KHÁI QUÁT MỘT SỐ TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM TỈNH THÁI BÌNH NĂM 2023

Thứ tư - 13/03/2024 23:41
     1. Lực lượng lao động
       Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, chiến sự Nga – Ukraina, xung đột Israel - Hamas tại Trung Đông; chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn đã tác động đáng kể đến sức mua của nền kinh tế; khả năng hấp thụ vốn của thị trường chưa được cải thiện; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa có chuyển biến tích cực… Đứng trước những khó khăn, thách thức, tỉnh Thái Bình đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách giảm nghèo và trợ giúp xã hội; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.
       Trong năm 2023, tỉnh Thái Bình thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời hướng dẫn thực hiện hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc đối với người lao động theo đề án di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực ven sông Trà Lý.
       Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện thí điểm chương trình đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc ở huyện Quỳnh Phụ, đồng thời đã tổ chức tuyển chọn, đưa 37 lao động xuất cảnh sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
       Thái Bình là tỉnh có mật độ dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế khá cao so với các tỉnh trong khu vực (ước tính trong năm là 992,5 nghìn lao động). Cơ cấu lao động của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực: Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo xu hướng giảm, lao động làm việc trong các ngành phi nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên (ước quý IV năm 2023 lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,18%, dịch vụ - thương mại chiếm 27,51%).
      2. Lao động có việc làm
       Trong năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo, thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh; triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuyển sinh và đào tạo cho 36.700 người, trong đó trình độ cao đẳng 4.150 người, trung cấp 7.050 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 25.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%.
       Trong năm 2023, tỉnh đã giới thiệu việc làm cho 31.974 người, tổ chức thành công 19 phiên giao dịch việc làm cố định, 06 phiên giao dịch việc làm Online, trong đó khoảng 10.000 lượt học sinh, sinh viên của các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bản tỉnh. Tổ chức thành công “Ngày hội việc làm và kết nối cung cầu lao động năm 2023” với 120 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tham gia, kết quả đã có 31 đơn vị thỏa thuận hợp tác trong việc liên kết đào tạo, cung ứng lao động; 1.600 lượt sinh viên, học sinh và người lao động được tư vấn, kết nối (tăng 45% so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 34.500 người, trong đó: việc làm tại địa phương 24.880 người, đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.550 người, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 3.070 người.

      3. Lao động thất nghiệp, thiếu việc làm
       Tỉnh Thái Bình đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 10.660 lao động, tiến hành kiểm tra thực hiện pháp luật lao động năm 2023 tại 23 doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố, đồng thời giám sát 08 doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
       Toàn tỉnh có
281.095 người trong độ tuổi tham gia BHXH, (tăng 2.501 người so với năm 2022); 215.620 người tham gia BHTN. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 30,7%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN đạt 23,5%.

       Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước quý IV/2023 là 972,2 nghìn người, trong đó: lao động khu vực kinh tế Nhà nước ước 64,6 nghìn người; lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước 875,1 nghìn người và khu vực đầu tư nước ngoài là 32,5 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2023 ước tính 0,96%.
       - Công tác quản lý lao động ở một số địa phương, doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập, nhất là việc phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh và lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.
       - S lượng công nhân k thut có trình độ tay ngh cao còn ít, đào tạo chủ yếu là trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.
        - Trước tình trạng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ đảm bảo các điều kiện cơ bản phục vụ học tập của học viên, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng. Các cấp, các ngành cần quan tâm và tạo điều kiện để công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh ngày một chất lượng hơn./.

                                                                                                                        Phòng Thống kê Xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây