn cái, tăng 22%; khí tự nhiên dạng khí ước đạt 10 triệu m3, tăng 16,4%; Nitơrat A moni ước đạt 68.021 tấn, tăng 14,8%; điện thương phẩm ước đạt 858 triệu kwh tăng 8,2%;… Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm trong 4 tháng đầu năm như: bia dạng lon ước đạt 6.744 nghìn lít, giảm 64,4%, tàu đánh bắt thủy hải sản, các loại tàu chuyên dụng ước đạt 6,5 tỷ đồng, giảm 62%. So với cùng kỳ nguyên nhân giảm chủ yếu vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ Nghị Định của Chính phủ ban hành về việc kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cùng với đó là dịch covid kéo dài những ngày giãn cách xã hội, các ngành dịch vụ nhà hàng không được hoạt động đã ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng trên.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4 năm 2020 giảm 21,1% so với tháng trước và giảm hơn 25,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tính đến tháng 4 năm 2020 tăng  hơn 7,6%% so với tháng trước và tăng hơn 23,1% so với  cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2020 tăng hơn 2,5 so với cùng thời điểm năm trước. Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,6%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. 
 Đầu tư
Tháng 4/2019 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 307,6 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt trên 161 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng giảm 1,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 66,3 tỷ đồng, tăng  gần 7% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt trên 80,1 tỷ đồng, tăng hơn 3,2% so với tháng trước và tăng hơn 7,4% so với cùng kỳ năm 2019.
4 tháng đầu  năm 2020 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 1.121 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 576,4 tỷ đồng, tăng 3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt trên 244,8 tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn ngân sách cấp xã ước đạt gần 300 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
*Một số dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh: Trong tháng 4 một số dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh dự kiến ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid 19.
Dự án Đền Thờ Bác Hồ - Quảng Trường Thái Bình, vốn đầu tư gần 202 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường giao thông nội đồng xã Kim Trung, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 6 tỷ đồng, do ảnh hưởng dịch nên tháng 4 không thực hiện thi công.
Dự án đường từ ngã 6 huyện đi xã Kim Trung, Huyện Hưng Hà, do ảnh hưởng dịch nên tháng 4 không thực hiện thi công.
Dự án sửa sang toàn xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, do ảnh hưởng dịch nên tháng 4 không thực hiện thi công.
Dự án xây dựng đường Vũ Trung đi Vũ Hòa huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, do ảnh hưởng dịch nên tháng 4 không thực hiện thi công.
Dự án Tượng đài Bác Hồ với nông dân, vốn đầu tư  gần 202 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 4 tỷ đồng, bằng 67% so tháng 3.
Dự án xây dựng đường Kỳ Đồng, vốn đầu tư hơn 265 tỷ đồng, do ảnh hưởng dịch nên tháng 4 không thực hiện thi công.
Dự án đường huyện 73 từ Cầu Vật đến UBND xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 gần 7 tỷ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường Thái Bình - Hà Nam, vốn đầu tư 140 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 1,5 tỷ đồng bằng 19% so tháng 3 do ảnh hưởng dịch.
Dự án đường huyện 64 đoạn Cống Hò đi xã Tây Đô, vốn đầu tư hơn 58 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt 5 tỷ đồng bằng 56% so tháng 3.
Dự án đền thờ liệt sỹ huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 117 tỷ đồng, dự kiến tháng 4 đạt hơn 3 tỷ đồng, bằng 50% so tháng 3.
* Trong tháng 4 năm 2020 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới không phát sinh. Tính đến thời điểm này có 03 dự án với tổng vốn đầu tư là 23,1 triệu USD với mục đích đầu tư là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hình thức đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ các nước Hàn Quốc và Hồng Kông. 
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
*Tính đến đầu tháng 4 năm 2020 đã cấp 171 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 1.408 tỷ đồng . Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động: 109 doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 23 doanh nghiệp. Trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 23 doanh nghiệp.    
    Hoạt động dịch vụ
 Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 4/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 3.207 tỷ đồng, giảm 17,5% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 3.012 tỷ đồng, giảm 12% so với tháng trước và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú ước đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 74,4% so với tháng trước và giảm 80% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 96,2 tỷ đồng, giảm 57,3% so với  tháng trước và giảm 66% so với cùng kỳ; do ảnh hưởng của dịch  Covid-19 doanh thu du lịch lữ hành không có doanh thu; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 96,3 tỷ đồng, giảm 58% so với tháng trước và giảm 51,4% so với cùng kỳ. Trong tháng, nhiều nhóm hàng bán lẻ giảm so với tháng trước, một vài nhóm tăng nhẹ  so với tháng trước như: lương thực thực phẩm tăng 2,9% và nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 4 tháng đầu năm 2020 đạt 15.058 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ngành kinh tế: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 13.362 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 813 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ; còn lại các dịch vụ khác giảm mạnh: doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú giảm 26%; doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 22%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 73% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.362 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm trước trong đó như: Nhóm đá quý, kim loại quý ước đạt 287 tỷ đồng, tăng 25%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 4.358 tỷ đồng, tăng 12%; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 2.287 tỷ đồng,tăng 10%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.853 tỷ đồng, tăng 9,2%; … Bên cạnh đó còn có mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước như:  Nhóm vật phẩm văn hóa  giáo dục ước đạt 95 tỷ đồng, giảm 13,5%;  nhóm ô tô con ước đạt 168 tỷ đồng, giảm 8,2%; nhóm hàng may mặc ước đạt 513 tỷ đồng, giảm 6%;..     
Vận tải

Hoạt động vận tải trong tháng 4 năm 2020 giảm mạnh so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa giảm mạnh so với tháng trước.
Vận tải hành khách
Tháng 4/2020, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 45 tỷ đồng, giảm 65% so với tháng trước và giảm 67% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt  644 nghìn người, giảm 64% so với tháng trước và giảm 65% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách luân chuyển ước đạt hơn 58 triệu người.km, giảm 71% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 72%.
Doanh thu vận tải hành khách 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 457 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 6,2 triệu người, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 679 triệu người.km so với cùng kỳ năm trước giảm 14%.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 4/2020 ước đạt 248 tỷ đồng, giảm 23% so với tháng trước và giảm 22% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, giảm 17% so với tháng trước và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt hơn 574 triệu tấn.km, giảm 12% so với tháng trước, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.280 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 8 triệu tấn,  tương đương so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 2.872 triệu tấn.km, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4/2020 ước đạt 4 tỷ đồng, giảm 15% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.  
Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính 4 tháng năm 2020 đạt gần 7.848 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 1.817 tỷ đồng, giảm 12,1%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt gần 377 tỷ đồng, giảm 10,7%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 3.177 tỷ đồng tăng 26,6%...
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 4 tháng năm 2020 ước đạt 4.908 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 2.146 tỷ đồng, tăng 21,5%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 2.227 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
 Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa hóa tháng 4 năm 2020 ước đạt 220 triệu USD, bằng 87% so với tháng trước và 78% so cùng kỳ.
Xuất khẩu:
Tháng 4/2020, trị giá xuất khẩu ước đạt 112 triệu USD, giảm 17% so với tháng trước và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế:  kinh tế tư nhân ước đạt 59 triệu USD,  giảm 20% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 53 triệu USD, giảm 13% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu tháng 4/2020 tăng so với tháng trước như: giấy và các sản phẩm từ giấy (+18%); máy vi tính, sản phẩm điện tử (+8%); xơ, sợi dệt các loại (+1%); xăng dầu các loại(+0,7%); còn lại các mặt hàng giảm trong tháng như: sắt thép(-64%); hàng thủy sản (-32%); hàng dệt may(-19%);...
Trị giá xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 469 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 257 triệu USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 212 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu các loại tăng gấp 3 lần; sản phẩm gỗ (+72%); giấy và các sản phẩm giấy (+37%);... Bên cạnh đó mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: sắt thép(-75%) sản phẩm mây tre cói thảm (-53%); xơ, sợi dệt các loại (-33%);...
   Nhập khẩu:
Trị giá nhập khẩu tháng 4/2020 ước đạt 108 triệu USD, giảm 7% so với tháng trước và giảm 30 % so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân trị giá nhập khẩu ước đạt 61 triệu USD, tăng 5% so với tháng trước và giảm 35% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 47 triệu USD, giảm 19% so với tháng trước và giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tháng 4/2020 tăng so với tháng trước như: Xăng dầu tăng gấp 2 lần; phế liệu sắt thép (+16%);…Bên cạnh đó còn có mặt hàng giảm mạnh: Hóa chất(-31%); xơ sợi dệt (-19%); nguyên phụ liệu (-11%);…
Trị giá nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 432 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại hình kinh tế: kinh tế tư nhân ước đạt 240 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 192 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sắt thép(+46%); chất dẻo nguyên liệu (+45%); nguyên phụ liệu(+5%);... Bên cạnh đó mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản(- 40%); vải các loại (-75%); bông các loại (-21%);……
    Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 04 năm 2020 giảm 1,85% so với tháng trước; tăng 3,97% so với cùng tháng năm trước; giảm 1,00% so với tháng 12 năm trước; so với bình quân cùng kỳ tăng 6,01%. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 và thực hiện chỉ thị 16/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá thuê nhà ở giảm do các chủ nhà trọ giảm giá thuê cho các hộ gia đình, dịch vụ tour du lịch giảm. Nhóm giao thông giảm sâu, giảm 14,44% tác động từ giá xăng dầu giảm trong tháng. Điều chỉnh vào ngày14/04/2020 giá xăng 95 giảm 4.960 đồng/lít; giá xăng E5 giảm 4.740 đồng/lít; giá dầu 0,05 giảm 2.210 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 3.210 đồng/ lít do ảnh hưởng giảm giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ thực tế do ảnh hưởng của dịch covid 19, nguồn cung xăng dầu dư nhiều, dự kiến lần điều chỉnh tiếp theo sẽ giảm theo xu thế chung
         Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng năm 2020 tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” tăng 15,5%; “thuốc và dịch vụ y tế” tăng 4,61%; “giáo dục” tăng gần 7,8%... Riêng nhóm “may mặc, mũ nón, giày dép” giảm 1,92%; nhóm “giao thông” giảm 2,5%
   MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
           Lao động và việc làm:
Tiếp tục cập nhật tình hình lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh Thái Bình báo cáo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định; thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, của Bộ Lao động -TBXH, của tỉnh về việc cấp giấy phép lao động là người nước ngoài làm việc tại Thái Bình trong thời gian dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp.
             Trợ cấp xã hội:
Các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thập thông tin, cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý trẻ em đối với địa bàn đã thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành.
 Lĩnh vực người có công:
Tiếp tục thực hiện các Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung công tác rà soát hồ sơ người có công với cách mạng. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch rà soát, hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với các hộ gia đình người có công phát sinh ngoài Đề án.
 Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
  Tình hình dịch bệnh:
Sở Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động về giám sát, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao như sốt xuất huyết, cúm A(H5N1), viêm não,... trên người, đặc biệt bệnh đường hô hấp cấp do vi rút COVID-19 gây ra. Xây dựng bổ sung kế hoạch phòng chống thảm họa, thiên taichuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực, đảm bảo đảm bảo sẵn sàng,đáp ứng, chi viện kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19:
 Chú trọng các hoạt động quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe, giám sát phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng của viêm đường hô hấp nặng tại các địa phương, nhất là các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, người đi làm ăn xa tại vùng có dịch. Tập trung nguồn nhân lực cho khu cách ly tập trung và giám sát, hỗ trợ các đơn vị y tế, doanh nghiệp trong việc thu dung, cách ly các đối tượng có nguy cơ;
 Hoàn thiện, bổ sung các phương án tổ chức cách ly tập trung, điều trị các trường hợp có nguy cơ, người nhiễm bệnh do vi rút COVID-19.
Tổ chức giám sát, phát hiện quản lý diện rộng các đối tượng đến từ vùng dịch; thực hiện khai báo y tế điện tử theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.
            Tình hình HIV/AIDS:
Toàn tỉnh hiện đang quản lý 2.141 người nhiễm HIV/AIDS (hiện còn sống), lũy tích 1.465 bệnh nhân AIDS; đã phát hiện 05ca nhiễm HIV mới, 04 người tử vong do AIDS được báo cáo. Lũy tích 254/286 xã/phường phát hiện có người nhiễm HIV.
            Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:
 Triển khai thực hiện các kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh như kế hoạch bảo đảm ATVSTP, kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2020. Phối hợp liên ngành trong triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý, chi viện cấp cứu kịp thời đặc biệt là trước, trong và sau tết Nguyên đán đảm bảo không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên quy mô lớn nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần mang lại niềm vui trọn vẹn trong dịp tết và lễ hội đầu xuân cho nhân dân;
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
 Văn hoá - Thể thao
      Tình hình an toàn giao thông
       Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/3/2020 đến ngày 14/4/2020 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 5 người chết và 1 người bị thương.
 Tình hình cháy nổ
Trong tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh Thái không xảy ra vụ cháy nổ nào ./. 
 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây