Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017

Thứ năm - 28/12/2017 04:18
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017
 
  Kinh tế - xã hội năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn. Hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Bên cạnh kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế đối mặt với những khó khăn như: giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực đến chăn nuôi; thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại cho sản xuất.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Kết quả các ngành, lĩnh vực trong năm 2017 như sau:
I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 ước tính tăng 11,0% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của năm nay cao hơn mức tăng 10,06% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Trong mức tăng 11,0% của năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,46%, đóng góp 0,68 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 22,1%, đóng góp 6,64 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,43%, đóng góp 2,97 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 7,05%; ngành nông nghiệp do chịu ảnh hưởng mưa lũ tốc độ tăng chỉ ở mức 1,61%, ngành lâm nghiệp tăng 0,18%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 22,71%. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện với mức tăng 302,38% (do có năng lực mới tăng so cùng kỳ năm 2016). Ngành xây dựng tăng trưởng cao với tốc độ 20,95%
Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 12,02% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,79%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,03%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,46% (mức tăng cao nhất từ năm 2015 trở lại đây).
Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,61%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,60%; khu vực dịch vụ chiếm 38,79%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn  năm 2017
 2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
 a. Nông nghiệp
 Trồng trọt
Tổng diện tích cây hàng năm 2017 đạt 224.343 ha, giảm 420 ha (-0,2%) so với năm trước, trong đó: vụ Đông – Xuân 2016-2017 đạt 128.758 ha, tăng 464 ha; vụ mùa đạt 95.585 ha, giảm 884 ha so với năm trước. Diện tích cây hàng năm giảm là do các xã tiếp tục dồn điền đổi thửa chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây ăn quả, cây màu có giá trị hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
* Cây lúa:
Năm 2017 cơ cấu giống lúa vụ xuân, vụ mùa nhìn chung không thay đổi nhiều, giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 23% diện tích, giống lúa đạt năng suất cao chiếm 75% diện tích gieo cấy. Với diễn biến phức tạp của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng vụ mùa; sâu bệnh phát triển trên diện rộng và tập trung vào cây lúa làm cho năng suất lúa vụ mùa năm 2017 giảm chỉ đạt 47,25 tạ/ha. Sản lượng lúa cả năm 2017 đạt 945.856 tấn, giảm trên 10% so với năm 2016.
* Cây hàng năm khác:
Tổng diện tích ngô năm 2017 đạt 13.056 ha (+8,3%); rau, đậu, hoa, cây cảnh diện tích tăng gần 0,2%, trong đó một số loại rau có diện tích tăng cao như: bắp cải (+19%), súp lơ (+46%), dưa hấu (+35%)... tuy nhiên một số loại rau có diện tích giảm như: dưa chuột (-47,6%), bí xanh (-12,4%), khoai tây (-5,8%), đậu các loại (-15,5%)...
*Sản xuất cây vụ đông 2017 – 2018:
Tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông với phương châm lấy hiệu quả kinh tế trong sản xuất đẻ phát triển bền vững, chú trọng và mở rộng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương; tập trung vào một số loại cây có hợp đồng bao tiêu tiêu thụ sản phẩm và có thị trường đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm cao. Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông, đối với những địa phương có diện tích cây vụ đông bằng và vượt so với vụ đông
Theo tiến độ sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 07/12/2017 diện tích cây vụ đông đã trồng đạt 36.758 ha, trong đó: ngô là 5.905 ha, dưa bí 4.156 ha; khoai tây 5.300 ha; cây khác 19.872 ha. Trong tháng 10/2017 diện tích vụ đông bị thiệt hại từ 30% trở lên do mưa lũ là 12.189 ha, tuy nhiên các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo khắc phục và trồng lại ngay những diện tích  cây trồng bị hỏng, chết nên không làm ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và giá trị của ngành trồng trọt trong năm 2018.
* Cây lâu năm: một số cây ăn quả sản lượng tăng cao do thị trường tiêu thụ tốt, diện tích trồng cho thu hoạch tăng như: Sản lượng xoài tăng 91%; bưởi tăng 15,1 %; nhãn tăng gần 15,6%, riêng diện tích, sản lượng chuối, cam, vải giảm do thời tiết không thuận.
Chăn nuôi:
Tính đến tháng 12/2017 tổng đàn trâu, bò ước đạt trên 52,6 nghìn con tăng trên 8,8% so với cùng kỳ. Chăn nuôi trâu, bò chủ yếu vẫn tập trung tại các hộ nhỏ để cung cấp thịt cho thị trường, tuy nhiên xu hướng đang phát triển tại một số hộ nuôi quy mô đầu con nhiều như ở huyện Kiến Xương, Vũ Thư… đặc biệt công ty TNHH MTV chăn nuôi Việt Hùng thuộc tập đoàn Hòa Phát đi vào hoạt đồng từ năm 2016 với hình thức nhập bò trưởng thành về nuôi trong khoảng thời gian từ 2,5 đến 3 tháng với số lượng lớn, đạt trọng lượng chênh lệch từ 100 – 120 kg/con mới xuất bán đã góp phần làm tăng sản lượng cũng như giá trị của ngành chăn nuôi.
Tổng đàn lợn hiện có 981 nghìn con giảm 6,4% so với cùng kỳ do giá lợn hơi xuất chuồng vẫn ở mức thấp chưa đủ hòa vốn nên các hộ, gia trại, trang trại vẫn chưa có khả năng tái đàn nhiều. Trong đó : tổng đàn lợn tại hộ gia đình đạt 502,9 nghìn con chiếm trên 54%; tại gia trại 317,8 nghìn con chiếm 32,4%; tại trang trại 130,7 nghìn con chiếm trên 13,3%.
Tổng số gia cầm đạt trên 12,6 triệu con, tăng 3,7% so với năm 2016 (riêng số lượng gia cầm tại trang trại là 541 nghìn con, chiếm gần 4,3% trong tổng đàn gia cầm). Đàn gà đạt trên 9,1 triệu con (+3,5%) ; vịt, ngan, ngỗng đạt gần 3,3 triệu con tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016. Chăn nuôi gia cầm năm 2017 phát triển khá cả về số con xuất chuồng và trọng lượng xuất chuồng vì vậy sản lượng thịt hơi gia cầm đạt trên 51 nghìn tấn, tăng 8,1% so với năm trước.
b. Lâm nghiệp
Trong năm 2017 Thái Bình được giao chỉ tiêu khoán bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển. Toàn tỉnh trồng được 125 ha, giảm 64,2% so cùng kỳ năm trước. Rừng phòng hộ được trồng tập trung ở hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Trong đó huyện Thái Thụy trồng được 67ha, huyện Tiền Hải trồng được 58 ha. Theo kế hoạch năm 2017 có 3 dự án đầu tư vào tỉnh Thái Bình bao gồm: Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển 5 và 6, dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn do chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng diện tích trong năm 244 ha, tính đến thời điểm này các dự án đều không đạt được kế hoạch đề ra do không có vốn. Toàn tỉnh hiện có   3 997 ha rừng phòng hộ ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
c. Thủy sản
   Khai thác
Năm 2017, Thái Bình được mùa cá nam do thời tiết thuận lợi, bên cạnh đó số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn tăng nhanh nên sản lượng khai thác thủy sản tăng khá so với năm 2016. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 ước đạt hơn 74,3 nghìn tấn tăng gần 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó: sản lượng cá đạt trên 49,8 nghìn tấn tăng 6,9%; sản lượng tôm đạt 1,9 nghìn tấn, tăng 5%; thủy sản khác đạt trên 22,5 nghìn tấn, tăng 9,7 % so với năm 2016.
Nuôi trồng         
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 ước đạt trên 138 nghìn tấn, tăng gần  8% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt gần 40 nghìn tấn, tương đương năm trước; tôm đạt 3 nghìn tấn, tăng hơn 14,1%; thủy sản khác nuôi trồng khác đạt trên 95 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2016, riêng sản lượng ngao đạt hơn 91 nghìn tấn, tăng 11,9%. 
Năm 2017 Thái Bình tiếp tục phát triển mô hình nuôi cá lồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến này đã  nuôi được 519 lồng, với thể tích là 53.927m3, với tổng số hộ 47 hộ, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chính là: Cá diêu hồng, cá chép, cá lăng…Nuôi cá lồng có ưu điểm là tận dụng được thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh và cho năng suất cao. Tuy nhiên hình thức nuôi trồng này cũng gặp nhiều khó khăn như: nguồn vốn đầu tư lớn, chịu ảnh hưởng của thời tiết chính vì vậy cần có những chính sách ưu đãi các hộ nuôi cá lồng tại các địa phương.
Trong năm một số hộ dân và doanh nghiệp tại hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao vào sản xuất. Thế mạnh của mô hình này là có thể nuôi từ 1–4 vụ/năm, năng suất đạt từ 6-8 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân đạt từ 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao so với phương pháp nuôi truyền thống góp phần tăng năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017.
Ước tính giá trị sản xuất thủy sản năm 2017 (giá so sánh 2010) đạt trên 4.303 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2016.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 12 năm 2017
Sản lượng thuỷ sản
3. Sản xuất công nghiệp
 
 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2017 tăng trên 9,5% so với tháng trước và tăng hơn 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
        Năm 2017 IIP ước đạt tăng trên 16,7% so với cùng kỳ; trong đó: ngành khai khoáng tăng hơn 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,5%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng hơn 1,5 lần; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 6,1%.
        Trong năm 2017, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ như: bộ comple, áo jacket (+10,9%); sản phẩm Amon nitorat (+12,3%); tấm lát đường và vật liệu ốp lát (+21,3%); sứ vệ sinh (+25%) điện thương phẩm (+12,2%)... Tuy nhiên cũng có một số sản phẩm có tốc độ giảm trong năm so với cùng kỳ như: thức ăn gia cầm (-23,3%), tôm đông lạnh (-3,6%), gạch xây bằng đất nung (-16,3%),  bột mịn, bột thô (-25%)...
      Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thái Bình tháng 12 năm 2017 tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
       Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo năm 2017 ước đạt tăng 9,8% so với tháng trước. Trong đó có một số ngành chỉ số tồn kho cao như: sản xuất các sản phẩm từ tre nứa, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất thuốc hóa dược liệu...
        Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2017 tăng 4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tương đối ổn định; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3%; doanh  nghiệp ngoài nhà nước tăng hơn 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 2%.
        Một số kết quả đạt được của ngành công nghiệp năm 2017
              Các sản phẩm mới của ngành công nghiệp: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình đi vào hoạt động chính từ từ tháng 7 với công suất chạy thử là 5 triệu KW tháng đầu tiên và đi vào sản xuất ổn định ở những tháng cuối năm; công ty sứ Hảo Cảnh đưa dây chuyền sản xuất sứ gia dụng số 5 đi vào hoạt động từ tháng 10/2017 với sản lượng sản xuất cao.
              Các nhà đầu tư, nhất là các dự án FDI đi vào hoạt động có giá trị đầu tư lớn như: công ty TNHH công nghiệp ngũ kim FORTRE đưa nhà máy 2 đi vào hoạt động ổn định, công ty TNHH U-LI Việt Nam sản xuất cần gạt nước ô tô đi vào hoạt động chính thức từ tháng 10/2017 với sản lượng ước đạt 500 nghìn sản phẩm/tháng đã góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
4. Đầu tư xây dựng
a.  Đầu tư
      Tháng 12 năm 2017, vốn đầu tư phát triển thuộc  nguồn vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý ước đạt 326 tỷ đồng, bằng 71,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước gần 167 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện trên 75 tỷ đồng, giảm 10%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện hơn 84 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
       Ước tính năm 2017 nguồn vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý đạt gần 3.193 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
        Quý IV năm 2017, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 17.497 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ, trong đó: vốn Nhà nước ước đạt 7.463 tỷ đồng (-8,8%), vốn ngoài nhà nước ước đạt 9.156 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần, vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 878 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2017, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 51.078 tỷ đồng, tăng gần 22,5% so với năm 2016.
Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp phép mới đến ngày  20/12/2017 là 06 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 41,1 triệu USD.
        Xây dựng:
            Tình hình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2017 có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2016. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh dự kiến hoàn thành vào dịp cuối năm như: tuyến đường nối 2 tỉnh Thái Bình – Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nâng cấp các tuyến đường như đường ĐT 456, nhà máy Nhiệt điện 2. Với lợi thế là một tỉnh đồng bằng có cơ sở hạ tầng đồng bộ được nâng cấp liên tục, trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được cải thiện nên thu hút được các doanh nghiệp lớn mở rộng đầu tư xây dựng các nhà xưởng, hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại như công ty MXP, công ty Yamazaki… Ngoài ra các công trình thể thao, văn hóa, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, y tế, nước sạch nông thôn, xử lý rác thải… cũng được đặc biệt quan tâm nên đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của ngành xây dựng năm 2017.
Ước tính năm 2017, giá trị sản xuất xây dựng (giá so sánh 2010) đạt 19.872 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016.
         Tình hình thực hiện một số dự án:
            Dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghệ cao MXP của công ty CP sản xuất hàng thể thao tại Cụm công nghiệp xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương giai đoạn 1 đang đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến đi vào hoàn thành cuối tháng 12/2017 với tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng.
              Dự án công trình tháp Thái Bình được khởi công xây dựng tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Toàn bộ kinh phí xây dựng gần 300 tỷ đồng được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa.
                Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình đã đi vào hoạt động một tổ máy, nhà máy Nhiệt điện 2 sau một thời gian thi công chậm, những tháng cuối năm 2017 đã bắt đầu thi công trở lại nhằm đẩy kịp tiến độ cam kết của dự án.
                Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và thiết bị điện của công ty U-LI Việt Nam đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích 13 ha, tổng vốn đầu tư là 651 tỷ đồng.
               Dự án xây dựng và mở rộng, nâng cấp tuyến đường Thái Thụy đến Thái Thịnh, vốn đầu tư 38 tỷ thực hiện sơ bộ hoàn thành;
                Dự án tuyến đường QL 39 đi phà Cồn Nhất (Đoạn đến Trà Giang) tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng, thực hiện đến tháng 11 đạt 25 tỷ đồng..
               Dự án cải tạo, nâng cấp đường 453, mức đầu tư 45 tỷ đồng thực hiến đến tháng 11 đạt hơn 45 tỷ đồng thực hiện đến tháng 11 cơ bản hoàn thành.
               Dự án nạo vét sông Ngũ Thôn huyện Kiến Xương, tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng, thực hiện đến tháng 12 đạt 10 tỷ đồng.
 Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong 11 tháng năm 2017 đã cấp 734 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt trên 3.833 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng: 102 doanh nghiệp; doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 52 doanh nghiệp, trong đó  thu hồi GCN ĐKKD do DN  giải thể là 51 doanh nghiệp
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/1 - 20/12/2017
 5. Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, các trung tâm thương mại, siêu thị và cơ sở bán lẻ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, sức mua trên thị trường tăng hơn so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước tính đạt 3.170 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.729 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 14,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 24,6%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 243,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 11,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 0,5% và tăng 17,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 180,8 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 15,7%.
Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 36.271 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 31.491 tỷ đồng, chiếm 86,8% tổng mức và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng lươngthực, thực phẩm tăng 12,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,2%; may mặc tăng 18,9%; phương tiện đi lại tăng 5,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 30%. 
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu du lịch lữ hành năm nay ước tính đạt 2.766  tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác  ước tính đạt 2.014 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016, .
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
 b. Vận tải
Vận tải hành khách
Tháng 12/2017, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 115,2 tỷ đồng tăng  hơn 6,8% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt trên 1,5 triệu người tăng 6% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt trên 164 triệu người.km, tăng 4% so với tháng trước, tăng gần 4,9% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hành khách năm 2017 ước đạt trên 1.282 tỷ đồng tăng trên 8,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách vận chuyển ước đạt trên 17 triệu người tăng  9,4% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 1.897 triệu hk.km tăng gần 11,7% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 12/2017 ước đạt trên 303 tỷ đồng, tăng  1,5% so với tháng trước và tăng  hơn 18,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.654 nghìn tấn tăng trên 1,7% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt trên 679 triệu tấn.km, tăng  gần 1% so với tháng trước và tăng hơn 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa năm 2017 ước đạt 3.284 tỷ đồng tăng 10,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt gần 19,6 triệu tấn, tăng 6,6%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 7.691 triệu tấn.km tăng hơn 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách và hàng hoá
6. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2017 đạt trên 16.304 tỷ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19,5% so với dự toán. Trong đó: thu nội địa ước đạt trên 5.659 tỷ đồng, giảm 16,1% so với năm trước và tăng 12,7% so với dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.250 tỷ đồng, giảm lần lượt là 43,1% và 50%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 5.339 tỷ, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8% so với dự toán.
Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện năm 2017 ước đạt gần 13.855 tỷ đồng, giảm 35,5% so với cùng kỳ và tăng 40% so với dự toán; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt trên 5.906 tỷ đồng tăng 22,6% so với cùng kỳ và tăng 95,1% so với dự toán; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt trên 6.935 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,9% so với dự toán.
7. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
Xuất khẩu năm 2017 ước đạt  1.400 triệu USD. Theo xu hướng và nhu cầu  thị trường, thành phần kinh tế Nhà nước có trị giá xuất khẩu giảm sâu tuy nhiên thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lại vươn lên mạnh mẽ. Mặc dù giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm nay giảm (do có sự chuyển đổi công nghệ mới của một số doanh nghiệp và sự chia sẻ đơn hàng giữa các đơn vị trực thuộc tổng công ty) nhưng nhóm hàng xơ, sợi dệt các loại và hàng hóa khác có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong năm. Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã dần chiếm lĩnh được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo…
b. Nhập khẩu hàng hóa
Giá trị nhập khẩu năm 2017 tăng nhẹ so với năm 2016 do nhập khẩu nguyên liệu ngành dệt may tăng, đây là nhóm mặt hàng có giá trị cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị nhập khẩu của tỉnh. Do ảnh hưởng của nhập khẩu nguyên, vật liệu ngành dệt may nên giá trị nhập khẩu hàng hóa của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh so với năm 2016.
8. Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2017 tăng 0,13% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,03%; khu vực nông thôn tăng 0,14%); tăng 3,97% so với tháng 12 năm 2016 và tăng 3,97% so với cùng tháng năm trước. 11 nhóm hàng cấu thành CPI đều có chỉ số tăng và tương đương so với tháng trước như: nhóm “Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng” tăng 0,79%; nhóm “Giao thông” tăng 0,38%...
 Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao như: “nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng” tăng 6,38%; “giáo dục” tăng trên 6%; “thuốc và dịch vụ y tế” tăng 41,36%... tuy nhiên một số nhóm hàng chỉ số tiêu dùng lại giảm như: “hàng ăn và dịch vụ ăn uống” giảm 0,72; “bưu chính viễn thông” giảm 0,35%...
b. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 12/2017 tăng 0,2% so với tháng trước; tăng 5,6% so với tháng 12/2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2017 giảm 0,15% so với tháng trước; tăng 0,29% so với tháng 12/2016.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12 năm 2017
 II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình năm 2017 ước đạt 1.790,5 nghìn người, tăng 0,03% so với năm 2016. Phân theo giới tính: dân số nam ước đạt 865,4 nghìn người; dân số nữ ước đạt 925,1 nghìn người. Dân số khu vực nông thôn ước đạt 1.602,7 nghìn người tăng 0,04% so với năm 2016
Tổng số lao động toàn tỉnh năm 2017 ước đạt 1.105,1 nghìn người, tăng 0,03% so với năm 2016. Trong đó: lao động nam ước đạt 526,2 nghìn người (+0,03%), chiếm 47,6%; lao động nữ ước đạt 578,9 nghìn người (+0,03%), chiếm 52,4% trong tổng số. Số lao động đang có việc làm trong nền kinh tế năm 2017 ước đạt 1.085,5 nghìn người, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo khu vực kinh tế: lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 542,2 nghìn người, giảm 0,46%; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 363,9 nghìn người, tăng 0,44%; lao động khu vực dịch vụ ước đạt 179,4 nghìn người, tăng 0,73% so với năm 2016.
Trong quý IV năm 2017, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 4.430 lao động (trong đó việc làm tại địa phương cho 2.800 người, cung ứng đi làm việc tại tỉnh ngoài cho 1380 người, xuất khẩu lao động cho 250 người). Dự kiến đến 31/12/2017, tổng số người được tạo việc làm mới trong năm khoảng 33.000 (đạt 100% kế hoạch năm).
 Tiếp nhận và giới thiệu 06 doanh nghiệp có chức năng về tuyển chọn lao động, đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Quyết định cho 1.495 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Cấp giấy phép lao động cho 112 là người nước ngoài  làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh (trong đó, cấp lại giấy phép lao động cho 61 lao động).
Quý IV/2017 có 8.958 lao động tham gia học nghề, trong đó: trình độ Cao đẳng: 1.130 người, trình độ Trung cấp:1.608 người, trình độ Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng: 6.220 người.
Năm 2017, tuyển sinh và đào tạo nghề cho 34.6020 người ( đạt 100% kế hoạch năm, tăng 0,8% so năm 2016). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47,5% (đạt 100% kế hoạch năm, 3% so với năm 2016.
2. Trợ cấp xã hội:
      Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu.
Quý IV/2017 Sở Lao động thương binh và xã hội đã tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp cho 774 người nghèo, người cận nghèo; Tổ chức thành công hội nghị triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo phương pháp tiếp cận đa chiều với gần 500 đại biểu; vận động nhắn tin ủng hộ ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau’’; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hộ nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại một số địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, theo đó toàn tỉnh có 25.349 hộ nghèo, tỷ lệ 4.01%; 21.550 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,41%.
 Phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Bộ Lao động – TBXH, UBND huyện Kiến Xương bàn giao bò sinh sản từ dự án mô hình giảm nghèo cho 30 hộ nghèo thuộc xã Quang Trung, huyện Kiến Xương.
3. Lĩnh vực người có công:
     Tiếp tục tham mưu các văn bản và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách người có công, gia đình và xã hội. Quý IV/2017, Sở đã tiến hành sửa đổi thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công cho 27 trường hợp; thương binh đề nghị giám định do sót vết thương cho 42 trường hợp; giải quyết trợ cấp đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đi lấy chồng hoặc vợ khác cho 07 trường hợp; Thẩm duyệt hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 05  lượt thủ tục; giải quyết chế độ trợ cấp một lần tiền mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho thân nhân người có công cho 20 trường hợp; di chuyển hồ sơ người có công đi tỉnh ngoài cho 70 trường hợp; Sao 275 hồ sơ người có công để trả các huyện, thành phố, rút 260 hồ sơ NCC để giải quyết chế độ chính sách và phục vụ công tác thanh tra và công an, cấp 27 thẻ thương, bệnh binh; tra cứu và xác nhận thông tin liệt sỹ cho thân nhân liệt sỹ, ghép 450 hồ sơ mai táng phí.
     Số hộ được hỗ trợ kinh phí nhà ở cho 1.553 hộ (xây mới: 1.193 hộ, sửa chữa: 360 hộ); triển khai giai đoạn II, đợt 2 theo Quyết định 1666/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh Thái Bình về tạm ứng ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện xây mới cho 1.000 hộ.
     Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) toàn tỉnh đã trao 84.196 suất quà chủa Chủ tịch nước, 93.226 suất quà của tỉnh , 93.226 suất quà của các huyện, thành phố, tổng kinh phí trên 90 tỷ đồng. Thực hiện chi trả trợ cáp ưu đãi thường xuyên cho trên 7 vạn đối tượng với tổng kinh phí 1.261 tỷ đồng.
4. Giáo dục, đào tạo:
Năm học 2016-2017 kỷ cương nền nếp tiếp tục ổn định, nhiều nhà trường đã phát huy tốt những mặt tích cực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không ngừng nỗ lực, trau dồi kiến thức nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Các hoạt động xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, công tác tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục có sự chuyển biến. 
Về chất lượng giáo dục, năm học vừa qua, toàn tỉnh có 37 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, 392 học sinh lớp một, 334 học sinh lớp 9 và lớp 12 đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Các cấp học đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là cấp tiểu học đã thực hiện nghiêm Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học, nhân rộng dạy học tiếng Việt 1, công nghệ giáo dục, thực hiện mô hình trường học mới… Về cơ sở vật chất, các địa phương đã huy động được 487 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa, xây mới, mua mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, toàn tỉnh có 746 trường học đạt chuẩn quốc gia. 
Trong năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp dạy và học; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm khắc phục những tiêu cực trong giáo dục. Đồng thời đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông. Tích cực chuẩn bị hệ điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau năm 2018
Đến nay, các đơn vị đã đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tổ chức hội thảo, hội giảng, hội nghị chuyên đề ở tổ, khối trong trường, cụm trường; đồng thời, chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin. Các phòng giáo dục và đào tạo đã tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng số giáo viên chưa đạt chuẩn; tăng cường đào tạo nâng chuẩn; sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các nhà giáo hiện có.
5. Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh:
      Năm 2017, toàn tỉnh không xảy ra dịch lớn và dịch bệnh nguy hiểm, ghi nhận tình hình mắc một số bệnh truyền nhiễm như sau:
      - Sốt xuất huyết ghi nhận 675 trường hợp, trong đó 11 ca bệnh nội sinh, còn lại là từ Hà Nội về; không có tử vong.
- 195 trường hợp tay chân miệng rải rác ở các huyện, thành phố chủ yếu ở độ 1 và độ 2a; không hình thành ổ dịch.
- 04 trường hợp mắc Liên cầu lợn (+) tại Kiến Xương, Tiền Hải và Vũ Thư; không có tử vong.
- 52 trường hợp mắc Viêm não vi rút trong đó 01 ca xét nghiệm dương tính với Viêm não Nhật Bản.
- Một số bệnh truyền nhiễm khác có số mắc/chết: Tiêu chảy 42.098/0, Hội chứng Cúm 29.703/0, Adenovirus 2.619/0, Lỵ a míp 417/0, Lỵ trực trùng 345/0, Quai bị 538/0, Thủy đậu 1.648/0,…
- Bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng: Ho gà mắc/chết là 19/0, các ca mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin.
Phát hiện 01 trường hợp mắc bệnh Dại lâm sàng tại xã Chương Dương (Đông Hưng), tử vong ngày 27/4/2017; Trung tâm YTDP đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động ngăn ngừa bệnh dại.
    Hệ thống Y tế dự phòng đã triển khai tốt các hoạt động xử lý ổ dịch và dự phòng tại cộng đồng; giám sát, cách ly và xử lý theo quy định đối với các ca mắc bệnh.
     Công tác phòng chống dịch
Hệ thống y tế dự phòng đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên toàn địa bàn; trong đó, tập trung cho công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch, phối hợp tốt trong giám sát dịch chủ động tại các bệnh viện và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Tăng cường củng cố, chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, điều phối thường xuyên các hoạt động phòng, chống dịch; tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các vật phế thải, nơi ứ đọng nước, vật chứa nước trong từng hộ gia đình, công sở để cắt đứt nguồn phát sinh bọ gậy của muỗi vằn truyền bệnh.
Các ngành, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân, Uỷ ban MTTQ … huy động rộng rãi các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nhất là tại các ổ dịch trọng điểm.
Các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo công tác tham mưu thường xuyên cho Ban chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch và luôn sẵn sàng về nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch.
      Tình hình HIV/AIDS:
        Lũy tích đến 25/11/2017
  + Tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống hiện quản lý là 3.288 ở 252/286 xã/phường/thị trấn, số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 1.409 và 895 người đã tử vong; 252/286 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Riêng trong tháng 11 đã giám sát phát hiện 14ca nhiễm HIV mới trong đó qua giám sát phát hiện 4 ca (ghi danh), qua hệ thống VCT là 10 ca (vô danh); 04 người chuyển AIDS được báo cáo.
       + Đã tiếp nhận và đưa vào điều trị Methadone cho  1.344 người nghiện ma túy tại 09 cơ sở điều trị (Trung tâm PC HIV/AIDS: 185; TTYT Thành phố: 259; Đông Hưng: 119; Vũ Thư: 101; Quỳnh Phụ: 173; Hưng Hà: 141; Tiền Hải: 167; Kiến Xương: 81 và Thái Thụy: 118).
Điều trị ARV cho 1.148 bệnh nhân, tư vấn 12 trường hợp phơi nhiễm HIV, cấp thuố miễn phí điều trị phô nhiễm cho 04 trường hợp.
          Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:
      Phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng và phát 20 chuyên mục phát thanh với các chủ đề trọng tâm trên sóng phát thanh toàn tỉnh; viết 05 bài báo với nội dung các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh gửi đăng tại Website của Cục An toàn thực phẩm, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thái Bình và trang thông tin Trung tâm TT-GDSK tỉnh.
Các đoàn liên ngành, chuyên ngành đã tiến hành kiểm tra, xử lý 9.688 lượt cơ sở, số cơ sở đạt là 7.678 cơ sở (79,2%); số cơ sở vi phạm là 1.763 cơ sở, trong đó số cơ sở bị cảnh cáo là 225, số cơ sở bị phạt tiền là 167 với tổng số tiền phạt 310,65 triệu đồng; ngoài ra đã tịch thu, tiêu hủy 7 kg mì chính không có nhãn mác quy định, 05 kg bột ngọt giả bao bì nhãn hiệu Ajinomoto, 298 lít rượu các loại không đồng nhất về chủng loại, 3,5 kg sứa đóng gói quá hạn sử dụng và 600 kg da, mỡ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 350 kg đường Thái Lan đóng gói giả hàng Việt Nam.
Trong 10 tháng, Chi cục ATVSTP tỉnh đã cấp mới 175, cấp đổi 04 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; số sản phẩm được tiếp nhận công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định ATTP là 151 sản phẩm, gia hạn 09 sản phẩm; cấp 1.885 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 03 giấy xác nhận nội dung quảng cáo dưới hình thức hội nghị cho 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong 10 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm: tối 27/10, tại gia đình trú tại thôn Tràng Quang (Trọng Quan-Đông Hưng) tổ chức liên hoan nhân dịp có nhà mới, có 07 người bị ngộ độc được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai; đến chiều ngày 30/10, 06 người đã được ra viện, một bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị trong tình trạng tiêu cơ vân nhẹ; nguyên nhân do ngộ độc alcaloid có trong cà gai ngâm rượu.
6. Hoạt động văn hóa, thể thao
    Văn hóa:                                                                                
 Các đơn vị chuyên môn trong ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin lưu động, viết tin bài đăng tải trên các ph­ương tiện thông tin đại chúng, cổ động, tuyên truyền phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị chuyên môn từ tỉnh tới cơ sở đã chỉ đạo và thực hiện kẻ vẽ đ­­ược 9.215 lượt khẩu hiệu băng rôn, biển tường, 541 cụm tranh, 6.713 panô, ápphích, , sao nhân bản 2.867 đĩa tuyên truyền, tổ chức trên 325 l­­ượt xe tuyên truyền lưu động, xuất bản 04 số tạp chí Văn hoá Thể thao và Du lịch với số l­­ượng 3.000 cuốn. Hầu hết các thôn, tổ dân phố đều tổ chức treo cờ Tổ quốc và khẩu hiệu tuyên truyền trên các địa bàn dân cư, các trục đường giao thông chính
 Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Viện văn hóa nghệ thuật hoàn thiện hồ sơ trình Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch đề nghị công nhận lễ hội Đền Lộng Khê - An khê, huyện Quỳnh Phụ; Múa rối nước huyện Đông Hưng, lễ hội chùa  Keo huyện Vũ Thư là  di sản phi vật thể  cấp quốc gia.
- Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Ba đoàn nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn chương trình nghệ thuật đón giao thừa được truyền hình trực tiếp trên sóng đài PTTH Thái Bình (tối ngày 29/12 âm lịch) tại Quảng trường 14/10; tổ chức 115 buổi biểu diễn.
+ Nhà hát Chèo dàn dựng và biểu diễn màn  sử thi “Huyền thoại nơi ải Bắc” phục vụ lễ hội Đền Thượng, thành phố Lào cai, tham dự cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 tại Thanh Hóa đạt 04 HCV, 05 HCB.  Và cuộc thi tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 tại tỉnh Đồng Nai đạt 01 HCV, 01 HCB.         
Thể thao:         
Năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động thể thao diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân nhân, như: Vật tự do, võ cổ truyền, Taekwon do, Quần vợt, Bóng bán, Bóng đá nhi đồng toàn tỉnh,… thành phố đã tổ chức được 76 giải thi đấu thể thao cấp huyện, gần 1.100 giải thi đấu thể thao cấp xã. Tổ chức lực lượng tham gia giải cầu lông và giải cờ tướng trung cao tuổi tại Thái Nguyên đạt 08 huy chương (cầu lông : 01HCV, 01 HCĐ; giải cờ tướng : 03HCB, 03HCĐ) .
Trường năng khiếu TDTT tổ chức cho học sinh tham gia thi đấu 51 giải (trong đó có 13 giải quóc tế) đạt 146 huy chương các loại gồm: 49 HCV, 44 HCB, 53 HCĐ ( trong đó 11 huy chương quốc tế: 06 HCV, 02 HCB,03 HCĐ).
7. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 16/11 đến ngày 15/12/2017 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 07 người chết và 01 người bị thương. Ngoài ra trong tháng xảy ra 09 vụ va chạm giao thông làm 09 người bị thương nhẹ, thiệt hại ước tính 24,8 triệu đồng
8. Thiệt hại do thiên tai 
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đầu tháng 10/2017 trên toàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài trùng với việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình khiến nước trên hệ thống thủy lợi không tiêu thoát kịp. Ước tính có khoảng 30.000 ha lúa đang thời kỳ thu hoạch bị thiệt hại, trên 10.000 ha rau màu bị mất trắng. Đặc biệt vào sáng ngày 10/10 một trận lốc xoáy bất ngờ quét qua địa bàn xã Nguyên Xá huyện Vũ Thư. Hậu quả 4 người bị thương trong đó 1 người bị thương rất nặng phải đưa đi cấp cứu. Trận lốc xoáy đã làm 1 căn nhà bị sập, 9 căn nhà khác bị tốc mái.
9. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy, ước tính giá trị thiệt hại trên 38,5 tỷ đồng, không có người bị chết và bị thương. Đặc biệt ngày 31/10 tại công ty Cổ phần thiết bị điện Tiền Hải đã xảy ra vụ hỏa hoạn lớn, đám cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho doanh nghiệp, không có thiệt hại về người. Ngày 27/11 đình Lưu, xã Đông Phương huyện Đông Hưng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến di tích lịch sử Quốc gia này bị thiêu rụi, đây là ngôi đình cổ hơn 300 năm được dựng bằng gỗ lim có kiến trúc độc đáo và được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1990.
Sáng ngày 19/12/2017 tại nhà máy Nhiệt điện 2 Thái Bình, huyện Thái Thụy đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại công trình đang thi công của nhà máy. Các lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để khống chế cơ hỏa hoạn. Nguyên nhân đám cháy là do chập điện, không có thiệt hại về người./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây