Thực trạng nguồn thông tin và phạm vi biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trước khi đánh giá lại ở Việt Nam

Thứ hai - 18/02/2019 23:06
Việt Nam chính thức áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia từ năm 1993 theo Quyết định số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở lý luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 1993 của Liên hợp quốc (SNA 1993), chỉ tiêu GDP được biên soạn theo giá hiện hành và giá so sánh. Ban đầu, GDP được tính theo phương pháp sản xuất với chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO), giá trị tăng thêm (VA) theo giá người sản xuất; sử dụng Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân 1993 theo Nghị định số 75/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ; năm 1994 được chọn là năm gốc so sánh; Hệ số chi phí trung gian (hệ số IC) trong bảng IO và của các vùng được sử dụng làm công cụ tính toán. Từ năm 2012 tới nay, GDP được tính theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng với GO, VA theo giá cơ bản. Sử dụng Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam 2007 theo Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; áp dụng năm 2010 làm năm gốc; sử dụng hệ số IC của các vùng và cả nước; sử dụng hệ thống chỉ số giá làm công cụ chuyển giá hiện hành về giá so sánh năm gốc và bảng giá cố định năm 2010 áp dụng riêng cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Sự chuyển đổi GO từ giá sản xuất sang giá cơ bản không làm thay đổi quy mô và tốc độ tăng GDP nhưng làm thay đổi quy mô và tốc độ tăng VA của các ngành kinh tế khi bóc tách “thuế trừ trợ cấp sản phẩm” trong VA theo giá sản xuất để tính giá trị tăng thêm theo giá cơ bản.

I. Nguồn thông tin

Nguồn thông tin thống kê ngày càng được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu GO, VA theo ngành kinh tế và GDP của cả nước. Hiện tại, thông tin thống kê dựa vào các nguồn chính gồm: điều tra thống kê, hồ sơ hành chính, báo cáo thống kê và nguồn khác.
(1) Đối với thông tin từ điều tra thống kê
Hàng năm, Tổng cục Thống kê tiến hành nhiều cuộc điều tra thu thập thông tin phục vụ công tác thống kê chuyên ngành. Do chi phí lớn về nguồn lực và triển khai thực hiện trong thời gian dài nên tổng điều tra thống kê chỉ được thực hiện năm năm hoặc mười năm một lần. Hầu hết các cuộc điều tra hàng năm đều là điều tra chọn mẫu. Số lượng mẫu hạn chế, không thể đại diện cho nhiều mục tiêu và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phong phú. Hiện nay, điều tra mẫu mới chỉ đảm bảo phản ánh xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa đầy đủ thông tin để mô tả toàn diện quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP cả nước. Nguồn thông tin thiếu hụt trong điều tra mẫu sẽ mở rộng theo thời gian và chỉ được xử lý khi thực hiện các cuộc tổng điều tra với quy mô đầy đủ và toàn diện nhất. Khi đó, thông tin thống kê sẽ đầy đủ hơn về phạm vi; sai số chọn mẫu, sai số thống kê được hạn chế.
Mặc dù, hàng năm Tổng cục Thống kê đã thực hiện khá nhiều cuộc điều tra mẫu nhưng hầu như chưa tính toán và công bố các sai số trong điều tra thống kê (bao gồm sai số chọn mẫu, sai số điều tra, sai số suy rộng mẫu) để đánh giá mức độ chênh lệch giữa số liệu thu thập được so với số liệu kỳ vọng. Bên cạnh đó, tổng điều tra được thực hiện với phạm vi điều tra rộng, đối tượng điều tra toàn bộ, xử lý một khối lượng thông tin lớn, cần nhiều thời gian và công sức. Do đó, kết quả chính thức của tổng điều tra thường được công bố sau khoảng hơn một năm tính từ khi tiến hành thu thập thông tin.
(2) Đối với nguồn thông tin từ hồ sơ hành chính
Thông tin từ hồ sơ hành chính thường được tổng hợp và công bố chậm hơn so với yêu cầu. Luật Thống kê quy định các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động phải nộp báo cáo tài chính cho cơ quan thống kê. Trên thực tế việc nộp báo cáo tài chính còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Một số doanh nghiệp/công ty lớn chưa nghiêm túc chấp hành; biểu báo cáo không đầy đủ, thông tin trong báo cáo thống kê không thống nhất với thông tin trong báo cáo cơ quan thuế hoặc kiểm toán.
Báo cáo của các bộ, sở, ngành cung cấp cho cơ quan thống kê thường không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đảm bảo chi tiết theo yêu cầu. Hạn chế của báo cáo bộ, sở, ngành do các nguyên nhân chính sau: (1) Hệ thống ghi chép, thống kê Bộ, ngành chưa tương thích với hạch toán tài khoản quốc gia. Hệ thống ghi chép của các bộ, sở, ngành chủ yếu đáp ứng nhu cầu thông tin nội bộ. Nhiều bộ, sở ngành chưa có bộ phận thống kê độc lập; bộ phận thống kê chuyên trách phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể chuyên tâm thực hiện công tác thống kê. Hầu hết thông tin từ các bộ, ngành chưa đủ chi tiết để đáp ứng được yêu cầu của cơ quan thống kê. Cụ thể, mục lục ngân sách mới không đáp ứng được yêu cầu phân tổ, phân ngành của thống kê; báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách chính thức năm không kịp thời vì chỉ được phê duyệt sau gần một năm rưỡi so với năm báo cáo; hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng chưa phân tách được tín dụng cho sản xuất và tín dụng cho tiêu dùng, nhiều chỉ tiêu tiền tệ, khoản chi của ngân hàng quá tổng hợp, không thể tách chi tiết theo yêu cầu tính toán phí dịch vụ trung gian tài chính (FISIM) v.v… (2) Thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thống kê và các bộ, sở, ngành. Đã nhiều năm, báo cáo của các bộ, sở, ngành được cơ quan thống kê thu thập chủ yếu dựa trên mối quan hệ cá nhân nên thông tin không thường xuyên, không chính thức, thiếu kịp thời và chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu của cơ quan thống kê. Các bộ, sở, ngành chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin nên vẫn né tránh hợp tác với cơ quan thống kê. Những năm gần đây, Tổng cục Thống kê đã chủ động đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin với các bộ, ngành nhưng thực tế mới chỉ được triển khai thực hiện tốt tại một số bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế,... Với nhiều bộ, ngành khác vẫn còn hạn chế trong việc thống nhất nội dung, cách thức trao đổi và chia sẻ thông tin. (3) Thiếu hợp tác của một số đơn vị cung cấp thông tin. Bên cạnh sự phối hợp tích cực của hầu hết các đơn vị cung cấp thông tin quan trọng như các tập đoàn, tổng công ty lớn, vẫn còn tồn tại một số đơn vị chưa hợp tác với cơ quan thống kê; không chỉ thiếu hợp tác trong việc cung cấp số liệu thống kê mà còn bất hợp tác trong việc triển khai các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách do cơ quan thống kê chủ trì.
(3) Đối với nguồn thông tin từ chế độ báo cáo thống kê
Thông tin từ chế độ báo cáo thống kê chủ yếu dựa vào kết quả các cuộc điều tra hàng năm và báo cáo của các sở, ngành địa phương cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Chưa kiểm soát tốt bất cập về phạm vi của điều tra mẫu, xác định mã ngành kinh tế hàng năm chưa chuẩn xác, thông tin thường xuyên từ các sở, ngành chưa đầy đủ và thường chậm so với yêu cầu về thời gian.
(4) Nguồn thông tin khác
Bên cạnh các nguồn thông tin chính thức từ điều tra, hồ sơ hành chính và báo cáo thống kê, cơ quan thống kê còn chủ động khai thác thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng khác. Xem xét các nhận định, phân tích, đánh giá của các bản tin, các bài phân tích, các chuyên đề nghiên cứu để có cách tiếp cận đầy đủ, toàn diện cho quá trình biên soạn và phân tích chỉ tiêu GDP nói riêng và các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội nói chung. Do quy trình sản xuất, hình thức tổ chức quản lý và phương pháp tính của từng ngành, từng lĩnh vực không giống nhau nên yêu cầu về nội dung, mức độ chi tiết của thông tin; cách thức khai thác, thu thập tổng hợp và xử lý thông tin cũng rất khác nhau.
- Trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, thông tin chủ yếu được thu thập từ điều tra thống kê và chế độ báo cáo thống kê. Hàng năm cơ quan thống kê tiến hành 13 cuộc điều tra mẫu nhằm thu thập thông tin về kết quả sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Phương pháp luận điều tra thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện. Tuy vậy, do hạn chế về nhân lực và phương tiện trong điều tra mẫu nên chất lượng số liệu tiếp tục được xem xét, rà soát và hoàn thiện. Hàng năm, việc rà soát, cập nhật danh sách tổng diện tích đất trồng trọt phân theo một số loại cây trồng chủ yếu, theo vụ; tổng số hộ và số đầu con theo loại vật nuôi; tổng số hộ, diện tích và thể tích nuôi trồng thủy sản theo loại thủy sản do thống kê xã thực hiện. Đây là công việc quan trọng, quyết định đến quy mô kết quả điều tra. Trong khi đó, cán bộ thống kê xã hầu hết không được đào tạo về chuyên môn thống kê, phải đảm nhiệm nhiều công việc khác. Kinh phí còn rất hạn chế, không tương xứng với vai trò và khối lượng công việc. Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản được triển khai 5 năm một lần[1] cung cấp thông tin toàn diện hơn nhưng kết quả điều tra thường chậm hơn so với thời điểm báo cáo chính thức năm do lượng thông tin từ tổng điều tra lớn nên cần nhiều thời gian để làm sạch và xử lý dữ liệu.
 Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và chế độ báo cáo áp dụng cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin quan trọng để xem xét, tính toán kết quả hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thông tin từ chế độ báo cáo luôn được kiểm tra, đối chiếu với thông tin từ điều tra để bổ trợ cho nhau cả ở cấp trung ương và địa phương.
Từ năm 2010 đến năm 2016, do không có điều tra đối với hoạt động lâm nghiệp nên thiếu hụt thông tin cho công tác biên soạn và tính toán chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất của hoạt động này. Nguồn thông tin chủ yếu dựa vào báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng chưa đầy đủ về phạm vi và chưa đảm bảo tính thống nhất giữa trung ương và địa phương đối với số liệu của một số chỉ tiêu cơ bản. Từ năm 2017, Tổng cục Thống kê đã triển khai điều tra lâm nghiệp và đã thu thập được hầu hết các thông tin cơ bản của hoạt động này. Đây là nguồn thông tin quan trọng phản ánh đầy đủ về phạm vi của hoạt động lâm nghiệp để bổ sung, so sánh, đối chiếu với thông tin từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thông tin không đầy đủ của hoạt động nông nghiệp và thủy sản còn do hạn chế của điều tra mẫu, thiếu thông tin về một số dịch vụ nông nghiệp và không có thông tin hàng năm về hoạt động sản xuất trong các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bên cạnh đó, giá sản phẩm trong bảng giá sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn chế về cả số lượng, chủng loại và phẩm cấp, mới chỉ có giá cho 245 sản phẩm, ít hơn nhiều so với số lượng chủng loại nông sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú. Hiện nay chưa có chỉ số giá dịch vụ chăn nuôi và dịch vụ sau thu hoạch.
- Trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thị trường, nguồn thông tin chủ yếu từ điều tra, hồ sơ hành chính và chế độ báo cáo thống kê.
Hàng năm, Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp, điều tra xây dựng và điều tra cá thể để thu thập thông tin cho ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thị trường. Trong điều tra doanh nghiệp, về lý thuyết ngoài những doanh nghiệp điều tra toàn bộ bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước cỡ lớn và vừa; các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhỏ và siêu nhỏ (dưới 100 lao động) được lập danh sách điều tra chọn mẫu sau đó suy rộng cho tổng thể. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được tổ chức dưới dạng quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp lớn và vừa chỉ chiếm hơn 7% tổng số doanh nghiệp cả nước[2]. Tính đến 01/01/2017, tỷ lệ doanh nghiệp lớn và vừa chỉ chiếm gần 4% tổng số doanh nghiệp cả nước[3].  Do đó, điều tra doanh nghiệp hàng năm phải suy rộng từ mẫu cho tổng thể; với số lượng suy rộng khá lớn nên kết quả còn tồn tại nhiều bất cập.   
Điều tra cá thể hàng năm là điều tra chọn mẫu để suy rộng (1) Số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong năm. (2) Kết quả sản xuất kinh doanh cho toàn bộ khối cá thể theo ngành kinh tế. Số lượng mẫu điều tra được xác định dựa vào số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh của các quận, huyện và tỷ lệ xã, phường được chọn theo quy định. Số lượng mẫu được chọn điều tra kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh được phân chi tiết theo ngành kinh tế cấp 5 với tỷ lệ mẫu là 3,5% tổng số cơ sở thuộc ngành kinh tế được chọn mẫu. Như vậy, trong điều tra cá thể, để có được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng thể phải thực hiện suy rộng 2 lần.
Thông tin của các đơn vị sự nghiệp trong ngành y tế, giáo dục, chuyên môn khoa học và công nghệ, nghệ thuật vui chơi giải trí, thông tin truyền thông đang còn khoảng trống lớn. Hàng năm, các đơn vị sự nghiệp không thuộc phạm vi điều tra doanh nghiệp và điều tra cá thể. Kể từ sau cuộc điều tra các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp năm 2003, không có cuộc điều tra chuyên đề tương tự được thực hiện. Nguồn thông tin duy nhất về các đơn vị sự nghiệp từ Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Tuy nhiên, chu kỳ 5 năm 1 lần của Tổng điều tra kinh tế là khoảng thời gian khá dài để cập nhật thông tin. Hiện tại, kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp phần lớn dựa vào các hệ số từ kết quả Tổng điều tra mà không có thông tin cập nhật hàng năm.
Hồ sơ hành chính và chế độ báo cáo thống kê cũng được cơ quan thống kê khai thác để phục vụ tính toán kết quả hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt đối với các ngành kinh tế đặc thù như sản xuất, phân phối, truyền tải điện; khai thác than, dầu khí và khoáng sản; sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại; vận tải hàng không, đường thủy, đường sắt; viễn thông; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm v.v… Báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty và báo cáo của Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính… là các thông tin chính thức, tin cậy để cơ quan thống kê sử dụng trong biên soạn GDP. Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan thống kê nhưng vẫn còn một số đơn vị không chấp hành nghiêm túc, từ chối hợp tác dù cơ quan thống kê đã nhiều lần kết nối và đề xuất như Công ty cổ phần hàng không Vietjet. Ngay cả Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel (Tập đoàn Viettel) cũng chỉ mới bắt đầu cung cấp thông tin hoạt động viễn thông cho Tổng cục Thống kê từ năm 2016. Tuy vậy, số liệu của các tập đoàn, tổng công ty, các Bộ, ngành liên quan mới chỉ cung cấp trên cơ sở số liệu có sẵn, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu thông tin chi tiết của cơ quan thống kê.
- Trong các ngành dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước, thông tin chủ yếu từ báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính. Báo cáo thu, chi ngân sách hàng tháng và hàng năm chỉ đáp ứng ước tính phần đóng góp của các hoạt động sử dụng ngân sách vào GDP mà chưa đảm bảo được tính kịp thời cho biên soạn số liệu GDP chính thức do báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách được phê duyệt sau hơn một năm rưỡi so với năm báo cáo. Tuy vậy, ngay cả báo cáo chính thức thu, chi ngân sách cũng chưa đáp ứng yêu cầu về phân ngành kinh tế của cơ quan thống kê.
Những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và một số lĩnh vực khác đang ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức. Không chỉ các doanh nghiệp đang tham gia sâu vào lĩnh vực này mà ngay cả các đơn vị sự nghiệp được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cũng không ngừng mở rộng, phát triển dịch vụ có thu phí ngoài ngân sách. Các khoản thu ngoài ngân sách ngày càng lớn đảm bảo cho đơn vị sự nghiệp có thể tự chủ về kinh phí, giảm các khoản chi từ ngân sách. Hiện tại, chưa có điều tra chuyên đề thu thập thông tin về phần thu, chi ngoài ngân sách của các đơn vị này.
- Số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm được khai thác từ báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước. Yêu cầu tính toán đòi hỏi số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm chi tiết theo nhóm thuế VAT, thuế sản phẩm khác (bao gồm cả VAT hàng nhập khẩu); thuế xuất, nhập khẩu và trợ cấp của cả nước và 63 tỉnh, thành phố. Số liệu thuế trong báo cáo ngân sách không chi tiết theo sắc thuế nên không đáp ứng yêu cầu của cơ quan thống kê.
- Hệ thống chỉ số giá được xây dựng trên cơ sở điều tra giá các loại hàng hóa và dịch vụ. Quyền số GO hoặc doanh thu chi tiết theo ngành kinh tế do các vụ thống kê chuyên ngành cung cấp. Hạn chế trong kết quả tính toán GO của các ngành kinh tế sẽ ảnh hưởng đến quyền số để tính chỉ số giá. Ngoài ra, việc thực hiện quyền số cố định, cập nhật 5 năm một lần như hiện nay còn bất cập do hàng năm chưa cập nhật sự thay đổi cơ cấu của các ngành kinh tế. Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản được thu thập tại 63 tỉnh, thành phố. Các chỉ số giá sản xuất khác dựa vào GO hoặc doanh thu cộng dồn của nhóm ngành tương ứng để xác định số tỉnh, thành phố được lựa chọn mẫu điều tra. Các loại chỉ số giá được tính toán đảm bảo nguyên tắc đại diện cho vùng và cả nước. Điều tra mẫu tại một thời điểm nhất định đôi khi không phản ánh được những biến động bất thường về giá ngoài khoảng thời gian tiến hành điều tra.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, chỉ tiêu GDP theo quý thường được ước tính sớm trước khi kết thúc quý nên các chỉ tiêu đầu vào cũng phải tiến hành ước tính sớm. Tương tự, chỉ tiêu GDP năm cũng thường được ước tính sớm, trước khi có báo cáo tổng hợp nhanh từ các doanh nghiệp và các bộ, ngành. Biên soạn số liệu chính thức được thực hiện sau một năm trên cơ sở kết quả điều tra mẫu và báo cáo chính thức từ các bộ, ngành. Số liệu từ các cuộc tổng điều tra thường được công bố chính thức sau một năm tiến hành điều tra, chậm gần hai năm so với năm báo cáo.

II. Phạm vi tính toán

Phạm vi tính toán chưa đầy đủ do nguồn thông tin còn hạn chế, hoạt động mới phát sinh chưa được xác định rõ và cập nhật kịp thời. Về lý thuyết, điều tra mẫu đã đảm bảo đầy đủ về phạm vi nhưng trong thực tế nhiều hoạt động chưa được thu thập, bị bỏ sót hoặc không đầy đủ thông tin. Ngoài ra, việc ước tính theo ngành kinh tế cấp 1 còn bất cập do không phản ánh được sự thay đổi về cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm dẫn đến chưa  phản ánh sát định mức kỹ thuật của ngành cấp 1. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tính toán quy mô VA của các ngành.
  1. Phạm vi tính toán của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa đầy đủ do:
- Điều tra Lâm nghiệp không được thực hiện từ năm 2011 đến 2016 vì lý do Tổng cục Thống kê không được phân công thực hiện nên không có đủ thông tin về hoạt động lâm nghiệp trong khoảng thời gian này.
- Danh mục sản phẩm chưa kịp thời cập nhật, bổ sung một số sản phẩm mới như: dịch vụ nông nghiệp; giống trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
-  Hàng năm không cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các đơn vị quân đội, công an.
- Chỉ số giá dịch vụ chăn nuôi và dịch vụ sau thu hoạch còn thiếu, chưa cập nhật giá cho những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao…đã ảnh hưởng đến quy mô GO của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khi chuyển từ giá so sánh về giá hiện hành.
(2) Phạm vi tính toán của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngoài ngân sách còn hạn chế do chưa có thông tin hàng năm của một số đơn vị như: đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; công ty cổ phần hàng không Vietjet… Hơn nữa, do thông tin của các doanh nghiệp và các đơn vị điều tra khai thác từ hồ sơ hành chính của các cơ quan (thuế, kiểm toán, chứng khoán và hải quan,…) chưa đáp ứng được tiêu chí phân loại thống kê, đặc biệt là phân loại theo ngành kinh tế.
(3) Phạm vi của các ngành dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng do thông tin trong báo cáo thu, chi ngân sách rất tổng hợp gây khó khăn trong việc tính toán theo ngành kinh tế. Bên cạnh đó, một số hoạt động có nguồn chi ngoài ngân sách hiện nay vẫn chưa có thông tin để tính toán trực tiếp. Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng bao gồm các chi phí mua vũ khí, khí tài trong các đơn vị công an và bộ đội chưa có thông tin; hoạt động của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, đoàn ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cũng chưa được tính toán v.v… đã ảnh hưởng tới tính đầy đủ về phạm vi của các ngành này.
(4) Thuế trừ trợ cấp sản phẩm được tính độc lập kể từ năm 2012 khi thực hiện tính GDP theo giá cơ bản. Trong lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia, thuế sản phẩm là “số phát sinh phải nộp trong kỳ”, bao gồm (i) Thuế VAT và thuế sản phẩm khác, (ii) Thuế xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế để đảm bảo tính khả thi, số liệu thuế trừ trợ cấp sản phẩm được khai thác từ số thu thuế trừ trợ cấp sản phẩm trong báo cáo thu, chi ngân sách nhà nước.
(5) Hệ thống chỉ số giá chưa đầy đủ và chi tiết theo các ngành kinh tế. Trước năm 2012, hệ thống chỉ số giá được tính toán và công bố gồm 6 loại: chỉ số giá tiêu dùng; chỉ số giá sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; chỉ số giá sản xuất các sản phẩm công nghiệp; chỉ số giá cước vận tải kho bãi; chỉ số giá xuất nhập khẩu hàng hóa; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất. Chỉ số giá tiêu dùng được công bố hàng tháng cho cả nước và 63 tỉnh, thành phố; các chỉ số giá sản xuất (sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; dịch vụ; cước vận tải kho bãi; nguyên, nhiên vật liệu đầu vào) và chỉ số giá xuất nhập khẩu hàng hóa được công bố hàng quý cho cả nước, 6 vùng, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (viết gọn là 8 vùng). Riêng chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất công bố hàng quý, chỉ công bố cho cả nước mà không công bố theo vùng. Sau khi tiến hành đổi năm gốc năm 2010 vào năm 2012, hệ thống chỉ số giá được hoàn thiện hơn, chi tiết theo 88 ngành kinh tế cấp 2 cho cả nước, 8 vùng. Tuy nhiên, mới có 50 ngành kinh tế được cung cấp đầy đủ chỉ số giá, hiện còn thiếu chỉ số giá của 38 ngành dịch vụ cấp 2; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất còn chưa được tính theo 8 vùng; một số ngành sản phẩm (xây dựng, kinh doanh bất động sản,…) chưa xác định được chỉ số giá. Do hệ thống chỉ số giá chưa đầy đủ nên việc tính toán quy mô VA các ngành kinh tế theo giá so sánh còn nhiều khó khăn, phải quy ước (mượn) chỉ số giá trong quá trình tính toán, do đó ảnh hưởng đến kết quả biên soạn chỉ tiêu này của các ngành trong nền kinh tế.
 
Nguồn Tổng cục Thống Kê

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây