Thành phố Thái Bình là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Thái Bình, có vị trí quan trọng trong phát triển nội vùng: Phía tây giáp với huyện Vũ Thư, phía bắc giáp với huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, phía đông giáp với huyện Tiền Hải, Thái Thụy, là đầu mối giao thương trên các hành lang kinh tế của tỉnh Thái Bình, vùng thủ đô Hà nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc bộ. Dân số thành phố gần 190 ngàn người, có trên 43 ngàn lao động làm việc lĩnh vực thương mại, dịch vụ thương mại, tỷ lệ tăng dân số hàng năm khoảng 1,7%. Thành phố có 19 phường, xã. Cơ cấu kinh tế ngành thương mại dịch vụ của thành phố phấn đấu năm 2018 là 29.2%
6 tháng đầu 2018 giá trị sản suất khu vực thương mại dịch vụ thành phố ước đạt 3.505,1 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.469 tỷ đồng, tăng 10.5% so với cùng kỳ; số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ là 16.278 cơ sở, tăng 11,5% so với cùng kỳ; Số doanh nghiệp thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố là 1.125 doanh nghiệp tăng 12,5% so với cùng kỳ, chiếm trên 70% tổng số DN của thành phố và chiếm 62 % DN thương mại dịch vụ của toàn tỉnh; Giá trị xuất khẩu ước đạt 481 triệu USD, tăng 5,7% ; Giá trị nhập khẩu ước đạt 319,3 triệu USD tăng 16.77% so với cùng. Tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không xảy ra hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm diễn ra sôi động với sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng. Các cấp, các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Giá cả thị trường những ngày trước, trong và sau tết năm nay vẫn giữ ổn định so với ngày thường, nguồn cung hàng hóa đa dạng dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, thị hiếu của người dân. Những tháng tiếp theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn giữ ở mức độ ổn định và tăng nhẹ. Theo số liệu sơ bộ ước tính tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 936,7 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 762,5 tỷ đồng tăng 4,8% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác ước đạt 174,2 tỷ đồng tăng 6,2% so với tháng trước. Xét theo ngành hoạt động 6 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4 568,1 tỷ đồng, chiếm 82,1% tổng mức và tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng khá: Lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; đồ dùng, dụng cụ; may mặc tăng 8,5%; trang thiết bị gia đình tăng 10,8%; phương tiện đi lại tăng 7,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2,1%. Doanh thu dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm ước tính đạt 610,1 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng mức và tăng 11,24% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm ước tính đạt 64,4 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng mức và tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 317,8 tỷ đồng, chiếm 5.8% tổng mức và tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước.
Về vận tải hành khách và hàng hóa tháng 6 ước đạt 79,5 tỷ đồng tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 482 tỷ đồng tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn thành phố Thái Bình chủ yếu là các tuyến xe buýt và xe khách nội tỉnh, liên tỉnh của các công ty lớn như: Công ty CP xe khách Thái Bình, Công ty Cổ phần xe khách Hoàng Hà, công ty TNHH TM và dịch vụ vận tải Phiệt Học… và một số công ty ký hợp đồng vận chuyển khách đường dài. Đặc biệt trong tháng 2 công ty TNHH TM và DV vận tải Phiệt Học đã đi vào khai thác hoạt động thêm 2 tuyến xe buýt nội tỉnh Tiền Hải – Cồn Vành và Thái Thụy – Thụy Xuân để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các đơn vị vận tải đã triển khai thực hiện tốt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong dịp lễ, tết, đảm bảo không để khách tồn đọng ở các bến xe.
Trong những năm gần đây hoạt động thương mại của Thành phố luôn luôn phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy các loại hình kinh doanh thương mại và dịch vụ thương mại. Hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại thành phố với chất lượng hạ tầng tốt, đã và đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện nay thành phố có 18 chợ đang hoạt động, trong đó có 6 chợ đã xây dựng theo mô hình BOT và hoạt động liên tục cả ngày. Một số chợ có cơ sở kinh doanh với số lượng lớn như Chợ Bo, Chợ Đề Thám, Chợ Bồ Xuyên, Quang Trung, Hải sản, Lạc Đạo. Dự ước số lượng cơ sở hoạt động khu vực chợ là trên 3.000 cơ sở với doanh thu bán lẻ ước tính khoảng 700 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018, có 12 siêu thị lớn: siêu thị Victory,Viettel, HiPT, Nano, Minh Hoa, Thế giới di động, Siêu thị điện máy HC, Siêu thị điện máy Trần Anh.., có 5 trung tâm thương mại hoạt động có hiệu quả như Vincom với hơn 10 chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmax, TTTM Thiên Trường,…Ước tính doanh thu bán lẻ 6 tháng năm 2018 của hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại khoảng 1.642 tỷ đồng (khoảng 30% doanh thu bán lẻ toàn thành phố).
Với kế hoạch phát triển ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn, 6 tháng đầu năm 2018 thành phố đã thẩm định, đề ra chủ trương đầu tư 12 dự án với số vốn đăng ký đạt khoảng 350 tỷ đồng; 15 dự án đề nghị xin nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án đầu tư. Một số dự án thương mại dịch vụ đã hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào kinh doanh như: Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và dịch vụ thương mại tổng hợp tại phường Trần Hưng Đạo; Dự án đầu tư trạm dừng nghỉ quốc lộ 10 của công ty TNHH cơ khí An Thái; Dự án đầu tư XD trung tâm kinh doanh ô tô, phụ tùng ô tô và máy nông nghiệp tại xã Tân Bình; Dự án trung tâm thương mại 61 Lê Lợi; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng chợ Kỳ Bá
… Tiếp tục triển khai Đề án phát triển thương mại dịch vụ thành phố giai đoạn 2016 - 2020; Xây dựng quy hoạch mạng lưới hệ thống kho, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035
Với những nỗ lực của thành phố mục tiêu phát triển thương mại dịch vụ, cơ cấu kinh tế đã chuyển biến rõ nét, bộc lộ những dấu hiệu tích cực phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, ngành thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng liên tục và có xu hướng phát triển mạnh, mạng lưới thương mại được mở rộng. Có trên 100 dự án xây dựng được đầu tư về cơ sở hạ tầng góp phần cho phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong 3 năm gần đây đặc biệt là công trình đường điện nội thị; Đường vành đai phía Nam ; Cầu vượt sông Trà Lý ; Khu Tượng đài Bác Hồ; Mở mang không gian đô thị như xây dựng khu đô thị Kỳ Bá, Trần Lãm, Petro Thăng Long..,một số dự án về mở rộng đô thị đang thực hiện như: Khu đô thị Kỳ đồng; Khu dân cư 26 ha xã Phú Xuân; Khu nhà của lực lương quân đội, công an tại xã Vũ Chính
(khoảng hơn 3.000 căn hộ) và rất nhiều khu tái định cư được mở rộng ở các phường xã tạo đà cho Thương mại dịch vụ của thành phố phát triển. Nếu như giai đoạn 2010-2015 cơ cấu ngành TMDV chiếm 25% thì 6 tháng đầu năm năm 2018 cơ cấu đã tăng lên là 30.7%, Hướng phấn đấu đến năm 2020 khu vực thương mại dịch vụ cơ cấu ước đạt là trên 33%
Trên đây là một số vấn đề cơ bản phân tích chung về tình hình ngành thương mại dịch vụ thành phố 6 tháng đầu năm 2018. Mặc dù không có lợi thế về phát triển du lịch, thương mại nhưng thành phố Thái Bình vẫn đang cố gắng tạo đà phát triển toàn diện cho nền kinh tế nói chung và ngành thương mại dịch vụ núi riêng góp phần cho sự phát triển và ổn điịnh cho toàn tỉnh./.
Chi cục Thống kê Thành phố