Hưng Hà: Nghề và làng nghề phát triển

Thứ tư - 08/03/2023 23:36
     Thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề, những năm qua huyện Hưng Hà đã có nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực đưa địa phương trở thành huyện dẫn đầu toàn tỉnh về phát triển nghề và làng nghề. Không chỉ duy trì, mở rộng các nghề truyền thống mà còn du nhập phát triển nhiều nghề mới đem lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
 

     Nhắc đến Hưng Hà là nhắc đến nghề dệt, có từ thế kỷ XIII tại thôn Phương La, đến nay xã Thái Phương (Hưng Hà) đã có 6/8 thôn là làng nghề, xã được công nhận xã nghề vào năm 2001. Mặt hàng sản xuất chính ở Thái Phương là khăn bông các loại với hình thức sản xuất tập trung tại các gia đình ở các thôn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là thị trường nước ngoài do các doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối ký kết hợp đồng với các đối tác. Hiện các sản phẩm của làng nghề hầu hết xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Hoạt động làng nghề đã thu hút trên 70% lao động địa phương có việc làm ổn định và thu nhập thường xuyên từ 5 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả kinh tế rõ nét của làng nghề, UBND tỉnh đã quyết định thành lập cụm công nghiệp Phương La, xã Thái Phương, quy mô ban đầu 10 ha với 9 doanh nghiệp đầu tư thực hiện một số công đoạn cuối trong quy trình sản xuất trước khi hàng hóa được xuất khẩu đi thị trường các nước. Đến năm 2016, do nhu cầu của các doanh nghiệp và sự phát triển nghề cần có một cụm công nghiệp với quy mô lớn hơn, UBND tỉnh tiếp tục cho phép mở rộng cụm công nghiệp Phương La lên 40 ha. Hiện tại có 24 doanh nghiệp đầu tư tại cụm công nghiệp. Sự  phát triển nghề dệt truyền thống không chỉ dừng lại ở xã Thái Phương mà nay đã lan rộng ra trên 10 địa phương trong huyện, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn.
 
     
Còn đối với Nghề dệt chiếu có từ thế kỷ XV ở Hưng Hà do Phạm Đôn Lễ, người làng Hải Triều (huyện Ngự Thiên – nay là xã Tân Lễ, Hưng Hà) khi đi sứ sang Trung Quốc học được kỹ thuật dệt chiếu khung nằm ngang đã về hướng dẫn cho dân làng đóng khung go ngang thay cho khung đứng, đưa năng suất, chất lượng chiếu dệt gấp nhiều lần. Ngày nay ngoài nghề dệt chiếu cói thủ công, nhân dân các địa phương đã du nhập thêm nghề dệt chiếu nhựa, chiếu cói bằng máy với công suất lớn, mỗi năm cho ra thị trường hàng vạn sản phẩm có giá trị kinh tế cao.  Nghề  dệt chiếu hiện nay cũng đã phát triển ra nhiều địa phương trong huyện. Toàn huyện hiện có 1.005 máy dệt chiếu, giá trị trên 201 tỷ đồng.
     Cùng với sự phát triển của hai nghề dệt khăn và dệt chiếu, Hưng Hà còn có các nghề mây tre đan được khôi phục, phát triển ở các xã như Chi Lăng, Cộng Hoà, Văn Cẩm, Tây Đô. Nghề mộc được phát triển tại làng Vế (Canh Tân), làng Riệc (Tân Hoà). Nghề sản xuất bánh đa ở làng Me (Tân Hoà). Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ Hồng An, Tiến Đức,... Những năm gần đây, cùng với các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, Huyện Hưng Hà đã sớm xây dựng kế hoạch phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời, tập trung hướng phát triển vào nghề dệt bông vải sợi, dệt chiếu, may, đồ mộc, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm,... Qua đó để các chủ đầu tư nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Toàn huyện hiện có 53 làng nghề, 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 20 làng dệt khăn, 22 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng bún bánh, 1 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương lúc nào cũng sôi động. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện quý I/2023  ước đạt 2.759 tỷ đồng. Nghề và làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho 22.100 lao động, chiếm 66% tổng số lao động của làng nghề. 
 
 
        Để nghề và làng nghề tiếp tục phát triển trong thời gian tới, huyện Hưng Hà đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hộ sản xuất kinh doanh sang thành lập doanh nghiệp. Giảm nhẹ các thủ tục hành chính, tạo cơ chế, chính sách, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, đưa nghề và làng nghề phát triển vững mạnh./.
                                                                                         Chi cục Thống kê huyện Hưng Hà
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây