Kinh tế - xã hội quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế đưa ra những nhận định khác nhau về tăng trưởng tại thời điểm tháng 3/2023. Một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với các dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023, UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.
Tại khu vực Đông Nam Á, WB nhận định phục hồi kinh tế của các quốc gia sau suy thoái do đại dịch khá khác nhau. Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan dự báo đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. WB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phi-li-pin và Việt Nam đều giảm 0,2 điểm phần trăm.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tình hình kinh tế trong nước WB nhận định triển vọng của nền kinh tế vẫn thuận lợi. Trước những khó khăn trong nước và ngoài nước, GDP dự báo tăng trưởng 6,3% năm 2023. Mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi do du khách Trung Quốc dần quay lại, tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau Covid-19 yếu đi. Nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng do lạm phát cao hơn dự kiến. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định. Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023, Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng bình quân dự kiến ở mức 4,5% trong năm 2023. Đến nửa cuối năm 2023, tăng giá điện và lương công chức sẽ tác động đến lạm phát.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, mặc dù đã có sự phục hồi song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả đạt được trong quý I/2023 như sau:
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình (giá so sánh 2010) quý I/2023 ước đạt 14.696 tỷ đồng, tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 2.876 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 6.326 tỷ đồng, tăng 14,04% so với cùng kỳ, đóng góp 5,74 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 16,17% (đóng góp 4,53 điểm phần trăm), ngành xây dựng tăng 9,40%. Khu vực Dịch vụ ước đạt 4.633 tỷ đồng, tăng 6,41% so với cùng kỳ, đóng góp 2,06 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Cơ cấu GRDP tỉnh Thái Bình ước quý I/2023 (theo giá hiện hành): khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 18,8%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 44,2%; khu vực Dịch vụ chiếm 31,3%; thuế sản phẩm chiếm 5,7%.
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Quý I/2023, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch trồng, chăm sóc cây vụ Xuân và phòng trừ chuột, sâu bệnh trên cây trồng. Hoạt động chăn nuôi đã được tăng cường duy trì và phát triển, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, sản xuất thuỷ sản phát triển ổn định được thể hiện kết quả cụ thể như sau
Nông nghiệp
Trồng trọt
Kết quả sản xuất vụ Đông 2023
Sản xuất vụ Đông năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân, thực hiện đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng; mở rộng quy mô trồng trọt; chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
Kết quả sản xuất cây vụ Đông năm 2023 tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 36.644 ha, giảm 60 ha so với vụ Đông năm trước, cơ cấu diện tích gieo trồng những năm gần đây đã chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định và tập trung với cây trồng chủ yếu như: ngô ngọt, khoai tây, dưa xuất khẩu, bắp cải tím,....
Vụ Đông năm 2023, nhìn chung là một trong những vụ đông đạt được kế hoạch đề ra và cũng là một năm có sự cố gắng của toàn dân, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp các ngành.
Gieo trồng vụ Xuân 2023
Đến ngày 05/02/2023, 100% diện tích gieo cấy của tỉnh đã đủ nước làm đất phục vụ gieo cấy. Để tránh bất thuận của thời tiết giai đoạn lúa trỗ bông, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện công thức “xuân muộn - mùa sớm”, khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng gạo ngon, các giống có khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh, các giống chuyển gen kháng bệnh (bạc lá, đạo ôn, cổ bông). Sau tiết lập xuân vào ngày 04/02 (ngày 14/01 âm lịch), thời tiết đang ấm dần lên, do vậy bà con nông dân các nơi đã và đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy và chăm sóc lúa, cây màu. Ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX hoàn thành gieo cấy lúa Xuân đúng lịch thời vụ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, tổ chức diệt chuột, phòng, trừ sâu bệnh các loại bảo vệ sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo thuận lợi tốt nhất cho sản xuất vụ Xuân.
Gieo cấy lúa xuân: Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 23/3/2023, tổng diện tích lúa Xuân toàn tỉnh đã cấy 75.019 ha vượt 0,33% kế hoạch đề ra, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Gieo trồng cây màu vụ Xuân: Tính đến ngày 23/3/2023, diện tích cây màu xuân đã trồng 14.529 ha, đạt 97% kế hoạch đề ra, thấp hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2022, diện tích cây màu xuân đã thu hoạch 4.777 ha đạt 32,8% diện tích cây màu xuân đã trồng.
Chăn nuôi
Toàn tỉnh tập trung thực hiện kiểm soát, quản lý tình hình dịch trên đàn gia súc, gia cầm và tổ chức thực hiện tái đàn sau Tết Nguyên đán. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế; không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó.
Chăn nuôi gia súc: Tổng đàn trâu, bò tại thời điểm 01.01.2023 ước đạt 58,6 nghìn con, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 7,1 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò ước đạt 51,5 nghìn con, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 2.637 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó sản lượng thịt trâu ước đạt 235 tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt bò ước đạt 2.402 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi lợn: Quý I năm 2023, không có dịch bệnh lớn xảy ra, các bệnh thông thường trên đàn lợn vẫn xuất hiện rải rác; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi giảm xuống dưới 50 nghìn đồng/kg đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ nuôi. Ngành chăn nuôi tiếp tục hướng dẫn và khuyến cáo người nuôi thận trọng khi tái đàn, không nóng vội tái đàn khi chưa bảo đảm điều kiện cần thiết. Phải tái đàn từng bước, trước hết lựa chọn được con giống tốt từ những vùng không có dịch và nuôi với tỷ lệ phù hợp, được tiêm phòng đầy đủ, không nuôi ồ ạt. Song trong những tháng qua người dân vẫn còn tâm lý thận trọng, dè chừng, trong viêc tài đàn nhất là tại các hộ chăn nuôi gia trại quy mô nhỏ, việc tái đàn tập trung vào những hộ chăn nuôi lớn có quy mô trang trại trở lên, để tái đàn và hạn chế rủi ro từ con giống, ngoài việc tự sản xuất con giống, một số hộ dân đã mạnh dạn lựa chọn nhập lợn giống từ các trại lợn có uy tín, bảo đảm nguồn gốc. Số lượng các nông hộ nhỏ lẻ đến thời điểm này đầu tư tái đàn không nhiều do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 01.01.2023 ước đạt 706,4 nghìn con, tăng 2% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 40,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước (do trọng lượng xuất chuồng thời gian gần đây tăng mạnh trung bình từ 110 kg-120kg/con).
Chăn nuôi gia cầm : Trong quý I/2023 tình hình thời tiết ổn định, dịch bệnh ít, số lượng đàn gia cầm duy trì phát triển tốt. Ước tính tổng đàn gia cầm thời điểm 01.01.2023 đạt 14,3 triệu con, tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó, số lượng đàn gà đạt 10,2 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 14,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm tháng 3/2023 ước đạt 32,5 triệu quả, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 96,8 triệu quả, tăng 1% so với quý I/2022.
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi quý I/2023 (giá so sánh 2010) ước đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Hưởng ứng tết trồng cây xuân Quý Mão năm 2023, toàn tỉnh đã trồng được 1.350 nghìn cây nhân dân nội đồng. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích ý nghĩa của Tết trồng cây để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia từng bước tạo bóng mát và cảnh quan xanh sạch đẹp trên địa bàn tỉnh.
Trong quý I/2023 chưa có diện tích trồng rừng mới bổ sung. Sản lượng gỗ khai thác quý I/2023 ước đạt 366 m3, giảm 2,1% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 1.720 ste, tăng 0,2%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 545 cây, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trong quý I/2023 của tỉnh ổn định. Các ao, hồ thả cá lưu vẫn tiếp tục đánh tỉa thả bù và chăm sóc. Diện tích mặt nước cho nuôi trồng thủy sản như ao, hồ, sông tích đủ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuẩn bị xuống giống vụ nuôi trồng mới. Việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đang được phát triển theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực.
Tổng sản lượng thủy sản quý I/2023 ước đạt 66,2 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 25,8 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 39,7 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Khai thác
Thời tiết sau tết Nguyên đán thuận lợi cho việc khai thác hải sản, thời điểm đầu năm các loại cá sẽ đi theo luồng gần bờ, do đó việc đánh bắt đơn giản hơn, không mất nhiều thời gian, lại tiết kiệm nhiên liệu. Vì vậy, ngư dân trong vùng sẽ thường xuyên ra khơi khai thác hải sản.
Sản lượng khai thác quý I/2023 ước đạt 26 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 16,3 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt trên 0,4 nghìn tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 9,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng
Nuôi trồng thủy sản vẫn luôn là thế mạnh của các địa phương trong tỉnh đặc biệt sản lượng ngao luôn đóng góp lớn cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Diện tích nuôi trồng được duy trì khá ổn định hàng năm, hình thúc nuôi thâm canh, bán thâm canh được mở rộng.
Sản lượng nuôi trồng quý I/2023 ước đạt 40 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 0,3 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 30,3 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp
Đến tháng 3/2023, các doanh nghiệp công nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, cơ sở cá thể cũng đã hoạt động bình thường. Trong quý I/2023 vẫn là thời gian khó khăn để tuyển lao động và các doanh nghiệp ít hợp đồng hơn, rất nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ thứ 7 và chủ nhật, một số doanh nghiệp nghỉ cả tháng 2. Bên cạnh những khó khăn có một số thuận lợi như: Có nhiều doanh nghiệp đi vào sản xuất, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn đã đi vào sản xuất (Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình II, Công ty TNHH Lotes Việt Nam sản xuất chân nối ram) và Công ty thép đặc biệt Senglly đã phục hồi sản xuất.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 tăng 5,1% so tháng 02/2023, trong đó: ngành Khai khoáng đạt 91,5%, Công nghiệp chế biến chế tạo đạt 99,3%, Sản xuất và phân phối điện tăng 30,7%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 96,5% so tháng trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính quý I/2023 so cùng kỳ năm trước tăng 13,9%, trong đó : ngành Khai khoáng tăng 13,5%, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,8%, Sản xuất và phân phối điện tăng 55,7%, Cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 3/2023 có tốc độ tăng cao so với tháng trước như Bia hơi (+84%); Bia chai (+50%); điện sản xuất (+34,3%); Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng (+9,8%)... Tuy nhiên trong tháng 3/2023 một số sản phẩm giảm như: Bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ đạt 95%; Cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn đạt 84,3%; Dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhúng vào kim loại chảy đạt 78,9%...
Ước chung quý I/2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 2,5 lần; Thép cán (+40,1%); Bia chai tăng gần 9 lần; khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+26,7%); tai nghe khác tăng hơn 6 lần; điện sản xuất (+61,8%)... Tuy nhiên một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Khí tự nhiên dạng khí (-26,6%); gạch xây bằng đất nung (-35%); bộ comple, quần áo đồng bộ (-2,8%); polyaxetal, polyeste (-45,6%); áo sơ mi cho người lớn (-26,8%); cần gạt nước sương tuyết (-46%)...
Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tháng 3/2023 giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%).
Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 38,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước giảm 60,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 44,9% (bình quân quý I/2022 là 10,5%).
Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2023 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,1% và tăng 18,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,9% và giảm 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,4% và tăng 0,6%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng ổn định so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% và giảm 0,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,3% và giảm 1,7%.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 cho thấy: Có 15,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2022; 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 49,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý II/2023, có 49,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023; 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 14,5% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 76,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 tốt lên và giữ ổn định so với quý I/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 83,3% và 88,2%.
Đầu tư – Xây dựng
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 3/2023 ước đạt 498 tỷ đồng, tăng 5,5% so tháng trước và tăng 33,9% so cùng kỳ năm 2022. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 205 tỷ đồng, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 195 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 66,1% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 98 tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng trước và tăng 73,0% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 40,9% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 584 tỷ đồng, tăng 9,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 572 tỷ đồng, tăng 86,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 274 tỷ đồng, tăng 64,8% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2023 ước đạt 11.313 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 40,9%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 7.489 tỷ đồng, giảm 1,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 98,6% so cùng kỳ.
Một số dự án trọng điểm đang thực hiện triển khai trong quý I/2023
Dự án cải tạo nâng cấp đường Châu Sơn đi Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Phụ (GD2 2023), vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường vào trung tâm xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến đạt 15 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường ĐH.73 đoạn từ UBND An Tràng đi Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến đạt 15 tỷ đồng;
Dự án trải thảm bê tông nhựa đường ĐH.73 đoạn từ ĐH.76 đi ĐT.455; đường ĐH.72 từ chợ An Bài đi cầu Đống Ba và nâng cấp đường từ ĐH.73 đi sông Cô (GD2), huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 13 tỷ đồng, dự kiến 12 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến đạt 9 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường từ ĐH.72 đến đê Hữu Hóa, địa phận xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 65 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp các tuyến đường từ ĐH.80 đi ĐH.74 (xã Quỳnh Nguyên-Quỳnh Bảo); Đường ĐH.79 (xã Quỳnh Giao); Đường từ ĐT.452A đi thôn Tân Thái xã Quỳnh Hồng và đường ĐT.452A đi thôn Bương Hạ Tây xã Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến đạt 15 tỷ đồng;
Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư xã Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến đạt 20 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường nối từ đường huyện ĐH75 đi ĐH76 huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 52 tỷ đồng, dự kiến đạt 20 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường ĐH xã Thụy Việt - Thụy Hưng huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 55 tỷ đồng, dự kiến đạt 20 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường ĐH xã Thụy Trình - Hồng Dũng huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 30 tỷ đồng, dự kiến đạt 3 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp đường ĐH vào UBND xã Thuần Thành huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 43 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thái Thụy (Giai đoạn II) Hạng mục: Nhà thi đấu đa năng, bể bơi ngoài trời và các hạng mục phụ trợ, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trụ sở UBND xã Hòa Bình huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng, dự kiến đạt 1 tỷ đồng;
Dự án xây dựng UBND xã Quốc Tuấn huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 23 tỷ đồng, dự kiến đạt 8 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đài tưởng niệm, kè hộ xã Quang Lịch huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trường Tiểu học và THCS xã Quang Lịch huyện Kiến Xương, vốn đầu tư 12 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp lòng đường vỉa hè và hệ thống thoát nước đường Trần Thành Tông (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Lê Quý Đôn), vốn đầu tư 8,4 tỷ đồng, dự kiến 5 đạt 4 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp lòng đường vỉa hè và hệ thống thoát nước đường Lý Thái Tổ (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Chu Văn An), vốn đầu tư 39,6 tỷ đồng, dự kiến đạt 8 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 131 tỷ đồng, dự kiến 8 đạt 15 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cảng Trà Lý Giai đoạn II huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, dự kiến đạt 20 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn từ đê biển Sông Hồng đến UBND xã Nam Hải, vốn đầu tư hơn 55 tỷ đồng, dự kiến đạt 5 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 69 tỷ đồng, dự kiến đạt 12 tỷ đồng;
Dự án cải tạo nâng cấp đường số 4 kéo dài đến xã Tây Phong huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 118 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Đường Hùng Vương Thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến đạt 15 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp cải tạo đường 464 (đường 221D), đoạn từ xã Đông Xuyên đến đường ven biển xã Đông Minh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư hơn 89 tỷ đồng, dự kiến đạt 7 tỷ đồng;
Dự án đường cứu hộ cứu nạn từ đê biển sông Hồng đến UBND xã Nam Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến đạt 10,5 tỷ đồng;
Dự án tôn tạo di tích khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường huyện Tiền Hải (GĐ2), vốn đầu tư 55 tỷ đồng, dự kiến đạt 8,5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường vành đai (Vũ Trọng) kéo dài cắt đường 8B xã An Ninh huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 151 tỷ đồng, dự kiến đạt 12 tỷ đồng;
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu ven biển huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 261 tỷ đồng, dự kiến đạt 8 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 5 từ đê sông Diêm Hộ đến đường quy hoạch số 2 huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 231 tỷ đồng, dự kiến đạt 20 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường quy hoạch số 2 (đoạn từ tuyến đường bộ ven biển đến đường tỉnh ĐT.461) huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 195 tỷ đồng, dự kiến đạt 18 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phong đi Thụy Duyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 105 tỷ đồng, dự kiến đạt 9 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trụ sở làm việc Đảng ủy, HĐND, UBND xã Thái Xuyên huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến đạt 3 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường ĐH95 xã Thụy Phúc đi Thụy Hưng huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến đạt 7 tỷ đồng;
Dự án xây dựng cầu Chiều đường ĐH93F, xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, dự kiến đạt 6 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đến đường vào UBND xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 85 tỷ đồng, dự kiến đạt 9 tỷ đồng;
Dự án Cải tạo nâng cấp đường ĐT.452 (đường 224 cũ), GĐ1: Đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam, vốn đầu tư 101 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án đường 71 đi CCN Bắc Sơn huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 77 tỷ đồng, dự kiến đạt 9 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường quốc lộ 39 đến đường huyện 65 huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 79 tỷ đồng, dự kiến đạt 11 tỷ đồng;
Dự án xây khẩn cấp cầu Đồng Lạc giai đoạn 2: Đường nối cầu Đồng Lạc đi ngã 3 Công Chéo xã Tây Đô huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 47 tỷ đồng, dự kiến đạt 7 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường điện 110Kv đường Hưng Hà 2 đi Phố Cao, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến đạt 16 tỷ đồng;
Dự án xây dựng trường học cấp 1+2 Dân Chủ xã Dân Chủ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, dự kiến đạt 8 tỷ đồng;
Dự án cải tạo đường T5 xã Liên Hiệp đi xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 45 tỷ đồng, dự kiến đạt 11 tỷ đồng;
Dự án Xây dựng nhà văn hóa 6 thôn xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 20 tỷ đồng, dự kiến đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ xã Minh Tân đến Đền Trần xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 125 tỷ đồng, dự kiến đạt 12 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến 16/3/2023: Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới 227 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn đăng ký mới là 1.450,3 tỷ đồng (tăng 5,6% về số lượng và giảm 42% về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước); cấp mới 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước;
+ Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh: 218 doanh nghiệp tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước;
+ Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 73 doanh nghiệp giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước;
+ Số doanh nghiệp tự giải thể là 49 doanh nghiệp gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 3/2023 trên địa bàn tỉnh có 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký là 1.500 nghìn USD. Tính chung 3 tháng có 02 dự án được cấp phép mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.500 nghìn USD.
Xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng quý I/2023 (theo giá so sánh) ước đạt 7.207 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo loại hình kinh tế, kinh tế nhà nước ước đạt 414 tỷ đồng, tăng 28,8%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 3.512 tỷ đồng, tăng 17,6%; khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 78 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần; loại hình khác ước đạt 3.202 tỷ đồng, giảm 1,9%. Theo loại công trình: công trình nhà để ở ước đạt 3.655 tỷ đồng, tăng 6,4%; công trình nhà không để ở ước đạt 825 tỷ đồng, tăng 25,3%; công trình kỹ thuật dân dụng ước đạt 2.401 tỷ đồng, tăng 8,6%; công trình xây dựng chuyên dụng ước đạt 327 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 25,3%; luân chuyển hành khách tăng 26,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,4%; luân chuyển hàng hóa tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 ước đạt 5.463 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.790 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ như: nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 32,8%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 32,4%; nhóm phương tiện đi lại tăng 19,4%; nhóm sữa chữa xe có động cơ tăng 12,1%; nhóm đá quý, kim loại quý tăng 11,8%; nhóm xăng dầu các loại tăng 11,3%; nhóm hàng hóa khác tăng 11,1%; nhóm hàng may mặc tăng 9,5%;… Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 13 tỷ đồng, tăng 4,2% và tăng 18,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 387 tỷ đồng, tăng 3,1% và tăng 32,4%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1 tỷ đồng, tăng 7,6% và tăng 4,2 lần; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 272 tỷ đồng, giảm 5,8% và tăng 1%.
Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.878 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.814 tỷ đồng, chiếm 87,8% tổng mức và tăng 17,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ do năm trước ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu tiêu dùng bị hạn chế, bên cạnh đó giá cả hàng hóa trong 3 tháng đầu năm nay tăng đã tác động tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa. Trong quý chỉ có nhóm đá quý, kim loại quý giảm 10%, các nhóm hàng còn lại đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.738 tỷ đồng, tăng 12,6%; nhóm xăng dầu các loại đạt 2.685 tỷ đồng, tăng 20,4%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.372 tỷ đồng, tăng 29,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 1.641 tỷ đồng, tăng 6,5%; nhóm hàng hóa khác đạt 981 tỷ đồng, tăng 13,8%; nhóm phương tiện đi lại đạt 918 tỷ đồng, tăng 28,4%; nhóm hàng may mặc đạt 629 tỷ đồng, tăng 26,3%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành quý I/2023 ước đạt 1.198 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng mức và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 38 tỷ đồng, tăng 24,2%; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.157 tỷ đồng, tăng 36,4%; dịch vụ lữ hành ước đạt 3,2 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác quý I/2023 ước đạt 866 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng mức và tăng 6% so với cùng kỳ; trong đó: bất động sản giảm 4,5% do ảnh hưởng từ lãi suất ngân hàng cho vay đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 15,2% chủ yếu do doanh thu cho thuê phông bạt và đồ dùng gia đình tăng cao; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 15,2% do tỉnh chỉ đạo thắt chặt việc dạy thêm của giáo viên các cấp; dịch vụ y tế tăng 20,4%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 6% do dịch vụ karaoke bị ảnh hưởng bởi quy định về phòng cháy chữa cháy nên rất ít cơ sở mở cửa; dịch vụ khác tăng 4,4%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2023 giảm 0,40% so với tháng trước; tăng 1,75% so với cùng tháng năm trước và giảm 1,09% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-1,20%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-0,03%); giao thông (-0,22%); 9 nhóm hàng có chỉ số giá ổn định.
Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 03/2023 so với tháng trước: Nhóm thực phẩm giảm 1,62% tác động CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm, do lượng lợn tái đàn xuất chuồng nhiều nhưng lượng tiêu thụ giảm dẫn đến giá thịt lợn hơi giảm, kéo theo thịt lợn thành phẩm giảm. Nhóm giao thông giảm 0,22%, do tác động của giá xăng dầu giảm vào ngày 02/02/2023 và ngày 22/02/2023 (xăng 95 giảm 910 đồng/lít; xăng E5 giảm 920 đồng/lít; dầu điezen giảm 1.750 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.620 đồng/lít), ngày 14/03/2023 giá xăng dầu tăng (xăng 95 tăng 500 đồng/lít; xăng E5 tăng 390 đồng/lít; dầu điezen tăng 250 đồng/lít; dầu hỏa tăng 240 đồng/lít). Do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm, giá xăng dầu thế giới giảm, kéo theo giá bán lẻ trong nước giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2023 tăng 3,50% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có nhóm bưu chính viễn thông ổn định, nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 3,04% do giá xăng dầu giảm; 9/11 nhóm hàng còn lại có chỉ số giá tăng: nhóm giáo dục (+14,38%); nhóm đồ uống và thuốc lá (+6,21%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+6,04%); nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (+2,51%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+1,76%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,74%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,46%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+1,10%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+0,97%).
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 319 triệu USD, giảm 3% so với tháng trước và giảm 28,2% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 968 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 0,6%, nhập khẩu giảm 24,7%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2023 ước đạt 161 triệu USD, giảm 9,4% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tế toàn cầu, tiêu dùng chững lại; bên cạnh đó giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy giá thành sản phẩm tăng trong khi đơn giá xuất khẩu không tăng, buộc doanh nghiệp ngừng hoặc cầm chừng sản xuất chờ giá. Một số doanh nghiệp lớn đơn hàng đã có tuy nhiên thời gian và tiến độ xuất khẩu đang còn phụ thuộc vào các đối tác. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 74 triệu USD, giảm 30,4% so với tháng trước và giảm 29,2% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 87 triệu USD, tăng 22% so với tháng trước và tăng 20,5% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước như: Hàng dệt may đạt 92,7 triệu USD, giảm 11,3%; hàng hóa khác đạt 26,2 triệu USD, giảm 12%; xơ, sợi dệt các loại đạt 10,2 triệu USD, giảm 7,3%; hàng thủy sản đạt 1,8 triệu USD, giảm 21,3%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,6 triệu USD, giảm 7,9%; sản phẩm gốm, sứ đạt 1,3 triệu USD, giảm 5,7%;...
Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 520 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân ước đạt 291 triệu USD, giảm 4,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 229 triệu USD, tăng 8,1%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,6 lần; hàng thủy sản tăng 43,9%; sản phẩm gốm sứ tăng 22,9%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 13,5%; hàng dệt may tăng 9%. Ngược lại một số sản phẩm giảm như: xơ, sợi dệt các loại giảm 35,6%; sản phẩm từ sắt thép giảm 27,7%; hàng hóa khác giảm 15%; sắt thép giảm 12,8%; sản phẩm gỗ giảm 8,2%;...
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa, Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh ước đạt 269 triệu USD (chiếm 51,7%), giảm 1,0% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Mỹ ước đạt 147 triệu USD, chiếm 28,3%; Châu Âu ước đạt 53 triệu USD, chiếm 10,3%.
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2023 ước đạt 157 triệu USD, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 41% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 97 triệu USD, tăng 7,3% so với tháng trước và giảm 55,9% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60 triệu USD, tương đương so với tháng trước và tăng 29,3% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 54,5%; hóa chất giảm 14,9%; xơ, sợi dệt các loại giảm 5,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 5,2%;… Bên cạnh đó một số mặt hàng tăng: Chất dẻo nguyên liệu tăng 3 lần; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 14,1%; vải các loại tăng 12,2%; phế liệu sắt thép tăng 10%; hàng thủy sản tăng 9,5%;…
Tính chung quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 448 triệu USD, giảm 24,7% so với cùng kỳ, do hầu hết các đơn hàng xuất khẩu trực tiếp sản xuất và gia công đều giảm, bên cạnh đó hàng xăng dầu nhập khẩu chững lại do tác động từ giá xăng dầu thế giới. Theo thành phần kinh tế: kinh tế tư nhân đạt 286 triệu USD, giảm 36,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 161 triệu USD, tăng 12,1%. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép (+9,9 lần); hóa chất (+2,6 lần); máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng gấp đôi; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác (+2%). Bên cạnh đó một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản (-83,3%); xăng dầu các loại (-53,9%); xơ, sợi dệt các loại (-40,4%); sắt thép các loại (-37%); chất dẻo nguyên liệu (-27,1%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (-22,4%); vải các loại (-19,5%);…
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I/2023, Châu Á là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh ước đạt 376 triệu USD, chiếm 83,9%; tiếp đến là Châu Âu ước đạt 25 triệu USD, chiếm 5,6%; Châu Mỹ ước đạt 4,3 triệu USD, chiếm 1,0%.
Hoạt động vận tải
Những tháng đầu năm nhu cầu đi lại và du lịch lễ hội tăng cao đã góp phần tăng doanh thu cho ngành vận tải hành khách. Doanh thu hoạt động vận tải tháng 3/2023 ước đạt 666 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2023 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 1.956 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động vận tải hành khách tăng 24,7%; hoạt động vận tải hàng hóa tăng 8,9%.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 3/2023 ước đạt 184 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2,5 triệu người, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 281 triệu người.km, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2023, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 561 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 7,5 triệu người, tăng 25,3%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 854 triệu người.km, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 475 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 282 tỷ đồng, tăng 15% và tăng 23,4%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 167 tỷ đồng, tăng 4,9% và tăng 19,1%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 27 tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 7,6%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,9 triệu tấn, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 26,2% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.040 triệu tấn.km, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2023, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.376 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 8,5 triệu tấn, tăng 10,4%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 3.033 triệu tấn.km, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2023 ước đạt 6 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2023 ước đạt 17,8 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 3/2023 ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2023 ước đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước và hoạt động ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính quý I/2023 đạt 8.765 tỷ đồng, đạt 41,7% so với dự toán, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 1.888 tỷ đồng, giảm 14,8%; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 480 tỷ đồng, giảm 42,6%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện quý I/2023 đạt 4.719 tỷ đồng, đạt 28% so với dự toán, tăng 30,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 2.661 tỷ đồng, tăng 59,4%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 111.876 tỷ đồng, tăng 7,0% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 86.632 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,75% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Tỉnh Thái Bình xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng.
Thái Bình là tỉnh có mật độ dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế khá cao so với các tỉnh trong khu vực. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước quý I/2023 là 1.131,2 nghìn người, trong đó: lao động khu vực kinh tế Nhà nước 69,6 nghìn người; lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước 1.001,2 nghìn người và khu vực đầu tư nước ngoài là 59,2 nghìn người. Cơ cấu lao động của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực: Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo xu hướng giảm, lao động làm việc trong các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên (ước quý I/2023 lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,5%, công nghiệp - xây dựng chiếm 46,3%, dịch vụ - thương mại chiếm 27,2%). Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2023 ước tính 1,2%.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý I/2023, đã thẩm định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 22 đơn vị, doanh nghiệp; tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 39 đơn vị; cấp giấy phép lao động cho 89 lao động nước ngoài. Hướng dẫn 65 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 5.970 lao động; hướng dẫn 07 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 125 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho 7.344 người lao động; tổ chức hội thảo tư vấn việc làm cho trên 300 bộ đội xuất ngũ tại các địa phương; tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm cố định và 01 phiên giao dịch việc làm online kết nối 06 tỉnh khu vực phía Bắc để tư vấn, hỗ trợ việc làm cho 138 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Tháng 3/2023 toàn tỉnh có 3.300 lao động có việc làm tăng thêm, trong đó, tạo việc làm tại địa phương 2.330 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 670 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 300 lao động; nâng tổng số lao động được tạo việc làm mới trong quý I/2023 lên 7.800 người (đạt 22,6% kế hoạch năm, bằng 101,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tạo việc làm tại địa phương 5.730 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 1.580 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 490 người. Quý I/2023, đã thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 1.178 trường hợp.
Tháng 3/2023, toàn tỉnh có 1.490 người tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng 75 người, trình độ trung cấp 165 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 1.250 người; nâng tổng số người tham gia học nghề trong quý I/2023 lên 2.815 người (đạt 7,67% kế hoạch năm, bằng 135% so với cùng kỳ năm trước), trong đó trình độ cao đẳng 75 người, trình độ trung cấp 410 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 2.330 người.
Trợ cấp xã hội
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, toàn tỉnh đã tặng 129.304 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động với tổng kinh phí 60,5 tỷ đồng. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ quà Tết. Ngân sách tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trích kinh phí 508 triệu đồng tặng 1.116 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện, thành phố và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Thực hiện chính sách giảm nghèo, đã cấp BHYT cho 21.881 người thuộc hộ nghèo, 30.522 người thuộc hộ cận nghèo.
Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh không ghi nhận tiếp nhận đối tượng lang thang cơ nhỡ. Các Trung tâm đã tổ chức ăn Tết cho gần 400 đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng, quản lý tại trung tâm đảm bảo an toàn, đầm ấm, vui tươi. Thực hiện hỗ trợ thêm tiền ăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và đối tượng lang thang, cơ nhỡ được tiếp nhận khẩn cấp theo quy định của pháp luật trong 05 ngày Tết Nguyên đán năm 2023. Số người được hỗ trợ 615 người với kinh phí hỗ trợ 615 triệu đồng. Hỗ trợ tặng quà cho học sinh khuyết tật tại Trường Trung cấp cho Người khuyết tật là 240 suất với kinh phí 72 triệu đồng. Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đang chăm sóc và nuôi dưỡng 89 đối tượng; Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho Người tâm thần đang chăm sóc và nuôi dưỡng 152 đối tượng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời điểm tháng 3/2023, toàn tỉnh có 84 trường hợp tham gia Chương trình Cặp lá yêu thương. Các chính sách trợ giúp xã hội được Sở chỉ đạo triển khai kịp thời, đúng quy định.
Toàn tỉnh có 46.058 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 với tổng kinh phí 15,8 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi tại địa phương đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, phù hợp với phong tục, tập quán.
Công tác đối với người có công
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, toàn tỉnh đã tặng 252.687 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân, kinh phí 97,6 tỷ đồng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước tặng 81.117 suất quà, kinh phí 24,7 tỷ đồng (mức quà 600.000đ/suất cho 4.688 người; mức quà 300.000đ/suất cho 76.429 người). Quà của Tỉnh tặng 85.828 suất quà, mức quà 600.000đồng/suất (trong đó 200.000 đồng quà bằng tiền mặt, quà bằng hiện vật trị giá 400.000 đồng) và tặng quà cho các đồng chí thương, bệnh binh của tỉnh đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm trong và ngoài tỉnh, tổng kinh phí 51,5 tỷ đồng. Các huyện, thành phố trích ngân sách tặng 85.742 suất quà, kinh phí 20,3 tỷ đồng (mức quà từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng/suất). Các Đoàn đại biểu Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đi thăm, tặng quà cho đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh và tặng quà cho người có công tiêu biểu tại các huyện, thành phố.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
Tình hình dịch bệnh Covid: Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình từ ngày 01/01/2023 đến nay số trường hợp mắc mới 14 ca (cộng đồng 08 ca, cách ly –phong tỏa 06 ca). Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, tính đến 17h00 ngày 21/3/2023, Thái Bình đã thực hiện 4.358.203 mũi tiêm.
Tình hình HIV/AIDS
Ngành Y tế đã chủ trì tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện dự trù tiếp nhận báo cáo sử dụng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV theo sự chỉ đạo của Cục phòng chống HIV/AIDS; thực hiện mua và đóng nối thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Toàn tỉnh hiện có 2.263 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 765 phụ nữ nhiễm (33,8%), 30 trẻ em nhiễm (1,32%), phát hiện mới 43 người nhiễm HIV và 12 trường hợp phơi nhiễm với HIV; 381 đối tượng nguy cơ cao được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep).
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 09/3/2023, Sở Y tế tỉnh phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cho các thành viên đại diện thanh tra các Sở, ngành liên quan, đại diện phòng Y tế, Trung tâm Y tế 08 huyện, thành phố cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được đại diện Thanh tra Bộ Y tế trực tiếp hướng dẫn một số nội dung về Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Quy trình thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, những vướng mắc thường gặp, các vấn đề lưu ý trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) và xử lý ngộ độc thực phẩm. Hội nghị đã trang bị, bổ sung kiến thức bổ ích về ATTP và nâng cao năng lực, nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP cho cán bộ làm công tác ATTP trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Hoạt động giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch của ngành; chủ động thực hiện các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023; thực hiện tốt các kỳ thi, cuộc thi cho học sinh và giáo viên trong toàn ngành (Hội thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh, Kỳ thi chọn HSG quốc gia, Giải thể thao học sinh phổ thông cấp tỉnh, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh Chương trình GDTX cấp THPT…); tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao; tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018; chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì tốt.
Kỉ cương, nền nếp, an toàn trường học tiếp tục được thực hiện tốt; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư; công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng; thực hiện nghiêm túc công tác công khai, kiểm định chất lượng giáo dục.
Quý I, Sở GDĐT đã tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của các nhà xuất bản được Bộ GDĐT phê duyệt theo hình thức trực tuyến tới 100% cơ sở giáo dục phổ thông; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 theo đúng quy định của Bộ GDĐT.
Hiện tại, toàn ngành hiện có 743 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX. Tổng số trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh là 418.880, trong đó có 96.238 trẻ mầm non, mẫu giáo; 148.401 học sinh tiểu học; 105.653 học sinh THCS; 58.916 học sinh THPT; 9.672 học sinh GDTX.
Văn hoá - Thể thao
Theo Báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, đã xây dựng chương trình phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Tết; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 80 năm ra đời “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (1943 - 2023); 133 năm ngày thành lập tỉnh (21/03/1890-21/03/2023). Phối hợp với Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Tiền Hải và Ủy ban nhân dân xã Đông Trà tổ chức thành công đêm văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. Triển khai kế hoạch tổ chức Liên hoan các câu lạc bộ Chèo toàn tỉnh kỷ niệm 133 năm thành lập tỉnh Thái Bình.
Quý I/2023, đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo kế hoạch, chương trình công tác đề ra. Công tác quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cao; các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số được quan tâm chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và công tác gia đình tiếp tục được các địa phương triển khai kịp thời. Các hoạt động thể thao quần chúng được nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng; thể thao thành tích cao tiếp tục có những dấu ấn mới. Hoạt động du lịch được quan tâm, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch từng bước được phục hồi, doanh thu, số lượng du khách đã tăng trở lại.
Tối ngày 21/3, tại Quảng trường 14/10 đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình gắn với kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2023) và kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023). Chương trình nghệ thuật góp phần khơi dậy niềm tự hào và tinh thần yêu nước, cách mạng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, tích cực lao động sản xuất, công tác, học tập. Đồng thời, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình, từ ngày 15/02/2023 đến ngày 14/3/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, làm 03 người chết và 05 người bị thương. Tính chung 03 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm 20 người chết và 28 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/02/2023 đến ngày 15/3/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.