Con đường ngoằn nghèo từ trung tâm xã dẫn chúng tôi đến mô hình chuyển đổi của ông Bùi Thọ Thính xã Đông Sơn
. Ngay con đường vào nhà ông là các ao nuôi cá rô được ông bố trí bài bản với diện tích nuôi 3 ha, được xây dựng thành từng bể, trong đó có 3 bể nhỏ, diện tích mỗi bể khoảng 30m2, còn lại 5 bể khác, xung quanh ông trồng một số loại cây ăn quả... đã tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông. Mô hình được xây dựng từ năm 2001, và được chuyển đổi từ vùng đất cấy lúa kém hiệu quả của địa phương, ông Thính chia sẻ:
Có thể nói vùng đất này là vùng đất chua nhất của khu Phương, Sơn, La, Cường, Xá, nó rất chua, mình phải kết hợp nuôi vịt để tự cải tạo ao trong khi mình chua nuôi được cá. Sử dụng vôi trên mặt bờ ao thường xuyên. Đồ hỏi phải rất kỳ công mới trở thành nước ngọt như này.
Để nuôi thành công con cá rô đồng, gia đình ông phải mất đến 10 năm cải tạo đất, cho đến năm 2013, ông mới xây dựng 8 ao nuôi cá rô đồng. Hiện mô hình nuôi cá của ông có diện tích 3 ha, nuôi từ 200-300 vạn cá, vừa nhân giống, vừa bán cá thịt. Khi được hỏi tại sao lại chọn con cá rô đồng để phát triển kinh tế, ông Thính cho rằng cá rô đồng dễ nuôi, chịu được môi trưởng nước khắc nghiệt; phù hợp với vùng đất này, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên để đạt hiệu quả thì đòi hỏi người chăn nuôi phải có kinh nghiệm. Ông Thính chia sẻ:
Chọn con giống tốt chọn cơ sở tin cậy, con mẹ phải khỏe, vảy thưa, khi nó sinh sản ra con nó rất khỏe nuôi rất chóng. Chăm thì không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhưng chủ yếu là phòng bệnh, vệ sinh ao nuôi định kỳ. Sát trùng ao nuôi, xử lý môi trường như tầng đáy, xử lý nước. Khi nuôi cần chú trọng mùa vụ để hiệu quả.
Một năm, từ mô hình này, ông Thính thu hoạch 2 vụ cá vào tháng 6 và tháng 10. Mỗi năm thu hoạch đến 20 tấn cá và được xuất bán cho thị trường Hà Nội, Hải Dương. Theo tính toàn nhanh của ông cứ 1 kg cá thịt được 40-45 nghìn đồng, cá giống 25.000đ/kg. Như vậy, tổng thu nhập một năm ông Thính cũng đã chạm ngưỡng 700 triệu đồng. Ông Phạm Văn Ngạc- Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết:
Ông Bùi Thọ Thính là một trong những hộ rất tích cực tìm tòi các nguồn còn vật nuôi nhất là cá rô đồng, đến nay sản xuất tương đối ổn định tạo thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đưa cá rô đồng vào chăn nuôi, qua 17 năm lăn lộn với vùng đất chua trũng, vui có, buồn có, thất bại cũng có nhưng chưa bao giờ ông Thính nản chí. Nhìn lại chặng đường đầy gian nan thử thách đó, càng khiến ông quyết tâm hơn để thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cá rô đồng cho chính bản thân mình. Thực tế cho thấy, tiềm năng để phát triển nguồn thuỷ sản nước ngọt ở các địa phương là khá lớn, mô hình nuôi cá rô đồng của ông Bùi Thọ Thính là gợi mở tốt để các hộ nông dân trong huyện tìm hiểu, áp dụng làm theo.
Chi cục Thống kê huyện Đông Hưng