Ngày 14/11/2024, UBND huyện Kiến Xương triển khai Đề án sản xuất vụ xuân, hè năm 2025 đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong huyện.
Năm 2024 được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự phối hợp thường xuyên của các ban ngành, các xã, thị trấn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện Kiến Xương đã đạt được những kết quả khả quan; duy trì diện tích cấy lúa hơn 11.000 ha mỗi vụ, với các giống lúa năng suất cao chiếm ưu thế, kết hợp với các giống lúa đặc sản mang lại lợi ích kinh tế cao. Diện tích cây màu cả năm đạt 7.615 ha, vượt mức kế hoạch đề ra. Có 23 xã, thị trấn thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích 1.291,5 ha. Trong đó: liên kết sản xuất lúa 1.228 ha; liên kết sản xuất cây màu 63,5 ha. Thông qua liên kết, giá trị sản xuất lúa gạo ngày một gia tăng, tổ chức sản xuất đồng bộ, khoa học từ khâu gieo trồng đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2025 và những năm tiếp theo, tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình: Nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo; Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp khôi phục các nguồn lợi thủy sản tự nhiên (rươi, cáy,…); Canh tác lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính; Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sản xuất các loại rau, quả có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, sản xuất rau sạch thủy canh…).
1. Chủ trương sản xuất vụ xuân, hè năm 2025
- Cấy hết diện tích đất nông nghiệp, không để ruộng hoang. Ứng dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng diện tích cấy máy. Bố trí cân đối giữa nhóm giống năng suất cao và nhóm giống chất lượng tại những vùng đất phù hợp. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mở rộng diện tích và số cánh đồng lớn ở các xã gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
+ Lúa Xuân phấn đấu gieo cấy từ 11.050 ha, năng suất đạt 71 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt 78.400 tấn trở lên.
+ Cây màu Xuân phấn đấu đạt diện tích 1.600 ha.
+ Cây màu Hè phấn đấu đạt diện tích 1.200 ha.
- Về cơ cấu giống:
+ Lúa chất lượng cao khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy, trọng tâm là các giống: Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, Hương cốm 4, TBR279, TBR97, nhóm lúa japonica, các giống lúa nếp...; nhóm giống lúa năng suất cao khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy, trọng tâm là các giống: TBR225, Thiên ưu 8, VNR20, ĐH 12,...
+ Giống cây rau màu: Sử dụng các giống ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, có thị trường ổn định và thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu.
2. Giải pháp vụ xuân, hè năm 2025
- Tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở, triển khai kịp thời, thường xuyên, đầy đủ chủ trương, giải pháp chỉ đạo theo Đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2025.
- Quản lý, chỉ đạo: Chủ động xử lý và có kế hoạch ứng phó với các tình huống bất lợi trong trồng trọt, tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp xuống cơ sở tuyên truyền, tập huấn và chỉ đạo về cơ cấu, lịch thời vụ, quy trình canh tác và công tác bảo vệ thực vật. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quảng bá và cung ứng vật tư nông nghiệp. Kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, tuyên truyền quảng bá sai quy định.
- Phát triển liên kết sản xuất: Phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ lúa gạo, rau, củ, quả; khuyến khích các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cho chế biến và tiêu thụ.
- Tổ chức hội thảo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, giới thiệu các mô hình, cách tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất.
3.Tổ chức thực hiện:
- UBND huyện và các cơ quan đơn vị: Triển khai Đề án sản xuất vụ xuân, hè năm 2025 đến các Ban, ngành, đoàn thể, Bí thư Đảng bộ, chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã SXKDDVNN các xã thị trấn.
+ Phòng NNPTNT và các cơ quan liên quan: Hướng dẫn theo dõi, kiểm tra đánh giá kết quả sản xuất của các xã, thị trấn, tham mưu, đề xuất với UBND huyện những vấn đề phát sinh. Phân công cán bộ tăng cường xuống các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm đề án.
+ Trạm trồng trọt và BVTV huyện: Chủ động điều tra dự tính, dự báo sự phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh gây hại lúa xuân và cây màu; tập huấn kỹ thuật gieo cấy, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh.
+ Trạm khuyến nông: Phối hợp Đài truyền thanh xây dựng nội dung bài phát liên quan đến kỹ thuật sản xuất, biện pháp thâm canh, xen canh, gối vụ để tăng sản lượng cây trồng.
+ Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi căn cứ vào đề án, phối hợp chặt chẽ với các HTXDV nông nghiệp để điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất.
+ Các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện; Căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
- Các xã, thị trấn: Căn cứ đề án của UBND huyện xây dựng đề án chi tiết của địa phương với mục tiêu, chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương và tổ chức lãnh đạo chỉ đạo thực hiện.
+ Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất rau màu theo quy hoạch nông thôn mới, mở rộng cánh đồng lớn, vùng sản xuất hàng hóa.
+ Thực hiện đúng lịch thời vụ, chỉ đạo hướng dẫn tập huấn kỹ thuật gieo trồng, thâm canh, chăm sóc các loại cây trồng.
+ Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống, thuốc BVTV và vật tư nông nghiệp.
+ Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Đồng chí Bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch Hội đồng quản trị HTXKDDVNN chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện về triển khai tổ chức thực hiện đề án./.
Chi cục Thống kê huyện Kiến Xương