Tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I/2022

Thứ bảy - 26/03/2022 01:28
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Quý I/2022, GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình (giá so sánh 2010) ước tính đạt 13.853 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cùng kỳ. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.023 tỷ đồng, tăng 2,37% so với cùng kỳ, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 5.683 tỷ đồng, tăng 11,01% so với cùng kỳ, đóng góp 4,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng; trong đó: ngành công nghiệp tăng 13,68 % (đóng góp 3,71  điểm phần trăm), ngành xây dựng tăng 5,25%. Khu vực dịch vụ ước đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 5,57% so với cùng kỳ, đóng góp 1,77 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 13,38%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Bình ước quý I/2022 (theo giá hiện hành) như sau: Ngành Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 21,14%; ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 41,91%; ngành Dịch vụ chiếm 31,01% ; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,94%.
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Trồng trọt
Kết quả sản xuất vụ Đông 2021-2022
Sản xuất vụ Đông năm 2021- 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân, thực hiện đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng; mở rộng quy mô trồng trọt; chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...
Kết quả gieo trồng vụ đông năm 2021-2022 đạt được 36.745 ha, tăng 39 ha so với năm trước và đạt 100,8% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch là 36.457 ha)
Vụ Đông năm 2021 - 2022, nhìn chung là một trong những vụ đông đạt được kế hoạch đề ra và cũng là một năm có sự cố gắng của toàn dân, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp các ngành.
Gieo trồng vụ Xuân 2022
Vụ Xuân 2022, đất được cày phơi ải góp phần hạn chế sự phát sinh gây hại của ốc bươu vàng, sâu bệnh hại lúa; công tác lấy nước tập trung, nguồn nước cao thuận lợi cho các địa phương chủ động tích trữ đảm bảo đủ nước phục vụ làm đất và gieo cấy lúa Xuân.
 Thời vụ gieo cấy lúa Xuân trùng với Tết Nguyên đán, cùng với ảnh hưởng của thời tiết rét đậm rét hại kéo dài (từ cuối tháng 01 đến đầu tháng 02, đặc biệt đợt rét hại, kèm theo mưa rào từ ngày 19-22/02) đã làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy và một số diện tích lúa Xuân mới gieo cấy, thời vụ gieo cấy cơ bản đáp ứng theo Đề án sản xuất vụ Xuân của tỉnh.
Theo tiến độ của Sở NN&PTNT tính đến ngày 17/3/2022, tổng diện tích lúa Xuân toàn tỉnh đã cấy 75.331 ha đạt 99,8%, thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ. Diện tích cây màu xuân đã trồng 14.913 ha, đạt 99,4% kế hoạch, cao hơn 0,2% so với cùng kỳ, diện tích cây màu xuân đã thu hoạch 2.290 ha, chiếm 15,3% diện tích cây màu xuân đã trồng, chủ yếu thu hoạch rau màu các loại. Hiện các địa phương đang tích cực chăm sóc diện tích cây màu vụ xuân đã trồng và phấn đấu hoàn thành kế hoạch diện tích gieo trồng cây màu vụ Xuân.
Chăn nuôi
Toàn huyện tập trung thực kiểm soát, quản lý tình hình dịch trên đàn gia súc, gia cầm và tổ chức thực hiện tái đàn sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch những tháng cuối năm 2021, giá cả biến động nên tại thời điểm này tình hình chăn nuôi lợn có xu hướng giảm do các hộ dân hạn chế tái đàn, số lượng duy trì chủ yếu ở các trang trại và hộ chăn nuôi tập trung.
Chăn nuôi gia súc: Tổng đàn trâu, bò tại thời điểm 01.01.2022 ước đạt 57,8 nghìn con, tăng 1,6% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 7,0 nghìn con, tăng 1,6%; đàn bò ước đạt 50,8 nghìn con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 2.587 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chăn nuôi lợn: Tình hình dịch tả lợn châu Phi trong quý I/2022 đã được khống chế; tuy nhiên, các bệnh thông thường trên đàn lợn vẫn xảy ra rải rác. Quy mô tổng đàn hồi phục chậm do ảnh hưởng nặng nề vì dịch tả lợn Châu Phi, số lượng các nông hộ nhỏ lẻ đến thời điểm này đầu tư tái đàn không nhiều do giá cả con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 01.01.2022 ước đạt 693 nghìn con, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2021 ước đạt 39,6 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (do trọng lượng xuất chuồng thời gian gần đây tăng mạnh).
Chăn nuôi gia cầm: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ trong quý I/2022 có phần chững lại, giá cả các mặt hàng thịt gia cầm giảm nên các cơ sở chăn nuôi hạn chế tăng đàn. Ước tính tổng đàn gia cầm thời điểm 01.01.2022 đạt 14 triệu con, giảm 2,9% so với cùng kỳ; trong đó, số lượng đàn gà đạt 9,9 triệu con, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2022 ước đạt 15,9 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 95,6 triệu quả, tăng 0,4% so với quý I/2021.
Lâm nghiệp
Trong tháng các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hiện có trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022 và trồng cây phân tán của UBND tỉnh Thái Bình, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục về mục đích và ý nghĩa của việc trồng cây, cũng như nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của việc trồng rừng, trồng cây đối với đời sống, toàn tỉnh đã trồng được 1.709 nghìn cây nhân dân nội đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2022 chưa có diện tích trồng rừng mới bổ sung. Sản lượng gỗ khai thác tháng 3/2022 ước đạt 110 m3­, tăng 3,8%; sản lượng củi khai thác ước đạt 513 ste, tăng 1,6%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 171 cây, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 374 m3, tăng 1,1% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 1.716 ste, giảm 0,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 569 cây, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trong quý I/2022 của tỉnh ổn định. Các ao, hồ thả cá lưu vẫn tiếp tục đánh tỉa thả bù và chăm sóc. Diện tích mặt nước cho nuôi trồng thủy sản như ao, hồ, sông tích đủ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuẩn bị xuống giống vụ nuôi trồng mới. Việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đang được phát triển theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 21,4 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản quý I/2022 ước đạt 63,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, cá đạt 25,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác đạt 37,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Khai thác
Sản lượng khai thác tháng 3/2022 ước đạt 8,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác quý I/2021 ước đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 16 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 0,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thủy sản khác đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác nội địa giảm do sản lượng thủy sản trong môi trường tự nhiên ngày càng suy giảm.
Nuôi trồng
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng quý I/2022 ước đạt 38,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 9,4 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 0,3 tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 28,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có số lượng F0 tăng khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vừa thiếu hụt lao động vừa phải tìm phương án giải quyết hàng loạt các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi chế độ cho công nhân của mình. Đồng thời một số sản phẩm cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do đơn hàng không có chỉ tiêu sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá xăng dầu tăng, lượng hàng tồn của các tháng còn nhiều, nhu cầu tiêu dùng ít, cạnh tranh cao như: ngành sản xuất đồ uống, sản xuất kim loại,… Tuy nhiên, lợi thế của ngành dệt may đã có đơn hàng đến cuối năm 2022, sửa chữa tàu thuyền thủy sản tăng mạnh so cùng kỳ…
Theo khảo sát thực tế xu hướng Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2022 so quý IV/2021: tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm tới 54,7%, tiếp đến nhu cầu thị trường trong nước thấp chiếm 53,5%, nhu cầu thị trường quốc tế thấp là 40,9%, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 chiếm tới 39,6%, thiếu nguyên nhiên vật liệu và tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là 37,1%, khó khăn về tài chính là 30,2%, không tuyển được lao động theo yêu cầu là 28,9%, thiết bị công nghệ lạc hậu là 28,3%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tháng 3/2022 tăng 7,2% so tháng 2/2022, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó so với tháng trước: ngành Khai khoáng tăng 1,2%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%, Sản xuất và phân phối điện tăng 17,6%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2022 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó Khai khoáng giảm 20%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,9%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 3,2%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2022
Ngành sản xuất đồ uống sản phẩm bia hơi ước đạt 795 nghìn lít, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2021; sản phẩm bia chai ước đạt 250 nghìn lít, đạt 17%; sản phẩm bia lon ước đạt 2.203 nghìn lít, bằng 50,6%.
Ngành dệt Sản phẩm sợi từ bông tổng hợp quý I/2022 ước đạt 18,1 nghìn tấn, tăng 32,9%. Sản phẩm khăn mặt ước đạt 11,4 nghìn tấn, tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2021.
Ngành may Sản phẩm bộ comple quần áo đồng bộ các loại quý I/2022 ước đạt 20.421 nghìn cái tăng 35,3%, sản phẩm áo sơ mi dành cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc ước đạt 10.081 nghìn cái, tăng 30,7% so cùng kỳ.
Ngành sản xuất kim loại Sản phẩm sắt thép không hợp kim dạng thỏi đạt ước đạt 50,9 nghìn tấn, bằng 41,0%; sắt thép không hợp kim dạng cán 47 nghìn tấn, đạt 88,5% so cùng kỳ.
Ngành sản xuất điện tử Sản phẩm tai nghe quý I/2022 ước đạt 8,3 triệu cái và tăng 23,0%. Sản phẩm sản phẩm đèn led sử dụng cho cây thông Noel ước đạt 772,7 nghìn bộ, tăng 10,6% so cùng kỳ.
Ngoài ra một số sản phẩm công nghiệp khác trong kỳ như: Sản phẩm khí tự nhiên dạng khí giảm 2,1%; Sản phẩm cần gạt nước dùng trong ô tô tăng 8,5%; sản phẩm túi khí an toàn tăng 51,3%; sản lượng điện sản xuất tăng 4,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2022 tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2021; Chỉ số tồn kho tính đến tháng 3/2022, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tăng 5,3% so tháng 2/2022, so cùng kỳ đạt 40%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 3/2022 tăng 1,9% so tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Qua khảo sát thực tế xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2022:
Xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo số doanh nghiệp so với Quý IV/2021 có tình trạng sản xuất tốt lên là 18,3%, giữ nguyên là 31,4%, khó khăn hơn là 50,3%. Xu hướng tình hình sản xuất Quý II/2022 so với Quý I/2022: tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất tốt lên chiếm 64,2%, giữ nguyên chiếm 30,2% và khó khăn hơn chiếm 5,6%.
Đầu tư – xây dựng
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 3/2022 ước đạt 369 tỷ đồng, tăng 17,5% so tháng trước và tăng 16,2% so cùng kỳ năm 2021. Vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 195 tỷ đồng, tăng 19,7 % so với cùng kỳ; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 118 tỷ đồng, tăng 4,4 so cùng kỳ; vốn ngân sách huyện ước đạt 118 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp xã ước đạt 57 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước quý I/2022 ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 16,8% so cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 530 tỷ đồng, tăng 23,3%; trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh ước đạt 330 tỷ đồng, tăng 6,6%; vốn ngân sách Nhà nước huyện ước đạt 315 tỷ đồng, tăng 11,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 167 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước quý I/2022 đạt 10.371 tỷ đồng, tăng 6,6% so cùng kỳ. Trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 16,8%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 6.904 tỷ đồng, tăng 25,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 954 tỷ đồng, tăng 21,2%; các nguồn vốn còn lại chỉ bằng 58% so cùng kỳ.
Một số dự án trọng điểm đang thực hiện triển khai trong quý I/2022
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thaco - Thái Bình, với tổng vốn đầu tư gần 2.133 tỷ đồng, dự kiến quý I thực hiện 78 tỷ đồng;
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Liên Hà Thái, tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng; dự kiến quý I đạt 450 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái, tổng vốn đầu tư 2.760 tỷ đồng, dự kiến quý I đạt 300 tỷ đồng;
Dự án nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam tại KCN Phúc Khánh, vốn đầu tư 398 tỷ đồng, dự kiến quý 1 đạt 45 tỷ đồng;
Dự án sản xuất tấm Modun pin năng lượng mặt trời của Công ty China New Energy Industry Group Limíted tại KCN Gia Lễ, vốn đầu tư 180 tỷ đồng, dự kiến quý 1 đạt 43 tỷ đồng;
Dự án nâng cấp, cải tạo đường 217 (ĐT.396B) từ cầu Hiệp đến Quốc lộ 39, giai đoạn 2 (Từ cầu Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 39) dự kiến quý I đạt 15 tỷ đồng;
Dự án ĐTXD tuyến đường ĐT.455 (đường 216 cũ) đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đến đường vào UBND xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, vốn đầu tư hơn 85 tỷ, dự kiến quý I ước đạt 19 tỷ;
Dự án Cải tạo nâng cấp đường ĐT.452 (đường 224 cũ), giai đoạn 1 (Đoạn từ ngã tư La đến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam) vốn đầu tư 101 tỷ, dự kiến quý I ước đạt 10 tỷ;
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ĐH.91 từ xã Thái Giang đi xã Thái Dương (đấu nối với QL.39), huyện Thái Thụy - giai đoạn 2, dự kiến quý I đạt 12 tỷ đồng;
Dự án ĐTXD công trình tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, vốn đầu tư quý I ước đạt 50 tỷ đồng.
Một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Dự án tuyến đường nối từ thành phố Thái Bình đến cầu Nghìn (BOT), vốn đầu tư dự kiến quý I đạt 25 tỷ đồng;
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình dự kiến cả năm vốn đầu tư ước đạt 770 tỷ đồng (riêng địa phận tỉnh Thái Bình dự kiến quý I đạt 45 tỷ đồng).
Tình hình đăng ký kinh doanh
Tính đến đầu tháng 3/2022 đã cấp 157 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số vốn đăng ký đạt 1.951 tỷ đồng. Xác nhận Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 167 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 10 doanh nghiệp, trong đó thu hồi GCN ĐKKD do DN giải thể là 10 doanh nghiệp.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Quý I/2022 mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng với chính sách bình thường mới nên các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt nhiều nhóm ngành hàng có lợi thế tăng so với cùng kỳ năm 2021 do dịch bệnh như vận tải hành khách, ăn uống, vui chơi giải trí. Trong những tháng đầu năm giá xăng dầu, gas liên tục có sự điều chỉnh tăng cao kéo theo giá một số mặt hàng tăng theo.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 ước đạt 4.737 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 4.176 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ. Tất cả các nhóm hàng đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm ô tô con tăng 58,2%, nhóm xăng dầu các loại tăng 25,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 18,1%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,3%; nhóm phương tiện đi lại tăng 14,8%; nhóm vật phẩm, văn hóa giáo dục tăng 13,4%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 13%; nhóm hàng may mặc tăng 11,1%;… Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 11 tỷ đồng, tăng 11,3% so với tháng trước và giảm 5,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 281 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 269 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.301 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 12.616 tỷ đồng, chiếm 88,2% tổng mức và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ tăng do lợi thế quý I/2021 dịch diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, quý I năm nay tổng mức bán lẻ chi phối nhiều bởi yếu tố giá, tại thời điểm tháng 01/2022 do ảnh hưởng của thời tiết nên giá rau màu tăng đột biến, giá xăng dầu, gas liên tục tăng cao, giá sắt thép vật liệu xây dựng tăng trên 14% so với cùng kỳ. Trong quý chỉ có nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy giảm 2,1%; các nhóm hàng còn lại đều tăng so với cùng kỳ như: Nhóm xăng dầu các loại ước đạt 2.188 tỷ đồng, tăng 24%; nhóm ô tô con ước đạt 135 tỷ đồng, tăng 20,7%; nhóm phương tiện đi lại ước đạt ước đạt 695 tỷ đồng, tăng 13,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 1.545 tỷ đồng, tăng 10,7%; nhóm  gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.845 tỷ đồng, tăng 10,4%; nhóm lương thưc, thực phẩm ước đạt 4.256 tỷ đồng, tăng 9,8%; nhóm nhiên liệu khác ước đạt 138 tỷ đồng, tăng 9,6%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành quý I/2022 ước đạt 868 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng mức và tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 30 tỷ đồng, giảm 10%; dịch vụ ăn uống ước đạt 837 tỷ đồng, tăng 19,4%; dịch vụ lữ hành ước đạt 0,7 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác quý I/2022 ước đạt 817 tỷ đồng, chiếm 5,7% tổng mức và tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó: dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 38,3% chủ yếu do doanh thu cho thuê phông bạt và đồ dùng gia đình tăng cao; dịch vụ y tế tăng 18,6%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,5%; dịch vụ sửa chữa tăng 7%; hoạt động phục vụ cá nhân và gia đình tăng 4,1%.
Giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 tăng 1,06% so với tháng trước; tăng 1,15% so với cùng tháng năm trước; tăng 2,41% so với tháng 12 năm trước. Một số nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng 3: nhóm giao thông tăng 5,86%, do tác động của giá xăng dầu tăng ngày 02 và 12/3 (xăng A95 tăng 3.760 đồng/lít; xăng E5 tăng 3.730 đồng/lít; dầu diezen tăng 4.840 đồng/ lít; dầu hỏa tăng 4.410 đồng/lít). Ngày 22/3 giá xăng dầu giảm (xăng A95 giảm 670 đồng/lít; xăng E5 giảm 680 đồng/lít; dầu diezen giảm 1.820 đồng/ lít; dầu hỏa giảm 1.670 đồng/lít). Do giá xăng dầu tăng nên đầy giá cước vận chuyển tăng và nhiều mặt hàng trong tháng tăng. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44% ; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,92% …
CPI bình quân quý I/2022 tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm hàng giảm giá: chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 5,16%; chỉ số giá nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,69%. Còn lại 8 nhóm có chỉ số tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 18,67% do giá xăng dầu tăng; như vậy, quý I/2022 giá xăng A95, xăng E5, dầu hỏa, dầu diezen có 6 lần tăng và 01 lần điều chỉnh giảm (quý I/2021 giá xăng A95, xăng E5, dầu hỏa, dầu diezen 0,05 có 4 lần tăng và không điều chỉnh giảm); chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,83%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,88%; chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,24%; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,23%; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%; chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Chỉ số già vàng bình quân quý I/2022 giảm 1,23% so cùng kỳ.
Chỉ số giá đồng Đô la Mỹ bình quân quý I/2022 tăng 1,45% so cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 263 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 931 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 27,1%; nhập khẩu tăng 27,5%.
Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2022 ước đạt 134 triệu USD, giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 giảm so với tháng trước do sản phẩm sắt thép, phôi thép không xuất khẩu, bên cạnh đó giá xăng dầu tăng dẫn đến giá cước vận tải viễn dương tăng cao, một số doanh nghiệp phải tạm ngưng xuất đơn hàng chờ thỏa thuận về đơn giá. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 77 triệu USD, giảm 4,6% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 57 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có trị giá xuất khẩu giảm so với tháng trước như: sản phẩm từ sắt thép giảm 28,9%; xơ, sợi dệt các loại giảm 12,2%; hàng hóa khác giảm 6%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 4,4%; hàng dệt may giảm 3%;...
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2022 ước đạt 474 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh tế tư nhân đạt 278 triệu USD, tăng 38,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196 triệu USD, tăng 13,5%. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 60,4%; xơ sợi dệt các loại tăng 43,2%; hàng hóa khác tăng 43%; sản phẩm từ sắt thép tăng 42,5%; hàng dệt may tăng 33,5%,... Ở chiều ngược lại, sắt thép giảm 85,2%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 47,9%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 28,9%; hàng thủy sản giảm 20,3%; sản phẩm gỗ giảm 17,6%;...
Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2022 ước đạt 129 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 91 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 38 triệu USD, tăng 13% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng so với tháng trước như: bông các loại tăng 31,5%; xăng dầu các loại tăng 25%; máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 21,1%; hàng thủy sản tăng 13,3%. Ở chiều ngược lại, xơ, sợi dệt các loại giảm 19%; hóa chất giảm 17,7%; máy móc thiết bị phụ tùng khác giảm 11,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 8,4%; vải các loại giảm 7,6%;…
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2022 ước đạt 457 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân đạt 321 triệu USD, tăng 58,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 136 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ chủ yếu do nhập khẩu phế liệu sắt thép giảm sâu (-77,3%). Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn đều tăng cao so với cùng kỳ như: Vải các loại đạt 128 triệu USD (chiếm 28,1%), tăng 40,2%; xăng dầu các loại đạt 127 triệu USD (chiếm 27,9%), tăng 47,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 82 triệu USD (chiếm 17,9%), tăng 36,3%; hàng hóa khác đạt 44 triệu USD (chiếm 9,6%), tăng 26,8%.
Hoạt động vận tải
Tháng 3/2022 hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi, bên cạnh đó việc tăng giá cước vận tải hàng hóa do giá xăng dầu tăng cao những tháng đầu năm đã tác động tăng doanh thu ngành vận tải. Doanh thu hoạt động vận tải tháng 3/2022 ước đạt 554 tỷ đồng tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022 doanh thu hoạt động vận tải ước đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 3/2022 ước đạt 153 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 2,0 triệu người, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ; số lượt khách luân chuyển ước đạt 230 triệu người.km, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ; số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 6 triệu người, tăng 0,6%; số lượt khách luân chuyển ước đạt 676 triệu người.km, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 3/2022 ước đạt 394 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,4 triệu tấn, giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 851 triệu tấn.km, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I/2022, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.264 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 730 tỷ đồng, tăng 16,7%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 459 tỷ đồng, tăng 10,5%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 75 tỷ đồng, giảm 4,9%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 7,7 triệu tấn, tăng 11%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 2.801 triệu tấn.km, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
 Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3/2022 ước đạt 6 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022 ước đạt 17,5 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 3/2022 ước đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2022 ước đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính quý I/2022 đạt 7.998 tỷ đồng, đạt 44,4% so với dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 2.209 tỷ đồng, tăng 18,7%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 77,9%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 2.003 tỷ đồng, giảm 33,6%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước quý I/2022 ước đạt 3.757 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển kinh tế ước đạt 1.839 tỷ đồng, tăng 7,8%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 1.780 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2022, Ngân hàng Thái Bình đã triển khai đầy đủ, kip thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, của Ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng xấu từ cuộc xung đột Nga - Ukraine làm cho giá vàng bật tăng mạnh chưa từng có, tỷ giá giao dịch tăng so với cuối năm, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý ngoại hối, tỷ giá, huy động, cho vay ngoại tệ theo quy định nên nhìn chung các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Dự kiến đến 31/3/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 97.060 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 76.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,76% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thái Bình, quý I/2022 ước thu 1.084 tỷ đồng. Phát triển mới 71 đơn vị với 532 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN; quản lý 215.872 người tham gia BHXH bắt buộc (giảm 1.762 người so với năm 2021); 41.378 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 50 người so với năm 2021); 205.115 người tham gia BHTN (giảm 2.498 người so với năm 2021); có 1.623.600 người tham gia BHYT (tăng 3.990 người so với năm 2021).
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động, việc làm
Trong quý I/2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, mặc dù vậy mọi hoạt động kinh tế diễn ra bình thường. Tình hình việc làm của người lao động trong doanh nghiệp cơ bản được đảm bảo, không có nhiều lao động nghỉ việc gây thiếu hụt lao động; Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, việc làm của người lao động ở một số doanh nghiệp thiếu ổn định, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động nước ngoài; còn xảy ra ngừng việc tập thể ở một số doanh nghiệp. Công tác An toàn lao động tại các doanh nghiệp đã được chú trọng, điều kiện lao động trong doanh nghiệp từng bước được cải thiện. Cơ cấu lao động của tỉnh đang có sự chuyển dịch tích cực: Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản theo xu hướng giảm; lao động làm việc trong các ngành phi nông, lâm, thủy sản tăng lên (năm 2021 lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 28,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,9%; thương mại - dịch vụ chiếm 26,6%).
Ước trong quý I/2022, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 7.680 lao động (đạt 22,2% kế hoạch năm, bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 5.700 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 1.540 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 440 lao động. Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 892 trường hợp lao động thất nghiệp.
Dự kiến quý I/2022, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 2.080 người (đạt 5,8% so với kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó trình độ cao đẳng 100 người, trình độ trung cấp 270 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 1.710 người.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế quý I/2022 ước đạt 1.126,9 nghìn lao động, tăng 0,2% so với năm 2021, trong đó: lao động khu vực nông lâm nghiệp thủy sản ước đạt 321,4 nghìn người; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 505,7 nghìn người và khu vực dịch vụ là 299,6 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2022 ước tính 1,72%.
Trợ cấp xã hội
Theo báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hực hiện các chính sách đối với người nghèo trong quý I/2022, cấp thẻ BHYT cho 18.034 người nghèo, 23.662 người cận nghèo. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, toàn tỉnh đã tặng 62.618 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 26,6 tỷ đồng (đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhận quà Tết), tăng 3.974 suất, kinh phí 4,6 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Ngoài ra, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã trích kinh phí và huy động nguồn lực xã hội tổ chức thăm, tặng quà cho 98.134 đoàn viên, công nhân lao động, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và hộ gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 34,7 tỷ đồng.
Đã phối hợp với Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 47.686 người cao tuổi nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Chỉ đạo các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đối tượng bảo trợ xã hội ăn Tết tại trung tâm; thực hiện tốt việc quản lý đối tượng và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Công tác đối với người có công
Theo báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong quý I/2022, đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", tri ân đối với gia đình có công với cách mạng tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm, thực hiện.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đã tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và của huyện, thành phố tới người có công với cách mạng và thân nhân nhân. Kết quả, toàn tỉnh đã tặng 254.572 suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí 86,1 tỷ đồng. Trong đó quà của Chủ tịch nước tặng 79.868 suất, kinh phí 24,6 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 87.395 suất, kinh phí 43,7 tỷ đồng; quà của các huyện, thành phố tặng 87.309 suất, kinh phí 17,7 tỷ đồng. Thực hiện thăm, tặng quà cho người có công tiêu biểu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thăm và tặng quà cho các đồng chí thương, bệnh binh nặng của tỉnh đang được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại các trung tâm trong tỉnh và các trung tâm điều dưỡng thương binh của tỉnh ngoài. Công tác tặng quà cho người có công với cách mạng và thân nhân tại các địa phương được chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, trang trọng và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các mức quà tặng, đối tượng tặng quà đã được tuyên truyền, phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người có công với cách mạng và nhân dân biết, giám sát thực hiện.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch
Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/3/2022 tỉnh Thái Bình ghi nhận 138.335 ca (cộng đồng 70.876 ca, cách ly - phong tỏa 67.459 ca). Hoàn thành điều trị/cách ly 15.112, chuyển viện Trung ương 15, tử vong 64.
Đến 17h00 ngày 20/3/2022 tỉnh đã thực hiện được 3.291.934 mũi tiêm; 1.242.075 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 99,76%; 146.159 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm đủ 2 mũi (đạt tỷ lệ 97,44%); 282.221 người được tiêm mũi bổ sung và 416.700 người được tiêm mũi nhắc lại. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi (bổ sung hoặc nhắc lại) là 56,14%.
Hiện nay đã có 07 cơ sở y tế có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị sẵn sàng triển khai xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime PCR; công suất xét nghiệm có thể đạt 1.924 mẫu đơn/ngày. Trong số đó đã có 3 đơn vị được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Tổng số mẫu xét nghiệm RT-PCR từ 01/01/2022 đến nay là 10.196.
Tình hình HIV/AIDS
Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng bệnh nhân điều trị methadone toàn tỉnh là 1.419 người; Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) là 2.239 người. Trong đó phụ nữ nhiễm HIV/AIDS là 754 người, Số xã/ phường phát hiện có người nhiễm HIV là 240/260, phát hiện 03 ca nhiễm HIV mới, có 01 người nhiễm HIV/AIDS tử vong.
Điều trị ARV cho 1.345 bệnh nhân, số bệnh nhân HIV đang quản lý tại 10 phòng khám là 1.345 người.
Công tác An toàn Vệ sinh thực phẩm
Tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 và các dịp Lễ hội, sự kiện diễn ra trong tỉnh. Viết, biên tập các bản tin, bài tuyên truyền bảo đảm công tác an toàn thực phẩm đăng trên Website Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình. Thực hiện xử lý vi  phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo ATTP. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động giáo dục
Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng ra tăng, đối tượng bị nhiễm Covid - 19 chủ yếu lại là học sinh ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở do chưa được tiêm phòng, ngành giáo dục đã linh hoạt kết hợp dạy học trực tuyến, trực tiếp đảm bảo cho học sinh đều được học tập liên tục. Ngành Giáo dục đã chủ động quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, và học sinh từ 12-17 tuổi. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6; đã hoàn thành Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Thái Bình lớp 1, lớp 2, lớp 6, đang biên soạn Tài liệu địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10. Phối hợp với các Nhà Xuất bản tổ chức thực nghiệm Sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Văn hoá - Thể thao
Trong quý, đã triển khai các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tổ chức hội chợ quê và phố ông Đồ tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí và tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống của quê hương tới toàn thể nhân dân; tra cứu, khảo sát, xây dựng phương án, chụp ảnh, scan, sưu tầm tư liệu, hình ảnh hiện vật, chỉnh sửa ảnh, biên tập nội dung tài liệu hình ảnh, xây dựng đề cương, ma két, triển khai thi công trưng bày nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải và trưng bày chuyên đề “Bác Hồ về thăm Thái Bình - Đảng bộ nhân dân Thái Bình làm theo lời Bác” tại Bảo tàng tỉnh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Tư (26/3/1962 - 26/3/2022).
Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tuần phim chuyên đề kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt nam, mừng Xuân Nhâm Dân và kỷ niệm ngày Điện ảnh Việt Nam; kỷ niệm 132 năm thành lập tỉnh 21/3, 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Tư (26/3/1962- 26/3/2022) được trình chiếu tại Rạp Thống Nhất và chiếu lưu động phục vụ cán bộ, nhân dân tại cơ sở trước, trong và sau Tết.
Trong quý đã tổ chức thành công giải Vô địch Cờ tướng các nhóm tuổi; tổ chức thành công giải vô địch Bóng đá Nhi đồng - Đại hội Thể dục, thể thao tỉnh Thái Bình lần thứ IX, năm 2022; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Thể thao Việt Nam 27/3.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/02/2021 đến ngày 14/03/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết và 5 người bị thương.
Tính chung từ đầu năm đến 14/3/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông làm 14 người chết và 20 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, đến ngày 15/3/2022 trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra cháy, nổ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây