Tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa là chủ trương lớn, đúng đắn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Theo tính toán nếu cấy lúa với diện tích nhỏ, phải thuê từ 250.000 - 300.000 đồng/sào, nhưng khi có diện tích lớn, áp dụng cấy bằng máy, mỗi sào chỉ mất 220.000 - 250.000 đồng/sào (đã bao gồm cả giống lúa). Còn gặt tay, thuê nhân công khoảng 300.000 đồng/sào, nhưng nếu gặt máy chỉ khoảng 130.000 - 150.000 đồng/sào mà còn giảm được công tuốt. Chỉ tính riêng cấy, gặt, làm thủ công mỗi sào chi phí tăng trên 200.000 đồng so với sản xuất cơ giới trên diện tích lớn. Việc tích tụ được ruộng đất, có trong tay tư liệu sản xuất với thời gian dài giúp người nông dân chủ động trong lựa chọn cây, con vật nuôi cũng như biện pháp canh tác; áp dụng máy móc, kỹ thuật vào canh tác góp phần giảm chi phí đầu tư; đặc biệt có thể trồng các loại cây theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế cho thấy nhiều hộ không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, trang trại mà còn tạo việc làm ổn định cho không ít lao động nhàn rỗi, tạo thu nhập ổn định với mức từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng. Chính vì vậy, xác định tích tụ đất đai là giải pháp đột phá mà Thái Bình đã triển khai mạnh mẽ, bước đầu đạt được những thành tựu đáng khích lệ, có hiệu quả.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn được hình thành, tạo thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Kết quả đến năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có 22.169,58 ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản (tăng 4760,3ha so với năm 2019), trong đó: có 7.883,58 ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trồng trọt 4.235ha, chăn nuôi 451,3ha, thủy sản 3.197,28ha); diện tích đất tập trung theo hình thức hợp đồng liên kết gắn với tiêu thụ 14.286ha
(trên 200 cánh đồng lúa với diện tích trên 13 nghìn ha/năm và gần 20 cánh đồng màu với diện tích gần 01 nghìn ha/năm chủ yếu gồm dưa bí, ngô ngọt, kê, ớt,... ). Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung.
Tuy nhiên đến nay mô hình tập trung ruộng của tỉnh để phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa nhiều, diện tích tập trung chưa lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tích tụ ruộng đất được tỉnh xác định do tâm lý của người dân. Một bộ phận nông dân chưa “thông suốt” tư tưởng về tập trung đất đai, vẫn còn tâm lý giữ ruộng mặc dù đã “đầu quân” cho các doanh nghiệp và không làm nông nghiệp nữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích ruộng bị bỏ hoang còn nhiều. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa khiến các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp chưa yên tâm tích tụ ruộng đất vì băn khoăn trước các quy định về hạn điền đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân và thời hạn cho thuê đất đối với doanh nghiệp. Trong đó, đối với đất công, thời hạn cho thuê “theo nhiệm kỳ”. Đối với đất của nông dân, nếu thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư, vì không đủ thời gian thu hồi vốn; nếu thuê dài hạn thì người dân e ngại mất đất. Bên cạnh đó, do còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bởi hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh mới chỉ duy trì quy mô sản xuất theo số lượng sản phẩm đã được đảm bảo về đầu ra trên thị trường, trên thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà thuê đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Để phát triển nhiều mô hình tích tụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nhằm đáp ứng trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng cao, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp, tạo “cú hích” mới, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển lên tầm cao mới, ngoài việc khuyến khích các hộ không sử dụng hoặc không muốn sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ khác thuê thì các ngành, địa phương tăng cường phổ biến đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó sẽ chú trọng tuyên truyền, nội dung thông tin liên quan đến quy định về hạn điền, thời gian thuê đất; kiến nghị với tỉnh và Trung ương cho phép: mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân; cho phép các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thuê đất của Nhà nước để đầu tư sản xuất lâu dài. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh; rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.
Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; tập trung đổi mới mô hình kinh tế hộ theo hướng khuyến khích các hộ chủ động thuê gom, tích tụ ruộng đất và nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh; tăng cường liên kết giữa các hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết; mời gọi các doanh nghiệp lớn có uy tín đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn tạo có như vậy sẽ tạo bước đột phá để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030./.