1. Lý luận về đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nướcTổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng trong hệ thống tài khoản quốc gia. Chỉ tiêu này không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng như: cơ cấu kinh tế, năng suất lao động xã hội, tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công của Chính phủ và các chỉ tiêu có liên quan khác. Biên soạn GDP là một trong những kỹ thuật chuyên sâu của nghiệp vụ thống kê tài khoản quốc gia. Theo yêu cầu sử dụng thông tin, số liệu GDP gồm số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức. Số liệu GDP ước tính và sơ bộ nhằm đáp ứng kịp thời công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thường được xem xét dưới hình thức biểu hiện của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số liệu GDP chính thức mô tả toàn bộ bức tranh của nền kinh tế cả về quy mô và tốc độ, là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội trung và dài hạn của quốc gia.Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP, có nhiều vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Lý thuyết tài khoản quốc gia của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc[1] đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức theo quý và năm. Ba vòng điều chỉnh sẽ được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. - Vòng 1. Đánh giá lại số liệu quý: Xử lý những thay đổi về số liệu ước tính, số sơ bộ khi có đầy đủ thông tin hơn của kỳ báo cáo. - Vòng 2. Đánh giá lại số liệu hàng năm: Xử lý những chênh lệch giữa số liệu quý và số liệu năm đối với số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức. - Vòng 3. Đánh giá lại số liệu định kỳ: Xử lý các vấn đề lớn, không thể tiến hành thường xuyên như cập nhật nguồn thông tin, bổ sung phạm vi từ các cuộc tổng điều tra; thay đổi năm gốc; thay đổi khung lý thuyết; thay đổi các bảng phân ngành v.v… Vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại ngắn hạn và được hầu hết các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn thường được triển khai theo các giai đoạn nhất định phụ thuộc vào kết quả tổng điều tra, nhu cầu cập nhật phương pháp luận mới, nhu cầu cập nhật gốc so sánh cũng như các bảng phân loại theo khuyến nghị của quốc tế. Thông thường, thông tin từ các cuộc tổng điều tra sẽ được dùng làm căn cứ để đánh giá lại số liệu do tính toàn diện và bao trùm của thông tin. Những quốc gia có trình độ thống kê cao đã thực hiện tốt việc đánh giá lại ngắn hạn, cập nhật, đánh giá lại thường xuyên theo số liệu tổng điều tra và điều tra toàn bộ nên ít phải thực hiện đánh giá lại vòng 3 trừ khi cập nhật phương pháp luận mới. Những quốc gia còn có bất cập về phạm vi, nguồn thông tin nhưng không có khả năng xử lý thường xuyên cần phải tiến hành đánh giá lại vòng 3 để nâng cao chất lượng số liệu, đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” và tính so sánh theo dãy năm và so sánh quốc tế. Như vậy, theo lý luận của hệ thống tài khoản quốc gia, chỉ tiêu GDP cần được tiến hành rà soát, đánh giá lại thường xuyên hàng quý, hàng năm và đánh giá định kỳ theo giai đoạn. 2. Kinh nghiệm quốc tế về đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nướcTrên cơ sở lý luận của hệ thống tài khoản quốc gia, thực trạng tình hình kinh tế-xã hội và tổ chức quản lý, các quốc gia vận dụng linh hoạt trong việc thực hiện đánh giá lại số liệu GDP. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại GDP thường xuyên và định kỳ. Mức độ và chu kỳ đánh giá lại phụ thuộc vào biến động về nguồn thông tin, phạm vi và mục đích đánh giá lại. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Inđônêxia, Zambia, v.v… đã tiến hành điều chỉnh và công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.Cuối tháng 7 năm 2013, Mỹ công bố kết quả tính toán GDP theo cách tiếp cận mới trên cơ sở cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008). Theo đó, quy mô GDP của Mỹ năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Đây là kết quả của sự thay đổi phạm vi tính GDP nhằm phù hợp với quan điểm hiện đại về tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong đó có sự thay đổi về cách xử lý tài sản sở hữu trí tuệ. Hoạt động nghiên cứu và phát triển được nhìn nhận là một ngành kinh tế độc lập và tính vào tích lũy tài sản cố định thay vì được coi là sản phẩm phụ và tính vào chi phí đầu vào của quá trình sản xuất như trước đây. Theo lý thuyết tài khoản quốc gia, đánh giá lại này thuộc vòng 3. Tương tự Mỹ, năm 2012 Canada[2] cũng tiến hành công bố kết quả đánh giá lại dãy số GDP từ năm 2007-2011 sau khi thực hiện cập nhật khung lý thuyết SNA 2008; cập nhật nguồn thông tin hiện có và bổ sung thông tin mới phát sinh; cập nhật các bảng phân loại mới v.v… Kết quả sau khi đánh giá lại, quy mô GDP giá hiện hành năm 2011 của Canada tăng thêm 2,4%[3] (tương đương tăng 36,4 tỷ USD). Trung Quốc đã ba lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP dựa vào thông tin từ các cuộc Tổng điều tra năm 2004, 2008 và 2013. Kết quả sau khi đánh giá lại năm 2013 cho thấy quy mô GDP giá hiện hành năm 2013[4]của Trung Quốc được bổ sung thêm khoảng 305 tỷ USD, tương đương tăng 3,4%; cơ cấu ngành dịch vụ điều chỉnh tăng từ 46,1% lên 46,9%; cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng điều chỉnh giảm từ 43,9% xuống 43,7%. Năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đánh giá lại quy mô GDP trên cơ sở thay đổi cách hạch toán hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), bổ sung dịch vụ nhà tự có tự ở theo khuyến nghị của SNA 2008. Kết quả điều chỉnh này đã bổ sung thêm 141 tỷ USD (khoảng 1,3%) vào mức gần 11 nghìn tỷ USD quy mô GDP năm 2015 của Trung Quốc. Sự thay đổi trong cách hạch toán mới đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới linh hoạt hơn trong việc thực hiện các chương trình cải cách kinh tế trong tương lai và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2017, Trung Quốc tiến hành cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ tư; trong đó thực hiện điều chỉnh cách tính dân số, lao động và tiếp tục cập nhật những thay đổi theo SNA 2008 về xử lý tài sản sở hữu trí tuệ, quyền chọn cổ phiếu của người lao động, các chứng khoán phái sinh… Theo đó, quy mô GDP và các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan của Trung Quốc sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh. Zambia tiến hành chuyển đổi năm gốc từ năm 1994 sang năm gốc 2010 từ năm 2011-2014. Cùng với chuyển đổi năm gốc, việc cập nhật SNA 2008 và bổ sung quy mô do một số hoạt động trước đây bị bỏ sót cũng được tiến hành. Kết quả đánh giá lại số liệu GDP của Zambia được công bố vào tháng 3 năm 2014 cao hơn 25% so với GDP công bố trước đây[5]. Tương tự Zambia, Inđônêxia cũng tiến hành chuyển đổi năm gốc từ năm 2000 sang năm 2010 và cập nhật SNA 2008 kể từ năm 2014. Cùng với chuyển đổi năm gốc so sánh và cập nhật SNA 2008, Inđônêxia cũng triển khai chuyển đổi phân ngành kinh tế từ KLUI 1990 theo ISIC Rev.2 sang KBLI 2009 theo ISIC Rev.4 và nâng cấp mô hình biên soạn GDP từ dựa vào bảng cân đối liên ngành (IOT) sang lấy bảng nguồn và sử dụng (SUT) làm trung tâm để biên soạn GDP và lập IOT. Kết quả đánh giá lại GDP của Inđônêxia được công bố vào tháng 3 năm 2015, GDP theo giá hiện hành tăng thêm 6,45%; nợ nước ngoài/GDP giảm từ 34,7% xuống còn 33,2%; thâm hụt ngân sách giảm từ 2,3% xuống còn 2,2%; thuế/GDP giảm từ 11,4% xuống còn 10,8%. Kết quả này sẽ tiếp tục được cập nhật trên cơ sở số liệu Tổng điều tra Nông nghiệp năm 2013 và Tổng điều tra kinh tế năm 2016. Một số quốc gia khác cũng tiến hành cập nhật SNA 2008 theo khuyến nghị cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Theo đó, quy mô GDP giá hiện hành của các nước này cũng thay đổi đáng kể: Ghana tăng 60%, Nigeria tăng 59,5%, Maldive tăng 37%, Kenya tăng 25%, Malaysia tăng 3,2% v.v... Nga và các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng quy mô GDP do bổ sung kết quả tính toán một số hoạt động kinh tế ngầm vào GDP. Mỗi quốc gia có quy định cụ thể về nội hàm, phạm vi của các hoạt động kinh tế ngầm. Hà Lan chấp nhận hoạt động mại dâm và buôn bán ma túy trong khi các nước khác cấm những hoạt động này; Italia thừa nhận hoạt động của thị trường chợ đen từ năm 1987 và năm 2014 bắt đầu tính thêm hoạt động mại dâm và buôn bán ma túy. Bulgari tính toán cả hoạt động mại dâm và buôn lậu; Đức và Pháp tính toán hoạt động mại dâm và buôn bán ma túy… Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng khoảng 24,3%; Đức tăng khoảng 3%; Italia tăng khoảng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia đánh giá lại tăng 28,4%. Nguồn Tổng Cục Thống Kê
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn