Công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNN và Cục Thống kê tỉnh Thái Bình về công tác Thống kê và chia sẻ thông tin thống kê giai đoạn 2016 đến nay

Thứ sáu - 07/06/2019 06:36
Hội nghị phối hợp triển khai công tác thống kê giữa Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngành Thống kê khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 05/6/2019, Cục Thống kê Thái Bình trình bày tham luận về công tác phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNN và Cục Thống kê tỉnh Thái Bình trong công tác Thống kê và chia sẻ thông tin thống kê.
CÔNG TÁC PHỐI HỢP  THĂM ĐỒNG ĐÁNH GIÁ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
CÔNG TÁC PHỐI HỢP THĂM ĐỒNG ĐÁNH GIÁ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
        Thái Bình là tỉnh nằm phía nam Đồng bằng Sông Hồng, với dân số trung bình năm 2018 là 1.793,2 nghìn người, là một trong  những tỉnh có mật độ dân số cao nhất cả nước 1.130 người/km2. Về lợi thế trong phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản, với diện tích đất tự nhiên là 1.586 km2,  Thái Bình có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ; bờ biển dài 54km, bãi triều rộng 250 km2, diện tích đất nông nghiệp trên 90 nghìn hecta, rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, đại gia súc, gia cầm và nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản; được xác định là tỉnh trọng điểm an toàn lương thực cho toàn quốc, vựa lúa của khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉnh có diện tích đất cấy lúa luôn đạt trên 160 nghìn ha xếp thứ 15 toàn quốc, sản lượng trên 1 triệu tấn thóc/năm, đặc biệt năng suất lên tới 135 tạ/ha/năm.
       Không chỉ có cây lúa, với quyết tâm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, các loại cây màu cũng có bước phát triển vượt bậc với những mô hình như: Mở rộng quỹ đất trồng cây khoai tây lên tới 17 nghìn ha. Thái Bình là tỉnh đầu tiên nghiên cứu thành công mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp khí canh góp phần giải bài toán về giống của vụ đông . Đây cũng chính là điều kiện cơ bản để thu hút, phát triển các nhà máy chế biến nông sản tại Thái Bình.
       Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Năm 2018, toàn tỉnh có trên 1000 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Tổng sản lượng thịt hơi gia súc các loại xuất chuồng đạt 245 nghìn tấn/năm, bình quân thịt hơi xuất chuồng vào “Top” các tỉnh cao trong cả nước. Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng, khai thác và chế biến, sản lượng tăng vượt bậc. Lĩnh vực thủy sản từ sản xuất nhỏ trở thành một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các hình thức nuôi thủy sản tập trung, bán thâm canh khá phổ biến. Khai thác thủy sản chuyển biến từ khai thác ven bờ sản khai thác tầm trung và xa bờ. Một loạt các phương tiện khai thác được đóng mới và trang bị ngư cụ hiện đại đã mở rộng ngư trường, nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  
      Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2018 đạt 3,26 %, góp phần đưa Thái Bình liên tục trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt  2 con số (năm 2018 đạt 10,53%, 6 tháng năm 2019 là 9,30%), thu thuế và lệ phí năm 2018 đạt 8200 tỷ. Tổng kết lại, năm 2018 Thái Bình có số đầu con lợn thịt đạt là 814 nghìn con đứng thứ 3 toàn quốc, sản lượng tôm 3480 tấn xếp thứ 28 toàn quốc, sản lượng ngao là 101 nghìn tấn xếp thứ nhất toàn quốc, riêng ngao của huyện Tiền hải đã có chỉ dẫn địa lý để xuất khẩu sang châu Âu. Ngoài ra Thái Bình có 100% số xã, phường, thị trấn có nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ nhân dân và hiện đang phấn đầu đến cuối năm 2019 có 100% số xã đạt nông thôn mới; 3 huyện đạt huyện nông thôn mới và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Tính đến hết tháng 5 năm 2019 Thái Bình có 254/263 xã đã thẩm định đạt tiêu chuẩn xã nông thôn, đang tiếp xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
       Như vậy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản Thái Bình có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh , đòi hỏi công tác thống kê phải chính xác - kịp thời - đầy đủ phục vụ cho nhiều quyết sách kinh tế của tỉnh cũng như của vùng. Những thành công trong công tác thống kê ngoài nâng cao hiệu quả hoạt động trong ngành thống kê còn có sự đóng góp không không nhỏ của công tác phối hợp giữa Cục Thống kê tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT. Sự thống nhất cao trong chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phản ánh xác thực được tình hình địa phương kịp thời và đầy đủ đã trở thành một trong những điểm sáng của sự phối hợp giữa ngành Thống kê và các sở, ban ngành khác trong tỉnh. Trong tham luận này tôi xin được nêu ra một số kết quả sau :
       Thứ nhất: Thay đổi nhận thức của lãnh đạo, công chức ngành Thống kê và ngành Nông nghiệp & PTNT từ tỉnh đến huyện về công tác thống kê và chia sẻ thông tin, nhất là người đứng đầu hai cơ quan. Nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT đảm bảo cung cấp kịp thời thống nhất chính xác các thông tin thống kê phục vụ cho quản lý nhà nước về nông nghiệp và PTNT. Nếu như trước năm 2016, sự phối hợp chưa được chặt chẽ, còn mang tính riêng rẽ, quan điểm của mỗi ngành dựa trên góc nhìn của mình về một số chỉ tiêu quan trọng như: giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; năng suất lúa; số lượng đàn lợn, gia cầm; sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy hải sản trọng điểm như tôm, ngao, cá lồng... có sự đánh giá khác nhau dẫn tới sự tranh luận tại các hội nghị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các huyện, thành phố, gây sự hiểu lầm của của các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Sở, ban ngành khác. Sự chia sẻ thông tin để mỗi bên tham khảo và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của đơn vị là ít ỏi, không đảm bảo thời gian và chất lượng, số lượng báo cáo chuyên đề, niên giám thống kê, ấn phẩm chuyên sâu không được ngành Thống kê cung cấp đầy đủ.
       Do vậy từ cuối năm 2016, sau khi có quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê đã chủ động cùng ngành Nông nghiệp và PTNT tìm giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế trên; Trước hết định kỳ hàng năm hai ngành tổ chức họp, thảo luận các công việc thực hiện trong năm mà hai ngành có liên quan, kiểm điểm các công việc còn hạn chế tồn tại, tham gia tổng kết của 2 ngành. Các đơn vị chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp và phòng nông nghiệp các huyện chủ động thường xuyên có mối liên hệ với phòng Thống kê Nông nghiệp, Chi cục Thống kê các huyện, thành phố cùng thảo luận đánh giá các vấn đề phát sinh, những vấn đề không giải quyết được thì kịp thời báo cáo lãnh đạo 2 cơ quan giải quyết.
       Thứ hai: Tăng cường phối hợp trong hoạt động thống kê nhất là các số liệu thống kê quan trọng như năng suất lúa, sản lượng và diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn, trang trại.
      + Tham gia đánh giá chung: Một số chỉ tiêu quan trọng cần có sự tham gia đánh giá chung để có sự thống nhất ban đầu như: thăm đồng đánh giá năng suất, thăm và tìm hiểu các dự án lớn, trang trại trọng điểm về chăn nuôi, thủy sản, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản mới, hàng năm định kỳ Cục Thống kê chủ trì tổ chức mời Sở Nông Nghiệp và PTNT, Chi cục trồng trọt tham gia hội nghị thăm đồng đánh giá năng suất, mời đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp tham dự chỉ đạo, cùng với Thường trực huyện ủy, thường trực UBND huyện thành phố, Chi cục Thống kê huyện, phòng nông nghiệp huyện; Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì mời lãnh đạo Cục Thống kê, phòng thống kê nông nghiệp của Cục tham quan các dự án, mô hình trọng điểm, mới xuất hiện để ngành thống kê tham khảo. Qua các cuộc đánh giá chung như vậy, hai ngành tìm được sự thống nhất từ thực tế và quan sát. Đối với các vấn đề phát sinh khó khăn nhậy cảm như năng suất giảm vì thiên tai vụ mùa năm 2017; giảm giá lợn trong đầu năm 2018; nhất là dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thái Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất toàn quốc;… đều có sự đánh giá khách quan, thống nhất của 2 ngành để báo cáo Tỉnh Ủy, UBND tỉnh.
       + Phát huy lợi thế của từng ngành: Hàng năm Cục Thống kê là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai cuộc khảo sát “Diện tích gieo trồng cây màu vụ Hè làm cơ sở cho việc đánh giá thực trạng lựa chọn cây trồng phù hợp, công thức luân canh, xen canh hợp lý đối với các cây màu vụ hè, từ đó giúp cho công tác chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp. Như vậy ngành Thống kê cung cấp nhân lực và phương pháp thu thập tổng hợp, ngành nông nghiệp cung cấp kinh phí.
       + Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến thông tin thống kê, nhất là các thông tin thống kê khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngành Thống kê tăng cường xuất bản các ấn phẩm về nông nghiệp, nông thôn, thủy sản nhất là các nhiệm vụ, đột phát trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 19 như “Thực trạng và tiềm năng kinh tế biển”, “Phát triển hoạt động sản xuất thủy sản tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2018”, “Thực trạng làng nghề Thái Bình”, “Thực trạng và tiềm năng trang trại tỉnh Thái Bình”, “Nông thôn, nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2016”,… giúp cho các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp và PTNT có nguồn số liệu tổng hợp, chuyên sâu phục vụ quản lý, điều hành.
      + Tham gia công tác khác về quản lý Nhà nước ngành nông nghiệp như thẩm định nông thôn mới, ngành Thống kê là thành viên của đoàn thẩm định cấp tỉnh và hướng dẫn tính toán tiêu chí thu nhập, chi cục thống kê huyện là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định và hướng dẫn các xã tính toán, Cục Thống kê là đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận dân số của từng xã là căn cứ, là chứng từ để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nước sạch ở nông thôn được nhận kinh phí hỗ trợ của tỉnh đối với mỗi người dân; tham gia phòng chống lụt bão của địa phương; đánh giá tái cơ cấu ngành nông nghiệp,…
        Thứ ba: Nâng cao chất lượng số liệu thống kê, chia sẻ thông tin thống kê và số liệu phục vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp và PTNT.
        + Để có được sự tin tưởng trên, bản thân ngành Thống kê từng bước phải tích cực nâng cao chất lượng số liệu thống kê, nhất là chất lượng các cuộc tổng điều tra, điều tra thường xuyên, báo cáo thống kê để tạo lòng tin của ngành Nông nghiệp và PTNT.
       + Đối với các chỉ tiêu quan trọng như diện tích gieo trồng, năng suất lúa, sản lượng các con vật nuôi, diện tích nuôi trồng, sản lượng thủy sản trọng điểm thì ngành Thống kê đảm bảo tính độc lập tương đối, khách quan về thu thập số liệu, tổng hợp, phân tích đồng thời trưng cầu, tham vấn các vấn đề còn thiếu từ ngành nông nghiệp như sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư trong nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp, cây con mới,…
        + Ngành Thống kê thường xuyên cung cấp các báo cáo KT-XH hàng tháng, quí, 6 tháng, cả năm cho tất cả lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, số liệu thống kê cho các phòng, chi cục để làm báo cáo nhanh, các ấn phẩm chuyên sâu về nông nghiệp như: kinh tế biển, thực trạng trang trại, thực trạng thủy sản và niên giám thống kê,… cho các phòng, chi cục của Sở và phòng nông nghiệp các huyện. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cung cấp báo cáo theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 về phối hợp công tác của các Sở, Ban, Ngành, Huyện, thành phố với Cục Thống kê và thực hiện tốt các biểu mẫu được phân công trong Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về ban hành biểu mẫu thu thập hệ thống kê chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh áp dụng cho các Sở, Ngành, huyện, thành phố nhằm thu thập thông tin thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Bình để Cục Thống kê có cơ sở đối chiếu, so sánh với các chỉ tiêu do Ngành Thống kê thu thập qua các cuộc điều tra thống kê như tiến độ sản xuất, tình hình dịch bệnh, diện tích gieo trồng, sản lượng chăn nuôi, thủy sản.
        + Đối với các kỳ báo cáo quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm hoặc các kỳ họp chuyên đề của UBND tỉnh, lãnh đạo Cục và lãnh đạo Sở đều có sự chia sẻ thông tin đảm bảo tính thống nhất giữa hai ngành.
       Thứ tư: Thống nhất cao trong việc phối hợp xây dựng và đề xuất chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, xây dựng kịch bản  tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, góp ý xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra Cục Thống kê, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và ban quản lý khu kinh tế và Công nghiệp hàng năm đều tổ chức luân phiên hội nghị gặp gỡ trao đổi các chỉ tiêu tổng hợp có liên quan giữa các ngành.
        Để có được kết quả trên là do:
        Thứ nhất: Trên cơ sở Quy chế phối hợp số 10068/QCPH-BNNPTNT-TCTK của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và PTNT là định hướng tốt cho sự phối hợp giữa hai ngành; Đối với Thái Bình thì 2 ngành không ký kết qui chế phối hợp, vì hiện nay Quyết định số 03 của UBND tỉnh Thái Bình đang còn hiệu lực và có từ năm 2014.
       Thứ hai: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc thống nhất số liệu thống kê nông nghiệp giữa hai ngành;
       Thứ ba: Sự quyết tâm cố gắng của lãnh đạo, công chức 2 ngành Thống kê và Nông nghiệp và PTNT với quan điểm “Phối hợp chặt chẽ - Gắn kết lâu dài - Chia sẻ toàn diện – Đảm bảo thống nhất”.
       Tuy vậy vẫn còn một số khó khăn:
      Thứ nhất: Lĩnh vực quản lý nhà nước Nông nghiệp và PTNT có một số điểm khác phân ngành kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nên một số chỉ tiêu thống kê chuyên ngành mà ngành Nông nghiệp và PTNT có nhu cầu thì ngành Thống kê chưa thể đáp ứng, hoặc nằm ngoài chương trình điều tra Thống kê quốc gia.
       Thứ hai: Do cơ cấu tổ chức của mỗi ngành khác nhau, ngành Thống kê là ngành dọc nên chỉ đạo toàn diện đến cấp huyện, nhưng ngành Nông nghiệp và PTNT chỉ chỉ đạo về nghiệp vụ nên đôi khi vẫn gặp khó khăn trong chỉ đạo điều hành về thời gian.
       Để tiếp tục có sự phối hợp giữa 2 ngành Thống kê và Nông nghiệp và PTNT, đề nghị thường xuyên hàng năm hoặc 2 năm 1 lần có hội nghị đánh giá kết quả các công việc cụ thể trong phối kết hợp giữa hai ngành, để cùng phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, khi có tập huấn của ngành Thống kê, nhất là triển khai các phương án điều tra đề nghị thành phần có ngành Nông nghiệp và PTNT tham dự../
Nguyễn Bình – Cục trưởng Cục Thống kê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây