Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả kinh tế cao tại huyện Kiến Xương

Thứ ba - 25/09/2018 01:12
Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả kinh tế cao tại huyện Kiến Xương
Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương ngày càng phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến tôm thẻ chân trắng. Nhờ mạnh dạn đưa tôm thẻ vào nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.  
Loài tôm thẻ chân trắng là loài tôm nhiệt đới, phân bố dọc vùng duyên hải Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ Bắc Mêhycô, qua Trung và Nam Mỹ đến Bắc Pêru, nơi có nhiệt độ nước quanh năm trên 20oC. Hiện tôm thẻ chân trắng được nuôi ở nhiều nước Đông Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philipin, Malaixia và Việt Nam. Về đặc điểm sinh học, tôm thẻ chân trắng có màu trắng đục, trên thân không có đốm vằn, chân bò có màu trắng ngà, chân bơi có màu vàng, các vành chân đuôi có màu đỏ nhạt và xanh. Râu tôm có màu đỏ gạch và dài gấp rưỡi lần chiều dài thân, chủy tôm có 8 - 9 răng cưa ở gờ phía trên, có 2 - 4 (đôi khi có 5 - 6) răng cưa ở phía bụng. Đây là loài tôm có khả năng thích nghi và có giới hạn rộng về nhiệt độ và độ mặn. Trong tự nhiên, tôm thẻ chân trắng sống nơi đáy cát bùn, tôm trưởng thành sống ở vùng biển ven bờ, tôm con phân bố ở vùng cửa sông - nơi giàu chất dinh dưỡng. Tôm thẻ chân trắng là loài ăn tạp thiên về động vật, phổ thức ăn rộng, khả năng bắt mồi khỏe, tôm sử dụng được nhiều loại thức ăn tự nhiên có kích cỡ phù hợp từ bùn bã hữu cơ đến các động vật, thực vật thủy sinh. Nhu cầu prôtein trong khẩu phần thức ăn cho tôm thẻ chân trắng từ 20 - 35%, thấp hơn so với các loài tôm khác cùng họ. Loài tôm này có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian 60 ngày nuôi, sau đó mức tăng trọng giảm dần theo thời gian. Thời điểm thả nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao nhất là từ tháng 2 - 6 dương lịch hàng năm. Mật độ thả nuôi: Từ 4 - 10 con/m2/vụ (phổ biến nhất là từ 4 - 7con/m2, có một số trường hợp cá biệt người dân thả giống >10 con/m2).
 Về dịch bệnh, thực tế cho thấy, tôm thẻ chân trắng đều chịu mối nguy từ dịch bệnh nguy hiểm như virút đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử gan tụy, bệnh vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng nên về cơ bản hệ thống ao nuôi cần phải được xử lý triệt để các mầm bệnh trước khi nuôi.
Do thời gian nhiều năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn khiến cho việc nuôi cá kém hiệu quả nên các hộ thủy sản xã Hồng Tiến Huyện Kiến Xương chuyển sang mô hình nuôi tôm nước lợ. Nhận thấy nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao, hiện nay đã có nhiều hộ trong vùng thủy sản tập trung của xã Hồng Tiến chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi tôm. 
IMG 5117

Từ một số mô hình nuôi thành công, tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được các hộ nuôi trồng thuỷ sản quan tâm phát triển. Đặc biệt, với sự quan tâm của Ban Lãnh đạo huyện và các phòng ban chuyên môn . Huyện Kiến Xương  tỉnh Thái Bình chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng đến phát triển tôm nuôi nước lợ bền vững nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm nước lợ, nhất là huy động các nguồn lực phát triển nuôi tôm công nghệ cao
Hiện nay diện tích nuôi tập trung chủ yếu tại xã Hồng Tiến, HTX Thủy Sản xã đang làm tốt các khâu dịch vụ: thủy lợi, khoa học kỹ thuật, thú y thủy sản, cung ứng thức ăn chăn nuôi và bao tiêu nông sản cho xã viên. Toàn xã có 140ha diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.100 hộ tham gia sản xuất, giá trị sản xuất đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu nông dân chuyển sang nuôi tôm thì giá trị sản xuất có thể đạt tới 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Trước mắt, HTX thủy sản đang tập trung tuyên truyền, vận động một số hộ có điều kiện chuyển sang nuôi tôm và có cơ chế hỗ trợ để xây dựng mô hình thành công, từ đó nhân rộng ra toàn vùng thủy sản của xã.
Thực hiện đề án phát triển nuôi tôm nước lợ ven biển giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh, UBND  huyện Kiến Xương - xã Hồng Tiến đã tổ chức quy hoạch lại sản xuất thủy sản. Theo đó, giai đoạn 1, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi tôm thẻ chân trắng vùng thủy sản tập trung của xã với tổng diện tích 56,6ha theo hướng áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.
Chi cục Thống kê huyện Kiến Xương

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây