Tình hình kinh tế xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2022 tỉnh Thái Bình

Thứ sáu - 23/09/2022 04:22
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2022, Fitch Ratings nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới; tác động lan tỏa từ cuộc xung đột ở U-crai-na cũng như các điều kiện tài chính thắt chặt, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp ở một số nền kinh tế lớn đang giảm dần, thương mại tiếp tục gián đoạn. Nguyên nhân chính của lạm phát giá lương thực toàn cầu, đặc biệt giá ngũ cốc, là do tác động từ cuộc xung đột ở U-crai-na và các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia. Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ rệt tác động của lạm phát giá lương thực, thực phẩm này. Do đó, Fitch Ratings đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng, theo đó GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo tăng 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh được dự báo sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm 2022 trong khi đó suy thoái nhẹ sẽ xuất hiện tại Hoa Kỳ vào giữa năm 2023. Sự phục hồi của Trung Quốc bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để phòng chống dịch Covid-19, theo đó tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại.
Tính đến thời điểm tháng 9/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được điều chỉnh giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Theo đó, hơn 90% các nền kinh tế phát triển và 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng đối với năm 2022 và 2023. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm đáng kể, từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,8% trong dự báo tháng 8/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%. Ngân hàng Thế giới điều chỉnh giảm tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2022 dự báo đạt 1,6%; Khu vực đồng Euro chỉ đạt 2,5%; Nhật Bản đạt 1,4%; Trung Quốc đạt 3,3%.
Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,4%, Phi-li-pin đạt 6,5%, Thái Lan đạt 2,9%, Xin-ga-po đạt 3,7%, Ma-lai-xi-a đạt 6,0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%.
Chín tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực; đạt được kết quả đó là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và sát sao của các cấp lãnh đạo và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển KTXH; các hoạt động văn hóa-xã hội dần trở lại bình thường đem lại kết quả khả quan cho nền kinh tế. 
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Chín tháng năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; năng suất một số cây trồng chủ yếu đều đạt mức tăng cao so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm mặc dù có xuất hiện một số ổ dịch nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Chăn nuôi lợn dần phục hồi trong những tháng đầu năm, nhưng có xu hướng chậm lại trong quý III do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây khó khăn trong việc duy trì và mở rộng đàn. Sản lượng chăn nuôi chủ yếu như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng,... đều tăng khá so với cùng kỳ. Sản xuất thủy sản ổn định về sản lượng nuôi trồng và khai thác đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Nông nghiệp
Trồng trọt
Sản xuất vụ Đông Xuân
 Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2022 đạt 126.933 ha, giảm 600 ha (-0,5%) so với cùng kỳ 2021; trong đó: diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 36.705 ha, tăng 351 ha (1,0%) so với vụ đông năm trước; tổng diện tích gieo trồng vụ xuân đạt 90.228 ha, giảm 951 ha (-1,0%) so với vụ xuân 2021.
Diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2022 đạt 75.621 ha, giảm 911 ha (tương đương giảm 1,2%) so với vụ Đông Xuân năm 2021. Diện tích lúa Xuân 2022 giảm nhiều nhất là ở huyện Thái Thụy (- 497 ha), nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch làm đường giao thông ven biển; các huyện khác diện tích giảm chủ yếu là do chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác, làm đường giao thông, nuôi trồng thủy sản…diện tích lúa dài ngày là 3.061 ha, chiếm 4,0%, các giống lúa ngắn ngày có diện tích 72.488 ha, chiếm 96,0% tổng diện tích lúa Xuân. Các giống lúa có chất lượng gạo ngon (kể cả giống nếp dài ngày) có diện tích là 28.967 ha, chiếm tỷ lệ 38,3%, giống lúa thuần có năng suất cao, chịu thâm canh chiếm 61,7% gồm các giống lúa lai, Q5, BC15, TBR 45, TBR-1, Thiên ưu 8, TBR225, VN10... Năng suất lúa vụ Xuân năm 2022 đạt 71,12 tạ/ha tăng 0,11 tạ/ha (+0,2%), năng suất tăng nhưng do diện tích thu hoạch giảm so với cùng kỳ năm trước dẫn đến sản lượng lúa vụ Xuân đạt 537,8 nghìn tấn, giảm 5,6 nghìn tấn (-1,03%) so với cùng kỳ.
Kết quả gieo trồng diện tích cây màu vụ đông xuân năm 2022 đạt 47.312 ha; trong đó cây màu vụ Đông 2021 - 2022 đạt 36.705 ha, tăng 351 ha (+0,97%). Năng suất các loại cây trồng đạt tương đương năm 2021.
Sản xuất vụ mùa
Diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2022 đạt 91.462 ha, giảm 941 ha (-1,0%) so với vụ mùa năm 2021; trong đó, cây lương thực có hạt đạt 78.167 ha, giảm 610 ha (-0,8%); cây chất bột có củ đạt 291 ha, giảm 48,4%; cây có hạt chứa dầu đạt 932 ha, giảm 12,1%; rau, đậu, hoa các loại đạt 11.075 ha, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các loại cây trồng hàng năm vụ mùa năm 2022 giảm là do các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và làm đường giao thông, đường giao thông nội đồng phục vụ nông thôn mới.
Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa đạt 76.006 ha, giảm 658 ha (-0,9%) so với cùng kỳ năm 2021. Vụ mùa năm nay, do thu hoạch lúa vụ Xuân chậm so với tiến độ đề ra nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các địa phương trong toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong lúa mùa.
Theo tiến độ sản xuất của Sở NN & PTNT tính đến ngày 22/9/2021, diện tích lúa mùa đã trỗ 72.900 ha chiếm 95% diện tích lúa mùa đã gieo cấy. Diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch 8.900 ha chiếm 91% cây màu hè thu đã trồng. Diện tích cây vụ đông đã trồng 5.315 ha đạt 14,3% so với kế hoạch đề ra thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 7 đến ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 7/9 đến 7 giờ ngày 9/9 là 150,54mm.
Với quan điểm phòng úng là chính, hai công ty khai thác thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình và các đơn vị thủy nông đã tận dụng thủy triều mở tối đa các cống tiêu ngang để tiêu nước cho hệ thống do đó, tính đến 7h ngày 9/9, chưa xảy ra ngập úng đối với lúa, rau màu.
Hiện nay, lúa đại trà đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông; nhiều diện tích lúa đang bị bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sau mưa cần kiểm tra ruộng lúa, đặc biệt trên các giống dễ nhiễm bệnh, chân đất trũng, thừa đạm, tranh thủ thời tiết tạnh ráo phun thuốc phòng bệnh bạc lá. Những diện tích lúa trỗ gặp mưa nên kết hợp phun phòng bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa thấp thấp thô trỗ và khi kết thúc trỗ.
Đối với cây rau màu cần chủ động che ni lông trắng cho bầu cây con hoặc tạm dừng ra bầu trong một vài ngày tới; làm luống cao, tạo rãnh sâu để ruộng thoát nước tốt; với diện tích đã trồng ra ruộng, có thể dùng rơm rạ hoặc bèo bồng để ủ gốc, tránh gặp mưa bị trôi đất, dí gốc.
Sản xuất cây lâu năm
Sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển đổi từ các cây có giá trị kinh tế thấp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương như như chuối, thanh long, bưởi... Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích việc tăng diện tích trồng đối với một số các loại cây cảnh lâu năm khác tập trung ở xã Bách Thuận huyện Vũ Thư, xã Hồng Việt huyện Đông Hưng,... nhằm tạo ra các mặt hàng thương hiệu riêng, cho giá trị kinh tế lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách tích cực, hiệu quả tại các địa phương.
Diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 8.164 ha, tăng 0,08% (+7 ha) so với cùng kỳ năm 2021. Cây ăn quả là cây trồng chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 5.819 ha, chiếm 71,3% tổng diện tích, tăng 0,2% (+10 ha) so với cùng kỳ.
Cây chuối được xác định là cây trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với diện tích hiện có ước đạt 2.240 ha, tăng 73 ha (+7,4%), chiếm 27,4% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Trong những năm gần đây việc trồng chuối thương phẩm trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Sản lượng thu hoạch chuối 9 tháng năm 2022 ước đạt 59,7 nghìn tấn, tăng 1.940 tấn (+3,4%) so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây ăn quả khác ước đạt 3.578 ha, giảm 63 ha (-1,7%). Sản lượng thu hoạch của các loại cây ăn quả khác ước đạt 28,9 nghìn tấn, tăng 76 tấn (+0,26%) so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi
Chín tháng, tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, thực hiện tái đàn phù hợp để đảm bảo cân bằng cung cầu và mang lại hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích sản xuất theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao và an toàn sinh học. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Chăn nuôi gia súc
Sản lượng thịt trâu, thịt bò hơi xuất chuồng tháng 9/2022 ước đạt 847 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 75 tấn, tăng 2,7%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 772 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, thịt bò hơi xuất chuồng quý III/2022 ước đạt 2.468 tấn, giảm 3,6% so với quý trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt trâu hơi ước đạt 220 tấn, tăng 10,6% so với quý trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 2.248 tấn, giảm 4,8% so với quý trước và tăng 6% với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng thịt trâu, thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.616 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ ; trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 648 tấn, tăng 2% ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 6.968 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn: Trong tháng 9 tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, việc phát triển đàn lợn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt, tuy nhiên quy mô tái đàn nuôi vẫn chỉ dừng lại ở các cơ sở chăn nuôi trang trại và gia trại, đảm bảo chất lượng con vật nuôi an toàn sinh học; đối với các hộ chăn nuôi nhỏ vẫn chưa phát triển nhiều do giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 9/2022 ước đạt 15,2 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III/2022 ước đạt 45 nghìn tấn, tăng 24,5% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 120,9 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi gia cầm
Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại đã chạm ngưỡng cao. Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình thời tiết ổn định, dịch bệnh ít xảy ra, số lượng đàn gia cầm sẽ duy trì phát triển nhất là số lượng đàn gà do các hộ chăn nuôi đang chuẩn bị gà nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm.
 Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 9/2022 ước đạt 7,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý III/2022 ước đạt 21 nghìn tấn, tăng 87,2% so với quý trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 48,1 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 38,2 nghìn tấn, tăng 1,7%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 247,3 triệu quả, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lâm nghiệp
 Tháng 9 không phát sinh diện tích trồng rừng mới. Sản lượng gỗ khai thác tháng 9/2022 ước đạt 1238 m3, giảm 2,5%; sản lượng củi khai thác ước đạt 692 ste, giảm 3,4%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 38 nghìn cây, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Trong quý III/2022 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 538 m3, giảm 29,3% so với quý trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 1.921 ste, giảm 20,9% so với quý trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 120 nghìn cây, giảm 81% so với quý trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022 đã trồng mới được 7 ha rừng phòng hộ, giảm 79,1%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.673 m3­, tăng 0,5%; sản lượng củi khai thác ước đạt 6.073 ste, bằng cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.321 nghìn cây, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Thuỷ sản
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết tương đối ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác và nuôi trồng. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ không đáng kể; chủng loại và chất lượng giống thủy sản nuôi trồng ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện mặt nước nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.
Tính chung 9 tháng năm 2022 tổng sản lượng thủy sản ước đạt 203,2 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 82,2 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thuỷ sản khác đạt 116 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Khai thác
Tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng khai thác ước đạt 75,7 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 49,7 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng
Tình hình thời tiết trong 9 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Nuôi nước mặn (nuôi ngao) phát triển khá; nuôi nước lợ (tôm, cá) phát triển ổn định, đến thời điểm này tôm sú đang vào mùa thu hoạch rộ, tôm thẻ chân trắng bắt đầu nuôi thả vụ 2. Sản lượng nuôi trồng đạt mức khá, trong đó tôm thẻ chân trắng cho năng suất và sản lượng tăng cao so với cùng kỳ do các doanh nghiệp và các hộ nuôi mở rộng diện tích nuôi theo hình thức công nghệ cao.
Tính chung 9 tháng năm 2022 sản lượng nuôi trồng ước đạt 127,5 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 32,5 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 91,5 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được phát triển về số lượng lồng nuôi; đối tượng nuôi ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong và ngoài tỉnh, chủ yếu gồm các loại có giá trị cao như: cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá lăng… ; năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 4-5 tấn/lồng; hiện một số hộ nuôi đang thử nghiệm nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá tra, hàu… Sản lượng cá lồng đã góp phần đáng kể vào kết quả tăng trưởng và phát triển của ngành thủy sản năm 2021. Ước tính sản lượng cá nuôi lồng bè trong 9 tháng đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Theo khảo sát thực tế xu hướng Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2022: tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm tới 52,8%, tiếp đến nhu cầu thị trường trong nước thấp chiếm 50,9%, nhu cầu thị trường quốc tế thấp là 42,1%, thiếu nguyên nhiên vật liệu là 28,9%, không tuyển được lao động theo yêu cầu là 41,5%, thiết bị công nghệ lạc hậu là 25,8%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tháng 9/2022 tăng 0,2% so tháng 8/2022, tăng 11,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó so với tháng trước: ngành Khai khoáng tăng 1,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,7%, Sản xuất và phân phối điện đạt 87,9%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 98%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó Khai khoáng tăng 73,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,4%, sản xuất và phân phối điện đạt 86,6%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải đạt 96,1%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng 9 năm 2022 ước đạt 65.200 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó Kinh tế Nhà nước ước đạt 6.337 tỷ đồng, tăng 17,2%; Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 45.663 tỷ đồng, tăng 13,3%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13.200 tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ. Theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai thác ước đạt 349 tỷ đồng, tăng 13,0%; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 61.655 tỷ đồng, tăng 16,1%: Ngành sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 2.866 tỷ đồng, đạt 91%: Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 331 tỷ đồng, giảm 3,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2022
Một số ngành có chỉ số sản xuất sản phẩm 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ  năm 2021: Khí tự nhiên dạng khí tăng 17,1%; tôm đông lạnh tăng 11,3%; thức ăn cho gia súc tăng 34,5%; bia lon tăng 4,2%; Khăn mặt, khăn tắm dùng trong phòng vệ sinh và nhà bếp tăng 42,1%; sản phẩm quần áo các loại tăng từ 12,9-32,4%; Sản phẩm Nitorat Amoni tăng 20,9%; sản phẩm tai nghe khác tăng 61,9%; cần gạt nước, túi khí an toàn tăng lần lượt là 11,6% và 46,8%;... Tuy nhiên vẫn còn một số ngành có chỉ số sản xuất sản phẩm giảm như: điện sản xuất giảm 15,8%; điện thương phẩm giảm 0,3%. Sản phẩm bia hơi giảm 0,5%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2022 đạt 84,8% so cùng kỳ năm 2021;
Tính đến tháng 9/2022, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tăng 20,1% so tháng 8/2022, so cùng kỳ tăng 24,7%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 9/2022 giảm 0,3% so tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ.
Kết quả điều tra khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2022 so với quý II/2022 cho thấy: Xu hướng tỷ lệ doanh nghiệp có tình trạng sản xuất so với quý II/2022: Tốt lên chiếm 55,3%; giữ nguyên chiếm 30,2% và khó khăn hơn chiếm 14,5%. Dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2022 so với quý III/2022: Tốt lên chiếm 59,1%; giữ nguyên chiếm 33,3%; khó khăn hơn chiếm 7,6%.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 9/2022 ước đạt 789 tỷ đồng, tăng 12,8% so tháng trước và tăng 40,8% so cùng kỳ năm 2021. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 355 tỷ đồng đạt 99,7 % so với cùng kỳ; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 222 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 316 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp xã ước đạt 119 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 4.647 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 2.247 tỷ đồng,  tăng 13,6%; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 1.421 tỷ đồng tăng 7,4%; vốn ngân sách Nhà nước huyện ước đạt 1.687 tỷ đồng, tăng 67,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 712 tỷ đồng, tăng 36,4% so cùng kỳ.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn dự kiến 9 tháng năm 2022, ước đạt 37.387 tỷ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2021; Chia ra: Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước thực hiện 4.647 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ; vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 26.701 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 2.269 tỷ đồng, bằng 78,3% so cùng kỳ.
Một số dự án trọng điểm đang thực hiện trong 9 tháng năm 2022
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Liên Hà Thái, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng; dự kiến 9 tháng đạt 500 tỷ đồng;
Dự án đầu tư nhà máy sản xuất tấm trần thạch cao MIKADO GYPSUM của Công ty CP Vinafrit, vốn đầu tư gần 345 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng đạt 160 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ cao cấp của Công ty CP đầu tư thương mại quốc tế Minh Vượng, vốn đầu tư 169 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng đạt 185 tỷ đồng;
 Dự án sản xuất tấm Modun pin năng lượng mặt trời của Công ty China New Energy Industry Group Limíted tại KCN Gia Lễ, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đạt 55 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái, tổng vốn đầu tư 2.760 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng đạt 210 tỷ đồng; tại KCN Phúc Khánh, vốn đầu tư 398 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đạt 184 tỷ đồng;
Dự án ĐTXD tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đến đường vào UBND xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư gần 100 tỷ, dự kiến 9 tháng đạt hơn 79 tỷ đồng;
  Dự án Cải tạo nâng cấp đường ĐT.452 (đường 224 cũ), GĐ1: Đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam, vốn đầu tư 101 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng ước đạt gần 72 tỷ đồng;
 Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, phát triển kinh tế biển và đảm bảo ANQP ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A), Dự kiến 9 tháng ước đạt gần 470 tỷ đồng;
 Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ xã Quỳnh Nguyên đến xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu dự kiến 9 tháng ước đạt gần 46 tỷ;
 Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu sông Hóa với Tuyến đường bộ ven biển, đoạn từ cầu sông Hóa đến QL37 mới, vốn đầu tư gần 125 tỷ, dự kiến 9 tháng đạt hơn 48 tỷ; - 4 - Dự án Tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ), đoạn từ Quốc lộ 10 đến đường ĐT.456, GĐ1: Đoạn từ Quốc lộ 10 đến xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, dự kiến 9 tháng ước đạt gần 54 tỷ đồng.
Tình hình đăng ký kinh doanh: Tính đến đầu tháng 9 năm 2022 đã cấp 781 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 7.977 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 392 doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 73 doanh nghiệp, trong đó thu hồi Giấy chứng nhận dăng ký kinh doanh do doanh nghiêp giải thể là 72 doanh nghiệp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới là 05 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 65,82 triệu USD, đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo do các nhà đầu tư từ Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Trong tháng, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra sôi động. Việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng, dầu đã tác động đến giá cước vận tải hành khách giảm nhẹ. Bước vào mùa cưới nên các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu cưới hỏi khá nhộn nhịp, lượng bánh kẹo, thực phẩm phục vụ cho dịp tết trung thu tăng cao, học sinh đi học trở lại nên nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập và quần áo cũng tăng theo.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2022 ước đạt 5.078 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 4.476 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2021, do cùng kỳ năm trước ảnh hưởng của dịch nên nhiều hoạt động bị hạn chế. So với tháng trước chỉ có nhóm hàng hóa khác giảm 5,1%, các nhóm hàng còn lại đều tăng như: Nhóm ô tô con (+2,6 lần); phương tiện đi lại (+96,6%); hàng may mặc (+7,3%);  đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+7%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+5,9%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+5%);… Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 12 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 1,4 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 325 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 74,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 259 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành giảm 18,8% so với tháng trước.
Quý III năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 1% so với quý trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu thương nghiệp ước đạt 12.771 tỷ đồng, tăng 1% so với quý trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ (nhóm ô tô con tăng 68%; nhóm sửa chữa xe có động cơ tăng 49,5%; nhóm nhiên liệu khác tăng 36,9%; nhóm hàng may mặc tăng 29,5%; nhóm hàng hóa khác tăng 26,4%; nhóm xăng dầu các loại tăng 24,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 17,6%;…) Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 35 tỷ đồng, giảm 2% so với quý trước và tăng 49,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 927 tỷ đồng, tăng 6,6% so với quý trước và tăng 45,3% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 19 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý trước; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 759 tỷ đồng, giảm 5,9% so với quý trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước đạt 43.189 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước đạt 38.030 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Riêng nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 7,1%; các nhóm hàng còn lại đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con (+52%); nhóm nhiên liệu khác (+30,9%); nhóm xăng dầu các loại (+30,1%); nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy (+ 26,2%); nhóm hàng may mặc (+22,9%); nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+17,8%);…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.776 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 102 tỷ đồng, tăng 22,8%; dịch vụ ăn uống ước đạt 2.645 tỷ đồng, tăng 35,8%; dịch vụ lữ hành ước đạt 30 tỷ đồng, tăng 33,5 lần. Doanh thu dịch vụ tăng do dịch bệnh được kiểm soát tốt; các dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình, du lịch trở lại bình thường.
Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ, do dịch bệnh được kiểm soát nên nhiều dịch vụ hoạt động trở lại bình thường như: cho thuê phông bạt, dạy thêm, vui chơi, giải trí, karaoke, internet, spa, làm đẹp,… Cụ thể: Bất động sản tăng 3,1%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 39,8%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 22,2%; dịch vụ y tế tăng 26,7%; dịch vụ nghệ thuật và vui chơi giải trí tăng 25,2%; dịch vụ sửa chữa tăng 11,4%;  hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 17,4%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 giảm 0,15% so với tháng trước; tăng 2,90% so với cùng tháng năm trước; tăng 3,96% so với tháng 12 năm trước. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá trong tháng: Điều chỉnh tăng giá học phí lớp 11 tư thục và học phí học nghề tăng, nhà trường tự chủ kinh phí đây cũng là xu hướng diễn ra hàng năm, khi bắt đầu vào năm học mới, các trường thường có sự điều chính giá học phí. Các trường công lập chưa tăng giá do bộ Giáo dục đang trình Chính phủ, nên chưa có sự điều chỉnh. Nhóm giao thông giảm 2,66% do giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh 3 đợt vào các ngày 06,13 và 22/9 (xăng 95 giảm 2.110 đồng/lít; xăng E5 giảm 1.970 đồng/lít; dầu điezen 0,05 giảm 2.670 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 3.000 đồng/lít), riêng giá dầu điezen 0,05 và giá dầu hỏa tăng một đợt vào ngày 06 tháng 9: giá dầu điezen 0,05 tăng 1.450 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.390 đồng/lít. Ngày 13/9 công ty TNHH MTV xăng dầu Thái Bình áp dụng mức lệch giá so với vùng 1: giá xăng 95 lệch 350 đồng/lít; giá xăng E5 lệch 330 đồng/lít; giá dầu điezen 0,05 lệch 190 đồng/lít.
CPI bình quân 9 tháng tăng 1,67% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,14%; nhóm bưu chính viễn thông ổn định; còn lại 9 nhóm có chỉ số tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 17,30% do giá xăng dầu tăng; chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,98% do giá vật liệu xây dựng tăng; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,07%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,95%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,44%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,40%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giấy dép tăng 0,39%; chỉ số nhóm văn hóa và giải trí du lịch tăng 0,18%; chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 369 triệu USD, giảm 24,2% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.584 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 22,1%; nhập khẩu tăng 26,2%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2022 ước đạt 241 triệu USD, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 và những tháng cuối năm đang có xu hướng giảm do đơn hàng kế hoạch năm đang giảm dần nhất là đối với những doanh nghiệp may. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 151 triệu USD, giảm 20,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 90 triệu USD, giảm 16,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước như: sản phẩm từ sắt thép giảm 26,8%; hàng thủy sản giảm 26,4%; sản phẩm gốm sứ giảm 22,7%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 22,2%; hàng dệt may giảm 20,3%; hàng hóa khác giảm 17%; sản phẩm gỗ giảm 14,5%;...
 Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.903 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 1.138 triệu USD, tăng 40,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 765 triệu USD, tăng 2%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm từ sắt thép tăng 69,9%; hàng hóa khác tăng 55%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 54,8%; sản phẩm gỗ tăng 53%; hàng dệt may tăng 36,8%;... ngược lại một số sản phẩm giảm: Sắt thép giảm 93%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 45,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 20,8%; xơ, sợi dệt các loại giảm 1,3%.
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9/2022 ước đạt 127 triệu USD, giảm 32,7% so với tháng trước và giảm 15,3% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 88 triệu USD, giảm 40,3% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 39 triệu USD, giảm 6,3% so với tháng trước và giảm 19,9% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm mạnh so tháng trước như: Xơ, sợi dệt các loại (-50,3%); xăng dầu các loại (-47,9%); hóa chất (-35,8%); hàng hóa khác (-27,1%); nguyên, phụ liệu dệt, may, da, giày (-20,4%); sắt thép các loại (-20%); máy vi tính, sản phẩm điện tử (-16,9%); vải các loại (-16,6%);…
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.681 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 1.240 triệu USD, tăng 64,3% chủ yếu do nhập khẩu xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn (39%) có tốc độ tăng cao (+1,0 lần); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 441 triệu USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm sâu (-73,5%). Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ như: Xơ, sợi dệt các loại (+1,2 lần); xăng dầu các loại (+gấp đôi); hàng thủy sản (+60,6%); vải các loại (+23,8%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (+18,6%).
Hoạt động vận tải
Việc tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong tháng đã góp phần làm giảm áp lực về chi phí trong hoạt động vận tải, do vậy giá cước vận tải trong tháng giảm nhẹ. Tổng doanh thu hoạt động vận tải tháng 9/2022 ước đạt 618 tỷ đồng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 48,8% so với cùng kỳ. Dự tính 9 tháng năm 2022 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 5.303 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 9/2022 ước đạt 174 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 1,2 lần so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 2,3 triệu người, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 1,1 lần so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 266 triệu người.km, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 109% so với cùng kỳ.
Quý III năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 520 tỷ đồng, tăng 4,6% so với quý trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 7 triệu người, tăng 5% so với quý trước và tăng 92,1% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 793 triệu người.km, tăng 5,3% so với quý trước và tăng 95,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.466 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 19,6 triệu người, tăng 36,1%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 2.221 triệu người.km, tăng 37,9% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 436 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 31,9% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 2% so với tháng trước và tăng 34,9% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 972 triệu tấn.km, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Quý III năm 2022, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.287 tỷ đồng, tăng 5% so với quý trước và tăng 30,9% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 7,6 triệu tấn, tăng 5,6% so với quý trước và tăng 32,6% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 2.836 triệu tấn.km, tăng 6,8% so với quý trước và tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2022, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 3.776 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 2.171 tỷ đồng, tăng 26,5%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 16,8%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 241 tỷ đồng, tăng 11,8%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 22,6 triệu tấn, tăng 21%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 8.293 triệu tấn.km, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
 Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9/2022 ước đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 41,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022 ước đạt 56 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 9/2022 ước đạt 0,6 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 64,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2022 ước đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 9 tháng năm 2022 đạt 19.707 tỷ đồng, đạt 109,5% so với dự toán, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 7.544 tỷ đồng, tăng 9,7%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 2.781 tỷ đồng, tăng 99,5%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 5.862 tỷ đồng tăng 10,4%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng năm 2022 đạt 10.775 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 4.611 tỷ đồng, tăng 14,7%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 5.698 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chín tháng năm 2022, Ngân hàng Thái Bình đã triển khai đầy đủ, kip thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của Ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến 30/9/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 100.649 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 84.181 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chiếm 0,73% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thái Bình, 9 tháng năm 2022 ước thu 3.793 tỷ đồng. Phát triển mới 420 đơn vị với 5.850 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN; quản lý 224.936 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 17.330 người so với cùng kỳ năm 2021); 49.210 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 12.386 người so với cùng kỳ năm 2021); 213.910 người tham gia BHTN (tăng 15.890 người so với cùng kỳ năm 2021); có 1.634.803 người tham gia BHYT (tăng 6.779 người so với cùng kỳ năm 2021).
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Theo Báo cáo của Sở Lao động thương binh và Xã hội, kết quả 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 30.390 lao động có việc làm tăng thêm (đạt 92,1% kế hoạch năm, bằng 148% so với cùng kỳ năm 2021). Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng cho 72 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 25.215 người (đạt 69,85% kế hoạch năm, bằng 107,94% so với năm 2021). Thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động và thực hiện các quy định về pháp luật lao động; thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép cho lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động và thực hiện kiểm định, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tiếp nhận và thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 4.646 lao động. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã ghi nhận 01 vụ việc ngừng việc tập thể.
Trợ cấp xã hội
Theo Báo cáo của Sở Lao động thương binh và Xã hội, kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo là 15.739 hộ, tỷ lệ 2,40%; tổng số hộ cận nghèo là 16.218 hộ, tỷ lệ 2,47%. Ước thực hiện năm 2022, giảm từ 1.000 đến 1.500 hộ nghèo.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh có 47.686 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ theo quy định. Chín tháng năm 2022 toàn tỉnh chi trả trợ cấp xã hội cho hơn 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả trên 500 tỷ đổng; hỗ trợ chi phí mai táng cho trên 3.000 đối tượng với kinh phí hỗ trợ mai táng trên 21 tỷ đồng; 87 trường hợp được nhận hỗ trợ chương trình Cặp lá yêu thương. Các địa phương đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ thẻ BHYT.
Lĩnh vực người có công
Chín tháng năm 2022, Sở đang thực hiện chế độ ưu đãi thường xuyên hàng tháng đối với 61.716 lượt người có công và thân nhân theo quy định.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Sở đã phối hợp với các ngành liên quan và các huyện, thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tri ân người và gia đình có công với cách mạng.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh tại tỉnh Thái Bình
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, Số mắc tích lũy từ năm 2020 đến 10/9/2022 là 270.178 ca mắc (năm 2020 là 38, năm 2021 là 2.684), riêng năm 2022 ghi nhận 267.456 ca (cộng đồng 139.919, cách ly phong tỏa là 127.537), tử vong 70. Hiện tại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát tốt, trung bình ghi nhận 50 ca mắc/ngày, công tác phân tuyến chăm sóc điều trị được đảm bảo và duy trì hiệu quả, các trường hợp nặng được điều trị tích cực tại các bệnh viện do đó từ tháng 4 đến nay không ghi nhận trường hợp tử vong mới.
Trong năm 2022 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại tất cả các địa phương, số lượng ca mắc thống kê có thể thấp hơn số mắc thực tế do một số người dân không chủ động khai báo thông tin. Đánh giá về cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh: Toàn bộ các xã phường thị trấn trên địa bàn tỉnh đều ở cấp độ 1, không có địa phương nào ở cấp độ 2 trở lên. Trong tháng 8 số ca mắc có dấu hiệu gia tăng sau thời gian được duy trì ở mức thấp trong tháng 6 và tháng 7.
Công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19: Đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh đã thực hiện 4.215.444 mũi tiêm.
Tình hình dịch bệnh khác tại tỉnh
Từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận 174 trường hợp sốt xuất huyết trong đó có 68 trường hợp nội sinh, không ghi nhận tử vong. Các huyện thành phố ghi nhận số ca bệnh nhiều như: Thành Phố 30 ca, trong đó nội sinh 12 ca, Thái Thụy 32 ca trong đó nội sinh 06 ca, Vũ Thư 27 ca nội sinh 14 ca, Đông Hưng 26 ca trong đó nội sinh 10 ca, không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết nặng và tử vong. Chín tháng năm 2022, toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân sốt rét.
Các bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021; không ghi nhận ca bệnh truyền nhiễm như Cúm A/H5N1, H7N9. Bệnh đậu mùa khỉ ở người chưa ghi nhận ca mắc/nghi mắc.
Tình hình HIV/AIDS
Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, tính đến hết ngày 30/8/2022, toàn tỉnh hiện có 2.249 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 241/260 xã, phường, thị trấn trong đó có 760 phụ nữ nhiễm (33,8%), 31 trẻ em nhiễm (1,37%), phát hiện mới 25 người nhiễm HIV, 08 người chết do HIV/AIDS và 05 trường hợp phơi nhiễm với HIV.
Các cơ sở điều trị thay thế nghiện chất bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.421 người nghiện tại tất cả các cơ sở điều trị và duy trì việc thực hiện các xét nghiệm định kỳ và test nhanh heroin. Toàn tỉnh hiện có 10/10 cơ sở điều trị HIV/AIDS (OPC) cấp thuốc ARV qua nguồn quỹ BHYT, hiện đang điều trị ARV cho 1.361 bệnh nhân, trong đó có 31 trẻ em.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngành Y tế đã triển khai công tác hậu kiểm ATTP năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội Xuân, ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn tỉnh. 09 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Hoạt động giáo dục
Theo Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, 9 tháng năm 2022 đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn trường học
Hoàn thành tốt hiệm vụ năm học 2021-2022: Đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có 742 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; 12.362 lớp, 416.914 học sinh; ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 94 trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa với 25.459 học viên; 260 trung tâm học tập cộng đồng. Quy mô trường, lớp tiếp tục duy trì sự ổn định, đa dạng các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh đến trường học tập.
Tổ chức thành công các kỳ thi, hội thi, cuộc thi: Cuộc thi KHKT cấp THPT cấp tỉnh có 23 dự án 17/23 dự án đạt giải; Cuộc thi cấp quốc gia có 02 dự án dự thi, trong đó có 1 dự án đạt giải đặc biệt. Kỳ thi chọn Học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh có 640 thí sinh tham dự Kỳ thi ở 8 môn thi đạt kết quả có 379 HS đạt giải (đạt tỷ lệ 65%), trong đó: 22 giải nhất, 79 giải nhì, 105 giải ba, 173 giải khuyến khích. Kỳ thi chọn HSG lớp 12 THPT cấp tỉnh có 1.642 thí sinh tham dự Kỳ thi ở 9 môn thi đạt kết quả có 939 HS đạt giải (57,18%), trong đó: 35 giải nhất, 219 giải nhì, 300 giải ba, 385 giải khuyến khích. Kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, tỉnh Thái Bình có 66 thí sinh tham gia với kết quả có 28 thí sinh đạt giải, trong đó: 3 giải Nhất; 6 giải Nhì, 4 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Thái Bình là tỉnh xếp thứ 8 toàn quốc về số học sinh đạt giải Nhất; có 03 học sinh được Bộ GDĐT lựa chọn tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022, có 01 học sinh được tham gia đội tuyển quốc gia thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương năm 2022.
Công tác giáo dục thể chất, phong trào thể thao trường học được tổ chức hiệu quả, trong tháng 02/2022, Sở GDĐT đã tổ chức thành công Giải thể thao học sinh phổ thông cấp tỉnh năm học 2021-2022, tham gia giải có 42 đoàn; 90 trọng tài; 1.350 vận động viên tranh tài với 05 môn thi đấu.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 đã thử nghiệm và triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong công tác tuyển sinh lớp 10 THPT; tổ chức Kỳ thi Tuyển sinh vào trường THPT Chuyên và THPT công lập đại trà trong cùng 1 kỳ thi. Tổng số học sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023: 20.821/26.525 học sinh (đạt tỉ lệ 78,5%). Kết quả có 476/1.072 học sinh trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên; 15.629 học sinh trúng tuyển vào các trường THPT đại trà công lập.
Công tác tham mưu, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,7%, đứng thứ 10 toàn quốc về điểm trung bình các môn, đứng thứ 10 toàn quốc về số lượng thí sinh đạt điểm 10. Thái Bình có 01 học sinh đạt Thủ khoa khối B00,01 học sinh đạt Á khoa khối A00.
 Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Hoàn thành biên soạn, dạy thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục về Tài liệu địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10, Sở GDĐT đang tiếp tục hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định và tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt. Chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT mới.
Tích cực triển khai các nhiệm vụ năm học mới 2022-2023: Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực chỉ đạo Phòng GDĐT huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện các công việc đầu năm học, tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; hướng dẫn thực hiện một số nội dung công tác tài chính, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học năm học 2022-2023 trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; tổ chức tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2022.
Văn hoá - Thể thao
Lĩnh vực văn hóa
Sở văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức Hội chợ quê và Phố ông Đồ trong dịp Tết phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí và tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống của quê hương; đón tiếp, hướng dẫn 01 đoàn Lãnh đạo Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tham quan gian trưng bày của Hội Cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Thái Bình, thuyết minh phục vụ 16 đoàn khách với số lượng 800 người và 6.000 lượt khách tham quan tự do, 06 lượt phối hợp cùng các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương ghi hình tư liệu tuyên truyền về Đất và Người Thái Bình; sưu tầm được hơn 30 hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Tra cứu, khảo sát, sưu tầm tư liệu, hình ảnh hiện vật, triển khai thi công trưng bày nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải và trưng bày chuyên đề “Bác Hồ về thăm Thái Bình - Đảng bộ nhân dân Thái Bình làm theo lời Bác” tại Bảo tàng tỉnh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Tư (26/3/1962 - 26/3/2022); trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Hướng dẫn, giám sát tu sửa cấp thiết 46 di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện thủ tục và tổ chức Lễ bàn giao phần di cốt của 02 ngôi mộ cổ Phạm Lễ xã Tân Lễ và phần Cựu xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.
Các địa phương trong tỉnh thực hiện công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, di sản văn hóa, việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích đi trên địa bàn quản lý đi vào nề nếp, đảm bảo theo quy định của Luật Di sản.
Lĩnh vực thể thao
Thể dục thể thao quần chúng đã tổ chức thành công 11 giải trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX. Thể thao thành tích cao đã thực hiện tốt công tác quản lý vận động viên, duy trì việc giảng dạy, huấn luyện đảm bảo theo kế hoạch, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Ban hành Kế hoạch tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX và các giải thể thao năm 2022. Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGAMES 31), Thái Bình có 04 huấn luyện viên được triệu tập tham gia làm trọng tài; có 10 vận động viên tham gia thi đấu đạt 06 HCV, 03 HCB, 03 HCĐ; vinh dự có 03 cầu thủ Bóng đá của đội tuyển U23 Việt Nam trưởng thành từ Trường Năng khiếu Thể dục thể thao nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã góp sức giành được HCV môn bóng đá nam. Tại giải Bóng chuyền vô địch quốc gia cúp Hóa chất Đức Giang năm 2022, Đội bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình đã xuất sắc giành cúp vô địch. Đội bóng đá U11 thi đấu và giành được kết quả tham dự vòng chung kết tại giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng năm 2022.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 1 người chết và 3 người người bị thương. Tính chung 9 tháng toàn tỉnh xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2021 (-11,7%), làm 36 người chết và 72 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo Báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ. Tình chung trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ cháy (giảm 06 vụ so với cùng kỳ) gây thiệt hại 42,9 triệu đồng./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây