Thái Bình là vùng đất ven biển, được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Thái Bình cũng từng là tỉnh mà mỗi lũy tre làng, ruộng lúa đều in dấu ấn về sự cống hiến sức người sức của nhiều nhất cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Thái Bình nổi tiếng được mọi người biết đến không chỉ là "quê hương 5 tấn", mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng kháng chiến nổi tiếng...
Địa hình tỉnh Thái Bình khá bằng phẳng với độ dốc thấp hơn 1%; độ cao phổ biến từ 1–2 m trên mực nước biển, thấp dần từ bắc xuống đông nam. Thái Bình có bờ biển dài 52 km.
Tỉnh Thái Bình có bốn con sông chảy qua: phía bắc và đông bắc có
sông Hóa dài 35 km, phía bắc và tây bắc có
sông Luộc (phân lưu của sông Hồng) dài 53 km, phía tây và nam là đoạn hạ lưu của
sông Hồng dài 67 km, sông Trà Lý (phân lưu cấp 1 của sông Hồng) chảy qua giữa tỉnh từ tây sang đông dài 65 km. Các sông này tạo ra 4 cửa sông lớn: Diêm Điền (Thái Bình), Ba Lạt, Trà Lý, Lân. Do đặc điểm sát biển nên chúng đều chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, mùa hè mức nước dâng nhanh với lưu lượng lớn và hàm lượng phù sa cao, mùa đông lưu lượng giảm nhiều và lượng phù sa không đáng kể khiến nước mặn ảnh hưởng sâu vào đất liền từ 15–20 km.
Thái Bình nằm trong vùng khí hậu
cận nhiệt đới ẩm: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 9; mùa đông khô lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau; tháng 10 và tháng 4 là mùa thu và mùa xuân tuy không rõ rệt như các nước nằm phía trên
vành đai nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình: 23,5 °C. Số giờ nắng trong năm: 1.600-1.800 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình: 85-90%
Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng
cận nhiệt đới ẩm, nên hàng năm đón nhận một lượng mưa lớn (1.700-2.200mm), lại là vùng bị chia cắt bởi các con sông lớn, đó là các chỉ lưu của sông Hồng, trước khi chạy ra biển. Mặt khác, do quá trình sản xuất nông nghiệp, trải qua nhiều thế hệ,người ta đã tạo ra hệ thống sông ngòi dày đặc. Tổng chiều dài các con sông, ngòi của Thái Bình lên tới 8492 km, mật độ bình quân từ 5–6 km/km². Hướng dòng chảy của các con sông đa số theo hướng tây bắc xuống đông nam. Phía bắc, đông bắc tỉnh Thái Bình còn chịu ảnh hưởng của
sông Thái Bình.
Quá trình hình thành các con sông lớn nhỏ của Thái Bình là sự kết hợp giữa sự phát triển tự nhiên và nhu cầu hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Các con sông tự nhiên được hình thành do quá trình vận động của các dòng chảy, bắt đầu từ thượng nguồn, về phía hạ lưu hướng dòng chảy luôn thay đổi do sông uốn khúc nhiều. Sông Hồng trước đây thường hay thay đổi dòng chảy. Từ khi hình thành hệ thống đê điều, dòng chảy của sông Hồng ổn định gần như diện mạo hôm nay. Hệ thống sông trong đê là kết quả quá trình chinh phục của con người, nhằm hạn chế tác hại của thiên tai, tận dụng các điều kiện tự nhiên để tưới tiêu trong nông nghiệp. Trải qua nhiều thập niên, người nông dân Thái Bình liên tục cải tạo, khơi sâu, nắn dòng các con sông nội đồng với mục đích tưới tiêu thuận lợi và một phần phục vu vận tải đường thủy.
Năm 2019, Tỉnh Thái Bình có rất nhiều công trình trọng điểm được triển khai: Bênh viện 1000 giường của tập đoàn FLC (TP Thái Bình), Tuyến Đường bộ ven biển (Thái Thụy- Tiền Hải), Khu công nghiệp nông nghiệp Trường Hải (Quỳnh Phụ)…; đồng thời các công trình trọng điểm Nhiệt điện 2 tại Thái Thụy, nhà máy sản xuất Amon Nitrat tiếp tục được thi công, Cầu La Tiến, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh qua Thái Bình…
Tiếp tục thực hiện việc Thành lập Khu Kinh tế Biển tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy rộng 30.580 Ha (gồm 30 xã ở 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải); Trong đó, phần diện tích đất tự nhiên theo ranh giới các xã là 21.583 ha, còn lại là phần diện tích ngập nước ven bờ khoảng 9.000 ha.
Là một tỉnh điểm về nông thôn mới, Thái Bình đến nay đã có 263/263 đạt chuẩn nông thôn mới; về cơ bản Thái Bình là một tỉnh Nông thôn mới đạt chuẩn quốc gia.
Đến nay, các xã đã hoàn thành được 17,1 km kênh cấp 1 loại 3, 10km đường giao thông trục xã, 3,25km đường trục thôn, 26,4km đường trục chính giao thông nội đồng, 5,7km đường nhánh cấp 1 trục thôn; xây dựng và tu sửa 42 phòng học, 6 phòng chức năng, 2 nhà hiệu bộ của các trường mầm non, 24 phòng học trường tiểu học, 26 phòng học trường THCS; xây mới và sửa chữa 5 nhà văn hóa xã, 16 nhà văn hóa thôn, 7 sân thể thao thôn, 9 sân thể thao xã và một số công trình phụ trợ đi kèm; hoàn thiện 3 khu xử lý rác thải, 2 nghĩa trang và đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Đối với việc xây dựng NTM cấp huyện, về cơ bản các huyện đã đầu tư khá đồng bộ các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và dân sinh; hầu hết các tuyến đường xã, thôn, xóm đã cơ bản gọn gàng, ngăn nắp... 4 huyện là Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải và Kiến Xương trên đều dự kiến phấn đấu hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận trong quý III năm 2019. Còn 2 huyện chưa hoàn thành các tiêu chí huyện NTM gồm huyện Đông Hưng mới đạt 6/9 tiêu chí và huyện Vũ Thư mới đạt 5/9 tiêu chí.
Dự kiến giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá thực tế năm 2019 tỉnh Thái Bình đạt 35.265 tỷ đồng; trong đó công trình nhà ở 16.832 tỷ đồng chiếm 47,7% giá trị sản xuất ngành xây dựng, công trình kỹ thuật dân dụng đạt 12.738 tỷ đồng chiếm 36,1%, công trình nhà không để ở và hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 5.694 tỷ đồng chiếm 16,1%. Thành phố Thái Bình giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá thực tế ước đạt 7.438 tỷ đồng, chiếm 23,05% tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng toàn tỉnh; huyện Quỳnh Phụ ước đạt 3.140 tỷ đồng, chiếm 9,7%; huyện Hưng Hà ước đạt 3.522 tỷ đồng, chiếm 10,09%; huyện Đông Hưng ước đạt 3.818 tỷ đồng, chiếm 10,83%; huyện Thái thụy ước đạt gần 8.916 tỷ đồng, chiếm 27,63%; huyện Tiền Hải ước đạt 2.759 tỷ đồng, chiếm 8,6%, huyện Kiến Xương ước đạt 2.859 tỷ đồng, chiếm 8,86%; huyện Vũ Thư ước đạt 2.812 tỷ đồng, chiếm 8,71% .
Phòng Thống kê Công nghiệp