Tình hình thương mại, dịch vụ, giá trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần tỉnh Thái Bình
admin
2022-03-07T23:49:46-05:00
2022-03-07T23:49:46-05:00
https://thongkethaibinh.gov.vn/Tin-tuc/tinh-hinh-thuong-mai-dich-vu-gia-truoc-va-sau-tet-nguyen-dan-nham-dan-tinh-thai-binh-739.html
/themes/default/images/no_image.gif
Cục Thống kê tỉnh Thái Bình
https://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Thứ hai - 07/03/2022 23:46
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh: Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 14/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Thực hiện Kế hoạch số 07/KH-TCQLTT ngày 18/11/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022; Kế hoạch số 119/KH-BCĐ389 ngày 02/12/2021 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Công văn số 5410/UBND-CTXDGT ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 05/KH-BCĐ ngày 10/12/2021 của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh mở đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục QLTT đã xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, tăng cường công tác quản lý địa bàn, điều tra trinh sát kết hợp việc kiểm tra với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, xã nhằm hướng dẫn chính sách pháp luât và tác hại của việc sản xuất, buôn bán, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chú trọng kiểm tra và xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đồng thời tuyên truyền lên án những hành vi buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, buôn bán sử dụng hàng cấm, kinh doanh tiêu thụ hàng giả và gian lận thương mại. Khuyến khích, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chấp hành, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm hỗ trợ các cơ quan chức năng thực thi công tác chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại và kiên quyết, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm.
Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, hoạt động lễ hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước, đảm bảo để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triển khai đến cán bộ công chức các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 14/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và nhà nước. Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo sự phân công của đơn vị, chấp hành nghiêm các quy định về công tác phòng chống dịch. An ninh trật tự trong cơ quan được đảm bảo.
Tình hình an ninh trật tự trong dịp tết đã được đảm bảo ổn định không có hiện tượng bất thường xảy ra. Do có kế hoạch chủ động triển khai đồng bộ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền và kết hợp sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp trong tỉnh trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên khâu lưu thông và thị trường nội địa nên việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng đốt Pháo và thả đèn trời đã được kiểm soát. Các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không buôn bán, tàng trữ vận chuyển, sử dụng Pháo, thực hiện nghiêm Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và được sử đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 50/2019/QH14 ngày 25/11/2019 của Quốc hội và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Đặc biệt là trong dịp Tết kể cả đêm giao thừa trên địa bàn tỉnh hầu như không có tiếng pháo.
Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Thực hiện đúng chủ trương cấm biếu, tặng quà tết dưới mọi hình thức, không dùng xe công đi lễ hội, chùa chiền.
Về tình hình chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong những ngày trước, trong và sau Tết: Các đối tượng buôn lậu lợi dụng những ngày giáp, trong Tết thị trường sôi động, sức mua hàng hoá của người tiêu dùng tăng cao hơn nhiều so với những ngày thường, trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xen lẫn hàng thật để tiêu thụ đánh lừa người tiêu dùng. Để tránh tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các lực lượng kiểm tra kiểm soát nghỉ tết sẽ hoạt động với mức độ gia tăng nên việc kiểm tra kiểm soát được tăng cường, quan tâm; đồng thời có phương án trực Tết cụ thể và được thực hiện rất nghiêm túc nên không có vấn đề nổi cộm xảy ra. Do có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, công tác tổ chức cũng như việc triển khai thực hiện nên công tác chống hàng giả và hàng kém chất lượng từng bước được hạn chế, đẩy lùi. Đến thời điểm này việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng chưa có biểu hiện bất thường.Qua đó, tiến hành kiểm tra, siết chặt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.Cùng với đó, Cục QLTT cũng triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả; tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm liên quan đến người sản xuất, kinh doanh… Đơn vị đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vụ việc, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng mới xuất hiện, tổ chức công khai các đợt tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân.Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn đúng đắn về hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời tố giác, tẩy chay đối với các hàng hóa nhập lậu giả các thương hiệu nội địa hoặc các hàng hóa sản xuất trong nước kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm VSATTP.Kết quả kiểm tra và xử lý từ ngày 01/12/2021 đến ngày 30/01/2022.
- Số lượt kiểm tra: 168 lượt.
- Số vụ xử lý: 75 vụ.
- Tổng số hành vi vi phạm: 78 hành vi.
- Tổng số tiền xử phạt VPHC2: 136.450.000 đồng.
(Một trăm ba mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng
Trong những ngày trước Tết Nhâm Dần 2022, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình tương đối ổn định, hàng hoá đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Sức mua dịp Tết Nhâm dần, tăng nhiều so năm 2021, tăng gấp đôi so với ngày thường chủ yếu mặt hàng thực phẩm, cao điểm nhất từ ngày 27 đến 29 tết. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM trong những ngày trước và trong dịp Tết được bảo đảm.
Qua thực tế khảo sát giá và lượng cung cầu hàng hóa tại một số siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại về cơ bản các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo đầy đủ, dồi dào, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn. Theo các tiểu thương, bà con sắm tết năm nay không sớm chủ yếu tập trung vào mặt hàng cây cảnh từ 20/12 âm lịch, lưu lượng mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ cho tết nguyên đán tăng dần theo ngày bắt đầu từ 23/12 âm lịch. Mặt hàng điện tử tại các hệ thống siêu thị, áp dụng nhiều mức khuyến mãi khác nhau giao động giảm giá từ 20-30% tùy từng hãng hàng, sức tiêu dùng không cao. Mặt hàng may mặc, giày dép thời tiết rét đậm nhu cầu tiêu dùng áo rét tăng cao giá cũng có biến động tăng.
Từ ngày 23 ông Táo, cá chép được người dân sử dụng trong ngày ông Táo trầu trời, giá bán tương đối ổn định giao động mức 10.000đồng-30.000 đồng/con. Cây cảnh thú chơi của các gia đình trong ngày tết cổ truyền đáp ứng đủ thị yếu của các tầng lớp tiêu dùng như lan hồ điệp, đào thế loại to giành cho người có điều kiện.Giá lan hồ điệp giao động từ 120.000-160.000 đồng/cành (giảm 6-10% so năm trước), đào cây loại trung bình giao động từ 300.000-700.000đồng/cây, cây quất giao động từ 200.000-500.000đồng/cây (giá bán giảm nhẹ so năm trước), hoa địa lan giao động từ 140.000-150.000 đồng/nhánh. Với xu thế mua sắm cây cảnh thế đang là thú chơi của nhiều gia đình có điều kiện kinh tế hơn như: Đào thế có giá giao động từ 3.500.000-4.500.000đồng/cây; Quất thế giá giao động từ 700.000-2.000.000 đồng/cây; Hoa dơn cúc do ảnh hưởng từ đợt mưa tháng 10, lượng hoa vận chuyển từ các tỉnh ngoài về giảm nên giá dơn cúc tăng cao so tết năm 2021.Giá cả thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên Đán, nhiều nhóm hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm công nghiệp tăng so với ngày thường, thịt và sản phẩm từ thịt có xu hướng tăng từ những ngày trước tết do ảnh hưởng của giá lợn hơi. Rau, hoa quả từ ngày 27 tết tăng cao, trung bình tăng từ gấp đôi so với những ngày thường, nhưng đến ngày mùng 4 tết giá thịt lợn, thịt bò, gà, rau quả giảm dần, nhu cầu tiêu dùng không còn cao, theo những tiểu thương vào những ngày cao điểm 26 đến 29 tết buổi chợ bán ra từ 3 đến 4 còn lợn trọng lượng 1,2 đến 1,7 tạ hơi sau tết chỉ bán 1 đùi, gà thịt nhiều hộ chưa bán trở lại do không có người mua chủ yếu bán phục vụ cho lễ đầu năm. Mặt khác năm nay thời tiết rét đậm suốt tết nguyên đán việc lưu trữ thức ăn khá thuận lợi. Một số dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, rửa xe đã áp dụng tăng giá lên 5.000-10.000 đồng, với tâm lý là phục vụ tết.
Các hoạt động du lịch đặc biệt là các điểm du lịch tâm linh như: Đền Trần tại huyện Hưng Hà, Chùa Keo huyện Vũ Thư, Đền quan hoàng diệu, các chùa chiền trong tỉnh lưu lượng khách tham gia vãn cảnh, lễ chùa tăng cao. Việc tổ chức mừng thọ khá thuận lợi mặc dù ở các địa phương không tổ chức tập trung nhưng hầu hết các gia đình con cháu đều tổ chức.
Hai trung tâm thương mại đặc biệt là Go, lưu lượng khách tăng đột biến ngay sau khi trung tâm mở cửa.
Tình hình tiêu thụ và giá cả lương thực, thực phẩm
Giá gạo tết có xu hướng tăng so với năm trước của các loại gạo đặc sản, gạo nếp có nguồn gốc trong tỉnh như: gạo Bắc thơm Nam Định tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước, gạo Bắc thơm Thái Bình so ổn định so năm 2021. Giá gạo nếp thơm tăng 8,33% so tết năm 2021.
Giá thịt lợn có xu hướng tăng từ ngày 29 đến hết ngày 5 âm lịch mới có xu hướng giảm. Thịt lợn mông giảm 18,95%, nạc thăn giảm 24,26%; Sản phẩm từ thịt như: Giò lạc, giò mỡ từ ngày 29 tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so ngày thường, giảm 28,08% so năm 2021, do giá lợn hơi năm 2022 giảm so năm 2021.
Giá thịt bò không tăng so với tết năm 2021, giảm 0,07% giá giao động từ 260.000-280.000đ/kg tùy từng khu vực.
Gà là một mặt hàng không thể thiếu trong tết cổ truyền, hầu như đối với người dân miền Bắc đêm giao thừa cúng sang canh đều phải có một con gà trống nên giá thịt gà ta tăng đều từ ngày 29 tháng chạp. Giá gà mái thịt giao động từ 90.000-100.000đ/kg gà trống có giá từ 95.000-115.000đ/kg, so cùng kỳ tăng 24,47%. Có hiện tượng khan hàng vào chiều 30 tết.
Các loại thủy, hải sản trong dịp tết tăng cao so với những ngày thường, là một trong những nguyên nhân tác động đến tăng giá cụ thể: giá cá quả giảm 28,75% so cùng kỳ, cá chép tăng 8,76%, cá trắm tăng 1,67%; hải sản biển như tôm, mực, cá vược, cá khoai tăng từ 15-20% so những ngày trước tết.
Hoa các loại sử dụng trưng bày trong ngày tết như cúc, dơn, ly, hồng giá bán tăng cao so với ngày thường, so cùng kỳ tăng gấp đôi.
Giá các loại quả trưng bày mâm ngũ quả như thanh long, táo, phật thủ tăng từ 10.000-15.000đ/1kg, so cùng kỳ năm trước tăng 10-30% tùy từng loại.
Các loại rau xanh có xu hướng tăng so năm 2021, ảnh hưởng từ thời tiết tháng 10 năm 2021, những ngày giáp tết thời tiết mưa rét càng tạo đà cho giá rau tăng cụ thể: rau muống tăng 99,05%, bắp cải tăng 60,77%, hành tây tăng 11,43%, chanh quả 13,33%, ớt tươi tăng 22,22%, cà rốt tăng 50,86%, các loại rau thơm tăng cao.
Sức mua lương thực, thực phẩm tết nguyên đán năm nay theo đánh giá của các tiều thương tăng 50-80% so năm 2021 do việc mở cửa cho phép đi lại, thời tiết rét lượng tiêu thụ tăng cao.
Tình hình tiêu thụ và giá các loại hàng phi lương thực, thực phẩm, dịch vụ khác.
Bánh kẹo là một nhu cầu thiết yếu trong tết cổ truyền được sử dụng đi cúng, đi biếu đời sống vật chất nâng cao nên nhu cầu sử dụng các loại bánh kẹo có thương hiệu cũng đang có xu hương tăng. Mặt hàng phi lương thực, thực phẩm năm nay đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã, hình thức bắt mắt thu hút được thị hiếu người tiêu dùng. Giá bán ổn định không tăng so năm 2021.
Các loại hạt được sử dụng nhiều trong các ngày tết để tiếp khách cũng không tăng so năm trước như giá hạt hướng dương 70000-75000 đồng/kg tăng 5-7% so năm trước ; hạt bí 100000đ/kg -120000 đồng/kg tăng 15-20%, những loại hạt cao cấp như hạt dẻ cười tăng 8% so cùng kỳ.
Đối với những mặt hàng rượu bia trên địa bàn tỉnh không có sự tăng giá đột biến. ổn đinh giá so năm 2021.
Ăn uống ngoài gia đình, giá cũng được áp dụng tăng: Bún, phở tăng 10.000-15.000đồng/bát so ngày thường, so tết nguyên đán năm 2021 không tăng, café tăng 5.000 đồng/ly từ mùng 1-5 tết, so cùng kỳ không tăng.
Dịch vụ giết mổ gà, ngan thuê từ 26 đến mùng 5 tết tăng cao tăng 20.000-40.000 đồng/con so ngày thường so tết năm 2021 giữ ở mức ổn định.
Dịch vụ phục vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu tăng 5.000-10.000 đồng/lượt; làm móng tay, chân tăng từ 20.000-30.000 đồng so ngày thường, so cùng kỳ không tăng.
Dịch vụ karaoke lượng khách tăng đột biến, tăng gấp đôi so tết năm 2021.
Giá đôla lẻ năm nay không tăng so cùng kỳ.
Giá vàng, giao động lên xuống khoảng 30.000đ-50.000đồng/chỉ.
Tình hình vận tải và giá cước vận tải
Với chính sách nới lỏng mở cửa cũng tạo điều kiện cho việc đi lại di chuyển . Giá cước xe các tuyến đồng loạt được chủ xe áp dụng tăng mặc dù giá niêm yết từ các doanh nghiệp không tăng. Duy nhất Thái Bình – Giáp Bát giá niêm yết 90.000đ/lượt khách, áp dụng tăng giá ở mức 110.000- 120.000đ/lượt khách đối với chiều về trong 3 ngày từ 28 đến 30 tết, tuyến đường dài như Bắc Nam trước tết hoạt động với công xuất 50% nhưng từ ngày mùng 2 tết hoạt động trở lại hết công xuất do thời điểm dịch cao điểm tháng 5,6 năm 2021, họ về tránh dịch nay tiếp tục đi làm ăn xa giá cước tăng 30% so trước tết, lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh tương đối lớn đặc biệt là ô tô gia đình được người dân sử dụng tương đối nhiều vì lo sợ dịch bệnh./.
Phòng Thống kê Kinh tế