Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thái Thượng huyện Thái Thụy

Thứ hai - 02/04/2018 19:49
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thái Thượng huyện Thái Thụy
Cùng với lãnh đạo Cục và công chức phòng Nông nghiệp Cục Thống kê tỉnh về huyện Thái Thụy nắm bắt tình hình Nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản tại huyện Thái Thụy, chúng tôi đã về trụ sở UBND xã Thái Thượng , được nghe ông Đỗ Khắc Bằng Chủ tịch UBND xã cho biết toàn xã có diện tích 300ha nuôi trồng thủy sản, những năm trước đây chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh tôm sú và cua nhưng không hiệu quả, từ năm 2012 trở về đây người dân xã Thái Thượng đã mạnh dạn đầu tư đầm nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, thâm canh công nghệ cao, mặc dù việc đầu tư ban đầu khá lớn nhưng cho giá trị kinh tế cao, năm 2012 toàn xã có 6 hộ nuôi với diện tích 4 ha, đến năm 2017 toàn xã có 16 hộ nuôi với diện tích 20 ha cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/1ha, 3 tháng đầu năm 2018 đã có thêm 9 hộ nuôi với diện tích 10ha, nâng tổng diện tích toàn xã lên tới 30ha và 25 hộ nuôi.
Anh 3
 

Từ những thông tin được ông Chủ tịch UBND xã cung cấp chúng tôi về thăm vùng đầm nuôi tôm thẻ công nghệ cao của hộ anh Bùi Đình Gióc tại thôn Bắc Cường xã Thái Thượng, được tận mắt chứng kiến vùng đầm nuôi với diện tích 1 ha  theo công nghệ mới nhất hiện nay với 3 ao nuôi diện tích 0,3ha, 1 ao lắng và 2 ao xử lý nước 0,7ha. Anh Gióc cho biết anh bắt đầu đầu tư nuôi tôm công nghiệp từ năm 2014 với diện tích 0, 96ha với 2 ao nuôi là 0,2ha chi phí đầu tư ban đầu 1,4 tỷ đồng, ngay vụ đầu tiên anh đã thất bại do chưa có kinh nghiệm, nhưng anh đã không nản và đi học tập kinh nghiệm từ những người nuôi trước có hiệu quả hơn, đến vụ nuôi thứ 2 anh đã thành công và cho thu hoạch xấp xỉ 500 tấn tôm với giá từ 172 đến 195 nghìn đồng trên kg, anh đã lãi được gần 400 triệu đồng, tới năm 2016 anh đầu tư tiếp khu nuôi thứ 2 với diện tích 1ha và gần đây nhất năm 2017 anh đầu tiếp khu nuôi thứ 3 diện tích 1ha đầu tư ban đầu hết 1,5 tỷ đồng hoàn toàn bằng công nghệ nhà bạt theo công nghệ mới nhất hiện nay. Anh Gióc cho biết trước đây thường nuôi 1 năm 3 vụ cố định trong một ao nuôi, nhưng nuôi như thế rủi ro cao hơn nên hiện nay anh nuôi theo hình thức luân phiên ao nuôi để xử lý nguồn nước kịp thời, tôm bắt đầu thả cho đến khi được 20 hoặc 30 ngày tuổi thì chuyển sang ao thứ 2 nuôi đến khi được thu hoạch, sau đó xử lý ao một lại nuôi tiếp lứa tôm khác và như thế thì không phải 3 tháng hay 4-5 tháng sau mới có tôm được thu hoạch mà nuôi theo hình thức này thì đều đều 30 đến 50 ngày là đầm nuôi lại được thu hoạch tôm một lần, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong xu thế phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay, hình thức nuôi tôm thâm canh công nghệ cao đang là hướng đi tạo ra sự đột phá mới, mang về nguồn thu lớn cho người dân. Tuy nhiên, để nhân dân chuyển đổi hình thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao như hiện nay người dân xã Thái Thượng đang trông chờ vào sự quan tâm của Nhà nước về nguồn lực tài chính, tạo cơ hội cho người dân nơi đây khai thác tốt tiềm năng từ biển./.

Chi cục Thống kê huyện Thái Thụy


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây