Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình tháng 01 năm 2022

Thứ sáu - 21/01/2022 17:55
Bước vào năm 2022, phát huy kết quả năm trước quán triệt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kiểm soát dịch bệnh với phát triển kinh tế. Tỉnh Thái Bình chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, cam kết và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư về tỉnh, mời gọi các Tập đoàn tại Việt Nam khảo sát thực tế, nghiên cứu, tìm hiểu để sớm triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
 Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 01/2022 là tháng cận Tết nên nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, hoạt động mua sắm đón Tết tăng rõ rệt trong tháng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung thu hoạch vụ trước và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị điều kiện sản xuất cho vụ tới. Hoạt động thương mại dịch vụ được tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại - dịch vụ, xây dựng văn minh thương mại; chú trọng thị trường nội địa, gắn kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng trong tỉnh, tạo thuận lợi cung ứng hàng hóa thiết yếu, chất lượng cao phục vụ nhân dân các địa bàn nông thôn. Hướng dẫn các trung tâm thương mại, chợ dân sinh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong kinh doanh thương mại, phục vụ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng người dân trong tháng cao điểm Tết Nhâm Dần.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tranh thủ tình hình kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhiều đơn vị đã tổ chức tập trung sản xuất. Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ và dân dụng, gốm, sứ, thủy tinh, cơ khí, chế biến nông sản cũng tổ chức cho người lao động trở lại làm việc sớm từ những ngày đầu năm mới. Đây là là tín hiệu tích cực tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thi đua thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa thích ứng an toàn, linh hoạt tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao trong năm mới này.
TÌNH HÌNH KINH TẾ
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch cây vụ Đông và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng cây vụ Xuân. Chăn nuôi ổn định, sản lượng dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trồng trọt
Sản xuất vụ Đông
Cơ cấu diện tích gieo trồng trong những vụ gần đây đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo tiến độ sản xuất của Sở NN&PTNT tính đến ngày 20/01/2022, diện tích cây vụ Đông 2021-2022 đạt 36.745 ha, giảm 0,2% so với cùng kỳ, diện tích các cây trồng vụ đông đã thu hoạch 33.115 ha, đạt 99,9% diện tích đã gieo trồng. Hiện nay, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang tích cực đôn đốc các hộ nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích cây rau màu đến kỳ cho thu hoạch để chuyển trọng tâm sang gieo trồng vụ Xuân năm 2022.
Làm đất và chuẩn bị vụ Xuân
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2022, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và theo dõi chặt chẽ lịch xả nước của các hồ thủy điện, các thông tin liên quan đến nguồn nước; có kế hoạch chủ động huy động tối đa phương tiện, nhân lực phục vụ việc lấy nước, có phương án trữ nước vào hệ thống kênh mương để thau chua, rửa mặn, vệ sinh môi trường và bảo đảm nguồn nước cho các hệ thống thủy lợi vận hành. Căn cứ vào lịch thời vụ của các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với các đợt xả nước của hồ thủy điện và triệt để thực hiện tiết kiệm nước. Nhờ chủ động các phương án sẵn sàng lấy nước, đến ngày 16/01, tổng diện tích lấy nước đổ ải đạt 37.804 ha/75.420 ha (bằng 50,1 % kế hoạch); phấn đấu cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy và tích trữ nước dành cho tưới dưỡng lúa xuân.
Theo tiến độ sản xuất của Sở NN&PTNT, diện tích đất trồng lúa đã cày lật đất là 74.550 ha, đạt 98,02% kế hoạch sản xuất lúa vụ Xuân 2021. So với mọi năm, vụ Xuân 2021 hầu hết diện tích cày lật đã được phơi ải để hạn chế tối đa nguồn sâu bệnh gối vụ. Với chủ trương vụ Xuân năm nay toàn tỉnh thực hiện gieo cấy 100% các giống lúa xuân ngắn ngày trà xuân muộn để thâm canh dành năng suất cao, ổn định, chủ động trong mọi dạng thời tiết trong đó chú trọng mở rộng các diện tích giống lúa chất lượng cao. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực kiểm tra, chỉ đạo nông dân tranh thủ điều kiện những ngày thời tiết hanh khô tích cực hoàn thành 100% tiến độ cày lật đất, đồng thời chủ động chuẩn bị giống, vật tư phục vụ sản xuất, thực hiện theo đúng tiến độ và kế hoạch chung của tỉnh, huyện đề ra.
Chăn nuôi
Chăn nuôi trâu, bò
Tình hình chăn nuôi trâu, bò tháng 01/2022 có xu hướng tăng. Ước tính tổng đàn trâu, bò đạt 56,7 nghìn con, tăng 0,1% so với cùng kỳ; trong đó đàn trâu ước đạt 6,3 nghìn con, tăng 0,2%; đàn bò ước đạt 50,4 nghìn con, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 0,8 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi lợn
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi những tháng cuối năm 2021 tình hình chăn nuôi lợn có xu hướng giảm do các hộ dân không tái đàn, số lượng chủ yếu duy trì ở các trang trại và hộ chăn nuôi tập trung. Tổng đàn lợn tháng 01/2022 ước đạt 689 nghìn con, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 01/2022 ước đạt 13,3 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi gia cầm
Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng có xu hướng tăng do người chăn nuôi tập trung cung ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ dịp tết Nguyên Đán. Ước tính số lượng đàn gia cầm tháng 01/2022 đạt 14,0 triệu con, giảm 0,4% so với cùng kỳ; trong đó, số lượng đàn gà đạt 9,9 triệu con, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 01/2022 ước đạt 5,3 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 4,3 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm ước tính đạt 19,2 triệu quả, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm nghiệp
Trong tháng đầu năm, ngành lâm nghiệp tỉnh đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng; các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng hiện có trên địa bàn. Trong tháng chưa có diện tích trồng rừng mới bổ sung, số lượng gỗ khai thác đạt 178 mᶟ giảm 2,2%, sản lượng củi khai thác đạt 596 Ste giảm 1% so với năm trước.
Thủy sản
Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi, các hộ nuôi trồng thuỷ sản vùng nước ngọt đang khẩn trương tập trung thu hoạch các loại cá truyền thống (cá trôi, cá trắm , cá chép...); vùng nuôi mặn lợ tiếp tục thu hoạch ngao, cá, cua, tôm. Bên cạnh đó bà con cũng đang tích cực thực hiện vệ sinh, cải tạo ao đầm nuôi để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới. Các hộ đánh bắt hải sản đã tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi thường xuyên bám biển khai thác. Ước tính sản lượng thuỷ sản tháng 01/2022 đạt 20,8 nghìn tấn, tăng 1,9% (+0,4 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác
Sản lượng khai thác tháng 01/2022 ước đạt 8,5 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ; trong đó cá đạt 5,2 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 0,1 nghìn tấn, tăng 1,5%; thủy sản khác đạt 3,1 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ.
Nuôi trồng
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 01/2022 ước đạt 12,3 nghìn tấn, tăng 1,8% (+0,2 tấn); trong đó cá đạt 3,1 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 0,06 nghìn tấn tăng 3%; thủy sản khác đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.
 Sản xuất giống: Ước tính tháng 01/2022 đạt 112 triệu con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giống tôm sú, tôm thẻ đạt 0,5 triệu con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tỉnh Thái Bình tháng 01/2022 ước giảm 7,9% so tháng trước, ngành Khai khoáng tăng 2,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,8%, Sản xuất và phân phối điện tăng 14,2%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 tăng 13,3% so với cùng kỳ; trong đó Khai khoáng tăng 747,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,3%, sản xuất và phân phối điện bằng 97,7%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải bằng 95,2%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 01/2022 có tốc độ tăng cao so với tháng trước như: sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc thô khác (+48,2%) tương ứng với tăng sản lượng 4,93 nghìn tấn;  sản phẩm loa (+35,6%); sản phẩm túi khí an toàn (+14,7%) tương ứng với tăng sản lượng 32,31 nghìn cái, sản phảm vô lăng (+4,5%) tương ứng với tăng sản lượng 6,47 nghìn cái; sản phẩm điện sản xuất (+17,8%) tương ứng với tăng sản lượng 45,29 Triệu KWh.Tuy nhiên trong tháng 1/2022 một số sản phẩm giảm như thức ăn cho gia cầm đạt 99,3%;bia chai đạt 95,3%; bộ com lê quần áo đồng bộ đạt 94,6%; sản phẩm gạch ốp lát đạt 99,6% ...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 01/2022 đạt 74,4% so tháng 12/2022 và tăng 5% so cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số tồn kho tính đến tháng 01/2022, chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo đạt 99,4% so tháng 12/2022, so cùng kỳ đạt 45,1%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm tháng 01/2022 tăng 0,9% so tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 01/2022 ước đạt 343 tỷ đồng đạt 57,3% so với tháng trước tăng 25,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 150 tỷ đồng, đạt 62% so với tháng trước tăng 15,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 120 tỷ đồng, đạt 40,5% so với tháng trước  và tăng 33,2% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 74 tỷ đồng, tăng 20,4% so với tháng trước và tăng 37,5% so cùng kỳ.
Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến trong tháng 01/2022
Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Thái Thụy- Tiền Hải, tổng vốn đầu tư 3.872 tỷ đồng, tháng dự kiến đạt 45 tỷ đồng;
 Dự án cải tạo nâng cấp đường 221B, vốn đầu tư 25 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 2,8 tỷ đồng;
Dự án HT khu dân cư Đồng Rộc Thị trấn Tiền Hải- xã Tây Giang huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 103 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 3,2 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường từ KCN Tiền Hải đi cầu Trà Lý huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 285 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 2 tỷ đồng;
Dự án xây dựng HTKT khu dân cư Thôn Đông xã Tây Giang huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 120 tỷ đồng, dự kiến tháng 01 đạt 4 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng đường và kè tuyến đường liên xã Tây Ninh- Đông Trung huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 25 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 3 tỷ;
Dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp thoát nước thị trấn Tiền Hải, vốn đầu tư 50 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 2,6 tỷ;
Dự án xây dựng đoạn đường kéo dài từ đường cứu hộ, cứu nạn Đông Xuyên, Đông Trà lên đê giao đường 221D huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 50 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 2,9 tỷ đồng;
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221B xã Tây Phong đi xã Nam Hải huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 56 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 3,2 tỷ;
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221B xã Nam Hải đi xã Nam Trung huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 56 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 2,8 tỷ;
Dự án xây dựng trung tâm văn hoá huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 120 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 15 tỷ đồng;
Dự án xây dựng HTKT khu Trái Diêm huyện Tiền Hải, vốn đầu tư 106 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 16 tỷ;
Dự án xây dựng trường Tiểu Học Nam Thanh, vốn đầu tư 15 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 3 tỷ đồng; Dự án cải tạo đường Ngô Thì Nhậm, Thành phố Thái Bình, vốn đầu tư 37 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 3,2 tỷ;
Dự án cải tạo đường Chu Văn An, TP Thái Bình, vốn đầu tư 18 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 4 tỷ;
Dự án xây dựng đường Ngô Quyền, TP Thái Bình, vốn đầu tư 115 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường Trần Phú kéo dài, thành phố Thái Bình, vốn đầu tư 105 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 5 tỷ đồng;
Dự án xây dựng đường Trần Lãm TP Thái Bình (từ Lý Bôn đến Cầu Sam), vốn đầu tư 570 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 500 triệu đồng;
Dự án khu dân cư xã Quỳnh Hưng huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 137 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án khu dân cư Đồng Quỳnh huyện Quỳnh Phụ, vốn đầu tư 140 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án HTKT khu dân cư xã Hồng Minh huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 24 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 7 tỷ;
Dự án HTKT khu dân cư Khả Tiến xã Duyên Hải huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 15 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 5 tỷ; Dự án HTKT khu dân cư Ngô Quyền xã Cộng Hoà huyện hưng Hà, vốn đầu tư 16 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 8 tỷ;
Dự án HTKT khu dân cư xã Dân Chủ huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 16 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 6 tỷ; Dự án HTKT khu dân cư Duyên Trường xã Tây Đô huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 15 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 5 tỷ;
Dự án xây dựng phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp thị trấn Hưng Hà, vốn đầu tư 35 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 10 tỷ đồng;
Dự án xây dựng chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hưng Hà, vốn đầu tư 150 tỷ, dự kiến tháng 01 đạt 10 tỷ đồng.
Thương mại, dịch vụ và giá cả
Tháng 01/2022 là thời điểm trước Tết nguyên đán nên hoạt động thương mại, vận tải có xu hướng tăng so với tháng trước. Trong tháng, giá xăng dầu, gas tiếp tục có sự điều chỉnh tăng giá, các mặt hàng nông sản thực phẩm nguồn cung dồi dào, giá lợn hơi có xu hướng tăng theo ngày, rau các loại đến thời điểm thu hoạch vụ đông nên có xu hướng giảm; một số sản phẩm phục vụ tết, đường, bánh kẹo giá tăng từ 3-5% so với tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 ước đạt 4.731 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 4.163 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp tết tăng như: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 7,7%; hàng may mặc tăng 9,2%; hàng hóa khác tăng 17,3% chủ yếu do nhu cầu mua sắm cây cảnh tăng; dịch vụ sửa chữa mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 14,3% do nhu cầu bảo dưỡng xe cuối năm tăng; xăng dầu các loại tăng 4,7% do giá xăng đâu tăng; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 3,5%;…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 01/2021 ước đạt 292 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,5% và giảm 11,6%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 281 tỷ đồng, tăng 6,4% và tăng 9%.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 277 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó: Bất động sản giảm 0,5% và tăng 3,1%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 3% và tăng 2,9%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 5,8% và giảm 46,1%; dịch vụ y tế giảm 0,5% và tăng 12,6%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí giảm 7% và giảm 17,5%; dịch vụ sửa chữa giảm 5% và tăng 3,8%; hoạt động phục vụ cá nhân khác tăng 4,2% và tăng 5,7%.
Giá tiêu dùng
 Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2022 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng tháng năm trước. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng 01/2022: nhóm giao thông tăng 1,06% do tác động của giá xăng dầu tăng (xăng A95 tăng 1.070 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.050 đồng/lít; dầu DO tăng 1.330 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.280 đồng/lít). Giá lương thực tăng 0,55% tác động trực tiếp từ giá gạo tăng, bên cạnh đó hiện là thời điểm thu hoạch chính vụ đông nên giá các loại rau giảm sâu, giá hoa quả có nguồn gốc từ các tỉnh giảm, giá lợn hơi liên tục tăng theo ngày từ ngày 10/01 đến nay đẩy giá thịt thành phẩm tăng.
CPI bình quân cùng kỳ tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm hàng giảm giá: chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 6,75%; chỉ số nhóm văn hóa, giải trí du lịch giảm 0,95%; chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,27%. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông ổn định; còn lại 7 nhóm có chỉ số giá tăng: chỉ số giá nhóm giao thông tăng 16,71% do giá xăng dầu tăng; chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 8,83%; chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,65%; chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,23%; chỉ số nhóm may mặc, mũ món và giầy dép tăng 0,23%; chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%.
Xuất nhập khẩu hàng hoá
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 310 triệu USD, giảm 19% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 8%; nhập khẩu tăng 7,6%. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01/2022 giảm so với tháng trước do tháng trước là tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp dồn đơn hàng hoàn thành hợp đồng trong năm; tháng một năm nay là tháng đầu năm, một số doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng.
Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2022 ước đạt 152 triệu USD, giảm 24,6% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 87 triệu USD, giảm 26,4% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65 triệu USD, giảm 22% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước như: Giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 42,3%; xơ, sợi dệt các loại giảm 38,1%; hàng hóa khác giảm 34,9%; sản phẩm gỗ giảm 34,5%; sản phẩm từ sắt thép giảm 30,1%; sản phẩm gốm, sứ giảm 28,7%;... Bên cạnh đó một số mặt hàng tăng so với tháng trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 58,6%; hàng thủy sản tăng 3,4%.
Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2022 ước đạt 158 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ. Theo loại hình kinh tế: Kinh tế tư nhân ước đạt 111 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng trước và tăng 43,8% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 47 triệu USD, giảm 25,2% so với tháng trước và giảm 32,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Phế liệu sắt thép giảm 66,8%; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác giảm 34,7%; sắt thép các loại giảm 27,5%; chất dẻo nguyên liệu giảm 27%; hàng hóa khác giảm 21,3%; xơ, sợi dệt các loại giảm 18,3%;… Bên cạnh đó một số mặt hàng tăng: Hàng thủy sản tăng 20%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 17,5%; hóa chất tăng 5,5%.
Hoạt động vận tải
Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu đi lại của người dân có xu hướng tăng, nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên lượng vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ, lượng vận chuyển hàng hóa tăng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết. Vận chuyển hành khách giảm so với cùng kỳ do tháng 01/2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt không xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng nên người lao động làm ăn xa về quê ăn tết đông, lượng vận tải hành khách liên tỉnh tăng mạnh; tháng 01 năm nay dịch diễn biến phức tạp tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, thực hiện công tác phòng chống dịch người dân hạn chế về quê ăn tết, do vậy lượng vận tải hành khách liên tỉnh giảm so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách
Doanh thu vận tải hành khách tháng 01/2022 ước đạt 145 tỷ đồng, tăng 17,7% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1,9 triệu người, tăng 16,4% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 213 triệu người.km, tăng 17,4% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá
Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 01/2022 ước đạt 478 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 272 tỷ đồng, giảm 0,3% và tăng 14,1%; vận tải hàng hóa đường ven biển và viễn dương đạt 180 tỷ đồng, tăng 0,4% và tăng 10,8%; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 26 tỷ đồng, tăng 3,3% và giảm 15%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 3,0 triệu tấn, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 1.107 triệu tấn.km, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 01/2022 ước đạt 5,3 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 8,6% so với cùng kỳ. Doanh thu bưu chính chuyển phát tháng 01/2022 ước đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 2,28% so với cùng kỳ.
Tài chính, ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính tháng 01/2022 đạt 1.453 tỷ đồng, đạt 8,1% so với dự toán, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 552 tỷ đồng, giảm 21,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 130 tỷ đồng, giảm 7%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 770 tỷ đồng, giảm 48,2%.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 01/2022 ước đạt 896 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; trong đó: chi phát triển kinh tế ước đạt 349 tỷ đồng, giảm 13%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 546 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động ngân hàng đã triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, của ngành và địa phương liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Dự kiến đến 31/01/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 94.460 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 76.100 tỷ đồng, tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2021; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chiếm 0,65% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
TÌNH HÌNH VĂN HÓA XÃ HỘI
Lao động và việc làm
Theo Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở đã tham mưu các nội dung về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; về hệ thống cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh việc tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thái Bình.
Sở đã hướng dẫn 40 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 3.520 lao động; hướng dẫn 07 doanh nghiệp kiểm định, khai báo sử dụng 121 loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Tháng 01/2022, toàn tỉnh tạo việc làm cho 1.700 lao động (trong đó việc làm tại địa phương 1.500 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 170 lao động, đi làm việc ở nước ngoài 30 lao động). Có 610 người tham gia học nghề trong đó, trình độ trung cấp nghề 100 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 510 người. Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 165 trường hợp lao động thất nghiệp.
Trợ cấp xã hội
Theo Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 15.739 hộ, tỷ lệ 2,40%; tổng số hộ cận nghèo là 16.218 hộ, tỷ lệ 2,47%. Trong tháng, đã cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo, hộ gia đình cận nghèo năm 2022, cấp 24.886 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình người nghèo; và 33.518 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Dự kiến toàn tỉnh có 47.686 người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ, kinh phí 16.208 tỷ đồng. Đến ngày 21/01/2022, toàn tỉnh có 39.399 suất quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Chỉ đạo các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội tổ chức cho đối tượng bảo trợ xã hội ăn Tết tại trung tâm đảm bảo đúng quy định, an toàn về thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19.
Lĩnh vực người có công
Theo Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sở đã hướng dẫn tổ chức triển khai tặng quà của Chủ tịch nước và của Tỉnh ủy-HĐND-UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tới người có công với cách mạng và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, quà của Chủ tịch nước tặng 79.868 suất, kinh phí 25 tỷ đồng. Quà của Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh tặng 87.395 suất, kinh phí 44 tỷ đồng. Quà của các huyện, thành phố tặng 87.309 suất, kinh phí 18 tỷ đồng. Tổ chức các Đoàn đại biểu của tỉnh, Lãnh đạo các huyện, thành phố đi thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách người có công tiêu biểu và người cao tuổi tròn 100 tuổi; người có công đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm ngoài tỉnh.
Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch bệnh
 Theo Báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, số ca mắc Covid-19 từ 01/01/2022 đến ngày 23/01/2022 2.970 ca (cộng đồng 859 ca, cách ly-phong tỏa 2.111 ca). Về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 tính đến ngày 23/01/2022, tỉnh Thái Bình đã thực hiện được 2.784.420 mũi tiêm, trong đó 2.506.506 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, 277.914 mũi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Tổng số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi là 1.224.946 người, trong đó có 1.066.529 người tiêm tại tỉnh Thái Bình, 158.417 người tiêm tại địa phương khác. Tổng số trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 128.343 người.
Tình hình HIV/AIDS
Toàn tỉnh hiện có 2.225 người nhiễm HIV/AIDS còn sống (được báo cáo) tại 240/260 xã, phường, thị trấn, trong đó có 751 phụ nữ chiếm tỷ lệ 33,75% và 34 trẻ em chiếm tỷ lệ 1,53%. Đảm bảo công tác điều trị ARV cho 1.329 bệnh nhân với tổng số 985/1.329 bệnh nhân (đạt tỷ lệ 74,12%) được nhận thuốc từ nguồn BHYT; tiếp nhận 3 và điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.417 người nghiện tại các cơ sở điều trị.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm
Các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ kép vừa triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh do Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành quản lý, đặc biệt tại các khu cách ly, điều trị tập trung liên quan tới Covid-19 trên địa bàn. Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông được duy trì thường xuyên và tăng cường trong các đợt cao điểm như Tết nguyên đán, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Tết Trung thu với nhiều cách thức tiếp cận tới các đối tượng.
Hoạt động giáo dục
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, với phương châm “Sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên là trên hết” và “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện tình hình thực tế, triển khai các phần mềm dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trên truyền hình, xây dựng kho học liệu để hướng dẫn học sinh học tập tại nhà, bảo đảm kết thúc năm học theo kế hoạch.
Văn hoá - Thể thao
 Theo Báo cáo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở tham mưu tổ chức thành công các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Năm (31/12/1966 - 31/12/2021), hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ Tư (26/3/1962 - 26/3/2022). Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc dừng tổ chức Lễ hội đền Trần, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình năm 2022.
Chỉ đạo Nhà hát Chèo Thái Bình xây dựng kịch bản và tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa chào Xuân Nhâm Dần. Chỉ đạo Bảo tàng tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ quê và phố ông Đồ phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí và tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống của quê hương tới toàn thể nhân dân.
Tình hình an toàn giao thông
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 03 người chết và 09 người bị thương.
Tình hình cháy nổ
Theo báo cáo từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong tháng 01/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra vụ cháy, nổ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây