Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2021 tuy có những thuận lợi song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời tiết diễn biến khó lường, giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá tiêu thụ. Tuy nhiên tình hình sản xuất nông, lâm thủy sản 9 tháng năm 2021 tương đối ổn định và đạt được những kết quả tích cực.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh 9 tháng 2021 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 19.693 tỷ đồng, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: nông nghiệp ước đạt 15.982 tỷ đồng, tăng 2,13%; lâm nghiệp ước đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 1,23%; thủy sản ước đạt 3.967 tỷ đồng, tăng 3,68%.
Sản xuất vụ đông xuân:
Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2021 đạt 127.532 ha, tăng 0,18% so với cùng kỳ 2020; trong đó: diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 36.354 ha, tăng 0,21% so với vụ đông năm trước; tổng diện tích gieo trồng vụ xuân đạt 91.178 ha, tăng 0,17% so với vụ xuân 2020.
Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Xuân đạt 76.532ha, tăng 280 ha(+0,37%) so với vụ xuân 2020 do vụ Xuân năm nay diện tích bỏ hoang ít, diện tích của một số doanh nghiệp tăng. Diện tích lúa dài ngày là 2.540,6 ha, chiếm 3,32%, các giống lúa ngắn ngày có diện tích 73.991,4 ha, chiếm 96,68% tổng diện tích lúa xuân. Giống lúa thuần có năng suất cao chiếm 61,75% gồm các giống lúa lai, Q5, BC15, TBR 45, TBR-1, Thiên ưu 8, TBR225, VN10... Các giống lúa có chất lượng gạo ngon (kể cả giống nếp dài ngày) có diện tích là 29.274,7 ha, chiếm 38,25% tổng diện tích lúa xuân. Năng suất lúa vụ Xuân năm 2021 đạt 71,01 tạ/ha tăng 0.31 tạ/ha (+0,44 %), sản lượng lúa vụ Xuân sơ bộ đạt 543.454 tấn tăng 4.384 tấn (+0,81%) so với cùng kỳ năm trước.
- Kết quả gieo trồng diện tích cây màu vụ đông xuân năm 2021 đạt 51.000 ha; trong đó cây màu vụ Đông 2019-2020 đạt 36.354 ha đạt, diện tích gieo trồng cây rau màu vụ xuân đạt 14.646 ha, năng suất các loại cây trồng đạt tương đương năm 2020 như: Cây ngô: Năng suất đạt 58,3 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha, (+2,16%), sản lượng sơ bộ đạt 47.875 tấn, giảm 358 tấn (-0,74%) so với vụ đông xuân năm 2020 do diện tích gieo trồng giảm 240 ha (-2,84%) so với cùng kỳ; Cây khoai lang: Năng suất đạt 125,09 tạ/ha, tăng 1,91 tạ/ha (+1,55%), do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng sơ bộ đạt 35.084 tấn, giảm 51 tấn (-0,15%) so cùng kỳ; Cây khoai tây: Năng suất đạt 161,69 tạ/ha, tăng 3,06 tạ/ha (+1,93%), do diện tích giảm nên sản lượng sơ bộ đạt 48.762 tấn, giảm 2.810 tấn (-5,45%) so với cùng kỳ; Cây đậu tương: Năng suất đạt 18,1 tạ/ha tăng 0,27 tạ/ha (+1,49%) do diện tích giảm nên sản lượng sơ bộ đạt 1.531 tấn, giảm 202 tấn (-11,65%) so cùng kỳ; Cây rau các loại: Năng suất đạt 235,48 tạ/ha, tăng 3,89 tạ/ha (+1,68%), diện tích tăng nên sản lượng đạt 702.496 tấn, tăng 31.634 tấn (+4,72%), so với cùng kỳ; Cây gia vị hàng năm diện tích đạt 1.410 ha, giảm 288 ha, trong đó ớt quả cay diện tích đạt 1.250 ha, giảm 260 ha, năng suất sơ bộ đạt 163,44 tạ/ha, tăng 7,65 tạ/ha, (+4,91%) so với vụ đông xuân năm 2020.
Sản xuất vụ mùa:
Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa 2021 toàn tỉnh đạt 92.403 ha, giảm 1.160 ha (-1,24%) so với vụ Mùa năm 2020, trong đó, cây lương thực có hạt đạt 78.776ha, giảm 777 ha (-1%) so vụ mùa năm 2020; Cây lấy củ có chất bột đạt 291 ha, giảm 273 ha (-48,42%), cây có hạt chứa dầu 1.061 ha, giảm 132 ha (-11,08%), trong đó đậu tương 517 ha giảm 126 ha (-19,59%); cây rau đậu, hoa cây cảnh các loại 11.479 ha, tăng 262 ha (+2,34%); trong đó rau các loại 9.804 ha, tăng 243 ha (+2,54%); đậu đỗ các loại 1.414 ha, tăng 44 ha (+3,25%); hoa các loại đạt 262 ha, giảm 25 ha (-8,61%); cây gia vị hàng năm đạt 367 ha, giảm 14 ha, (-1,48%); cây dược liệu, hương liệu hàng năm đạt 147 ha, tăng 7 ha (+4,98%); cây hàng năm khác còn lại đạt 253 ha, giảm 5 ha (-1,77%); so với vụ mùa năm 2020. Các loại cây trồng hàng năm vụ mùa năm 2021 tăng, giảm là do các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và làm đường giao thông, đường giao thông nội đồng phục vụ nông thôn mới, bỏ hoang và làm đường vành đai.
Vụ mùa năm 2021, Thái Bình bước vào gieo cấy vụ mùa có nhiều thuận lợi cả về thời tiết và thời vụ, tổng diện tích lúa mùa là 76.664 ha, các địa phương đã tập trung gieo cấy vào một số giống có giá trị và năng suất cao, cụ thể: Các giống lúa có chất lượng gạo ngon (kể cả giống nếp dài ngày) có diện tích 22.838 ha, chiếm 29,79% tổng diện tích lúa mùa. Giống lúa thuần có năng suất cao chiếm 70,21% gồm các giống lúa lai, Q5, BC15, TBR45, TBR1, TBR225, Thiên ưu 8 ...Đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các địa phương trong toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong lúa mùa, đúng với lịch thời vụ của tỉnh đề ra. Thời điểm lúa mùa trỗ bông dại trà là khoảng từ 05/9 đến ngày 15/9, lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn làm đòng, lúa mùa sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đã được Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt. Đến thời điểm 16/9/2021 diện tích lúa Mùa đã trỗ bông là 67.898 ha chiếm 88,5% tổng diện tích lúa Mùa đã gieo cấy. Theo báo cáo ước tính từ các địa phương, dự kiến năng suất lúa vụ mùa năm nay đạt khá, khoảng đạt 60,61 tạ/ha.
Cây lâu năm:
Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt có 8.157 ha tăng 16 ha (+0,2 ha) so với cùng kỳ 2020; trong đó diện tích cây ăn quả đạt 5.809 ha chiếm 71,21% trong tổng diện tích của toàn tỉnh, giảm 3 ha (-0,05%) so với cùng kỳ năm 2020
Một số cây lâu năm chủ yếu của Thái Bình như: Cây chuối được xác định là cây trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với diện tích hiện có là 2.168 ha tương đương so với cùng kỳ, chiếm 26,58% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Trong những năm gần đây việc trồng chuối thương phẩm trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh.. Sản lượng thu hoạch chuối 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 57.768 tấn tăng 335 tấn (+0,58%) so với cùng kỳ năm trước; Các loại cây ăn quả khác khác 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3.641 ha giảm 3,5ha (-0,1%) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch của các loại cây ăn quả khác ước đạt 28.807 tấn tăng 1.085 tấn (+3,92%) so với cùng kỳ năm 2020; cây dược liệu lâu năm hiện có 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 892 ha tăng 90 ha (+11,19%), trong đó chủ yếu là cây hòe với diện tích hiện có ước đạt 825 ha tăng 92 ha (+12,49%) so với cùng kỳ năm trước; Diện tích quất cảnh hiện có 9 tháng đầu năm ước đạt 151 ha tăng 4 ha (+2,62%), sản lượng thu hoạch ước đạt 530.880 cây tăng 31.206 cây (+6,25%) so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích đào cảnh ước đạt 192 ha bắng tăng 6 ha (+3,44%), sản lượng thu hoạch ước đạt 895.085 cành tăng 35.700 cành (+4,15%) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng quất cảnh, đào cảnh chủ yếu tập trung ở các huyện như: Thành phố Thái Bình; huyện Đông Hưng…
Giá trị sản xuất ngành trồng trọt dự kiến 9 tháng năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 8.237 tỷ đồng tăng 1,75% so với cùng; trong đó giá trị sản xuất cây hàng năm đạt 7.716 tỷ đồng, tăng 1,65%; giá trị sản xuất từ cây lâu năm đạt 521 tỷ đồng, tăng 3,28% so cùng kỳ 2020.
Chăn nuôi:
Trong 9 tháng đầu năm tình hình chăn nuôi nói chung đều bị tác động bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chăn nuôi trâu, bò đã có sự biến động tăng do các địa phương đang quyết liệt thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi đưa trâu, bò trở thành một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh; chăn nuôi gia cầm phát triển khá; riêng chăn nuôi lợn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lợn giống khan hiếm, dịch tả lợn châu Phi tuy được khống chế nhưng một số hộ nuôi vẫn còn tâm lý e ngại nên việc tái đàn sau dịch còn chậm.
Tổng đàn trâu, bò phát triển khá ước tính thời điểm 01/9/2021 tổng đàn trâu bò đạt 56,8 nghìn con, tăng 1,31% so cùng kỳ, trong đó trâu đạt 6,35 nghìn con, giảm 3,72%, bò ước đạt 50,49 nghìn con tăng 1,01% so cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định, ước tính chung 9 tháng năm 2021 sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 0,64 nghìn tấn, tăng 4,39%; sản lượng thịt bò đạt 6,93 nghìn tấn, tăng 4,92% so với cùng kỳ.
Trong tháng 9 tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, việc ổn định và phát triển đàn trong thời gian qua đã có tín hiệu tốt; Quy mô đàn lợn trong quý III/2021 đã biến động tăng, tuy nhiên quy mô tái đàn nuôi vẫn chỉ dừng lại ở các cơ sở chăn nuôi trang trại và gia trại, đảm bảo chất lượng con vật nuôi an toàn sinh học; đối với các hộ nuôi nhỏ hiện vẫn chưa phát triển nhiều do giá cả thị trường con giống và thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn còn biến động và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Ước tính thời điểm 9/2021 tổng đàn lợn đạt khoảng 683,8 nghìn con, tăng 5,62% so với cùng kỳ 2020; sản lương thịt hơi xuất chuồng tính chung trong 9 tháng đạt 118,85 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ 2020.
Số lượng đàn gia cầm đến thời điểm hiện tại đã chạm ngưỡng cao. Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình thời tiết ổn định, dịch bệnh ít xảy ra, số lượng đàn gia cầm sẽ duy trì phát triển nhất là số lượng đàn gà do các hộ chăn nuôi đang chuẩn bị gà nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm.
Ước tính tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tại thời điểm 9/2021 đạt 14,07 triệu con, tăng 0,63% so cùng kỳ. Trong đó gà đạt 10,41 triệu con, tăng 0,74% so cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng trong 9 tháng năm 2021 ước đạt 47,15 nghìn tấn, tăng 0,22% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt gà xuất chuồng đạt 37,23 nghìn tấn, tăng 0,09% so cùng kỳ.
Ước tính giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 9 tháng năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 6.824 tỷ đồng, tăng 2,42% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị sản xuất từ chăn nuôi lợn đã đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 0,63%; gia cầm đạt 3.028 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Lâm nghiệp
Trong 9 tháng năm 2020, diện tích rừng trồng tập trung của tỉnh đạt 38,3ha, tăng 85,11% so cùng kỳ; cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1385 nghìn cây, giảm 2,65% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính 9 tháng, sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng và cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 1.692 m3, giảm 0,29% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng khai thác củi ước đạt 6075 ste, tăng 2,22 so với cùng kỳ năm trước. Tình hình chăm sóc, bảo vệ rừng được thực hiện tương đối tốt, diện tích rừng đều được bảo vệ và chăm soc.
Ước tính giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp 9 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 1,23% so cùng 2020.
Thủy sản
Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất thủy sản tương đối ổn định và đạt kết quả khá. thời tiết nhìn chung tương đối tốt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác, bà con ngư dân tích cực vươn khơi bám biển. Công tác vệ sinh phòng trừ dịch bệnh được quan tâm thực hiện thường xuyên nên dịch bệnh phát sinh ở mức độ nhẹ không đáng kể; phương thức nuôi thủy sản lồng/bè được duy trì phát triển khá tại một số địa phương, các giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất và giá trị cao được duy trì và phát triển như Trắm, Chép, cá Diêu Hồng, cá Lăng, cá Rô phi đơn tính... diễn biến thời tiết trong 9 tháng đầu năm tương đối thuận lợi nhiệt độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt và nước mặm, năng suất nuôi trồng đạt khá.
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng ước tính đạt 198,8 nghìn tấn, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 80,89 nghìn tấn, tăng 3,15%; tôm đạt 4,7 nghìn tấn, tăng 3,76% so cùng kỳ.
Sản lượng khai thác: Tổng sản lượng khai thác thủy sản 9 tháng ước đạt 73 nghìn tấn tăng 3,27% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 69,99 nghìn tấn tăng 3,18%: cá khai thác biển đạt 45,24 nghìn tấn, tăng 2,85%, sản lượng tôm khai thác biển ước đạt 1,27 nghìn tấn tăng 2,95%; thủy sản khác đạt 23,48 nghìn tấn, tăng 3,82% so cùng kỳ. 9 tháng thủy sản khai thác nội địa ước đạt 3,05 nghìn tấn tăng 5,3 so cùng kỳ năm trước, trong đó cá khai thác nội địa đạt 2,43 nghìn tấn tăng 5,65%; tôm khai thác nội địa đạt 0,155 nghìn tấn tăng 4,03%; sản phẩm khai thác thủy sản khác (cua, ốc, don…) ước đạt 0,461 nghìn tấn, tăng 4,42% so cùng kỳ. Dự kiến trong những năm tiếp theo sản phẩm thuỷ sản khai thác trong nội địa ngày càng giảm do nguồn lợi tự nhiên không còn, các ao hồ đang dần thay thế và chuyển đổi cho các mục đích phi nông nghiệp khác, một số các mương máng, đầm đã bị ô nhiễm…
Sản lượng nuôi trồng: Tình hình nuôi trồng, đặc biệt là nuôi nước mặm (nuôi ngao) đến thời điểm này duy trì phát triển khá; nuôi nước lợ (tôm, cá) phát triển ổn định đến thời điểm này tôm sú đang vào mùa thu hoạch rộ, tôm thẻ chân trắng đang bắt đầu nuôi thả vụ 2.
Tổng sản lượng nuôi trồng 9 tháng ước đạt 125,77 nghìn tấn, tăng 3,65%; trong đó sản lượng cá đạt 33,22 nghìn tấn, tăng 3,37%, tôm đạt 3,27 nghìn tấn tăng 4,03%; sản lượng nuôi trồng thủy sản khác đạt 89,27 nghìn tấn, tăng 3,73% so cùng kỳ.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được phát triển về số lương lồng nuôi, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong và ngoài tỉnh, đối tượng nuôi chủ yếu gồm các loại có giá trị cao như: cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá lăng… năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 4-5 tấn/lồng; hiện một số hộ nuôi đang thử nghiệm nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá tra, hàu… sản lượng cá lồng đã góp phần đáng kể vào kết quả tăng trưởng và phát triển của ngành thủy sản tỉnh Thái Bình năm 2021. Ước tính sản lượng cá nuôi lồng bè trong 9 tháng đạt 1,67 nghìn tấn, tăng 3,52% so cùng kỳ.
Mô hình sản xuất giống thủy sản (tôm, cá giống) vẫn duy trì và phát triển tương đối ổn định. Trong 9 tháng ước đạt 1.417 triệu con tăng 2,38% so cùng kỳ năm trước. Ngành thủy sản tích cực chỉ đạo hướng dẫn, tạo điều kiện các cơ sở nuôi giống tiếp tục triển khai sản xuất giống thủy sản các loại đảm bảo cung ứng đủ giống, có chất lượng cho các hộ nuôi trồng trong tỉnh.
Giá trị sản xuất ngành thủy sản 9 tháng (theo giá so sánh 2010) ước đạt 3.967 tỷ đồng tăng 3,68% so với cùng kỳ; trong đó khai thác đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 3,47%; nuôi trồng đạt 2.805 tỷ đồng, tăng 3,78 so cùng kỳ.
Hy vọng trong những tháng cuối năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, thời tiết thuận lợi, cùng với sự xuất của nhiều mô hình, hướng đi mới sẽ đưa hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển mạnh mẽ hơn; bảo đảm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng trong năm 2021./.
PHÒNG THỐNG KÊ KINH TẾ