TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Chủ nhật - 25/06/2023 02:05
Sáu tháng đầu năm 2023, đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2023 của Liên hợp quốc (UNDESA) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,3% năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023, đạt 2,8%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo  tháng 01/2023. Nguyên nhân của các nhận định trên là do nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển.
Tại Việt Nam, theo dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á, tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế phần nào do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp giảm thiểu những trở ngại này và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023. Đầu tư công sẽ là động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế vào năm 2023. Một lượng đáng kể đầu tư công dự kiến sẽ được giải ngân vào năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm 2023, trong đó 90% đã được phân bổ để giải ngân cho các bộ và tỉnh kể từ tháng 01/2023. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu mỏ.
Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, công nghiệp có sự phục hồi rõ rệt, thương mại dịch vụ tăng trưởng khá, nông nghiệp phát triển ổn định. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm như sau:
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình (giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 31.095 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 6.928 tỷ đồng, tăng 2,29% so với cùng kỳ, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 13,10% so với cùng kỳ, đóng góp 5,21 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 15,17% (đóng góp 4,18 điểm phần trăm), ngành xây dựng tăng 8,43%. Khu vực Dịch vụ ước đạt 9.374 tỷ đồng, tăng 6,79% so với cùng kỳ, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm làm giảm 0,05 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 5/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 10/63 tỉnh trên cả nước.
Cơ cấu GRDP tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá hiện hành): khu vực Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,3%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 42,9%; khu vực Dịch vụ chiếm 30,2%; thuế sản phẩm chiếm 5,6%.
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng do giá cả vật tư đầu vào tăng cao phần nào đã tác động đến các hoạt động kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp trong sáu tháng qua tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng. Ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, đầu tư tái đàn do tâm lý lo ngại trước tình hình giá thức ăn ở mức cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tiếp tục được thực hiện tốt. Thủy sản duy trì mức tăng ổn định cả về sản lượng nuôi trồng và khai thác.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Cây hàng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2023 đạt 126.088 ha, giảm 0,67% so với vụ Đông Xuân 2022; trong đó: diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 36.644 ha, giảm 61 ha (-0,16%); tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân năm 2023 đạt 89.444 ha giảm 744 ha (-0,86 %) so với vụ Xuân năm 2022.
Sản xuất lúa Xuân: Vụ Xuân năm 2023 để tránh bất thuận của thời tiết giai đoạn lúa trỗ bông, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện công thức “xuân muộn - mùa sớm”, khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng gạo ngon, các giống có khả năng chống chịu với các đối tượng sâu bệnh, các giống chuyển gen kháng bệnh (bạc lá, đạo ôn, cổ bông). Ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX hoàn thành gieo cấy lúa Xuân đúng lịch thời vụ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, tổ chức diệt chuột, phòng, trừ sâu bệnh các loại bảo vệ sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo thuận lợi tốt nhất cho sản xuất vụ Xuân.
Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân đạt 74.863 ha, giảm 758 ha (-1%) so với vụ Xuân 2022, do các huyện mở rộng quy hoạch làm đường giao thông, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác, nuôi trồng thủy sản… Diện tích lúa dài ngày là 4.921 ha, chiếm 6,57%, các giống lúa ngắn ngày có diện tích 69.429 ha, chiếm 93,43% tổng diện tích lúa xuân. Giống lúa thuần có năng suất cao chiếm 67,77% gồm các giống lúa lai, Q5, BC 15, TBR 225, TBR-1, VN 10...
Theo tiến độ sản xuất nông nghiệp của Sở NN&PTNT tính đến ngày 22/6/2023 diện tích lúa Xuân toàn tỉnh đã thu hoạch xong. Diện tích làm đất gieo cấy lúa Mùa 61.480 ha đạt 81% so với kế hoạch đề ra. Diện tích mạ đã gieo đạt 1.748 ha.
Để bảo đảm năng suất, chất lượng của lúa Xuân trong điều kiện thời tiết dự báo diễn biến phức tạp, đồng thời chủ động sản xuất cho vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung mọi lực lượng, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa xuân đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh những thiệt hại do thời tiết bất thuận xảy ra. Thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, tập trung ưu tiên làm đất, cấy lúa trà sớm để bảo đảm khung thời vụ để bố trí vùng sản xuất cây vụ đông ưa ấm; hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sinh vật hại phát sinh sang lúa mùa; làm đất kỹ, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, đặc biệt sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột để xử lý rơm rạ, hạn chế nguồn sinh vật hại và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Lúa vụ Xuân ước tính năng suất đạt 71,08 tạ/ha, giảm 0,04 tạ/ha (-0,06%), sản lượng sơ bộ đạt 532,1 nghìn tấn, giảm 5,6 nghìn tấn (-1,06%) so với cùng kỳ.
Sản xuất rau màu: Vụ Đông Xuân năm 2023 các cây trồng hàng năm đều phát triển thuận lợi. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ Đông Xuân 2023 đạt 51.225 ha, năng suất sơ bộ ước đạt tương đương với năm trước. Cụ thể là: Cây ngô năng suất sơ bộ đạt 58,46 tạ/ha, tăng 0,04 tạ/ha (+0,07%), sản lượng đạt 39.671 tấn, giảm 559 tấn (-1,4%) so với vụ Đông Xuân năm 2022 do diện tích gieo trồng giảm 100 ha (-1,4%) so với cùng kỳ. Cây khoai lang năng suất đạt 121,69 tạ/ha, giảm 1,16 tạ/ha (-0,9%), sản lượng đạt 31.890 tấn, tăng 2.142 tấn (+7,2%) so với vụ Đông Xuân năm 2022. Cây đậu tương năng suất đạt 18,02 tạ/ha, giảm nhẹ so với cùng kỳ, diện tích tăng 57 ha nên sản lượng đạt 1.416 tấn, tăng 101 tấn (+7,2%) so với vụ Đông Xuân năm 2022.
Theo tiến độ sản xuất của Sở NN & PTNT đến ngày 22/6/2023, tổng diện tích cây màu hè đã trồng 10.820 ha, đạt 98,3% kế hoạch đề ra, thấp hơn 1,4% so với cùng kỳ năm 2022; diện tích cây màu hè đã thu hoạch 4.410 ha chiếm 41% diện tích cây màu hè đã trồng.
Cây lâu năm
Tình hình thời tiết trong những tháng đầu năm ổn định, các loại cây lâu năm phát triển tương đối tốt. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 8.250 ha, tăng 83 ha (+1,1%) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó diện tích cây ăn quả ước đạt 5.866 ha, chiếm 71,1% tổng diện tích của toàn tỉnh, tăng 47 ha (+2,8%) so với cùng kỳ năm 2022, diện tích tăng tập trung ở một số loại cây trồng như: chuối đạt 45,7 nghìn tấn (+2,02%); xoài đạt 0,48 nghìn tấn(+1,68%); vải đạt 2,87 nghìn tấn (+13,46%) so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi
 Sáu tháng đầu năm công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và kiểm soát giết mổ tại các các sở giết mổ đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện. Công tác kiểm dịch vận chuyển đảm bảo đúng quy trình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tiêm phòng tại cơ sở theo kế hoạch số 18/KH-SNNPTNT ngày 28/3/2023.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không phát sinh gia súc, gia cầm ốm chết nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên do thời tiết nắng, nóng gay gắt ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm làm tăng thêm số ốm và số chết đối với những bệnh thông thường so với tháng trước.
Chăn nuôi gia súc: Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 5.210 tấn, tăng 1,2%; trong đó sản lượng thịt trâu ước đạt 434 tấn, tăng 1,4%; sản lượng thịt bò ước đạt 4.776 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
 Chăn nuôi lợn: Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát, số lượng đầu con trong những tháng gần đây đã có sự biến động tăng do các cơ sở nuôi đã bắt đầu thực hiện việc tái đàn, song trên thực tế số lượng lợn tái đàn tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn chậm so với kỳ vọng bởi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợi hơn giảm nên các hộ chăn nuôi nhỏ chưa thể tái đàn do phải đối mặt với nhiều khó khăn, mặt khác khiến người chăn nuôi cũng đang rất thận trọng, thậm chí không dám thực hiện việc tái đàn ồ ạt do e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, việc tái đàn tập trung vào những hộ chăn nuôi lớn có quy mô trang trại trở lên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn rất khó khăn do Thái Bình chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ là chủ yếu; nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dù có đủ điều kiện vẫn thận trọng không dám tái đàn vì chi phí đầu tư lớn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 77,1 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm: Với mục tiêu duy trì đàn gia cầm, trọng tâm là đàn gà, tỉnh đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp, trang trại tập trung và nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng trong thực tiễn, đưa vào nuôi nhiều giống gà là tổ hợp lai của các giống gà lông màu cao sản có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu như: Gà Rilai, Mía lai…..
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 27,6 nghìn tấn, tăng 0,6%; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm các loại 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 169,6 triệu quả, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng trứng gà ước đạt 94,9 triệu quả, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát huy thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển, duy trì các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Tổng sản lượng thủy sản tháng 6/2023 ước đạt 21,4 nghìn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản quý II/2023 ước đạt 64,9 nghìn tấn, giảm 1,8% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng quý năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 131,1 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 53 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 2,1 nghìn tấn, tăng 2,8%; thủy sản khác đạt 76 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình được chú trọng đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị liên quan chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch và tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế so sánh, các quy hoạch, định hướng phát triển và cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trên các lĩnh vực như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp y dược, công nghiệp sạch; đầu tư và xây dựng các cảng biển; hệ thống logistic; đầu tư khu đô thị, khu du lịch; nông nghiệp công nghệ cao. Trong 6 tháng đầu năm có nhiều doanh nghiệp đi vào sản xuất, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn đã đi vào sản xuất (Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình II, Công ty TNHH Lotes Việt Nam sản xuất chân nối ram) và Công ty thép đặc biệt Senglly đã phục hồi sản xuất.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tháng 6/2023 giảm 1,1% so tháng 5/2023, tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó so với tháng trước: ngành Khai khoáng đạt 65,6 %; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6 %, Sản xuất và phân phối điện đạt 93%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 99,9 %.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Khai khoáng đạt 85,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 70,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 3,3%. Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ngành sản xuất kim loại tăng 97,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác (sản xuất đồ chơi, trò chơi) tăng 31,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 70,4%; ở chiều ngược lại, ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 25,6%; sản xuất đồ uống giảm 32,6%; in sao chép bản ghi các loại giảm 75,8%; sản xuất thiết bị điện giảm 27,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 6/2023 có tốc độ tăng cao so với tháng trước như: Loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa (+15,5%); Điện thương phẩm (+14,4%); Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác (+7,7 %)... Tuy nhiên trong tháng 6/2023 một số sản phẩm giảm như Gạch xây bằng đất nung  (-3,3%;  Điện sản xuất (-9,1%) ; Thép cán (-22,5%);  Nitơrat A moni  (-59,6%).
Một số sản phẩm sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ:  Tai nghe khác (+192,1%); Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác (+130,2%); Điện sản xuất (+80,2%); Thép cán (+78,4%); Túi khí an toàn (+64,1%); Thức ăn cho gia súc (+35%); Sản phẩm sứ vệ sinh (+28,2%); Khăn mặt, khăn tắm và khăn khác dùng trong phòng (+18,8%)... Tuy nhiên vẫn còn một số ngành có tốc độ giảm như: Bia dạng lon đạt 67,5%; Áo sơ mi cho người lớn đạt 67,4%; cần gạt nước đạt 49,5%...
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy: Có 46,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; có 33,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 20,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý III/2023, có 46,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 14,5% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 76,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 tốt lên và giữ ổn định so với quý II/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 100% và 87,4%.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 26.772 tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 3.310 tỷ đồng, tăng 30,6%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 19.094 tỷ đồng, tăng 1,5 %; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư khởi công mới 6 tháng đầu năm 2023
Dự án trọng điểm của tỉnh, dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình vốn đầu tư 2.516 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 176 tỷ đồng;
Dự án xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp thiết bị làm vườn và linh phụ kiện từ nhựa, kim loại tại KCN Liên Hà Thái của Công ty TNHH Greenworks Việt Nam, vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 770 tỷ đồng (dự án đang khẩn trương triển khai thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 8/2023);
Dự án xây dựng nhà xưởng công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình Firtunion Việt Nam, vốn đầu tư 254,9 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 31,2 tỷ đồng;
Dự án xây dựng nhà kho giai đoạn 2 của công ty tập đoàn Environstar, vốn đầu tư 14,7 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 10,6 tỷ đồng;
Dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê ciuar công ty TNHH Quốc tế Nam Tài, vốn đầu tư 1.812,8 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 47,2 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Long, vốn đầu tư 2.220 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 545 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy Jinyang Electronics Vina sản xuất gia công các bảng mạch in cho các sản phẩm linh kiện điện tử của Công ty Koreamst, vốn đầu tư 483 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 550 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài, vốn đầu tư 1.039 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 97,6 tỷ đồng;
Dự án xây dựng Đường Minh Tân đến Đền Trần huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 125 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 23 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường T33 đoạn từ xã Thái Hưng đi xã Thái Phương huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ, 6 tháng ước đạt 15 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường nối từ QL39 đi đền thờ Phạm Đôn Lễ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 48 tỷ, 6 tháng ước đạt 11tỷ đồng;
Dự án cải tạo kè Lão khê huyện Hưng Hà, vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 11 tỷ đồng;
Dự án cải tạo kè Nhâm Lang đoạn Từ Nhâm Lang đến xã Điệp Nông huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 90 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 13 tỷ đồng;
Dự án xây dựng cầu Vả xã Chí Hòa huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 26 tỷ, 6 tháng ước đạt 23 tỷ đồng;
Dự án cải tạo kè sông đoạn từ UBND xã Chí Hòa đến cầu Vả Huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 8 tỷ đồng, 6 tháng ước đạt 8 tỷ đồng…
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến 26/6/2023 đã cấp 613 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 6.820 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 369 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 71 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 71 doanh nghiệp.
Trong tháng 6/2023 số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới là 02 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 23.000 nghìn USD. Tính chung 6 tháng đầu năm đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới là 08 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 61.650 nghìn USD.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tháng 6 năm 2023 trên địa bàn tỉnh các mặt hàng tiêu dùng có xu hướng chững lại và giảm so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng giảm, riêng du lịch lữ hành có xu hướng tăng cao do đang vào thời điểm mùa du lịch. Trong tháng thời tiết nắng nóng, nhiều địa bàn mất điện theo lịch cắt điện luân phiên nên nhu cầu mua sắm đồ điện có hệ thống tích điện tăng cao đẩy giá bán tăng theo, ngược lại vật liệu xây dựng sức tiêu thụ giảm nên được nhà phân phối giảm giá bán trong tháng từ 3-5% tùy loại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2023 ước đạt 5.572 tỷ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Bán lẻ hàng hóa đạt 4.873 tỷ đồng, giảm 0,5% và tăng 16,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 393 tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 29,9%; du lịch lữ hành đạt 12 tỷ đồng, tăng 80,4% và tăng 97,6%; dịch vụ khác đạt 294 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 12,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 33.666 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 29.501 tỷ đồng, chiếm 87,6% tổng mức và tăng 16,8% so với cùng kỳ. Riêng nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 9,6%; các nhóm hàng còn lại đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm lương thực, thực phẩm đạt 9.590 tỷ đồng, tăng 16,2%; nhóm xăng dầu các loại đạt 5.210 tỷ đồng, tăng 12,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 4.853 tỷ đồng, tăng 27,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 3.358 tỷ đồng, tăng 8,5%; nhóm phương tiện đi lại đạt 1.738 tỷ đồng, tăng 34,8%; nhóm hàng may mặc 1.220 tỷ đồng, tăng 18,7%; nhóm hàng hóa khác 1.968 tỷ đồng, tăng 12,7%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.424 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng mức và tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 80 tỷ đồng, tăng 21,4%; dịch vụ ăn uống ước đạt 2.312 tỷ đồng, tăng 34,6%; dịch vụ lữ hành ước đạt 31,6 tỷ đồng, tăng 1,8 lần.
Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, cụ thể: Bất động sản giảm 2,7% do ảnh hưởng từ lãi suất ngân hàng cho vay; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 15,2% do dịch vụ cho thuê máy móc thiết bị tăng cao; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 23,4% do thực hiện nghiêm túc quy định cấm dạy thêm ngoài nhà trường; dịch vụ y tế tăng 19,3%; dịch vụ nghệ thuật và vui chơi giải trí giảm 1,3%; dịch vụ sửa chữa tăng 8,6%;  hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 6,7%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2023 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 0,30% so với cùng tháng năm trước; giảm 1,86% so với tháng 12 năm trước. Trong mức tăng 0,14% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có: 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng; 01 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm; 07 nhóm giá ổn định.
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,52% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1% tác động CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm do giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tăng. Nhóm giao thông tăng 0,21% do tác động của giá xăng dầu tăng vào ngày 02/6/2023, ngày 13/6/2023 và ngày 22/06/2023 (xăng 95 tăng 540 đồng/lít; xăng E5 tăng 400 đồng/lít; dầu điezen tăng 230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 180 đồng/lít), ngày 02/6/2023 giá dầu điezen giảm 10 đồng/lít; dầu hỏa giảm 190 đồng/lít. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% do thời tiết nắng nóng mất điện luân phiên, nhu cầu mua các sản phẩm tích điện và năng lượng mặt trời tăng cao đẩy giá bán tăng theo.
Ngược lại nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,20% so với tháng trước do giá dầu hỏa, giá ga, giá dịch vụ bảo dưỡng nhà ở chính giảm.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa tiêu dùng chính, nhóm bưu chính viễn thông ổn định, nhóm giao thông giảm 7,1% (do giá xăng dầu giảm mạnh 17,85%), 9 nhóm tăng giá gồm: Nhóm giáo dục tăng cao nhất (+9,99%); nhóm đồ uống và thuốc lá (+5,24%), chủ yếu tăng ở nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,89%), do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (+2,43%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (+1,72%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,67%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+1,08%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (+1,03%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,69%) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 6 năm 2023 ước đạt 401 triệu USD, tăng 10,8% so với tháng trước giảm 11,4% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.060 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 4,5%, nhập khẩu giảm 25,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 277 triệu USD.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2023 ước đạt 223 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 152 triệu USD, tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 71 triệu USD, giảm 2,3% so với tháng trước và giảm 18,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.168 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 722 triệu USD, tăng 10,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 446 triệu USD, giảm 4,5%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Hàng dệt may 644 triệu USD (chiếm 55,1%), tăng 4,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,0 triệu USD, tăng 1,4 lần; hàng thủy sản 13,7 triệu USD, tăng 87,4%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm 3,3 triệu USD, tăng 37,8%; giấy và các sản phẩm từ giấy 8,1 triệu USD, tăng 13,5%; sản phẩm gốm, sứ 11,0 triệu USD, tăng 9%;... Ngược lại một số sản phẩm giảm như: xơ, sợi dệt các loại 76,0 triệu USD, giảm 17,4%; sản phẩm từ sắt thép 11,2 triệu USD, giảm 12,5%; sản phẩm gỗ 5,3 triệu USD, giảm 7,8%; hàng hóa khác giảm 2,8%;....
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh đạt 593 triệu USD (chiếm 50,7%), tăng 7% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Mỹ đạt 329 triệu USD (chiếm 28,2%), tăng 4,1%; Châu Âu đạt 106 triệu USD (chiếm 9,1%).
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 6/2023 ước đạt 178 triệu USD, tăng 16,2% so với tháng trước và giảm 22,2% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu giảm so với cùng kỳ chủ yếu do không nhập khẩu xăng dầu, do giá xăng dầu biến động, doanh nghiệp dừng nhập khẩu từ tháng 4 đến nay. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 92 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng trước và giảm 45,4% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 86 triệu USD, tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 43,7% so với cùng kỳ (do lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 891 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ, đây là mức giảm cao nhất trong 5 năm gần đây (năm 2020 giảm 21,6%, năm 2021 tăng 31,1%, năm 2022 tăng 40,7%). Nguyên nhân do suy thoái kinh tế toàn cầu, sức tiêu thụ các mặt hàng giảm nhất là hàng may mặc từ cuối tháng 11 năm 2022 có xu hướng chững lại và đến tháng 01/2023 nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng để duy trì sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; mặt hàng xăng dầu nhập khẩu có xu hướng chững lại do tác động từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 Theo loại hình kinh tế: kinh tế tư nhân đạt 478 triệu USD, giảm 46,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 413 triệu USD, tăng 35,2%. Một số mặt hàng có mức tăng cao so với cùng kỳ như: Phế liệu sắt thép 114,4 triệu USD (+9,1 lần); hóa chất 9,6 triệu USD (+3 lần); máy vi tính, sản phẩm điện tử 2,3 triệu USD (+1,9 lần); máy móc, thiết bị, phụ tùng khác 39,1 triệu USD (+57%); xơ, sợi dệt các loại 49,5 triệu USD (+9,5%);... Ngược lại một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: vải các loại 284,2 triệu USD, chiếm 32% (-4,6%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 160,7 triệu USD, chiếm 18% (-16,6%); xăng dầu các loại 80,5 triệu USD, chiếm 9% (-82,8%); hàng thủy sản 0,6 triệu USD (-81,3%); chất dẻo nguyên liệu 1,3 triệu USD (-40,2%); hàng hóa khác 86,8 triệu USD (-2,5%).
Theo thị trường nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Châu Á là thị  trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh đạt 692,2 triệu USD (chiếm 77,7%), giảm 31,5% so với cùng kỳ; tiếp đến là Châu Mỹ đạt 34,4 triệu USD, Châu Âu đạt 28,5 triệu USD.
Hoạt động vận tải
 Sáu tháng đầu năm 2023 hoạt động vận tải có xu hướng tăng ở tất cả các ngành vận tải: nhu cầu đi lại, du lịch lễ hội tăng cao tác động tăng doanh thu cho vận tải hành khách; sản xuất công nghệp xây dựng có mức tăng cao đem lại doanh thu cho ngành vận tải hàng hóa; bên cạnh đó giá cước vận tải ở hầu hết các ngành đường tăng đã góp phần tăng doanh thu hoạt động vận tải. Doanh thu hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4.019 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động vận tải hành khách tăng 20,1%; hoạt động vận tải hàng hóa tăng 14,1%.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 6/2023 ước đạt 190 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ. Quý II năm 2023 ước đạt 576 tỷ đồng, tăng 2,7% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, ước đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách tháng 6/2023 ước đạt 2,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ; luân chuyển 289,4 triệu lượt khách.km, giảm 1,9% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Quý II năm 2023 vận tải hành khách ước đạt 7,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,9% so với quý trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ; luân chuyển 877 triệu lượt khách.km, tăng 2,7% và tăng 16,5%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 15,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 21,2% và luân chuyển 1.730 triệu lượt khách.km, tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 495 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Quý II năm 2023 ước đạt 1.466 tỷ đồng, tăng 6,5% so với quý trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.841 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 3,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ; luân chuyển 1.094 triệu tấn.km hàng hóa, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Quý II năm 2023 ước đạt 9,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,2% so với quý trước và tăng 24,6% so với cùng kỳ; và luân chuyển 3.239 triệu tấn.km hàng hóa, tăng 6,8% và tăng 22%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 17,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 17,3% so với cùng kỳ và luân chuyển 6.272 triệu tấn.km hàng hóa, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ vận chuyển 8,9 triệu tấn, tăng 22,9% và luân chuyển 402 triệu tấn.km, tăng 15,3%; đường ven biển viễn dương vận chuyển 5,7 triệu tấn, tăng 12,7% và luân chuyển 5.522 triệu tấn.km, tăng 15,4%; đường thủy nội địa vận chuyển 2,9 triệu tấn, tăng 10,6% và luân chuyển 348 triệu tấn.km, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Thu, chi Ngân sách Nhà nước và hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.009,3 tỷ đồng, đạt 62% so với dự toán, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 3.374,5 tỷ đồng, giảm 30,1%; thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 1.050 tỷ đồng, giảm 44,4%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 3.219 tỷ đồng, giảm 22%.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.688,1 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt 4.013,9 tỷ đồng, tăng 36,4%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 3.566,3 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng: Dự kiến đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 113.970 tỷ đồng, tăng 9,0% so với thời điểm 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 90.940 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thời điểm 31/12/2022; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,78% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thái Bình, ước thu được 2.689,1 tỷ đồng, tăng 217,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, đạt 45% dự toán BHXH Việt Nam tạm giao. BHXH tỉnh hiện đang quản lý 224.650 người tham gia BHXH bắt buộc, lũy kế giảm 1.174 người; 54.150 người tham gia BHXH tự nguyện, lũy kế tăng 1.380 người; 218.810 người tham gia BHTN, lũy kế giảm 1.020 người; 1.631.500 người tham gia BHYT, lũy kế tăng 8.332 người so với số người tại thời điểm 31/12/2022. Số người tham gia BHYT chiếm 87,1% dân số của tỉnh.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 19.100 người được giải quyết việc làm mới (đạt 55,6% so với kế hoạch năm, bằng 101,% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, việc làm tại địa phương 13.435 lao động; đi làm việc ở tỉnh ngoài 3.980 lao động; đi làm việc ở nước ngoài 1.775 lao động. Tiếp nhận và chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 95 đơn vị với 150 vị trí công việc. Cấp giấy phép lao động cho 220 lao động nước ngoài (trong đó, cấp mới 180 lao động, cấp lại 20 lao động, gia hạn 20 lao động). Thu hồi giấy phép lao động của 30 lao động, thẩm định và giới thiệu 10 doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Xác nhận hợp đồng cá nhân cho 03 lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan. Hướng dẫn 150 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 13.655 lao động tại doanh nghiệp và 16 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 190 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho gần 4.200 lao động thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 18.490 người (đạt 73% kế hoạch năm), tổ chức thành công 12 phiên giao dịch việc làm cố định, 02 phiên giao dịch việc làm Online. Hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang tham gia các hoạt động kinh tế khoảng 923.980 người, chiếm 49,2% dân số; tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở SXKD là 310.000 lao động. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 25,5%; tỷ lệ lao động thất nghiệp 1,25%.
Đến nay toàn tỉnh có 10.486 người tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng 558 người, trình độ trung cấp 1.560 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 8.350 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 24,8%.
Trợ cấp xã hội
Sáu tháng đầu năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2023/QĐ-UBND ngày 8/5/2023 về Quy chế quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và báo cáo Kế hoạch tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tỉnh Quảng trị. Toàn tỉnh có 146.058 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Triển khai các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”, “Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6)”, “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; Thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở bảo trợ xã hội công lập đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng tại đơn vị, tình hình an ninh trật tự, an toàn được duy trì.
Công tác đối với người có công
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, toàn tỉnh đã tặng 252.687 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân, kinh phí 97,6 tỷ đồng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước tặng 81.117 suất, kinh phí 24,7 tỷ đồng; quà của Tỉnh tặng 85.828 suất, kinh phí 51,5 tỷ đồng; các huyện, thành phố trích ngân sách tặng 85.742 suất, kinh phí 20,3 tỷ đồng. Tham mưu cho Tỉnh tổ chức các Đoàn đại biểu Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đi thăm, tặng quà cho đối tượng người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài tỉnh và tặng quà cho người có công tiêu biểu tại các huyện, thành phố. Xây dựng kế hoạch điều dưỡng người có công tại một số đơn vị ngoài tỉnh và kế hoạch và thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công và thân nhân.
Duy trì việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải quyết chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo thời gian quy định. Tiếp nhận và giải quyết 4.861 lượt thủ tục hành chính về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 4.241 lượt thủ tục, tại bộ phận một cửa của Sở tiếp nhận 620 lượt thủ tục), 100% thủ tục giải quyết đúng hạn, không có thủ tục quá hạn. Kết quả, đã giải quyết chế độ đối với thân nhân sau khi người có công với cách mạng từ trần 1.439 trường hợp; sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công 767 trường hợp; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ 632 trường hợp; giải quyết chế độ mai táng phí đối với cựu chiến binh 440 trường hợp; giải quyết thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với 355 trường hợp; cấp thẻ, giấy chứng nhận chất độc hóa học, thương, bệnh binh cho 130 trường hợp. Tiếp nhận 850 văn bản đến liên quan đến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó có 620 văn bản cần phúc đáp), Sở đã phúc đáp, giải quyết 620/620 văn bản thuộc thẩm quyền.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS
Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 07/02/2023 của UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình năm 2023 góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; tham gia Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Toàn tỉnh hiện có 2.285 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 242/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 772 phụ nữ nhiễm 33,78%, 27 trẻ em nhiễm (11,8%). Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị cho 1.407 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh heroin. Cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT và điều trị ARV tại 10 cơ sở điều trị cho 1.397 bệnh nhân.
Ngành Y tế đã chủ trì tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn các cơ sở điều trị thực hiện dự trù tiếp nhận báo cáo sử dụng thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV theo sự chỉ đạo của Cục phòng chống HIV/AIDS; thực hiện mua và đóng nối thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, thường xuyên.
Tình hình dịch bệnh
Ghi nhận 179 trường hợp mắc chân tay miệng giảm 119 ca so với cùng kỳ năm 2022 (298), các ca mắc tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, không ghi nhận ca tử vong; 281 trường hợp mắc thủy đậu tăng 55 ca so với cùng kỳ năm 2022 (226); Các bệnh truyền nhiễm tương đương so với cùng kỳ năm 2022. 06 tháng đầu năm không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9…
Toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 27 ca mắc Sốt xuất huyết, trong đó có 12 ca nội sinh giảm so với cùng kỳ năm 2022 (42 ca trong đó 14 nội sinh) không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng và tử vong. Toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân sốt rét.
Tình hình COVID-19 tại tỉnh tính đến 18/6/2023 ghi nhận 296 ca mắc; luỹ tích số ca mắc từ năm 2020 đến ngày 18/6/2023 ghi nhận 274.470 ca nhiễm COVID-19. Luỹ tích đến nay toàn tỉnh đã triển khai được 4.365.897 mũi tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Chiều ngày 28/5/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là các quy định đảm bảo ATTP trong trường học. Tại hội nghị, đã triển khai các quy định của Pháp luật về đảm bảo ATTP như Luật ATTP, các Nghị định hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định, việc kiểm soát đối với hệ thống máy lọc nước phục vụ học sinh tại nhà trường để dảm bảo ATTP; yêu cầu 2 doanh nghiệp cung cấp hệ thống máy lọc nước tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để kiểm soát chất lượng nước uống cho học sinh, đảm bảo tiêu chuẩn nước uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế ban hành.
Hoạt động giáo dục
Trong 3 ngày từ 8/6 - 10/6, hơn 20.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hội đồng thi các trường đã thực hiện theo đúng theo quy định mà Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 100%. Các hoạt động hỗ trợ thí sinh bên ngoài khu vực thi cũng được lực lượng làm nhiệm vụ thi thực hiện tốt, được đánh giá cao. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vào cuối tháng 6/2023.
Sáu tháng đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; định hướng, phân luồng học sinh sau THCS, THPT năm 2023; phối hợp với Học việc Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” tại tỉnh Thái Bình. Học sinh trên địa bàn tỉnh đã tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022- 2023 (có 34/66 thí sinh/9 môn thi tham gia thi đạt kết quả, trong đó: có 2 giải nhì, 11 giải ba và 21 giải khuyến khích. Tổ chức khảo sát chất lượng học kỳ II đối với các lớp: 9, 10, 11, 12 năm học 2022-2023 trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10; tổ chức Hội nghị tới các cơ sở giáo dục về giới thiệu, triển khai Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10; tiếp tục biên soạn và tổ chức dạy thực nghiệm đối với Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Sở GDĐT đã tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của các nhà xuất bản được Bộ GDĐT phê duyệt theo hình thức trực tuyến tới 100% cơ sở giáo dục phổ thông.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 743 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX. Tổng số trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh là 418.880, trong đó có 96.238 trẻ mầm non, mẫu giáo; 148.401 học sinh tiểu học; 105.653 học sinh THCS; 58.916 học sinh THPT; 9.672 học sinh GDTX. 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2.
Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp kết nối giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy vậy, do những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là mạng Internet, tình trạng học sinh, sinh viên, kể cả giáo viên vi phạm pháp luật xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng.
Hoạt động văn hóa thể dục thể thao
Sáu tháng đầu năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo và tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo kế hoạch, chương trình công tác đề ra. Công tác quản lý nhà nước tiếp tục được nâng cao; các hoạt động văn hóa, thể thaoễn ra sôi nổi, rộng khắp. Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số được quan tâm chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và công tác gia đình tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ. Các hoạt động thể thao quần chúng được nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng; thể thao thành tích cao tiếp tục có những dấu ấn mới. Hoạt động du lịch được quan tâm, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch từng bước được phục hồi, doanh thu, số lượng du khách đã tăng trở lại.
Bảo tàng tỉnh đã hướng dẫn, thuyết minh phục vụ 12 đoàn khách với số lượng hơn 4.000 lượt người; tổ chức trưng bày chuyên đề “Thái Bình trong dòng chảy lịch sử”.
Tổ chức thành công khai mạc lễ hội đền Trần năm 2023. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ tại các cơ sở; chỉ đạo đội thông tin lưu động các huyện, thành phố xây dựng chương trình phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Tết; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 80 năm ra đời “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (1943 - 2023); 133 năm ngày thành lập tỉnh (21/03/1890-21/03/2023); 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; ngày Quốc tế lao động 01/5; 69 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5; 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6) và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Tổ chức Hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, đã treo dựng được 7.420 băng rôn, khẩu hiệu, 351 cụm tranh, 2.809 panô, áp phích, 1.367 đĩa CD, trên 1.592 lượt xe tuyên truyền lưu động, biên tập hàng trăm tin bài tuyên truyền, tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật và biểu diễn gần 140 buổi phục vụ nhân dân tại cơ sở.
Hoạt động thư viện đã phục vụ 50 điểm trường và các điểm đọc sách trong toàn tỉnh với 25.666 lượt học sinh tham gia đọc sách với trên 35.000 lượt tài liệu luân chuyển, tặng trên 1.045 bản sách và nhiều phần quà khác cho học sinh; tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 và năm 2023.
Sở đã chỉ đạo tổ chức thành công giải Võ thuật cổ truyền tỉnh Thái Bình; múa Lân; vô địch Yoga toàn quốc lần thứ V; Bóng bàn các Câu lạc bộ tranh cúp Báo Thái Bình năm 2023; đăng cai tổ chức thành công giải vô địch Cầu lông đồng đội quốc gia; vòng loại giải Bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc năm 2023. Sáu tháng đầu năm 2023, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tổ chức tập huấn cho các vận động viên tham gia thi đấu 11 giải đạt 48 huy chương các loại, gồm 14 HCV, 18 HCB, 16 HCĐ; có 01 vận động viên tham gia thi đấu giải vô địch Karate Đông Nam Á giành 01 HCV, 01 HCB, 01 HCĐ. Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGames 32), Thái Bình có 06 vận động viên tham gia thi đấu các môn Cầu lông, Whushu, Lặn, Jujitsu, Karate; kết quả đạt 05 huy chương các loại, trong đó: Wushu đạt 01 HCV; Jujitsu đạt 01 HCB; Lặn đạt 02 HCĐ; Karate đạt 01 HCĐ. Đội Bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình tham dự vòng 1 Vô địch quốc gia năm 2023 cúp Hóa chất Đức Giang xếp thứ 3 bảng.
Tổ chức thành công khai mạc Tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình năm 2023, các hoạt động trong tuần du lịch diễn ra đầy đủ, đảm bảo an toàn, tạo ấn tượng, dư luận tốt trong nhân dân và du khách về tham quan, trải nghiệm; tổng lượng khách du lịch ước đạt 20.500 lượt. Tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023, ước đạt 452.659 lượt (tăng 14,6% so với cùng kỳ), trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa; doanh thu ước đạt 312,3 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh hiện có 378 cơ sở lưu trú với 5.572 phòng (08 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao); 07 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh trong tháng 6/2023 (tính từ ngày 15/5/2023 đến ngày 14/6/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết và 09 người bị thương. Tính chung 6 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông, làm 25 người chết và 41 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ Công an tỉnh, từ ngày 15/01/2023 đến ngày 15/6/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây