Cục Thống kê tỉnh Thái Bìnhhttps://thongkethaibinh.gov.vn/uploads/logo_1-copy1.png
Chủ nhật - 08/12/2019 21:38
Xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương có khoảng 8km bờ bãi ở phía tả ngạn sông Hồng Hà 2, là vùng đất giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt tạo ra nguồn nước lợ. Nơi đây được xem là môi trường lý tưởng để loài cáy sinh sống và phát triển. Với hơn 100ha vùng bãi, trong đó có trên 60ha có thể khai thác cáy, cá; tận dụng được thuận lợi này, người dân đã khai thác và chế biến con cáy thành mắm và tạo ra được vị mắm cáy đặc trưng thơm ngon của vùng đất nơi đây.
Cáy có hình dạng khá giống con cua, có kích thước nhỏ hơn và có màu đỏ. Con vật này thường sống chủ yếu ở những vùng ven sông với thức ăn là những sinh vật phù du. Mùa cáy sinh trưởng và phát triển nhiều nhất ở Thái Bình là từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Lúc này khi nhiệt độ càng tăng thì chúng càng bò lên khỏi hàng càng nhiều. Để bắt được những con cáy, có thể dùng các cách như: Câu cáy bằng những chiếc cần câu dài chừng 1-2m, hoặc là dùng lờ đơm cáy, những chiếc lờ đan bằng tre, cho mồi vào trong và đặt dưới bãi ven sông hay cạnh bờ ruộng
Khác với những con cáy sống trong môi trường nước ngọt, cáy Hồng Tiến được bắt tại những vùng nước cửa sông đổ ra biển nên có độ đạm cao vị mùi vị rất đặc trưng. Có 2 loại mắm cáy đó là mắm đặc và mắm trong. Và 2 loại mắm này sẽ có cách làm khác nhau. Với loại mắm đặc khi giã nhuyễn mắm cùng muối. Sau đó dùng vải thô lọc lấy phần nước, cho vào chai lọ để phơi nắng phơi sương. Và chỉ 1 tháng là đã có thể dùng được. Còn đối với loại mắm đặc thì cáy được ướp với muối trong các chum sành. Phơi nắng phơi sương hỗn hợp trong vòng 8 tháng. Khi những chum lọ này ngấu thì chắt lấy phần nước cho vào bên trong chai lọ. Lại tiếp tục đợi đến khi váng muối trắng nổi lên, vớt bỏ phần muối này rồi mới sử dụng được
Chính vì mắm cáy Hồng Tiến huyện Kiến Xương ngày càng nổi tiếng và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng do chưa có tem, nhãn hiệu nên nhiều sản phẩm đã mượn danh và gây ảnh hưởng đến sản phẩm của địa phương. Vì vậy vào năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Mắm cáy Hồng Tiến” cho sản phẩm mắm cáy của xã Hồng Tiến huyện Kiến Xương. Đề tài do UBND huyện Kiến Xương chủ trì thực hiện nhằm giúp mắm cáy Hồng Tiến có một sản phẩm riêng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất và tiêu dùng./. Chi cục Thống kê huyện Kiến Xương