Sáng 11/7, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến công bố kết quả sơ bộ chương trình điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương, năm 2019 là năm đầu tiên chương trình điều tra dân số và nhà ở thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là việc thu thập thông tin tại địa bàn, bằng hình thức phiếu điện tử trên thiết bị di động.
Được thực hiện từ ngày 1/4, sau hơn 2 tháng thu thập dữ liệu tại địa bàn, đến nay, công tác xử lý và làm sạch dữ liệu đã hoàn thành, sớm hơn 1 năm so với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra cho thấy, tổng dân số Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là hơn 96,2 triệu người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
So với năm 2009, vị trí xếp hạng quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi, giảm 2 bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Tỷ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua, nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Bản đồ dân số Việt Nam năm 2019.
Trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua.
Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới, bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triến nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.
Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư hiện nay, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Trung bình cứ 10.000 hộ dân cư, có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong 2 thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.
Hầu hết, hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.
Nguồn : http://danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn