Là người lính cụ Hồ nên khi trở về quê hương CCB Đoàn Hữu Ấm lại lăn lộn bám đất bám ruộng để phát triển kinh tế gia đình, ngay từ năm 2000 khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang chăn nuôi, ông Ấm mạnh dạn đứng lên xin chuyển đổi để phát triển kinh tế. Lúc đầu chỉ là những mảnh ruộng chua trũng bỏ hoang, ông Ấm cùng với gia đình đã cải tạo đất và bắt tay vào xây dựng mô hình với muôn vàn khó khăn. Ông Đoàn Hữu Ấm cho biết:Cái khó khăn thì rất là nhiều, vùng đất chua đào lên không đạt yêu cầu lại chuyển cơ cấu khác làm ao ruộng nhưng cũng không đạt năng xuất thì chúng tôi chuyển sang ao vườn và chăn nuôi. Vốn bỏ ra cũng nhiều phải vay đến 50%. Qua thực tế của vùng đất thì tự bản thân tôi phải xoay chuyển làm sao có thu nhập cho bản thân và gia đình.
Khó đến đâu cũng không làm người CCB này nản lòng, ông lại mở rộng thay đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi để áp dụng vào mô hình của mình. Sau một thời gian vất vả anh cũng xây dựng cho mình một mô hình ổn định với 7000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả, vùng đất trũng hoang hóa cải tạo cấy lúa và làm trang trại VAC, nuôi thả gần 1.000 con ngan, gà, vịt, ao nuôi cá và trồng gần 200 cây bưởi, ổi, mít, vải…. Ông Đoàn Hữu Ấm cho biết thêm:Bản thân gia đình cũng phải chịu khó, phải năng động, phải biết tạo môi trường mình làm làm sao căn cứ vào thực tế của địa phương thì mới làm được. Trên thực tế thì chúng tôi cũng đi thăm quan rất nhiều các mô hình để về áp dụng. Đến bây giờ chúng tôi thấy ổn định, mô hình này năm cũng được khoảng 200 triệu.
Không chỉ phát triển mô hình kinh tế truyền thống, ông Đoàn Hữu Ấm còn tiên phong nhận và thuê lại hơn 3 ha diện tích đất chua trũng của hơn 40 hộ dân trong thôn để cấy lúa chất lượng cao nâng cao thu nhập. Chúng tôi là những người làm nông nghiệp thì cảm thấy đất khi bà con không làm được thì rất tiếc thì 2 vợ chồng bàn nhau thôi cứ cố gắng, bà con có khó thì mình mới làm được chứ bà con dễ thì bà con cũng làm được. Khi tích tụ ruộng đất được như thế này chi phí thấp, giảm được ngày công, năng xuất đạt yêu cầu.
Ông Mai Văn Đoàn, Chủ tịch Hội CCB xã Đông Sơn, cho biết: Trong những năm chuyển đổi, đồng chí Ấm hội viên CCB xã Đông Sơn năng nổ nhiệt tình tích cực đầu tư suy nghĩ phát triển sản xuất có hiệu quả.
Chứng kiến sự đổi thay trên vùng đất trũng này mới thấy được sự kỳ diệu từ những khối óc, bàn tay sự tần tảo và quyết tâm của người CCB này, họ đã khiến khu đất trũng khó canh tác "nở hoa".
Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng