Đầu tư phát triển toàn xã hội tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2019 - Tiềm năng và thách thức

Thứ ba - 25/06/2019 05:01
Đầu tư phát triển toàn xã hội tỉnh Thái Bình 6 tháng đầu năm 2019 - Tiềm năng và thách thức
Thái Bình là vùng đất ven biển, được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Thái Bình cũng từng là tỉnh mà mỗi lũy tre làng, ruộng lúa đều in dấu ấn về sự cống hiến sức người sức của nhiều nhất cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Thái Bình nổi tiếng được mọi người biết đến không chỉ là "quê hương 5 tấn", mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng kháng chiến nổi tiếng...
Suốt chiều dài lịch sử 129 năm, dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhân dân Thái Bình vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn luôn sáng tạo trong sản xuất và đấu tranh, đóng góp to lớn về sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, Thái Bình là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, ý chí, nghị lực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nguyện phấn đấu "xây dựng Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Đặc biệt, chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng Thái Bình đã vượt khó vươn lên tạo được nhiều dấu ấn, bứt phá... Trong việc phát huy nội lực, Thái Bình cũng có những bứt phá.
Thái Bình là một tỉnh “Đất lành chim đậu”, trong 10 năm gần đây rất nhiều dự án công trình được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai xây dựng tại Thái Bình; nhiều ngân hàng lớn cũng đã về đây mở chi nhánh để đón bắt cơ hội làm ăn với nguồn vốn tín dụng trên địa bàn đạt con số hàng ngàn tỷ đồng…
Không chỉ có thế, những tiềm năng lớn của Thái Bình cũng đang được đánh thức, hấp dẫn các nhà đầu tư. Đó là nguồn trữ lượng lớn cho năng lượng quốc gia với nguồn than nâu xấp xỉ 200 tỷ tấn, gấp 20 lần trữ lượng than Quảng Ninh. Tiềm năng khí đốt ngoài thềm lục địa của Thái Bình cũng rất lớn; rồi mở đường ra Cồn Vành, Cồn Đen… phát triển du lịch nơi đây cũng là một trong những dự án thể hiện quyết tâm “vươn ra biển” của Thái Bình hiện nay; các nhà máy nhiệt điện được xây dựng, khai thác khi, hóa chất mỏ, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, điện tử, chế biển lương thực phẩm được quy tụ về Thái Bình đầu tư và xây dựng… đặc biệt dự án tuyến đường bộ ven biển, bệnh viện 1000 giường, Cầu Sông Hóa… được triển khai vào đầu năm 2019. Phát triển cùng với các dự án lớn nhỏ, cơ sở hạ tầng của tỉnh cũng được dần hoàn thiện, các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… cũng đang đà phát triển.

Thái Bình - miền đất hạ lưu sông Hồng luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Ðó là sự hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang vùng đất mới vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song đó cũng lại là miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy, thử thách như dông bão, lụt lội, nắng hạn, đầm lầy, lau lách, thú dữ… Trải qua quá trình trăn trở, vật lộn, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc dã hoành hành để cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn, đầy lau lác, cỏ dại thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, cư dân Thái Bình đã sớm hình thành những phẩm chất tốt đẹp với nhiều truyền thống đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục, cải tạo thiên nhiên, giàu kinh nghiệm thâm canh; có nền văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà vẫn có sắc thái riêng, độc đáo; có ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, có truyền thống hiếu học đặc biệt là truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước, chống ngoại xâm và đấu tranh với các thế lực cường quyền, phong kiến phản động.
Tuy nhiên, thách thức đối với Thái Bình cũng không hề nhỏ, khi những dự án đầu tư được thu hút cũng là lúc Tỉnh Thái Bình đối mặt với những khó khăn như các chế độ đãi ngộ với nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đi đôi với phát triển sản xuất công nghiệp sẽ là vấn đề về ô nhiễm môi trường; Phát triển, mở rộng sản xuất, thu hút các dự án đầu tư cũng là lúc Thái Bình cần nhất những nguồn lao động có trình độ, các trung tâm dậy nghề cần được mở ra đồng bộ giúp người lao động có kiến thức và nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng được nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh…
Một trong những dự án trọng điểm lớn đổi với Thái Bình năm 2019-2022: sơ bộ 6 tháng đầu năm 2019, một số dự án FDI được thi công và đã hoàn thành một phần hạng mục chính để đưa vào sản xuất: Công ty Toyoda goise với tổng mức đầu tư 830 tỷ đã hoàn thành một phần và đi vào hoạt động trong tháng 5.2019; Dự án nhà máy sản xuất giày da cao cấp Creative source Việt Nam, tổng mức đầu tư 85 tỷ, sơ bộ đạt gần 70 tỷ và đã đi vào sản xuất một số phân xưởng; Dự án công ty Jeil Jersey Vina sau 2 lần bổ sung vốn đầu tư (tổng mức đầu tư hiện tại là gần 171 tỷ đồng) đã sơ bộ hoàn thiện và đang trong quá trình tuyển chọn công nhân để đi vào sản xuất; Công ty Giầy Victory Việt Nam, vốn đầu tư hơn 65 tỷ, sơ bộ đạt 85% và đang triển khai tuyển chọn công nhân để đi vào hoạt động trong cuối quý II; Dự án sản xuất giày của công ty Tiên Phong, vốn đầu tư hơn 132 tỷ đồng, sơ bộ đến tháng 6 đạt hơn 89 tỷ, dự án Công ty Innoflow Vina xưởng may, vốn đầu tư 90 tỷ, thực hiện quý II ước đạt 8 tỷ; Dự án may và in của công ty Nox Vina với vốn đầu tư hơn 380 tỷ, sơ bộ đến nay đạt gần 110 tỷ đồng…
 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 348/QĐ-TTg, có chiều dài 34,42km, trong đó điểm đầu tại km9+76 đấu nối với điểm cuối dự án tuyến đường ven biển thành phố Hải Phòng và 9km thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại km43+577 đấu nối với điểm đầu dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, vận tốc đạt  80km/giờ. Để thực hiện dự án, về mặt bằng sẽ phải giải phóng, thu hồi đất của 6 xã thuộc huyện Thái Thụy, 13 xã thuộc huyện Tiền Hải và 1 xã thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Riêng phần giải phóng mặt bằng 6 xã của huyện Thái Thụy đã triển khai trên cả 6 xã với tổng vốn 120 tỷ, sơ bộ đền tháng 6 đạt 40 tỷ, dự kiến giữa quý 3 năm nay sẽ xong phần mặt bằng địa phận huyện Thái Thụy.

Đoạn 9km điểm cuối dự án tuyến đường ven biển thành phố Hải Phòng thuộc địa phận tỉnh Thái Bình đã thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng và thi công sơ bộ đạt 50 tỷ với tổng vốn đầu tư thực hiện 226 tỷ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đối với phần đất nông nghiệp đã hoàn thành chi trả tiền đền bù trên 90% diện tích đất thu hồi, tương ứng khoảng 30/34,42km; đối với phần đất ở, các địa phương đang tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù tài sản trên đất đồng thời tiến hành xây dựng các khu tái định cư. Đối với những diện tích phải giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nam Định, đang hoàn thiện hồ sơ trích lục, trích đo địa chính.

Dự án bệnh viện Đa khoa quốc tế 1.000 giường khởi công giữa tháng 2, tính đến tháng 6 dự án đang dần hoàn thiện nhà điều hành và phần tường bao, đã xong phần chuẩn bị mặt bằng đang triển khai ép cọc khởi công xây dựng…Dự án bệnh viện Đa khoa Quốc tế 1.000 giường nằm trong chủ trương xã hội hóa Y tế theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ, đồng thời là dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Bình nhiều năm nay.Tọa lạc tại Khu Trung tâm Y tế tỉnh(phường Trần Lãm và xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình), dự án có quy mô 12ha và tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.722 tỷ đồng. Dự án sẽ bao gồm 9 hạng mục chính, trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú; cây xanh cảnh quan…Dự án được xây dựng với mục tiêu trở thành một bệnh viện đa khoa hạng I với số lượng 1.000 giường bệnh và các chuyên khoa sâu tương đương bệnh viện tuyến trung ương. Với quy mô này, đây là dự án bệnh viện đa khoa lớn nhất tại tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh lân cận, đồng thời cũng là bệnh viện được xây theo mô hình bệnh viện - khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, cao cấp hàng đầu tại địa phương.Giai đoạn 1 của dự án với quy mô 500 giường bệnh dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2022, nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận. Dự án đầu tư xây dựng thêm 1 bệnh viện đa khoa 1.000 giường sẽ giúp giảm quá tải cho các bệnh viện, hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Việc xây dựng bệnh viện cũng góp phần sớm hoàn thiện Khu trung tâm y tế tỉnh, phát huy sự liên kết, hỗ trợ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong quần thể, góp phần nâng cao vị thế ngành Y tế Thái Bình trong khu vực.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ, tiến độ giải phóng mặt bằng cho dân tính đến tháng 6 đã xong phần  đền bù, tái định cư cho các hộ dân cư; dự kiến quý 2 thi công xây dựng hạ tầng khu công nghiệp ước đạt 150 tỷ.  Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ có quy mô 194,36ha, được lập trên địa giới hành chính các xã An Thái, An Ninh, An Cầu. Đồ án quy hoạch phân khu bao gồm: quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, cấp nước, điện, thông tin liên lạc, rác thải, vệ sinh môi trường… Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp với các ngành nghề chủ yếu: sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp; nghiên cứu, thực nghiệm các loại giống lúa, ngũ cốc; đào tạo nhân sự cho sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống kho chứa, bảo quản nông sản, hệ thống nhà máy sấy và xay sát lúa gạo, hệ thống nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm.

Dự án đường 221A được khởi công xây dựng trong giữa quý 2.2018 (hiện nay đã xong phần giải phóng 4 xã Tây Giang, Đông Lâm, Nam Thắng, Nam Phú Huyện Tiền Hải); dự án cải tạo nâng cấp đường 221A có ý nghĩa quan trọng đối với công tác cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh. Tuyến đường xây dựng từ Thị trấn Tiền Hải đến Khu du lịch sinh thái Cồn Vành theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư của dự án là 721.333 triệu đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Giữa quý II, diễn ra lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa, nối giữa huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là cây cầu được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng công trình cầu bê tông cốt thép thay thế cầu phao sông Hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với công trình.Dự án có tổng mức đầu tư 185,034 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hải Phòng và ngân sách tỉnh Thái Bình (trong đó: ngân sách thành phố Hải Phòng là 182 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là 3 tỷ đồng). Đây là cây cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 12m, chiều dài 251m, đường vuốt dốc hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự kiến, công trình cầu sông Hóa sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 2019, thay thế cầu phao hiện nay nhằm nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo khả năng khai thác trên 3.000 xe quy đổi/ngày đêm, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của hai địa phương. Cầu sông Hóa nằm trên Quốc lộ 37 nối từ tỉnh Thái Bình qua Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố tới tỉnh Sơn La dài hơn 500 km. Cầu sông Hóa sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ cây cầu phao cuối cùng trên Quốc lộ 37 qua địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.Sau khi công trình đưa vào khai thác sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình trên 30km so với trước đây, góp phần giảm áp lực giao thông qua Quốc lộ 10, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông liên tỉnh giữa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Hi vọng, trong năm 2019 Thái Bình sẽ có những bước phát triển bứt phá, tạo nền tảng để trở thành tỉnh nông thôn mới có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại./.
Phòng Thống kê Công nghiệp
 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây