Tiềm năng và cơ hội phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

Thứ hai - 09/03/2020 21:53
Tiềm năng và cơ hội phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình
1. Tiềm năng
Phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở nước ta hiện nay là một trong những giải pháp cơ bản nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp.
Thái Bình là một tỉnh thuần nông nằm ở khu vực Nam đồng bằng Sông Hồng, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của cả vùng; nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong những năm qua, mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, song nhìn chung Thái Bình vẫn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là chủ yếu (Năm 2020 chiếm gần 35%), công nghiệp và dịch vụ có sự dịch chuyển, nhưng chưa chiếm tỉ trọng lớn. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại đưa Thái Bình trở thành tỉnh công nghiệp, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII đã khẳng định "Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế" đây là một trong 5 chương trình trọng tâm của giai đoạn 2011-2020.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phát huy lợi thế về địa lý kinh tế, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Thái Bình đã thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu công nghiệp (KCN), đây là khâu đột phá đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp. Tháng 12/2002, KCN Phúc Khánh - KCN đầu tiên của tỉnh Thái Bình được Chính phủ cho phép thành lập với quy mô diện tích 120 ha. Năm 2016, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã nêu: "Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: công nghiệp, xây dựng đạt 40%; Phát triển công nghiệp theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với đẩy mạnh chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách và ít gây ô nhiễm môi trường".
 

Cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai theo từng thời kỳ, đến nay, tỉnh Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt gồm KCN Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Sông Trà, Tiền Phong, Diêm Điền, Thanh Nê...

Nhìn chung các KCN đã được phân bố ở các địa điểm có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển (gần các trục đường giao thông chính), quy mô các KCN phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ để không làm tăng đột biến về kế hoạch sử dụng đất đai.

Đến nay, KCN Phúc Khánh, KCN Nguyễn Đức Cảnh và KCN Tiền Hải  đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê, KCN Gia Lễ đã cho thuê 64,5 ha/68,8 ha đất công nghiệp cho thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,75%....

Các khu công nghiệp nằm trên trục giao thông đường bộ quan trọng như đường QL10, nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, hoặc cạnh đường sông của hệ thống sông Thái Bình, ven biển như Thái Thụy, Tiền Hải. Mặt khác các khu công nghiệp gần sân bay như Cát Bi, cảng biển quốc gia Hải Phòng, Lạch Huyện, Cái Lân - Quảng Ninh.

Các khu công nghiệp nằm ở các địa phương có lực lượng lao động dồi dào, đến năm 2015 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.420 nghìn người, chiếm 79,3% dân số toàn tỉnh, trong đó lao động đang làm việc là 1.160 nghìn người, chiếm gần 81,7% lực lượng lao động, số lao động đã qua đào tạo chiếm gần 19% số lao động đang làm việc.

Một số khu công nghiệp gần với vùng nguyên liệu như gạo, nông sản, thực phẩm, nguồn cung cấp năng lượng điện, khí… Bên cạnh đó Thái Bình có một số làng nghề, làng nghề truyền thống về dệt may, sợi nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ngoài ra Thái Bình có đội ngũ doanh nhân nổi tiếng thành đạt ở các tỉnh, thành khác, hoặc cả ở nước ngoài đã hình thành nên các tập đoàn lớn như BITEXCo, Gleximco, Hương Sen… luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có nguyện vọng đầu tư về quê hương.

Quy mô của các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh theo từng thời kỳ để giữ vững được đất trồng lúa; nhất là Thái Bình được Chính phủ giao là địa phương giữ an ninh lương thực cho quốc gia.

Đến nay, KCN Gia Lễ là Khu công nghiệp có tỉ lệ diện tích được doanh nghiệp thuê nhiều nhất là gần 73%, đã thu hút được một số doanh nghiệp có dự án lớn như công ty PS Vina, công ty Neo Neon; tiếp đến là KCN Nguyễn Đức Cảnh là hơn 65%, có một số dự án lớn trong KCN: Công ty CP Cấp nước Hoàng Diệu, Công ty Bao đay Vĩnh Trà, Xí nghiệp cơ khí Đoàn Kết, Công ty thương mại dịch vụ Đức Việt, Công ty cổ phần Nhựa Đài Bắc, Công ty bao bì Hương Sen, Công ty Acava Vina, Công ty Hà Tùng, Công ty Đông Phong, Công ty xơ sợi Polyeste...; Rồi đến KCN Phúc Khánh đã cho thuê được gần 65% tổng diện tích, các dự án lớn là: Chi nhánh công ty Japfa Comfeed, công ty Wellhope Việt Nam, công ty Yang Sin, công ty Formosa, công ty cổ phần nhà nước Tôn Vikor ...; KCN Tiền Hải gần 35%, các doanh nghiệp điển hình như: Công ty gạch men Mikado, Công ty gạch ốp lát Thái Bình, công ty Viglacera Tiên Sơn, công ty SX và KD sứ Hào Cảnh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài Ha Hae Việt Nam...; KCN Cầu Nghìn là hơn 16%, với 2 doanh nghiệp: Thép đặc biệt Shengli, công ty gas Phú Hoàng An; Ít nhất là KCN Sông Trà gần 14%, cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn như: Công ty Yazaki Hải Phòng, công ty Bia Hà Nội.

2. Cơ hội phát triển
Khu công nghiệp Phúc Khánh với diện tích quy hoạch 178 ha, thuộc địa phận xã Phú Xuân, phường Phúc Khánh, thành phố Thái Bình;  giáp sông Bạch, là KCN tập trung đa ngành, chủ yếu là công nghiệp và cơ khí, điện tử, may mặc, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng.
Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh diện tích quy hoạch gần 102 ha, thuộc địa phận xã Phú Xuân, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình; Phía Nam giáp đường Trần Thái Tông (QL10); Phía Tây giáp sông Bạch. Là khu công nghiệp đa ngành, bố trí các ngành công nghiệp tiên tiến, có kỹ thuật cao, sử dụng nhiều lao động. Phát triển chủ yếu là ngành dệt may như: Kéo sợi, tẩy nhuộm, dệt vải và may mặc; các dịch vụ ngành dệt may và một số xí nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế biến chế tạo thiết bị, phụ tùng cho các ngành công nghiệp nhẹ và sửa chữa, lắp ráp ô tô, xe máy.
Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh có nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm, đồng thời các khu xử lý chất thải độc hại chưa được xây dựng đồng bộ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các khu lân cận như hộ dân cư và cánh đồng lúa bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khu công nghiệp Tiền Hải với diện tích tương đối lớn gần 251 ha thuộc địa phận xã Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang và xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Với tính chất là khu công nghiệp đa ngành, sản xuất công nghiệp nặng, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng khí mỏ: gốm, sứ, thủy tinh… Do chưa có quy hoạch đồng bộ, sản xuất kinh doanh không theo dây chuyền khép kín nên tình trạng  ô nhiễm, khói bụi ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân cư lân cận và các phương tiện giao thông khi qua lại khu vực này.
Khu công nghiệp Gia Lễ với diện tích gần 85 ha thuộc địa phận 5 xã: Đông Xuân, Đông Dương, Đông Quang (huyện Đông Hưng), xã Đông Thọ, Đông Mỹ (Thành phố Thái Bình) cách trung tâm thành phố khoảng 6km, giáp quốc lộ 10; ít có khả năng gây độc hại với môi trường. Ngành nghề sản xuất gồm: cơ khí, điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, một số ngành công nghiệp khác.
Khu công nghiệp Sông Trà với diện tích hơn 150 ha thuộc địa giới hành chính xã Tân Bình, thành phố Thái Bình và xã Tân Phong huyện Vũ Thư, giáp sông Bạch, giáp đê sông Trà Lý; lĩnh vực sản xuất chủ yếu là loại hình công nghiệp sạch, ít độc hại, ô nhiễm như lắp ráp điện tử, điện lạnh, giày da…
Khu công nghiệp Cầu Nghìn có diện tích tương đối lớn hơn 214 ha, nằm ven Quốc lộ 10 trên địa giới hành chính thị trấn An Bài và xã  An Thanh, huyện Quỳnh Phụ cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 25km; cách Hải Phòng khoảng 45km, giáp sông Hóa và sông Lý Xá. Khu công nghiệp Cầu Nghìn là KCN có ngành sản xuất chủ yếu là ngành luyện kim, cán thép; cơ khí chế tạo. Đặc biệt với công ty sản xuất thép đặc biệt Shengli sản xuất sản lượng lớn, là tác nhân gây bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn làm ảnh hưởng đời sống, sức khỏe của người dân trong khu vực.
Phòng Thống kê Công nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây