Thái Thụy là một trong hai huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, địa bàn hành chính gồm 48 xã, thị trấn, tổng diện tích tự nhiên 268,44 km
2, dân số 249.768 người, mật độ dân cư 930 người/km
2. Là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, tuy thuận lợi cơ bản và khó khăn thách thức đan xen, song những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thái Thụy đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương theo hướng tích cực.
Hàng năm, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệ ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Toàn huyện hiện có khoảng 450 doanh nghiệp, 17.363 cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 42.015 lao động. Trong đó ngành Công nghiệp có 68 doanh nghiệp, 5.320 cơ sở sản xuất công nghiệp với 15.446 lao động, tập trung ở các xã Thụy Tân, Thụy Hải, Thụy Dân, Thái Xuyên, thị trấn Diêm Điền,… Sáu tháng đầu năm 2018 ngành công nghiệp chế biến thủy sản của huyện tăng trưởng khá tốt. Điển hình là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải (Cụm công nghiệp Thụy Tân) chuyên chế biến bột cá, 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng bột cá ước đạt 6.295 tấn, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2017, Công ty TNHH Thực phẩm Rich beaty Việt Nam chuyên Chế biến tôm cá xuất khẩu (Cụm công nghiệp Thụy Hải) Giá trị xuất khẩu ước đạt 2.950.000USD tăng 142% so với cùng kỳ năm 2017...
Một trong những đòn bẩy tạo bước tăng trưởng đột phá cho ngành Công nghiệp Thái Thụy chính là Nhà máy sản xuất Amonitrat (Cụm công nghiệp Thái Thọ) đi vào hoạt động từ năm 2015. Với công suất thiết kế 200.000 tấn/năm, nhà máy đi vào sản xuất đã tạo việc làm cho gần 300 lao động, 6 tháng năm 2018, sản lượng ước đạt 60.227 tấn, tăng 141% so với cùng kỳ năm 2017. Nhà máy sản xuất Amonitrat là 1 trong 2 dự án trọng điểm đang tạo bước đột phá cho phát triển công nghiệp của huyện Thái Thụy.
Bên cạnh đó, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 sau một thời gian ổn định vận hành đã hoạt động tốt, ước 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng đạt 1.541 TrKw. Dự án đi vào hoạt động không chỉ bổ sung, đóng góp một phần sản lượng điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần từng bước hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn huyện Thái Thụy.
Lĩnh vực nghề và làng nghề vẫn được duy trì ổn định. Nhiều làng nghề truyền thống phát triển hoạt động sản xuất hiệu quả như làng nghề làm hương Lai Triều (xã Thụy Dương), làng rèn An Tiêm (xã Thụy Dân), làng nghề mộc An Định (xã Thụy Văn), làng nghề chế biến thủy sản Quang Lang (xã Thụy Hải), các cơ sở đóng thuyền gỗ Tân Sơn (Diêm Điền), Bạch Đằng (Thái Thượng)… Trong lĩnh vực làng nghề, nổi bật có Doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình (xã Thái Xuyên) duy trì sản xuất ổn định.
Phát huy những thế mạnh sẵn có và thu hút nguồn lực bên ngoài, sản xuất công nghiệp huyện Thái Thụy thời gian qua đã có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 3.853,4 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 51,8% so với năm 2016, 6 tháng đầu năm 2018 ước khoảng 3.700,8 tỷ đồng, tăng 230.35% so với cùng kỳ năm 2017, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, là động lực để địa phương tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2018.
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV và có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 đạt 6.310 tỷ đồng (Giá so sánh 2010), chiếm 37,8 % tỷ trọng giá trị sản suất của huyện. Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; từng bước quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thông qua các cơ chế, chính sách tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả và thu hút nhiều dự án mới đầu tư vào Thái Thụy./.
Chi cục Thống kê huyện Thái Thụy