Báo cáo kêt quả Điều tra Doanh nghiệp năm 2018 tỉnh Thái Bình

Thứ ba - 11/09/2018 22:22
Báo cáo kêt quả Điều tra Doanh nghiệp năm 2018 tỉnh Thái Bình
Thực hiện quyết định số 1251/QĐ-TCTK ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc điều tra doanh nghiệp năm 2018. Cục Thống kê Thái  Bình tiến hành điều tra toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đến 31/12/2018 Thái Bình có 4.359 doanh nghiệp đang hoạt động bao gồm cả Hợp tác xã, thu hút gần 185 nghìn lao động, chiếm 16,7% tổng số lao động trên phạm vi toàn tỉnh, tạo ra doanh thu hơn 107 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 6,8 nghìn tỷ. Sản xuất trên 400 ngành sản phẩm, trong đó sản phẩm chủ yếu bia 67 triệu lít, khí 63 triệu mét khối, sứ vệ sinh 2 triệu sản phẩm, 700 nghìn tấn thép, gần 2 nghìn tỷ sản phẩm dệt may...Đặc biệt năm 2017, đã có sản phẩm điện sản xuất gần 2 tỷ kwh điện.
Sau 5 tháng triển khai thực hiện điều tra, Cục Thống kê Thái Bình thông báo cáo kết quả điều tra hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong năm 2017 như sau:
I- SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP, LAO ĐỘNG:
      1.Số lượng doanh nghiệp:
     Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 4.359 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với năm 2016. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành thương nghiệp là nhiều nhất 1.396 doanh nghiệp, chiếm 32,02%; tiếp đến, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 1.015 doanh nghiệp, chiếm 23,3%; ngành xây dựng 601 doanh nghiệp, chiếm 13,8%; ngành nông -lâm nghiệp - thủy sản 367 doanh nghiệp, chiếm 8,4%; ngành vận tải kho bãi 307 doanh nghiệp, chiếm 7,04%; ngành lưu trú, ăn uống 88 doanh nghiệp, chiếm 2,01%. Chỉ tính riêng 6 ngành nói trên là 3.744 doanh nghiệp, chiếm 85,9%, các ngành khác chỉ có 615 doanh nghiệp, chiếm 14,1%. So với năm 2016, số doanh nghiệp ngành thương nghiệp tăng 25,4%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 26%; ngành xây dựng tăng 29,8%; ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 6,7%; ngành vận tải kho bãi tăng 14,9%. Số lượng doanh nghiệp chia theo loại hình như sau:
       - Doanh nghiệp Nhà nước 21 doanh nghiệp, giảm so với năm 2016, do trong năm có 3 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn cổ phần hóa; Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 11 doanh nghiệp, Doanh nghiệp Nhà nước địa phương 10 doanh nghiệp.
      - Doanh nghiệp ngoài Nhà nước 4.281 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong số doanh nghiệp ngoài Nhà nước là công ty TNHH tư nhân 2.867 doanh nghiệp, chiếm 67,4%; tiếp đến, công ty cổ phần tư nhân và cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% là 791 doanh nghiệp, chiếm 18,5%;  doanh nghiệp tư nhân 198 doanh nghiệp, chiếm 4,6%; hợp tác xã 425, chiếm 9,9%; So với năm 2016, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 21,8%; Trong đó, công ty cổ phần có vốn Nhà nước nhỏ hơn 50% giảm 3 doanh nghiệp do thoái vốn nhà nước, công ty cổ phần tư nhân tăng 19,3%; công ty TNHH tư nhân tăng 34%; doanh nghiệp tư nhân giảm 16,5% và hợp tác xã giảm 10,2%. Trong khu vực này, một số ngành có số lượng doanh nghiệp nhiều và vẫn có sự phát triển về số lượng so với năm 2016 là: Ngành thương nghiệp 1.392 doanh nghiệp, chiếm 32,5%, tăng 25,5%; tiếp đến là ngành xây dựng 600 doanh nghiệp, chiếm 14,01% và tăng 29,8%, ngành vận tải kho bãi 306 doanh nghiệp chiếm 7,15% và tăng 15,5%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 957 doanh nghiệp, chiếm 22,4%, tăng 27,9%; ngành nông lâm nghiệp, thủy sản 363 doanh nghiệp, tăng 6,8%; ...Bên cạnh đó cũng có những ngành có số lượng doanh nghiệp giảm là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 132 doanh nghiệp, giảm 6,4%;...
      - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến 31/12/2017 là 57 doanh nghiệp, chiếm 1,3% trong tổng số doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2016. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 53 doanh nghiệp, chiếm 92,9%;  04 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành thương mại – dịch vụ, chiếm 57,1% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Số lượng doanh nghiệp chia ra theo địa phương như sau: Thành phố Thái Bình có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất có 1.825 doanh nghiệp (chiếm 41,8%), tăng 20,7% so năm 2016; tiếp đến là huyện Thái Thuỵ 542 doanh nghiệp (chiếm 12,4 tăng 26,04%; huyện Đông Hưng 407 doanh nghiệp (chiếm 9,3%), tăng 22,9%; huyện Hưng Hà 391 doanh nghiệp (chiếm 8,9%), tăng 8,3%; huyện Tiền Hải 346 doanh nghiệp (chiếm 7,9%), tăng 13,8%; huyện Vũ Thư 298 doanh nghiệp (chiếm 6,8%), tăng 32,4%; huyện Quỳnh Phụ 285 doanh nghiệp (chiếm 6,5%), tăng 34,4%; số lượng doanh nghiệp ít nhất là huyện Kiến Xương 265 doanh nghiệp (chiếm 6,07%), tăng 21,5%;      
Năm 2017, doanh nghiệp có quy mô lao động 10 người trở xuống (Doanh nghiệp siêu nhỏ) là 2.291 doanh nghiệp, chiếm tới 55,5%; tiếp đến từ trên 10 người đến dưới 200 người đối với khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và từ trên 10 người đến 50 người đối với khu vực thương mại dịch vụ (Doanh nghiệp nhỏ) là 1.852 doanh nghiệp, chiếm 42,5%; còn lại số doanh nghiệp vừa và lớn là 216 doanh nghiệp, chiếm 4,9%. So với năm 2016 thì số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 37,3%; doanh nghiệp nhỏ tăng 4,9% và doanh nghiệp vừa và lớn tăng 28,4%. Trong đó, có tốc độ tăng nhiều nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô lao động là nhóm 5 người trở xuống, tăng 1,43 lần; tiếp đến là nhóm từ 5 đến dưới 10 người, tăng 28,9%, nhóm từ 200 đến dưới 500 người, giảm 6% so với năm 2016; nhóm 50 đến dưới 300 người và nhóm 500 đến dưới 1000 người giảm 6,7% so với năm 2016; nhóm 1001 người trở lên, tăng 2 doanh nghiệp bằng 8,3%. Năm 2017 có 4 doanh nghiệp trên 5000 lao động
             2. Lao động:
        Tại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 184.890 người, chiếm trên 16,7% trong tổng số lao động đang làm việc trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó số lao động nữ là 108.238 người, chiếm 58,5% trong tổng số lao động của doanh nghiệp. So với năm 2016 thì tổng số lao động giữ ổn định chỉ tăng nhẹ 2,1% và số lao động nữ giảm 1%. Lao động bình quân trong 1 doanh nghiệp năm 2017 trên địa bàn tỉnh là 42 người, giảm 16% so với năm 2016; Trong đó số lao động bình quân trong 1 doanh nghiệp nhà nước là 201 lao động, giảm 1%; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 32 lao động, giảm 20% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 736  lao động, tăng 2,08% so với năm 2016
      Trong tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, lao động của doanh nghiệp Nhà nước 4.220 người, chiếm 2,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 138.713 người, chiếm 75% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 41.957 người, chiếm 22,7%. So với năm 2016 số lao động của doanh nghiệp Nhà nước giảm 9,8%; do có 2 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước, số lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước giữ ổn định và số lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4.447 người tương ứng 11,8%
     Ngành sử dụng nhiều lao động nhất vẫn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng 126.512 người, chiếm 68,4%; tiếp đến là ngành xây dựng với 18.432 người, chiếm 9,96%; ngành thương nghiệp sử dụng 15.267 người, chiếm 8,3%, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 8.542 người, chiếm 4,6%; ngành vận tải, kho bãi 5.699 người, chiếm 3,1%... Trong 5 ngành nói trên thì số lao động của ngành vận tải kho bãi có tốc độ tăng cao nhất tăng 9,1%; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,2%; ngành thương nghiệp số lao động tăng 4,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2,4%; riêng ngành xây dựng giảm 6,2% so với năm 2016;
       Lao động doanh nghiệp phân theo địa bàn hành chính, chiếm nhiều nhất vẫn là thành phố Thái Bình 89.714 người, chiếm 48,5% tổng số lao động; tiếp đến là huyện Đông Hưng 19.608 người, chiếm 10,6%; huyện Quỳnh Phụ 15.556 người, chiếm 8,4%; huyện Hưng Hà 15.045 người, chiếm 8,1%; huyện Thái Thuỵ 14.222 người, chiếm 7,7%; huyện Tiền Hải 12.220 người, chiếm 6,6%; huyện Vũ Thư 10.604 người, chiếm 5,7%; và Kiến Xương chỉ có 7.921 người, chiếm 4,3%. So với năm 2016 một số địa phương có tốc độ tăng cao là: huyện Kiến Xương tăng 21,3%; huyện Thái Thuỵ tăng 10,7%; huyện Vũ Thư tăng 8,5%; huyện Đông Hưng tăng 7,6%; huyện Quỳnh Phụ tăng 7,2%; Thành phố Thái Bình tăng 6,1%; Hai huyện Hưng Hà và Tiền Hải lao động trong doanh nghiệp giảm so với năm 2016
     II- NGUỒN VỐN, TÀI SẢN VÀ VỐN ĐẦU TƯ:
     1. Nguồn vốn sản xuất kinh doanh:
        Tổng nguồn của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh tại thời điểm 31/12/2017 đạt 163.834 tỷ đồng, tăng 68% với năm 2016, do các dự án lớn đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Trong đó sử dụng vốn lớn nhất là loại hình công ty TNHH tư nhân là 73.417 tỷ đồng, chiếm 44,8% trong tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến là công ty cổ phần tư nhân 39.324 tỷ đồng, chiếm 24%; doanh nghiệp Nhà nước 31.998 tỷ đồng, chiếm 19,5%; doanh nghiệp tư nhân 936 tỷ đồng, chiếm 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9.610 tỷ đồng, chiếm 5,8%... So với năm 2016 nguồn vốn của công ty TNHH tư nhân tăng 1,7 lần công ty cổ phần tư nhân tăng 31%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,3% so năm trước; nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,6 lần do Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân giảm 19,3%. Tổng vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp là 52.875 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32,2% trong tổng nguồn vốn; trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.985 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 45.925 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,5% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4.965 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 51,6%.
       Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành tập trung nguồn vốn nhiều nhất 47.536 tỷ đồng, chiếm 29% trong tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến, doanh nghiệp ngành thương nghiệp 27.210 tỷ đồng chiếm 16,6%; ngành xây dựng 33.470 tỷ đồng, chiếm 20,4%; ngành vận tải kho bãi 9.359 tỷ đồng, chiếm 5,7%. So với năm 2016 nguồn vốn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,9%; ngành thương nghiệp tăng 13,4%; ngành xây dựng tăng 3,6 lần, do 1 số doanh nghiệp có năng lực lớn đăng ký tại Thái Bình để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện, ngành kinh doanh bất động sản tăng 1,8 lần;  ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 1,1 lần; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 28 lần và ngành vận tải kho bãi tăng 4,8 lần
       2.Tài sản cố định:
       Giá trị tài sản cố định của khu vực doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2017 là 86.592 tỷ đồng; Trong đó tài sản cố định của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 29.566 tỷ đồng, chiếm 34,1%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 52.177 tỷ đồng, chiếm 60,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.848 tỷ đồng, chiếm 5,6%. So với cùng kỳ năm trước thì tổng giá trị tài sản cố định tăng 2,2 lần; trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,86 lần; tài sản cố định của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,3 lần; tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,8 lần. Giá trị tài sản cố định bình quân 1 doanh nghiệp là 19,8 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2016; trong đó doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 12,2 tỷ đồng, tăng 1,5 lần; doanh nghiệp Nhà nước là 1.407 tỷ đồng, tăng 4,2 lần; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 85 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so năm 2016
      Trong tổng giá trị tài sản cố định của khu vực doanh nghiệp thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có giá trị tài sản cố định lớn nhất 23.007 tỷ đồng, chiếm tới 26,5%; tiếp đến, ngành xây dựng 21.160 tỷ đồng, chiếm 24,4%; ngành thương nghiệp 5.718 tỷ đồng, chiếm 6,6%; ngành vận tải kho bãi 5.715 tỷ đồng, chiếm 6,6%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 2.139 tỷ đồng, chiếm 2,5%...
        3. Vốn đầu tư phát triển:
       Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện năm 2017 của khu vực doanh nghiệp đạt trên 18.397 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản là 6.216 tỷ đồng, chiếm 33,8%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản là 10.663 tỷ đồng, chiếm 57,9%; bổ sung vốn lưu động 1.234 tỷ đồng, chiếm 6,7% ; còn lại là vốn sửa chữa lớn TSCĐ và vốn đầu tư khác 283 tỷ đồng, chiếm 1,5%. So với năm 2016 thì tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp tăng 1,05 lần; trong đó tăng nhiều nhất là vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản tăng 2,4 lần; vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng 84% và vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động giảm so năm 2016 vì năm 2017 chỉ tính phần đầu tư tăng bằng hiện vật.
      Năm 2017 khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp tục thực hiện đầu tư lớn nhất 12.819 tỷ đồng, chiếm 69,6% trong tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 3.755 tỷ đồng, chiếm 20,4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.821 tỷ đồng, chiếm 9,9% và so với năm 2016 thì vốn đầu tư tăng cao do 1 số dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước vốn đầu tư tăng 70%; khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 5,5 lần; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là có vốn đầu tư tăng 1,2 lần
      Trong tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 17.739 tỷ đồng, chiếm 97% và đầu tư ngoài tỉnh là 658 tỷ đồng, chiếm 3%.
            III- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH :
       1.Doanh thu:
       Tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt trên 107.273 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Doanh thu thuần bình quân một doanh nghiệp năm 2017 đạt 24,6 tỷ đồng, giảm so với năm 2016. Do năm 2017, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động bao gồm cả doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu. Chi tiết doanh thu như sau:
     - Doanh nghiệp Nhà nước doanh thu đạt 7.309 tỷ đồng, tăng 31,05% so với năm 2016; Trong đó doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 6.462 tỷ đồng, tăng 41,6% và doanh nghiệp Nhà nước địa phương chỉ đạt 847 tỷ đồng, giảm 12,4%. Doanh thu bình quân một doanh nghiệp Nhà nước đạt 348 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 625 tỷ đồng và doanh nghiệp Nhà nước địa phương chỉ đạt 78 tỷ đồng. So với năm 2016 doanh thu bình quân của doanh nghiệp nhà nước tăng 43,8%; doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 1,8% do Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình mới đi vào hoạt động và doanh nghiệp Nhà nước địa phương giảm do 2 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước chuyển loại hình hoạt động
     - Doanh nghiệp ngoài Nhà nước doanh thu đạt trên 88.729 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2016; Trong đó, công ty TNHH tư nhân có doanh thu đạt cao nhất 58.605 tỷ đồng, tăng 20,9%; tiếp đến là công ty cổ phần tư nhân 27.455 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh nghiệp tư nhân đạt 1.272 tỷ đồng, giảm 16,1%; doanh nghiệp tập thể doanh thu đạt 1.221 tỷ đồng và tăng 7% còn lại công ty cổ phần có vốn Nhà nước <50% doanh thu đạt 175 tỷ đồng, giảm gần 78,7% do trong năm 2017 có 3 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước.
Năm 2017 doanh thu bình quân một doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 20,7 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm 2016; Trong đó doanh thu bình quân 1 doanh nghiệp cao nhất là công ty cổ phần có vốn Nhà nước <50% đạt 61 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2016; tiếp đến là công ty cổ phần tư nhân đạt 36,9 tỷ đồng, tăng 5,7%; công ty TNHH tư nhân đạt 22,5 tỷ đồng; doanh nghiệp tư nhân đạt 6,6 tỷ đồngtương đương năm 2016;
     - Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài doanh thu đạt 11.234 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2016; doanh thu bình quân một doanh nghiệp đạt 204,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2016.
Ngành thương nghiệp tiếp tục đạt doanh thu cao nhất 51.689 tỷ đồng, chiếm 48,2%; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo 38.242 tỷ đồng, chiếm 35,6%; ngành xây dựng 6.0799 tỷ đồng, chiếm 5,7%; ngành vận tải kho bãi 3.501 tỷ, chiếm 3,3% trong tổng doanh thu. So với năm 2016 thì ngành xây dựng doanh thu tăng cao nhất là 32,3%; ngành vận tải kho bãi doanh thu tăng 22,7%; ngành thương nghiệp doanh thu tăng 15,4%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo doanh thu tăng 12,8%;
Tính theo quy mô doanh thu, năm 2017 có 778 doanh nghiệp có quy mô doanh thu nhỏ đạt dưới 100 triệu, chiếm 19,3% trong tổng số doanh nghiệp, quy mô doanh thu từ 100 triệu đến dưới 500 triệu có 354 doanh nghiệp, chiếm 8,8%; quy mô doanh thu từ 500 triệu đến dưới 2 tỷ đồng là 906 doanh nghiệp, chiếm 22,5%; quy mô doanh thu từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng là 606 doanh nghiệp, chiếm 15,0%; còn lại 1.373 doanh nghiệp (chiếm 34,2%) có quy mô doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, trong đó có 945 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng
So với năm 2016 thì số doanh nghiệp có quy mô từ 5 tỷ trở lên tăng 13,4%; quy mô doanh thu từ 50 tỷ đến dưới 100 tỷ tăng 2,7%; quy mô doanh thu từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng tăng 8,2%; quy mô doanh thu từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng tăng 13,8%; quy mô doanh thu từ 2 đến dưới 5 tỷ đồng tăng 2,2% và còn lại là doanh nghiệp là có quy mô doanh thu dưới 2 tỷ đồng thì giảm 3,7%.     
       2. Lợi nhuận:
       Năm 2017 kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang lỗ trên 1.689 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 800 tỷ đồng); Trong tổng số doanh nghiệp thì số doanh nghiệp làm ăn có lãi là 2.056 doanh nghiệp, chiếm 47,2%; số doanh nghiệp thua lỗ là 1.906 doanh nghiệp, chiếm 43,7% và còn lại là số doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn là 397doanh nghiệp, chiếm 9,1%. Cụ thể như sau:
       - Doanh nghiệp Nhà nước Trung ương lỗ 73 tỷ đồng, trong 6 ngành đang sản xuất kinh doanh của khu vực này có 3 ngành có lãi là 70,7 tỷ đồng, nhưng 3 ngành còn lại thua lỗ 936,7 tỷ đồng gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lỗ 927 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi lỗ 9,5 tỷ đồng và ngành lưu trú và ăn uống lỗ 0,2 tỷ đồng.
       - Doanh nghiệp Nhà nước địa phương chủ yếu làm ăn có lãi, tổng lãi năm 2017 là 40,2 tỷ đồng, gồm các ngành: Cung cấp nước, quản lý và sử lý rác lãi 10,6 tỷ đồng; nghệ thuật vui chơi giải trí lãi 8,5 tỷ đồng và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lãi 1,5 tỷ đồng.
       - Doanh nghiệp ngoài nhà nước làm ăn có lãi 2.789 tỷ đồng; trong đó đóng góp lớn nhất là ngành thương nghiệp lãi 385,6 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lãi 228 tỷ đồng; ngành xây dựng lãi 156,7 tỷ đồng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lãi 9,4 tỷ đồng; ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm lãi 6,8 tỷ đồng... Bên cạnh đó cũng có một số ngành thua lỗ như: Nghệ thuật vui chơi giải trí lỗ 8,5 tỷ đồng; khai khoáng lỗ 3,6 tỷ đồng...
      - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 có 36,8% doanh nghiệp thua lỗ 244,2 tỷ đồng; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lỗ 718,3 tỷ đồng và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lỗ 9,8 tỷ đồng.
      3.Thu nhập của người lao động:
       Năm 2017, tổng thu nhập của người lao động trong khu vực doanh nghiệp là 10.654 tỷ đồng; Trong đó, thu nhập của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 493 tỷ đồng, chiếm 4,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 7.618 tỷ đồng, chiếm 71,5% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.542 tỷ đồng, chiếm 23,8%. So với năm 2016 tổng thu nhập tăng 38,2%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm so cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 30,8% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2 lần so với năm 2016
       Thu nhập bình quân của 1 người lao động/tháng năm 2017 là 4.994 nghìn đồng, tăng 9,3% so với năm 2016; Trong đó, thu nhập bình quân của 1 người lao động/tháng trong doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 9.872 nghìn đồng, tăng 26,6%; doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 5.246 nghìn đồng, tăng 14,9%; hợp tác xã đạt 2.839 nghìn đồng, tăng 89%; doanh nghiệp tư nhân đạt 3.556 nghìn đồng, giảm 14,3%; công ty TNHH tư nhân đạt 4.702 nghìn đồng, giảm 1,8%; công ty cổ phần tư nhân đạt 5.123 nghìn đồng, tăng 11,2%; công ty cổ phần có vốn Nhà nước <50% đạt 5.215 nghìn đồng, tăng 37,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.431 nghìn đồng, tăng 26% so với năm 2016.
         Số doanh nghiệp có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội(BHXH) năm 2017 cho người lao động là 1.133 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 26% và số lao động được tham gia đóng BHXH là 85.635 người, đạt tỷ lệ 46,3% trong tổng số lao động của toàn khu vực doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm trước thì số doanh nghiệp đóng BHXH  và số người lao động được đóng BHXH tương đối ổn định.
        4. Sản phẩm hàng hóa dịch vụ:
         - Sản phẩm công nghiệp: Khí tự nhiên 63triệu m3, bia đóng lon 66,8 triệu lít, Thức ăn cho gia súc, gia cầm 103.463 tấn; nước khoáng 3.806 nghìn lít; quần áo may sẵn các loại 1.511.607 nghìn cái; bột nổ đẩy 95.746 tấn; gạch xây dựng tuylen 381.899 nghìn viên; sứ vệ sinh 1.979 nghìn cái,  xi măng trắng 13.643 tấn; bê tông thương phẩm 222.153 m3; thép phôi 454.418 tấn, thép cán xây dựng 186.131 tấn; loa, tai nghe điện tử 45.054 nghìn chiếc; bộ đèn chùm và đèn điện tường khác 854.361bộ, bộ đánh điện ô tô 10.890.627 cái; cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn 266.806 cái, điện sản xuất 985 triệu KW, điện thương phẩm 2.228 triệu KW, nước uống được sản xuất được 31.897 nghìn m3
        - Sản phẩm dịch vụ: Trị giá hàng xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 1.391 nghìn USD; Trị giá hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn 1.234,7 nghìn USD; Số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch đạt trên 518,2 nghìn lượt khách, trong đó có 104,3 nghìn lượt khách quốc tế; Số ngày khách đạt trên 136,3 nghìn ngày khách, doanh thu du lịch đạt trên 32 tỷ đồng; Khối lượng hành khách vận chuyển trên điạ bàn tỉnh là 17,2 triệu người và khối lượng hành khách luân chuyển là 1.908,2 triệu người.Km; Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 19,5 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển  đạt 7.599,3 triệu tấn.Km.        
      Tóm lại:  Trong năm 2017 môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, từng bước minh bạch và thuận lợi hơn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của tỉnh xếp thứ 34/63 cả nước, tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng chung; chất lượng chỉ đạo điều hành cũng đã chuyển từ nhóm Khá năm 2016 lên nhóm tốt năm 2017, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với những thuận lợi cơ bản nêu trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017, tiếp tục đạt kết quả tăng khá, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội của tỉnh Thái Bình. Kết quả được thể hiện rõ qua các chỉ tiêu sau:
       - Số lượng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm vẫn duy trì được số lượng và tiếp tục có sự phát triển, tăng 21,5% so với năm 2016; Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đạt tốc độ tăng 26%; ngành thương nghiệp tăng 25,4%, ngành xây dựng tăng 29,8%; ngành vận tải kho bãi tăng 14,9%; Một số lĩnh vực như Y tế, Giáo dục đã và đang được các doanh nghiệp ngoài Nhà nước bước đầu chú ý đầu tư, năm 2017 đã có thêm 9 doanh nghiệp đầu tư vào hai ngành này;
      - Khu vực doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, năm 2017 đã thu hút được trên 184.890 lao động, tăng 2,1% so với năm 2016; Tạo thêm việc làm mới cho 8.872 lao động; Thu nhập bình quân 1 lao động/tháng 4.994 ngàn đồng, tăng 10,6% và số lao động được tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 85.635 người, tăng 1,3% so với năm 2016;
      - Quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phát triển theo hướng tích cực, năm 2017 số doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn tử 200 tỷ đồng trở lên là 102 doanh nghiệp, tăng 36%; nguồn vốn từ 50 tỷ đến dưới 200 tỷ là 326 doanh nghiệp, tăng 30,4% so với năm 2016;
     - Khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 107 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 18,9% so với năm 2016, số lượng các doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên là 156 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với năm 2016 và là nhóm có tốc độ tăng cao nhất;
       IV- NHỮNG HẠN CHẾ VÀ TỒN TẠI:     
       Thứ nhất: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2017 khoảng trên 700 doanh nghiệp, nhưng trong số đó có 354 doanh nghiệp mới đăng ký nhưng chưa hoạt động, chưa có doanh thu, như vậy số doanh nghiệp đăng ký để hoạt động  sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 50%. Vì vậy việc quản lý danh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, năm 2017 vẫn còn doanh nghiệp không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa làm thủ tục giải thể và vẫn tồn tại trên hệ thống theo dõi của cơ quan Thuế.
       Thứ hai: Chế độ của người lao động vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người lao động được đóng bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 46,3%, trong đó chế độ đóng bảo hiểm xã hội cho bộ phận người lao động làm thuê mùa vụ cho các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chưa được theo dõi chặt chẽ. Thu nhập bình quân 1 lao động/tháng của các doanh nghiệp còn thấp
       Thứ ba: Năm 2017 trong các Khu công nghiệp đã sẩy ra tình trạng công nhân tại một số nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài nghỉ việc tập thể để yêu cầu quyền lợi về an toàn lao động, chế độ làm thêm giờ, chế độ thai sản với lao động nữ, chế độ nghỉ phép; mức hỗ trợ lao động trong môi trường độc hại, hiện tượng xả nước thải chưa xử lý ra môi trường...
       V- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP:
        Một là:  Tiếp tục thực hiện việc rà soát, rút giấy phép đối với những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhiều năm liên tục. Hàng năm có kiểm tra về việc đăng ký kinh doanh, gắn biển hiệu doanh nghiệp, thay đổi địa điểm trụ sở doanh nghiệp không báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh, thực hiện triệt để việc rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
         Hai là: Định kỳ hàng năm kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách đối với người lao động như: hợp đồng lao động; tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn và bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến ngộ độc thực phẩm, nhất là trong các Khu công nghiệp. Tổ chức gặp mặt, đối thoại với đại diện các doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp quy định.
          Ba là: Các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong kế hoạch đề ra./.
Phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây